Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 6/11/2011 16:24'(GMT+7)

Tạo sức sống cho ca khúc trẻ

 

Trong vài chục năm gần đây, các anh chị em thanh niên là tác giả các ca khúc xuất hiện với số lượng tăng vọt. Có thể nói lực lượng trẻ này khá năng động trong sáng tác. Số lượng tác phẩm của các bạn trẻ ra đời khá nhiều so với thời gian trước đây. Công bằng mà nói, một số ít tác giả trẻ đã dành công sức tìm tòi và sáng tạo ra được một số cái mới trong tác phẩm của mình và đã thành công trong một số ca khúc.

Mặt khác, một số lại biết học tập, chọn lọc, vận dụng được những cái hay, cái đẹp của âm nhạc thế giới đưa vào trong các sáng tác của mình sau khi đã “Việt hóa”. Từ đó, một số ca khúc của những tác giả trẻ này có tiếng vang trong công chúng và điều đáng mừng là chúng có tuổi thọ đáng kể.

Thế nhưng, bên cạnh những cái được nói trên cũng có nhiều cái chưa được của các tác giả trẻ. Trước hết, có nhiều người chưa nắm vững nghề nghiệp âm nhạc, chưa học lý thuyết cơ bản của sáng tác ca khúc, thậm chí chưa biết ký âm sáng tác của chính mình, phải nhờ người khác làm giúp.

Số lượng tác phẩm của các tác giả trẻ ra đời khá nhiều nhưng số “sống dai” lại quá ít. Cứ có tiền là thuê ca sĩ, nhạc công, phòng thu, đạo diễn thực hiện CD, DVD những tác phẩm của mình và tung ra thị trường âm nhạc, kể cả thị trường nhạc chờ của điện thoại di động. Các bài về đề tài tình yêu quá nhiều đến mức bão hòa, mặt khác cách thể hiện lại theo lối mòn, thậm chí dung tục. Khá nhiều các tác giả trẻ quay lưng với các đề tài về quê hương đất nước, gương lao động xây dựng… Nhiều ca khúc nhạc trẻ có giai điệu, tiết tấu bắt chước nhạc nước ngoài, thiếu “tiêu hóa”, sáng tạo. Phần lớn các ca khúc nhạc trẻ có ca từ thô thiển, tầm thường, thiếu hình tượng văn học, thiếu tính chất cao đẹp, tinh túy, tế nhị.

Chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý văn hóa văn nghệ, các nhà xuất bản, các trung tâm văn hóa, các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ nên phổ biến đến quần chúng những tác phẩm có chất lượng (cũng tương tự như việc cần thiết phải kiểm tra chất lượng các sản phẩm trước khi xuất xưởng). Dứt khoát không nên chạy theo lợi nhuận để những ca khúc kém chất lượng, phản cảm “lọt lưới”.

Đối với những tác phẩm tốt của những tác giả trẻ cần được tổ chức giới thiệu, phân tích, bình luận, phổ biến rộng rãi. Các tác giả trẻ cần học tập trong sách vở và trong thực tế để nắm vững thêm về nghề nghiệp. Các đoàn thể và cơ quan nhà nước về văn hóa văn nghệ cần tạo điều kiện để các tác giả trẻ xâm nhập thực tế nhằm tạo thêm nhiều cảm xúc viết về quê hương đất nước, gương lao động xây dựng. Đồng thời cần có biện pháp nghiêm khắc hơn nữa đối với các hiện tượng “cóp” nhạc nước ngoài.

Các tác giả trẻ là lực lượng sẽ kế tục sự nghiệp của các thế hệ đàn anh đi trước, do đó các đoàn thể và cơ quan nhà nước về văn hóa văn nghệ cần quan tâm bồi dưỡng thích đáng cho lực lượng tác giả này về tinh thần, nghiệp vụ lẫn điều kiện vật chất trong mọi hoạt động sáng tạo âm nhạc. Các tác giả trẻ cần nhận rõ vai trò, vị trí của mình trong sự nghiệp âm nhạc của dân tộc và đất nước để ra sức nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghề nghiệp, nhiệt tình lao động sáng tạo để có được những tác phẩm đi vào lòng công chúng, có tuổi thọ lâu dài, góp phần nâng cao tư tưởng, tâm hồn, tình cảm, mỹ cảm cho công chúng.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục

SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất