Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 5/11/2011 15:36'(GMT+7)

Phê bình âm nhạc: Bao giờ hết cảnh "mất giọng"?

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Khi nhà phê bình âm nhạc ngại va chạm

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu (Viện Âm nhạc VN) trong một số hội thảo gần đây về phê bình âm nhạc đã ngao ngán cho rằng: Tôi cảm thấy rất ngao ngán khi nghe những lời phàn nàn rằng hình như ở ta không thấy bóng dáng đội ngũ phê bình nào hết. Phải chăng lực lượng các nhà phê bình âm nhạc quá yếu, hay không có đất cho họ dụng võ?"

Nói là thiếu lực lượng thì không đúng. Vài chục năm gần đây, hầu như năm nào các học viện, nhạc viện và trường nghệ thuật ở khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam đều cho ra lò những tân binh mới cho đội quân lý luận âm nhạc. Cộng số đó với các "chiến binh" đã dày dặn kinh nghiệm, không thể nói là ít người viết.

Nói là thiếu đất dụng võ càng không đúng. Cả nước hiện có hơn 700 tờ báo, cộng thêm các báo mạng, trang thông tin điện tử chuyên ngành, rồi còn các đài phát thanh, truyền hình. Cơ quan nào cũng có chương trình, chuyên mục, chuyên trang văn hóa- văn nghệ.

Giới phê bình âm nhạc "mất giọng", theo nhạc sĩ Doãn Nho, là vì: Đời sống âm nhạc càng sôi động và đa dạng càng lộ rõ những bất cập trong lý luận phê bình. Thực tế cho thấy phê bình âm nhạc chưa theo kịp thực tế nên chỉ khi được báo chí đề cập thì các nhà hoạt động phê bình âm nhạc mới nhập cuộc. Nhưng khi lên tiếng lại thiếu mạnh dạn, thậm chí lảng tránh vấn đề, không dám phê: Trong lĩnh vực phê bình âm nhạc hiện nay đa phần theo chiều thuận là khen chứ ít có chiều kích ngược lại; phải chăng vì quan ngại sự dụng chạm nên các nhà phê bình chúng ta thiếu mạnh dạn- Nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên- Huế thẳng thắn mổ xẻ.

Nhạc sĩ Huy Thục gay gắt hơn khi cho rằng: Hơn 50 năm qua nhà lý luận phê bình âm nhạc nằm im, không hướng dẫn gì cho quần chúng đặc, kể cả nhạc cổ điển, nước ngoài, dân ca và cả những ca khúc mới. Thậm chí cả những cái hay của nhạc Việt bây giờ nhiều buổi thảo luận đã diễn ra nhưng nhà lý luận vẫn nằm im.

Các nhà lý luận phê bình âm nhạc còn “ngại” đụng chạm. Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tự Lân, nhà lý luận phê bình âm nhạc hàng đầu Việt Nam thừa nhận rằng ông ngại vì "nếu phát biểu về chương trình này, bài hát kia thực ra người làm đều là bạn bè mình, thậm chí có khi là học trò mình mà nhận xét nọ kia thì khổ thân nó ra”.

Vì thế, nhà phê bình âm nhạc viết ít, viết nhỏ giọt, rồi để trận địa trống cho các nhà báo theo dõi về văn hóa- văn nghệ thừa cơ "nhảy" vào. Nhưng những bài viết của họ phần nhiều mới dừng ở mức phản ánh về các sự kiện, hoạt động âm nhạc, hoặc khá hơn là có sự tham khảo của một số nhà phê bình âm nhạc. Nhiều thuật ngữ chuyên môn được sử dụng chưa chuẩn.

Nhà lý luận âm nhạc + Nhà báo = Nhà phê bình âm nhạc

Phê bình âm nhạc là phải dẫn dắt, giúp cho thính giả cảm nhận, đánh giá đúng đắn và phân biệt đâu là giá trị nghệ thuật đích thực, đâu là những hiện tượng âm nhạc "rẻ tiền" chạy theo mốt, theo thời thượng. Để hoàn thành trọng trách ấy, nhà phê bình âm nhạc phải am hiểu về âm nhạc, đồng thời có sự nhạy bén, nhanh nhạy của nhà báo thì mới có thể dụng võ ở rất nhiều vùng đất màu mỡ trong hệ thống truyền thông báo chí khổng lồ hiện nay.

Trong đời sống âm nhạc hiện nay, ít có tác phẩm đọng lại với đời sống âm nhạc. Có quá nhiều sản phẩm âm nhạc vô cảm, khó chấp nhận, nhưng lại được đánh bóng bằng những mỹ từ không đáng có, được lăng-xê một cách quá mức. Có hiện tượng lệch chuẩn trong sáng tác, biểu diễn, sao chép ý tưởng, vay mượn âm nhạc nước ngoài vào sáng tác... Có người gay gắt hơn khi cho rằng có cả những "rác thải âm nhạc".

Sự liên kết trong đội ngũ những người làm phê bình âm nhạc là rất cần thiết hiện nay. Tôi nghĩ rằng phê bình về âm nhạc rất cần thiết hiện nay vì nó có một số ca khúc hơi lệch lạc cần có tiếng nói trong giới lý luận, phê bình âm nhạc để làm sao cho nó đi vào chiều sâu, đi vào cái đích thực, cái lành mạnh trong giới âm nhạc. Các anh chị em làm phê bình âm nhạc nên tập hợp để tạo sức mạnh cho hoạt động phê bình của nước ta phát triển tốt hơn. Nhạc sĩ Lê Nghiệp- Chủ tịch Hội Âm nhạc Cần Thơ nêu ý kiến.

Theo PGS-TS Cù Lệ Duyên- Phó Chủ nhiệm Khoa Lý luận Sáng tác chỉ huy, Học viện Âm nhạc quốc gia VN, thực ra không phải công tác lý luận phê bình hiện nay quá èo uột như mọi người nghĩ. Nhưng để đến được với công chúng thì không phải tất cả mọi việc đều thuận lợi. Có rất nhiều nhà phê bình làm công tác phê bình viết những bài định hướng, nghiên cứu cũng khá sắc sảo nhưng để đưa lên báo chí đại chúng thì có những diễn giải chuyên môn hoặc là ngôn ngữ chưa phù hợp. Vì thế cần lắm cái "bắt tay" giữa các nhà phê bình lý luận thực thụ với các cơ quan báo chí truyền thông. Phải bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các nhà phê bình lý luận âm nhạc để làm sao đưa những bài phê bình của mình lên truyền thông một cách hiệu quả, kịp thời.

Về lâu dài, theo Nhạc sĩ Phạm Tuyên, điều quan trọng nhất để công tác lý luận phê bình được tốt thì kèm theo đó chúng ta phải bồi dưỡng cho dân trí được cao. Chúng ta phải có các chương trình cung cấp kiến thức âm nhạc, phân tích về cái hay, cái đẹp của từng thể loại âm nhạc trên Đài TNVN, Đài Truyền hình Việt Nam, đồng thời tổ chức các Hội khuyến nhạc. Một khi dân trí ngày càng nâng cao và được sự hướng dẫn của các nhà lý luận về âm nhạc thì chắc chắn đời sống âm nhạc sẽ tươi vui, tốt đẹp hơn./.

- Trường Thành-

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất