Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 23/11/2014 15:34'(GMT+7)

Yên Bái: đẩy mạnh việc học tập và làm theo lời Bác

Hoạt động của Bộ phận giúp việc các cấp 

Bộ phận giúp việc cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, gồm 21 đồng chí là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng Bộ phận. Bộ phận giúp việc hoạt động theo quy chế, được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 15-02-2012, đồng thời có nhóm chuyên trách đảm nhận những công việc thường xuyên. Tương ứng, các đảng bộ huyện, thị trong tỉnh cũng thành lập bộ phận giúp việc (cùng với nhóm chuyên trách), với quy chế làm việc cho mỗi địa phương.

Thành viên của Bộ phận giúp việc có nhiều đồng chí là lãnh đạo các ban đảng các cấp, làm công tác đảng ở các ngành, địa phương; đều có kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý; đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW. 

Qua thực tế hoạt động, vai trò của Bộ phận giúp việc thể hiện rõ nhất ở 2 nội dung, đó là Tham mưu, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn hoạt động và Tổ chức kiểm tra, sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ở các tổ chức đảng của Đảng bộ Yên Bái (tỉnh Yên Bái đã xây dựng, ban hành 47 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW(1); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ở các cấp ủy đảng(2)). Dưới sự chủ trì của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ phận giúp việc họp giao ban định kỳ 6 tháng/lần, nhằm đánh giá, sơ kết việc thực hiện chỉ thị, xác định rõ nội dung công việc thời gian tiếp theo; đồng thời, nếu có yêu cầu đột xuất từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương có liên quan tới việc thực hiện Chỉ thị, Bộ phận giúp việc có thể tổ chức họp để phối hợp với Đảng bộ tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trên. 

Tuy nhiên, vì đều là thành viên kiêm nhiệm, phải tập trung giải quyết nhiệm vụ thuộc chức trách ở cơ quan, đơn vị, nên thời gian các thành viên Bộ phận giúp việc dành cho thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW còn eo hẹp. Đồng thời, nhóm chuyên trách phải cáng đáng một khối lượng công việc lớn, đòi hỏi về kinh nghiệm công tác và trình độ lý luận tương xứng, bên cạnh đó chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ cho nhóm này. Các lý do trên phần nào ảnh hưởng tới kết quả việc thực hiện Chỉ thị. Đối với cấp huyện, thị và tương đương, bộ phận giúp việc ở một số đơn vị hoạt động còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; việc xây dựng kế hoạch và chương trình hành động còn chưa được chú trọng. Có nơi còn tình trạng coi đây là trách nhiệm của riêng ngành tuyên giáo; chưa duy trì tốt chế độ họp giao ban định kỳ. 

Kết quả thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Đảng bộ Yên Bái

Tạo nên những thay đổi trong suy nghĩ và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh.

Với thế hệ trẻ, việc giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lồng ghép vào các môn học (như ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân) và qua phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Tuổi trẻ Yên Bái học tập và làm theo lời Bác”, phong trào “Thanh niên tình nguyện”, phong trào tuổi trẻ Yên Bái thực hiện “5 xây, 5 chống”. Bên cạnh đó, các diễn đàn trao đổi, tọa đàm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giao lưu, xây dựng gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác… được tổ chức. Qua đó, góp phần giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, hướng dẫn thế hệ trẻ Yên Bái kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu.

Với đội ngũ cán bộ, đảng viên các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW chủ yếu thông qua quán triệt và thực hiện chủ đề của từng năm. Năm 2011, thực hiện chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” (cũng là chủ đề xuyên suốt trong việc học tập và làm theo Bác giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời là chuyên đề cụ thể của hai năm 2011 - 2012). Năm 2012 tổ chức học tập một số tác phẩm của Bác, như “Đường cách mệnh”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc” trong sinh hoạt chi bộ, đoàn thể tại các cơ quan, đơn vị. Năm 2013 tập trung vào chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Năm 2014 tập trung vào chủ đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. 

Việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW theo chủ đề từng năm ở Đảng bộ Yên Bái đã góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng bộ. Kết quả thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW đã tác động tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng ở địa phương.

Qua học tập, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, tinh thần trách nhiệm, phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong toàn Đảng bộ đã xây dựng kế hoạch tu dưỡng rèn luyện bằng những việc làm cụ thể; tự giác, gương mẫu, thực hiện nghiêm túc kế hoạch tu dưỡng rèn luyện; tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương, đơn vị. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, nhất là đổi mới về tác phong làm việc theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân; đề xuất, tham mưu, chỉ đạo giải quyết công việc trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Để có những kết quả trên đây, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương, khen thưởng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng bộ Yên Bái thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, từ đó tạo sự lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị tỉnh. Qua hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, đã có hơn 1.000 tập thể, cá nhân được tuyên dương, khen thưởng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục được nâng lên, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong Đảng, trong xã hội.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của chính quyền các cấp có những bước tiến mới.

Trước hết, yêu cầu việc cam kết chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải công khai nội dung đăng ký trước chi bộ, cơ quan, đơn vị. Việc kiểm điểm kết quả thực hiện theo nội dung đã cam kết là một trong những căn cứ quan trọng để bình xét, đánh giá, xếp loại từng năm; để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Để làm được điều đó, các chuẩn mực đạo đức được xây dựng cụ thể, sát hợp với từng đối tượng cán bộ, đảng viên theo ngành nghề, vị trí công tác, lứa tuổi, giới tính, đặc điểm xã hội. Sau đó, cán bộ, đảng viên đăng ký phấn đấu thực hiện, kết hợp với việc kiểm tra, đôn đốc của tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể và sự giám sát của nhân dân. Để việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ được thực hiện quy củ, các cấp ủy, tổ chức đảng của Đảng bộ tỉnh thực hiện nghiêm túc Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 10-01-2012, của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW, ngày 17-4-2012, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra của các tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Đồng thời, đã gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của từng năm cùng việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng với tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị; ban hành quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt tập trung vào việc nâng cao đạo đức công vụ; cải cách thủ tục hành chính; thực hiện thái độ ứng xử văn minh, lịch sự trong giao tiếp với nhân dân; chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Qua đó, tinh thần trách nhiệm, phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (đặc biệt là thế hệ cán bộ, công chức, viên chức trẻ) đã có sự chuyển biến tích cực.

Công tác lãnh đạo, điều hành tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực.

Việc lựa chọn và xử lý các vấn đề, vụ việc được cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ Yên Bái gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và các cuộc vận động lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua chung của toàn quốc, của từng ngành và từng địa phương theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo phát triển đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số(3). Theo đó, Yên Bái đã rà soát, cắt giảm đầu tư công đối với những công trình, nhiệm vụ chưa cần thiết, tập trung đầu tư những công trình trọng điểm, cấp bách; đồng thời chỉ đạo có những biện pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, thu hút đầu tư vào tỉnh. 

Các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh tiếp tục phát triển khá ổn định, toàn diện; kinh tế - xã hội có khởi sắc. Có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, khẳng định chất lượng của sự phát triển, như thu nhập bình quân đầu người; tổng sản lượng lương thực có hạt; tổng số xã đạt từ 5 tiêu chí nông thôn mới trở lên; tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn; tổng vốn đầu tư phát triển; tỷ lệ giảm hộ nghèo. Trong sản xuất công nghiệp và đầu tư, đã có nhiều dự án quy mô về giao thông, thủy điện, công nghiệp chế biến hoàn thành đi vào khai thác, sử dụng làm tăng thêm năng lực cho nền kinh tế. Sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm chỉ đạo tạo được bước chuyển biến khá rõ nét về chất lượng. Văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông có chuyển biến về mô hình và chất lượng phục vụ. Đặc biệt, công tác an sinh và phúc lợi xã hội được chăm lo, đời sống xã hội lành mạnh. Cùng với đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, giữ vững, không để xảy ra bị động, bất ngờ; bộ máy các cơ quan nhà nước được củng cố, theo hướng tinh giảm đầu mối, rõ chức năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên.

Đảng bộ Yên Bái đã đề ra những việc cần làm ngay theo hướng xác định những việc cụ thể, thiết thực; xây dựng một số mô hình để từ đó nhân rộng. Trong đó, Tỉnh ủy đã xác định 14 vấn đề trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã thực hiện được 88/125 việc cần làm ngay, đạt tỷ lệ 70,4%; các cấp ủy cơ sở đã hoàn thành 2.984/4.357 việc, đạt tỷ lệ 68,5%; các việc còn lại đang được tiếp tục thực hiện. 

Huyện ủy Văn Chấn thực hiện việc xây dựng từ 01 đến 03 mô hình hoặc phần việc cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Thành ủy Yên Bái xây dựng các mô hình điểm gắn với thực hiện chủ đề năm 2013 của thành phố “Năm văn minh đô thị, thu hút đầu tư và an sinh xã hội” và Nghị quyết của Thành ủy về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, hệ thống chính trị thành phố giai đoạn 2011 - 2015”. Huyện ủy Yên Bình có phong trào tự học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hệ thống chính trị huyện. Huyện Mù Cang Chải với phong trào phát huy vai trò của người có uy tín trong phong trào khuyến học; phong trào mỗi thầy, cô giáo đỡ đầu 01 học sinh ở vùng khó khăn và bồi dưỡng miễn phí cho học sinh có học lực yếu, học sinh ôn thi tốt nghiệp của ngành giáo dục. Đảng ủy các xã, phường trong tỉnh có các phong trào, mô hình đồng bào san sẻ đất sản xuất cho nhau, vui chung Tết cổ truyền dân tộc; xây dựng gia đình “04 không” (Không có tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không đói nghèo, không có trẻ em thất học); vận động hộ gia đình hiến đất để làm đường giao thông và xây dựng công trình công cộng… Ngoài ra, còn nhiều điển hình cá nhân gương mẫu trong làm giàu cho bản thân, đóng góp cho xã hội, giữ gìn và phát huy tình thân ái, đoàn kết trong khu dân cư, giữa các dân tộc, để cùng yên tâm sản xuất và xây dựng gia đình.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW 

Trước tiên, cần thực hiện nghiêm túc các chủ đề học tập của từng năm, lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị các cấp. Từ đó, vừa tạo ra khí thế mới trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp - nhiệm vụ thường xuyên của công tác xây dựng Đảng về tư tưởng vừa tạo ra hiệu ứng trong các tầng lớp nhân dân để phát triển kinh tế, vun đắp truyền thống tương thân tương ái, hỗ trợ nhau trong sản xuất và cuộc sống, xây đắp các giá trị tốt đẹp. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kiểm tra, sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ở các tổ chức đảng, để việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp thực sự bền vững.

Thứ hai, gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện tốt công tác vận động nhân dân. Đây vừa là đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, vừa kết hợp đưa Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013, của Bộ Chính trị khóa XI, về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái. Có thể nói, làm tốt công tác vận động nhân dân chính là góp phần quyết định thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đảng bộ địa phương.

Thứ ba, hướng trọng tâm thực hiện về cơ sở. Những thay đổi trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp của Yên Bái thời gian qua, khi thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, thể hiện rõ tiêu chí hướng về cơ sở, giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở, tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, chính là đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, để phục vụ nhân dân tốt hơn, suy đến cùng đã và để đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Qua đó, đánh giá chính xác kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua kết quả thực tế phục vụ nhân dân của tổ chức đảng, chính quyền các cấp.

Thời gian tới, các đảng bộ địa phương cần tiến hành tổng hợp nhiều biện pháp nhằm tiếp tục cụ thể chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội… thành những phong trào, hành động cụ thể, thiết thực, từ đó tạo ra những chuyển biến tốt đẹp, thực sự lâu dài trong từng lĩnh vực của đời sống người dân địa phương, bảo đảm ý Đảng và lòng dân gặp nhau, đúng như mục đích của Chỉ thị số 03-CT/TW đề ra là: “tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng”./.

------------------------------------

(1) Tỉnh ủy ban hành 15 văn bản; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành 32 văn bản

(2) Năm 2012, Tỉnh ủy đã thực hiện 07 cuộc kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW tại 07 đảng bộ cấp huyện, 15 đảng bộ cấp cơ sở; đảng bộ các huyện thực hiện gần 40 cuộc kiểm tra tại 100 chi, đảng bộ cơ sở. Năm 2013, Tỉnh ủy đã thực hiện 10 cuộc kiểm tra tại các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc; ban thường vụ cấp huyện đã thực hiện hơn 80 cuộc kiểm tra tại 200 đảng bộ, chi bộ cơ sở 

(3) Huyện vùng cao Trạm Tấu là một trong 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, trong phong trào “Chuyển dịch đất sản xuất cho nhau” đã có 279 hộ san sẻ cho 338 hộ, với tổng diện tích 155,6 ha, bảo đảm cơ bản các hộ trong huyện đều có đất sản xuất. Triển khai thực hiện chủ trương vận động đồng bào Mông vui chung một Tết cùng với đồng bào cả nước, đến nay 100% đồng bào đã thực hiện. Cuộc vận động đồng bào Mông tổ chức đám hiếu theo nếp sống mới có kết quả tốt, đến nay đã có gần 50% đám hiếu thực hiện theo hương ước, quy định mới

Theo TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất