Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 13/12/2015 9:0'(GMT+7)

Yếu tố con người trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 29-4-2015 tại đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan  giao với đường Bà Nà - Suối Mơ trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 29-4-2015 tại đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan giao với đường Bà Nà - Suối Mơ trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).

Nhiều bất cập cần sớm giải quyết

Năm 1995, lần đầu tiên, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/CP về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Khi đó, cả nước có gần 379 nghìn ô-tô và hơn ba triệu 578 nghìn mô-tô và xe gắn máy; xảy ra 15.999 vụ TNGT, làm chết 5.728 người và bị thương 17.167 người. Theo phân tích của cơ quan chức năng, yếu tố "con người" chiếm khoảng 88% số vụ TNGT. Đến năm 2014, tỷ trọng TNGT do con người gây ra đã nâng lên chiếm khoảng 97% số vụ. Chất lượng hạ tầng giao thông và kỹ thuật an toàn phương tiện đã nâng lên đáng kể, mật độ giao thông năm sau tăng hơn năm trước, nhưng ý thức chấp hành pháp luật về ATGT chuyển biến chưa nhiều,…

Theo quan điểm của chúng tôi, hạn chế lớn nhất trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT từ phía những người thực thi công vụ, đã chưa kiên trì tham mưu cho các cấp có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu dài hạn, toàn diện và sát thực tế các tác động từ chính sách quốc gia, môi trường xã hội, môi trường giao thông, tâm lý người tham gia giao thông; nghiên cứu tác động khách quan khác đến từng nhóm người,… từ đó đề ra những giải pháp sát thực và phù hợp đến từng đối tượng trong từng điều kiện cụ thể. Chưa xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát huy hiệu quả và ưu thế khai thác từng ngành vận tải, do vậy, chi phí xã hội cho vận tải còn cao và TNGT đường bộ xảy ra nhiều. Ngoài hàng không và đường sắt, các ngành vận tải khác phát triển theo xu hướng xã hội hóa, tự phát, thiếu định hướng theo ưu thế của từng ngành, nên có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là trên đường bộ. Người thực thi công vụ cũng chưa nghiên cứu sâu các yếu tố tác động đến điều kiện giao thông để xây dựng phương án tổ chức giao thông phù hợp cho từng thời kỳ trên từng tuyến, ở từng đô thị; hệ thống báo hiệu đường bộ chưa điều chỉnh kịp với điều kiện của kết cấu hạ tầng,…

Đối với hình thức quản trị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ và đường thủy nội địa, phần lớn chủ sở hữu phương tiện vận tải đã “khoán trắng” doanh thu cho lái xe hoặc thuyền trưởng. Vì thế, lái xe hoặc thuyền trưởng chỉ quan tâm việc tăng doanh thu là chính, ít chú trọng bảo đảm an toàn kỹ thuật của phương tiện. Các chủ sở hữu phương tiện vận tải không mấy để ý tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của phương tiện, gần như không chủ phương tiện nào ban hành quy định nội bộ nhằm khuyến khích người trực tiếp điều khiển phương tiện nâng cao tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật,... Thông thường, các chủ phương tiện chỉ quan tâm đến thời hạn "kiểm định" hoặc "đăng kiểm" phương tiện, không bảo dưỡng thường xuyên, nhằm bảo đảm an toàn kỹ thuật giữa hai kỳ "kiểm định" hoặc "đăng kiểm". Chỉ khi chủ sở hữu đồng thời là người trực tiếp điều khiển và khai thác phương tiện vận tải thì chế độ bảo dưỡng kỹ thuật mới được thực hiện tương đối đầy đủ, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của phương tiện mới được coi trọng hơn.

Làm thế nào để thay đổi hành vi?

Chúng ta cần đặt câu hỏi: "Tại sao người tham gia giao thông lại gây ra tai nạn cho chính mình?". Người tham gia giao thông bao gồm tất cả mọi người, không phân biệt người đi bộ, đi xe đạp, xe máy hay điều khiển ô-tô. Theo nhiều nghiên cứu từ các vụ TNGT, đã kết luận, có khoảng 35% đến 50% số người tham gia giao thông hiểu biết pháp luật về trật tự ATGT, nhưng vẫn cố tình vi phạm và gây ra TNGT, số còn lại chưa biết rõ hoặc không biết các quy định.

Từ thực trạng đó, cần tác động phù hợp đến "nhận thức pháp luật và thay đổi hành vi" đối với từng nhóm đối tượng (cố ý và vô ý). Hoạt động "tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật " phải tiến hành đồng bộ, liên tục, kết hợp chặt chẽ với "xử lý vi phạm" mới đem lại kết quả mong muốn.

Hệ thống các cơ quan tuyên truyền đã có nhiều hình thức phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật về ATGT, nhưng chưa đem lại kết quả mong muốn, vì chưa có phương pháp và hình thức tác động trực tiếp đến nhận thức, thay đổi hành vi của từng nhóm người trong từng điều kiện cụ thể. Đơn cử, thanh thiếu niên vi phạm nhiều, chứng tỏ tuyên truyền giáo dục pháp luật trong hệ thống trường học chưa đạt yêu cầu vì thanh thiếu niên trường học dễ tuyên truyền hơn thanh niên đường phố và thanh niên nông thôn. Một bộ phận người thi hành công vụ chưa hoàn toàn nghiêm minh trong kiểm soát xử lý vi phạm, đúng pháp luật, đúng người vi phạm, xử phạt người này, tha người kia thiếu công khai và minh bạch,… tạo ra sự "nhờn luật". Một bất cập khác là hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, Luật Giao thông đường bộ xung đột Luật Doanh nghiệp, Luật HTX,… sự phối hợp của các ngành chức năng chưa ăn ý trong các hoạt động nhằm tác động đến thay đổi hành vi con người. Chẳng hạn, muốn hạn chế xe cá nhân, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển xe buýt, tuy ban hành cơ chế nhưng không thực hiện đầy đủ,…

Do vậy, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần chủ động báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội việc đồng bộ hóa hệ thống pháp luật liên quan theo hướng tăng cường quản lý con người và phương tiện vận tải. Hiện tại, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành nhiều điểm chưa thống nhất, thậm chí còn “vênh nhau”. Cần có sự đổi mới hoạt động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật về ATGT đối với thanh thiếu niên, trọng tâm từ trong hệ thống trường học các cấp. Trách nhiệm chính của hoạt động này thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bởi thanh thiếu niên trong các trường học chiếm tỷ trọng chính. Cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý hoạt động vận tải đường bộ theo hướng tích tụ quy mô doanh nghiệp, tiến tới phân công phạm vi hoạt động phù hợp quy mô doanh nghiệp và năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp của bộ máy quản lý; xây dựng cơ chế, chính sách kinh tế nhằm điều chỉnh phạm vi hoạt động của từng phương thức vận tải phù hợp ưu thế, hiệu quả kinh tế - xã hội của từng ngành vận tải, chú trọng việc hài hòa lợi ích của xã hội, ngành vận tải và chủ hàng. Công tác xử lý vi phạm phải công khai, minh bạch, đúng pháp luật, đúng người vi phạm, không phân biệt người đi bộ, điều khiển xe thô sơ hay xe cơ giới. Đồng thời, sớm kiện toàn cơ quan chuyên trách về ATGT theo hướng quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; xác định sự độc lập nhất định của các "cơ quan phối hợp liên ngành". Ngoài ra, sớm thành lập đơn vị chuyên trách nghiên cứu sâu các lĩnh vực liên quan hoạt động bảo đảm trật tự ATGT và chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động này.

Thân Văn Thanh
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất