(TCTG)- Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, cho biết 1,2 triệu liều vắcxin cúm A (H1N1) đầu tiên được tài trợ thông qua Tổ chức Y tế Thế giới và sẽ về Việt Nam vào nửa đầu tháng 12 tới, sẽ được dùng cho những phụ nữ có thai trên 3 tháng ở tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Theo TTXVN, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, chiều 11/11, Ban điều hành quốc gia về tiêm chủng vắc xin cho biết việc lựa chọn phụ nữ có thai là đối tượng đầu tiên được sử dụng vắcxin nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 ở nhóm này, hạn chế được tình trạng tử vong cả mẹ lẫn con.
Bộ Y tế cũng vừa ghi nhận thêm một trường hợp phụ nữ mang thai tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Bệnh nhân 16 tuổi, ở Rạch Giá (Kiên Giang), đang mang thai tháng thứ 6.
Ngày 3/11, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, tự điều trị tại nhà 4 ngày nhưng không đỡ. Ngày 7/11, bệnh nhân nhập bệnh viện Đa khoa Kiên Giang và được chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân. Tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng và tử vong ngày 9/11.
Ngày 11/11, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh trả kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Đây là trường hợp tử vong thứ 41 tại Việt Nam và là phụ nữ có thai thứ 10 tử vong do virus này.
Tiến sĩ Nga khuyến cáo, với những phụ nữ có thai, ngay khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh tự điều trị ở nhà nhằm đề phòng biến chứng nặng và tử vong.
Tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia ,cũng cho biết hiện dịch cúm A/H1N1 vẫn diễn biến phức tạp, khó có thể xác định tổng số ca nhiễm cúm thực sự ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ những người bị viêm phổi nhập viện đang ngày càng gia tăng.
Khi tiến hành xét nghiệm cúm A/H1N1, tỉ lệ dương tính chiếm đa số. Nhiều trường hợp viêm phổi nặng phải hỗ trợ bằng máy thở.
Ông cũng khẳng định cúm A/H1N1 khi đã biến chứng thì điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn. Do vậy, nguy cơ tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 có thể tiếp tục tăng trong thời điểm giao mùa này, đặc biệt ở nhóm đối tượng có tiền sử mắc các bệnh mãn tính./.
TG