Trong thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Nhận thức của người dân về VSATTP đã được nâng lên rõ rệt; số lượng các cơ sở bảo đảm điều kiện VSATTP trong cả nước ngày càng tăng; Công tác thanh tra, kiểm tra đã từng bước được đẩy mạnh... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn một số yếu kém: Tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa được kiểm soát chặt chẽ; tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn còn khá phức tạp; chưa có khả năng đánh giá việc ngộ độc thực phẩm mạn tính và mối liên quan giữa thực phẩm và các vấn đề sức khoẻ và phát triển giống nòi; Công tác giáo dục, truyền thông về ATTP mới chỉ tập trung vào những tháng cao điểm trong năm, nội dung chưa phong phú và hiệu quả còn hạn chế...
Bên hành lang Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trao đổi về những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực này.
** Một trong những hạn chế hiện nay của công tác quản lý an toàn thực phẩm là việc phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành chưa rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai và phối hợp thực hiện. Có ý kiến cho rằng nên thành lập một cơ quan điều phối chung về công tác này, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Đăng Vang: Trên thế giới, về vấn đề này thì, có nước thực hiện, có nước không. Sát với Việt Nam, Trung Quốc mới thực hiện từ tháng 2/2009, đến nay mới được 7-8 tháng, nên cũng chưa rút ra được kinh nghiệm. Một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Canada tuy không có cơ quan về an toàn thực phẩm riêng, nhưng họ lại tăng cường quyền lực cho các cơ quan được giao trách nhiệm. Bên cạnh đó, họ cũng tăng cường đầu tư - đây là vấn đề cơ bản nhất, để khi có hiện tượng nghi vấn, họ có thể can thiệp ngay lập tức.
Một vấn đề nữa là họ có người giám sát ngay trong quá trình sản xuất. Trong các cơ sở giết mổ, người của cơ quan kiểm soát kiểm tra từng con lợn, con gà. Đây là điều chúng tôi rất bất ngờ bởi họ có thể làm chi tiết đến vậy, còn ở ta thì giết mổ ở bất kỳ đâu. Nếu chúng ta xây dựng được lò mổ tập trung quy mô lớn thì đã là rất tốt rồi. Tuy nhiên ở nước ngoài, mặc dù công nghệ giết mổ được tự động hóa, nhưng vẫn có người kiểm tra để tránh tình trạng một sản phẩm không đủ chất lượng bị lọt vào dây chuyền sản xuất.
Ở Việt Nam, không có đủ người để làm công việc đó vì lực lượng thanh tra, kiểm tra của chúng ta chỉ có 12 người. Đến cuối năm 2009 này, có khả năng lực lượng này sẽ lên tới 600 người, và dần dần, sẽ phải bổ sung tới tới 5.000 - 7.000 người thì mới thực hiện kiểm soát được.
** Được biết tại buổi làm việc giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với Bộ Nông nghiệp Hungaria mới đây, phía bạn đã đề xuất nhiều ý tưởng về việc thành lập một cơ quan chuyên trách, đưa tất cả các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm hiện phân tán ở các Bộ về một đầu mối. Ông đánh giá mô hình của Hungaria như thế nào và có thể áp dụng mô hình đó vào Việt Nam không?
Ông Nguyễn Đăng Vang: Mô hình của Hungaria là Bộ Nông nghiệp quản lý hết, trước đây họ cũng chia ra ở nhiều bộ như mình. Để giải quyết việc thiếu bác sĩ, nhân viên y tế về dinh dưỡng thì họ mời bác sĩ ở lĩnh vực đó về và Bộ Nông nghiệp quản lý. Tuy nhiên ở Hungaria, cơ quan này vẫn trực thuộc Bộ Nông nghiệp chứ không phải là một cơ quan độc lập ngang Bộ. Mô hình thành lập một cơ quan độc lập hoàn toàn hiện nay là rất ít trên thế giới. Mặc dù vậy, họ có một thành viên của Chính phủ theo dõi lĩnh vực này, có trách nhiệm để báo cáo với Thủ tướng. Xuất phát từ vai trò giám sát, cũng như yêu cầu đòi hỏi của người dân rất cao nên phải có một hệ thống như vậy.
** Vậy tại Việt Nam, theo ông liệu chúng ta có nên nhập tất cả các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm hiện đang phân tán ở các Bộ, ngành về một Bộ chủ quản nào đó, ví dụ như Bộ Y tế?
Ông Nguyễn Đăng Vang: Trong quá trình soạn thảo Luật, quá trình thẩm tra và các hội thảo, cũng có ý kiến cho rằng nên nhập về một cơ quan, bởi họ không muốn một sản phẩm lại phân khúc ra cho nhiều cơ quan quản lý (ví dụ sản xuất thịt, giai đoạn chăn nuôi là Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, giai đoạn chế biến là Bộ Y tế, dán nhãn mác là Bộ Khoa học - Công nghệ, lưu thông trên thị trường là Bộ Công thương…). Để tránh việc phân khúc như vậy, không biết ai kiểm soát, hoặc vô tình cùng một lúc lại có nhiều đơn vị kiểm soát, làm phiền doanh nghiệp, hướng đi của chúng ta hiện nay là đã giao sản phẩm nào, cho Bộ nào quản lý thì Bộ đó giải quyết từ đầu đến cuối. Có nghĩa là, những sản phẩm thuộc về nông nghiệp thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường. Như vậy việc truy nguyên nguồn gốc cũng dễ dàng.
Hiện nay, dự thảo Luật mới đang trong giai đoạn đầu, tuy nhiên nhiều Bộ cũng tán thành cách làm như vậy. Thời điểm hiện nay, trang thiết bị của chúng ta chưa đủ, người chưa đủ, vì thế những Bộ chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp, quản lý các sản phẩm nông nghiệp, những lĩnh vực chế biến công nghiệp thì bên Công thương quản lý; lĩnh vực về dinh dưỡng, con người thì Bộ Y tế quản lý. Còn lại, việc quản lý mang tính chất hành chính, quản lý về thực phẩm ở tại một tỉnh và nằm trong phạm vi tỉnh đó thôi, không liên quan đến tỉnh khác thì nên mạnh dạn giao thẳng cho địa phương, chứ không phải mang lên Trung ương nữa.
** Nếu quản lý theo chuỗi như vậy thì có thể năng lực của các Bộ không quản lý đến giai đoạn cuối được, như vậy có ảnh hưởng đến hiệu quả không thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Vang: Việc này sẽ được quản lý theo quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, theo hệ thống mang tính chất pháp lý. Thứ nữa là sẽ dùng hệ thống thanh tra, kiểm tra để quản lý (hệ thống các Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản được thành lập ở tất cả các địa phương). Những chi cục này đang được tiến hành thành lập sẽ có khoảng 15 người, trong đó có một hệ thống thanh tra khoảng 5 người và hệ thống quản lý, khoảng 1.000 người. Với khoảng 1.000 người làm thì rõ ràng vấn đề sẽ được cải thiện.
** Xin cảm ơn ông!./.
Hùng-Hà - VOVnews