Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 (2000-2009) được mô tả là một thời kỳ đầy biến động với nhiều sự kiện còn để lại dấu ấn địa - chính trị và kinh tế - xã hội trên thế giới. Đó cũng là giai đoạn mà nhân loại đối mặt với một loạt nguy cơ, từ thiên tai đến nhân tai. Dù vậy cuộc sống vẫn cứ tiến bước trong bao hi vọng cho tương lai.
10 sự kiện nổi bật qua bình chọn của nhiều hãng thông tấn, báo chí cùng các viện nghiên cứu khắp thế giới..
Sự kiện 11-9-2001
Lần đầu tiên ngay trên đất của mình, nước Mỹ cùng nhiều biểu tượng lớn như tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới, Lầu Năm Góc bị tấn công. 2.993 người thiệt mạng. Thủ phạm là Al Qaeda của Osama Bin Laden. Vụ khủng bố khủng khiếp này đã đưa nước Mỹ và thế giới vào thời kỳ chống khủng bố quốc tế. Từ năm 2001 đến nay thế giới đã ghi nhận 47 vụ khủng bố làm hơn 4.000 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người bị thương.
Mặc dù khủng bố đã bị khống chế, nhưng nước Mỹ và thế giới vẫn mãi bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi khủng bố.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 được đánh giá là tồi tệ nhất từ thời đại suy thoái những năm 1930.
Thống kê của trang mạng Global Issues chuyên về các vấn đề toàn cầu cho thấy trong hai năm, cuộc khủng hoảng đã cuốn phăng số công ty trị giá 14.500 tỉ USD ở Mỹ và châu Âu, tức lớn hơn nền kinh tế Mỹ (13.800 tỉ USD). Nước Mỹ và châu Âu đã phải bỏ ra 11.100 tỉ USD để cứu các công ty và tập đoàn tài chính bên bờ vực phá sản chỉ trong ba năm, gấp hơn bốn lần số viện trợ phát triển cho các nước nghèo trong suốt ba thập niên (2.600 tỉ USD). Đó là chưa kể hàng ngàn tỉ USD khác đã được chính phủ các nước bỏ ra với hi vọng phục hồi kinh tế.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới như “cơn bão cấp 12” đã được chế ngự, bão đã qua, nhưng sự phục hồi diễn ra chậm.
Barack Obama lên nắm quyền
Đúng là người dân Mỹ đã bầu cho một kỳ vọng thay đổi qua khẩu hiệu “Vâng, chúng ta có thể” của ông Obama hơn là một con người. Dư luận thế giới cũng hi vọng một nước Mỹ thay đổi và có một quan hệ hòa hợp trong LHQ, chứ không “riêng mình một cõi” như trước. Nước Mỹ và thế giới đang dần chứng kiến một Obama trong thực tế đang phải vật lộn với rất nhiều vấn đề của bản thân nước Mỹ cũng như nhiều hồ sơ quốc tế. Việc trao Nobel hòa bình cho một tổng thống của chiến tranh cũng được xem là vội vã và đầy nghịch lý.
Trọng tâm thế giới đã dịch chuyển
Trước đây các nước G7, đứng đầu là Mỹ và châu Âu, đã lãnh đạo thế giới, và đây được xem là trọng tâm của thế giới. Giờ đây trọng tâm của thế giới đã dịch chuyển với sự xuất hiện của những nền kinh tế mới nổi, đứng đầu là Trung Quốc. Báo cáo của Ủy ban Tình báo quốc gia Mỹ (NIC) cho biết năm 2035 tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc và Ấn Ðộ sẽ cao hơn Mỹ. Riêng các nước BRIC (Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Nga) sẽ có GDP tương đương với nhóm G7 vào giai đoạn 2040-2050 và tổng tài sản của nhóm nước này sẽ cao hơn tổng tài sản của G7.
|
Copenhagen: các nhà lãnh đạo thế giới họp qua đêm nhưng vẫn không thể cứu hội nghị và cứu Trái đất - Ảnh: Reuters |
Biến đổi khí hậu
Thập niên 2000-2009 bắt đầu với mùa đông nóng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Và khi mặt trời lặn trong ngày 31-12-2009, nó sẽ kết thúc là thập niên nóng nhất trong lịch sử loài người kể từ khi nhiệt độ Trái đất được ghi lại. Năm 2007, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) ra một báo cáo gây sốc: trong tương lai không xa, hàng trăm triệu người sẽ trở thành nạn nhân của hạn hán, lũ lụt, bão tố, dịch bệnh, nước biển dâng.
Tuy nhiên niềm hi vọng lớn là Hội nghị Copenhagen tháng 12-2009 lại kết thúc với một bản hiệp ước mờ nhạt. “Các thế hệ tương lai sẽ phải trả giá đắt cho 10 năm bất lực của chúng ta” - báo Independent bình luận. Nhưng cũng chưa bao giờ mối quan tâm đến “ngôi nhà chung” Trái đất lại dâng cao và rộng khắp thế giới như hiện nay.
Internet và các mạng xã hội lên ngôi
Ở tuổi 40, Internet đã đóng vai trò cực lớn trong quan niệm “toàn cầu hóa”. Với công nghệ thay đổi liên tục, chưa bao giờ tính tương tác, kết nối, lưu trữ, chia sẻ, các dịch vụ và khối lượng thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay. E-mail, nhắn tin trực tuyến, Google, YouTube, Facebook, Twitter, Skype, Wikipedia, blog đã là phần không thể thiếu trong hoạt động hằng ngày của con người hiện đại. Kéo theo đó là các xu hướng làm việc ở nhà, học tập, mua hàng trên mạng, chiến tranh trên mạng.
Theo thống kê của http://www.internetworldstats.com, từ 400 triệu người sử dụng Internet năm 2000 đến nay con số này đã lên đến 1,7 tỉ người, chiếm khoảng 25% dân số thế giới.
|
Thái Lan: thả đèn trời để tưởng nhớ các nạn nhân sóng thần 2004 - Ảnh: Reuters |
Sóng thần, động đất
Thiên tai khắp thế giới đạt đến mức độ tàn phá khủng khiếp. Ngày 26-12-2004, trận động đất mạnh nhất trong 40 năm ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia) đã tạo ra những đợt sóng thần cao tới 30m, đánh vào bờ biển 14 quốc gia dọc Ấn Độ Dương. Khoảng 230.000 người thiệt mạng.
Tháng 5-2008, trận động đất 7,9 độ Richter ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) làm 87.400 người chết.
Dịch bệnh lan nhanh toàn cầu: từ Quảng Đông (Trung Quốc), đại dịch SARS lây truyền hơn 8.000 người tại 37 quốc gia, cướp đi sinh mạng của 774 người. Tiếp đó là cúm gia cầm H5N1. Năm 2009, cả thế giới lại hốt hoảng khi virus cúm A/H1N1 xuất phát từ Mexico lây lan đến hàng triệu người ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 12.121 người thiệt mạng.
Điểm nóng hạt nhân
CHDCND Triều Tiên và Iran tiếp tục là các điểm nóng trên thế giới về vấn đề vũ khí hạt nhân với vô vàn cuộc thương lượng, hủy thương lượng, các biện pháp trừng phạt... Các cuộc đàm phán giữa Cơ quan Năng lượng quốc tế mà chủ yếu là Mỹ với hai nước này vẫn đang bế tắc.
Năng lượng hạt nhân thật sự là con dao hai lưỡi: Trang mạng chuyên về giải giáp vũ khí hạt nhân Nuclearfiles.org dẫn lời các chuyên gia tiên đoán đến năm 2025, nhu cầu năng lượng điện trên toàn thế giới sẽ tăng 75%, dẫn đến việc số nước sử dụng năng lượng hạt nhân sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
Liên kết khu vực
Các ý tưởng, đề xuất hay mô hình liên kết địa - chính trị hoặc địa - kinh tế tiếp tục xuất hiện và hình thành. Tại châu Âu, hiệp ước Lisbon vừa được các quốc gia gia nhập cuối cùng thông qua, đã hình thành một liên kết địa - chính trị - kinh tế với 27 nước cùng khoảng 500 triệu dân, một thị trường và một đồng tiền chung. Tại châu Á, vào tháng 11-2008 ASEAN lần đầu tiên có hiến chương sau hơn 40 năm thành lập, mở ra chặng đường phát triển mới, đặc biệt với kế hoạch thành lập cộng đồng chung ASEAN năm 2015 và triển khai hiệp định tự do thương mại (FTA) với một loạt nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc…
Khủng hoảng giá lương thực
Khủng hoảng lương thực bùng nổ năm 2007 và đạt cao điểm vào những tháng đầu năm 2008. Giá các loại ngũ cốc chính trên thị trường thế giới bỗng tăng vùn vụt. Đầu tiên là giá lúa mì và sau đó là gạo tăng mạnh nhất, lên gấp ba lần chỉ trong vòng sáu tháng, từ 350 USD/tấn lên trên 1.100 USD/tấn vào tháng 5-2008. Giá các loại lương thực khác cũng đồng loạt leo thang. Bạo động xảy ra ở nhiều nước. Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) và các tổ chức quốc tế nhanh chóng vào cuộc.
Cuộc khủng hoảng lương thực đã hạ nhiệt phần nào từ cuối năm 2008, nhưng từ nay lương thực và nông nghiệp tiếp tục là một trong những quan tâm chính của thế giới. Những nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng lương thực cần tiếp tục được xem xét: dân số gia tăng, quỹ đất hao hụt, đầu cơ và thâu tóm đất đai, biến đổi khí hậu...
(Theo Tuổi trẻ online)