Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 30/12/2009 10:31'(GMT+7)

Chính quyền Obama - Từ khởi động tới tăng tốc

Chính quyền của Tổng thống Obama vẫn còn đó nhiều việc phải làm. (Ảnh: Getty Images)

Chính quyền của Tổng thống Obama vẫn còn đó nhiều việc phải làm. (Ảnh: Getty Images)

Những thành tích của chính quyền Tổng thống Obama đã đạt được ban đầu, những mục đích bước đầu đề ra giờ đây sẽ phải song hành với nỗi lo về an ninh để bước sang một năm mới đầy khó khăn, thử thách.

Trong cả chặng đường nhiệm kỳ bốn năm, nếu đánh giá trong năm đầu tiên chính quyền Tổng thống Barack Obama đã hoàn tất bước khởi động thì sang năm tới ông sẽ phải tăng tốc.

Hâm nóng bầu nhiệt huyết

Có lẽ thành tích mà Chính quyền Tổng thống Obama đạt được trong năm qua chỉ dừng lại ở việc hâm nóng bầu nhiệt huyết của cử tri và chính trường thế giới. Nhưng ngay cả bầu nhiệt huyết này cũng có xu hướng giảm vào những ngày cuối năm, khi tỷ lệ ủng hộ ông Obama lần đầu tiên xuống mức dưới 50% (theo khảo sát của kênh truyền hình CNN ngày 4/12) so với 70% ủng hộ trong những ngày đầu nhậm chức. Nước Mỹ và thế giới đã ghi nhận những nỗ lực của chính quyền mới, song dấu hiệu trên cho thấy ông Obama và đảng Dân chủ cần làm nhiều hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở mục tiêu và lời nói.

Dễ nhận thấy việc xử lý vấn đề kinh tế là thành công đáng nói nhất của ông Obama trong năm qua. Gói cứu trợ kinh tế 787 tỷ USD, kế hoạch ổn định ngành tài chính, ba dự luật được ban hành để thúc đẩy các quy định và khả năng giám sát tài chính, tái cơ cấu ngành ôtô - ngành "xương sống" của nền kinh tế Mỹ, khuyến khích phát triển năng lượng sạch, kinh tế xanh, tạo thêm việc làm... tất cả đã giúp nền kinh tế Mỹ trước mắt không bị sụp đổ.

Tuy nhiên, kết quả thực sự của những biện pháp này chỉ có thể nhận thấy vào năm sau, thậm chí nhiều năm sau, nên có thể kết luận thành tích lớn nhất của ông Obama trong giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế là giúp nước Mỹ tránh được vết xe đổ của cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước. Còn khi nào Mỹ thoát khỏi khủng hoảng, thoát ở mức độ nào thì chưa thể đánh giá được trong thời điểm này.

Một thành tích lớn nữa của ông Obama trong vấn đề đối nội là kế hoạch cải cách hệ thống y tế đã được Quốc hội thông qua. Kế hoạch được coi là "lịch sử" này dự kiến mở rộng chế độ bảo hiểm y tế cho khoảng 31 triệu người Mỹ, nhưng đang gây chia rẽ giữa đảng Dân chủ vốn ủng hộ dự luật cải cách với đảng Cộng hòa, và gây tranh cãi ngay trong dư luận Mỹ.

Giờ đây, Chính quyền Obama phải chờ đợi hai viện Quốc hội thảo luận để thông qua một văn bản cuối cùng trước khi trình Tổng thống ký phê chuẩn. Đã có không ít nghị sỹ tuyên bố chỉ ủng hộ dự luật cải cách y tế nếu những gì được bàn và thông qua tại Thượng viện không khác nhiều so với dự thảo mà Hạ viện đã nhất trí trước đó. Cái khó là ở chỗ mức độ khác nhau sẽ được đánh giá theo nhiều quan niệm.

Nếu không có cuộc khủng bố "hụt" trong chuyến bay kể trên, việc điều chỉnh chính sách an ninh của ông Obama sẽ được đánh giá cao hơn nữa. Trong năm qua, Chính quyền của ông đã chú trọng nhiều hơn tới các nguy cơ phi truyền thống, như biến đổi khí hậu và phổ biến hạt nhân, trong khi chuyển trọng tâm cuộc chiến chống khủng bố từ Iraq sang Afghanistan. Một chính sách ngoại giao khôn ngoan, thực dụng, kết hợp giữa sức mạnh cứng và quyền lực mềm trong những điều kiện khác nhau đã được áp dụng.

Nhà Trắng chủ trương xây dựng một thế giới đa phương thông qua việc củng cố quan hệ với thế giới Hồi giáo, với các nước đồng minh (Anh, Pháp, Đức...), điều chỉnh quan hệ với các nước mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil...) và can dự với các nước thù địch (Iran, Triều Tiên) thông qua đối thoại.

Tuy nhiên, những khác biệt so với chính sách ngoại giao của chính quyền tiền nhiệm chưa mang lại nhiều thay đổi trong một loạt vấn đề tồn tại, như hòa bình Trung Đông, vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên... Giới phân tích đánh giá nguyên nhân là do chính sách ngoại giao hiện nay của Mỹ còn mang nặng tính coi mình là "trung tâm" nên vẫn khó "đi vào lòng người". Một năm khởi động của chính quyền Mỹ dẫu sao cũng kết thúc tốt đẹp hơn dự đoán.

Vượt qua thử thách

Sang năm 2010, chính quyền Tổng thống Obama sẽ đối mặt với một loạt thách thức vốn rất cần sự đẩy nhanh hành động mới có thể giải quyết. Trong nước, ngay từ lúc này, vấn đề tạo thêm việc làm cho người lao động đã trở thành cấp thiết hơn bao giờ hết vì đó là lợi ích sát sườn của người dân, cũng là nhân tố đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế Mỹ.

Nếu tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức hai con số, đảng Cộng hòa có quyền chỉ trích kế hoạch cứu trợ kinh tế của chính quyền là tốn kém mà không hiệu quả. Sự phê phán cũng có thể đổ lên kế hoạch cải cách y tế nếu chính quyền không đưa ra được chương trình chi tiêu hợp lý trong bối cảnh thâm hụt ngân sách liên bang ngày một "phình to".

Để vượt qua những thách thức trên, Chính quyền Obama không chỉ phải thể hiện bản lĩnh và khả năng chính trị mà còn phải biết tập hợp sức mạnh, sự đoàn kết trong đảng Dân chủ. Điều này trước mắt đã được thể hiện qua cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện về dự luật cải cách y tế vừa qua, theo đó một tập hợp đảng Dân chủ đoàn kết cùng hai nghị sỹ tự do đã làm nên chiến thắng. Trong năm 2010, bản lĩnh chính trị và tinh thần đoàn kết của đảng Dân chủ còn bị thử thách trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, giữa lúc có nhiều ý kiến cho rằng phần thắng sẽ nghiêng về đảng Cộng hòa.

Về đối ngoại, năm 2010 sẽ chứng kiến giai đoạn khó khăn của Washington trong vấn đề Afghanistan. Tổng thống Obama đã quyết định triển khai thêm 30.000 quân tới chiến trường này và bắt đấu rút quân vào tháng 7/2011. Chiến lược mới của Mỹ sẽ được áp dụng ở Afghanistan trong khi xung đột chính trị mới có thể diễn ra trên chính trường Washington, giữa một bên là đảng Cộng hòa và một bên là đảng Dân chủ.

Năm tới, Nhà Trắng cũng sẽ phải cân nhắc để đi đến quyết định trong vấn đề hạt nhân của Iran, trừng phạt hay không trừng phạt, nếu trừng phạt thì ở mức nào để lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hạn chót một năm để đóng cửa nhà tù Guantanamo cũng "đến hồi phân giải". Đó là chưa kể một loạt vấn đề khác còn dang dở mà Mỹ cũng cần phải giải quyết.

Khép lại năm cũ, nước Mỹ đang bước vào năm mới với nhiều mục tiêu cụ thể nhưng chưa thể chắc chắn về kết quả. Sau khởi động, đã đến lúc nước Mỹ tăng tốc./.

Theo Đỗ Vân (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất