1. VINASAT-1 (vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam)
5h17 phút sáng 19/4/2008, VINASAT-1, vệ tinh đầu tiên của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo trái đất, đưa ngành Viễn thông Việt Nam lên một tầm cao mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực thông tin liên lạc của Việt Nam. Việc phóng vệ tinh này đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong không gian vũ trụ, thể hiện vị thế ngày càng lớn mạnh của đất nước và của ngành Thông tin-Truyền thông Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế với thế giới.
|
Trạm vệ tinh tại Quế Dương đã tiếp nhận tín hiệu thành công từ VINASAT-1 |
Cùng với trên 200.000 km cáp quang trên đất liền và dưới biển, hệ thống vi ba số hiện đại, VINASAT-1 đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia theo hướng hiện đại, dung lượng lớn, nâng cao độ an toàn mạng lưới, thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đi quốc tế.
2. Bưu chính hoạt động độc lập
Từ ngày 1/1/2008, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu sự kiện lịch sử 63 năm xây dựng và phát triển ngành Bưu chính viễn thông. Việc chia tách bưu chính, viễn thông thể hiện sự đổi mới trong quản lý, phù hợp với xu thế phát triển của bưu chính, viễn thông và cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam.
Đặc thù của Bưu chính là cung cấp dịch vụ xã hội, bao gồm dịch vụ bưu chính cơ bản (dịch vụ thư) và các dịch vụ bưu chính khác. Dịch vụ bưu chính cơ bản là yêu cầu bắt buộc cung cấp để đáp ứng nhu cầu được thông tin của người dân. Đây là nhiệm vụ công ích được nhà nước đảm bảo và giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam thực hiện.
Ngày 2/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 65/2008/QĐ-TTg về cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích, xác định lộ trình phấn đấu của ngành Bưu chính, với quyết tâm vươn lên giảm dần bù lỗ, tiến tới cho lãi vào năm 2013.
3. Tăng cường kỷ cương trong hoạt động báo chí, xuất bản
Năm 2008, báo chí trong cả nước đã đóng góp rất lớn trong việc thông tin, tuyên truyền các giải pháp về kiếm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phản ánh kịp thời sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ…
Bên cạnh những thành công, năm 2008, báo chí, xuất bản cũng gặp không ít khó khăn. Trong cuộc cạnh tranh thông tin, một số cán bộ, phóng viên, biên tập viên đã không giữ được tính khách quan, trung thực, chính xác của thông tin và những tiêu chuẩn cơ bản nhất của báo chí.
Trong hoạt động xuất bản, một số bất cập trong liên kết xuất bản đã làm phát sinh những sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Chính vì thế, trong năm qua, Bộ Thông tin-Truyền thông đã kịp thời xử lý nghiêm túc mọi sai phạm của cá nhân và tập thể đối với việc cung cấp thông tin sai sự thật.
Để giúp cho hoạt động báo chí, xuất bản đượt tốt hơn, Bộ Thông tin-Truyền thông đang tích cực hoàn chỉnh Luật Báo chí sửa đổi để trình Quốc hội năm 2009. Bộ đã ban hành các quy chế quản lý báo chí như: Quy chế Người phát ngôn, Quy chế cung cấp thông tin, Quy chế thẩm định nguồn thông tin trên báo chí…
4./. Nghị định 97/2008/NĐ-CP về Internet, bước phát triển về quản lý Internet
Ngày 28/8/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 97/2008/NĐ-CP về Internet là bước phát triển đột phá trong quản lý Internet, khuyến khích việc ứng dụng Internet trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Đối với quản lý nội dung trên Internet, Nghị định xác định quyền đưa thông tin và tự chịu trách nhiệm những nội dung thông tin đưa lên Internet của người sử dụng. Đối với việc kinh doanh dịch vụ Internet, Nghị định đã cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp tất cả các loại hình dịch vụ Internet. Mọi doanh nghiệp đều có quyền thuê kênh để trực tiếp kết nối với Internet quốc tế và với các trạm trung chuyển Internet; đồng thời buộc các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng phải có trách nhiệm cung cấp đường truyền dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không có hạ tầng mạng có thể triển khai dịch vụ Internet băng thông rộng, Internet Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá của khu vực. Tính đến hết tháng 11/2008, toàn quốc có trên 20,67 triệu người sử dụng Internet; đạt mật độ 24,20%, trong đó có 2 triệu thuê bao băng rộng.
5./. Công bố đánh giá, xếp hạng website của Bộ, địa phương
Báo cáo đánh giá, xếp hạng website của Bộ, địa phương được Bộ Thông tin-Truyền thông công bố lần đầu tiên vào tháng 7/2008, dựa trên số lượng truy cập và cung cấp dịch vụ công đã cho thấy bức trah khái quát về mức độ phát triển website của các cơ quan Nhà nước Việt Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng góp phần thực hiện Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008, bản kế hoạch ứng dụng CNTT cấp quốc gia đầu tiên kể từ sâu Đề án 112, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tiến tới xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
6./. Trên 1.200 tỷ đồng đầu tư, xây dựng và duy trì mạng lưới cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo
|
Internet sẽ được phủ sóng rộng rãi tới những vùng sâu, vùng xa |
Trong năm 2008, Bộ Thông tin-Truyền thông giao nhiệm vụ cho 4 đơn vị: VNPT, Viettel, EVN Telecom, Vishipel với tổng giá trị trên 1.200 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển và cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên 189 huyện và gần 600 xã thuộc vùng được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Sản lượng dịch vụ viễn thông được thực hiện gồm: Phát triển mới 600.000 máy điện thoại và 23.810 thuê bao Internet cho các hộ gia đình; Duy trì 1.743.259 thuê bao điện thoại cố định và 26.974 thuê bao Internet; Phát triển mới 574 điểm truy nhập điện thoại công cộng và 624 điểm truy nhập Internet công cộng, duy trì 4.361 điểm truy nhập điện thoại công cộng và 590 điểm truy nhập Internet công cộng; Phát triển mới 1.000 máy thu phát sóng vô tuyến điện HF-công nghệ thoại sử dụng cho tàu cá, duy trì 16 đài thông tin duyên hải phục vụ thông báo bão, lũ, cấp cứu và tìm kiếm cứu nạn.
7./. Năm 2008 là năm phát triển cao nhất số lượng trạm BTS
Trong năm qua, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện mạng lưới viễn thông, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống, thiết bị, mở rộng dung lượng mạng. Tính đến hết tháng 11/2008, cả nước đã phát triển mới trên 13.700 trạm BTS, tổng số máy điện thoại trên toàn mạng đạt 79,1 triệu thuê bao (trong đó thuê bao di động chiếm 83,5%, mật độ điện thoại trên toàn quốc đạt 92,6 máy/100 dân.
|
Thị trường dịch vụ viễn thông của Việt Nam ngày càng sôi động |
Kể từ khi mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam, tháng 6/2008, lần đầu tiên, Bộ Thông tin-Truyền thông chính thức công bố số lượng thuê bao thực của 4 mạng thông tin di động lớn nhất trong nước (Vinaphone, MobiFone, Viettel và Sfone) với tổng số hơn 48 triệu thuê bao. Trong đó, tỷ lệ thuê bao trả trước chiếm trên 90%.
Để quản lý và phục vụ loại hình thuê bao di động trả trước được tốt hơn, trong năm 2008, Bộ Thông tin-Truyền thông đã hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc đăng ký thông tin cá nhân của thuê bao đang sử dụng và bắt đầu đăng ký sử dụng. Cũng để đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao điện thoại cố định trong 50 năm tới, việc quy hoạch lại đầu số điện thoại cố định và mở rộng số thuê bao đã được triển khai.
8./. Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản.
Năm 2008 là năm đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách cho phát triển ngành Thông tin-Truyền thông với việc Bộ Thông tin-Truyền thông được Quốc hội và Chính phủ giao xây dựng 5 dự án luật để trình Quốc hội khoá XII gồm: Luật Tần số, Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Xuất bản (sửa đổi).
Cùng với hệ thống Luật, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý đã được xây dựng và trình ban hành như: Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Internet; Đề án cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và cơ chế tài chính đảm bảo dung cấp dịch vụ bưu chính công ích; Thông tư về quản lý Blog…
9./. Cục Quản lý phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Thông tin đối ngoại được thành lập và đi vào hoạt động
Cục Quản lý phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử được thành lập nhằm thực hiện các hoạt động trong sự phát triển Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Việc ra đời của đơn vị này sẽ thúc đẩy “Lộ trình số hoá” nhằm tối ưu hoá mạng phát sóng truyền hình mặt đất sẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài, vừa tiết kiệm phổ tần số, vừa tạo thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ phát thanh, truyền hình trong tương lai
Cục Thông tin đối ngoại là đầu mối quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, là đầu mối điều phối, tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương… phục vụ đắc lực cho công tác thông tin đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.
Cùng với sự ra đời của 2 Cục mới, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số, Trung tâm Hợp tác báo chí và Truyền thông quốc tế cũng được kiện toàn. Bộ Thông tin-Truyền thông đang xúc tiến để thành lập và sớm đi vào hoạt động 2 trường: Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Thông tin-Truyền thông quốc gia. Như vậy, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước của Bộ đã được hoàn thiện, đồng bộ theo đúng Nghị định 187/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
10./. Thống nhất một giá cước điện thoại nội hạt trên toàn quốc
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án điều chỉnh cước nội hạt, nội tỉnh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định gói cước cơ bản dịch vụ điện thoại cố định nội hạt tại nhà thuê bao, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Mức cước thuê bao nội hạt cơ bản là 20.000 đồng/tháng/máy điện thoại (hoặc 667 đồng/ngày/máy điện thoại) và mức cước liên lạc nội hạt cơ bản là 200 đồng/phút. Vùng cước nội hạt được xác định là trong phạm vi toàn bộ một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc thống nhất giá cước điện thoại cố định nội hạt trong toàn bộ địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố đã khắc phục tính bất cập trong việc áp dụng cách tính cước nội hạt, nội tỉnh hiện đại. Điều này cũng đảm bảo việc thực hiện quản lý nghiệp vụ giá cước viễn thông không phân biệt đối xử giữa các vùng miền trong cả nước. Đây là bước đột phá trong việc quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
TG (Theo VOVNews)