Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành đã được hơn 2 năm, mặc dù thời gian thực hiện chưa nhiều nhưng nhiều quy định pháp luật về bình đẳng giới đã được triển khai bước đầu khá đồng bộ ở các ngành, các cấp. Bởi vậy theo nhận định của Chính phủ, đây là tiền đề tích cực cho các năm tiếp theo.
Ngày nay, nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tỷ lệ cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch ở hầu hết các tỉnh, thành ủy đều tăng. Số cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng tăng lên ở các cấp, các ngành, đạt tỷ lệ 30% trở lên.
Theo tổng hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, cơ hội việc làm và thu nhập đối với phụ nữ ngày càng tăng. Tỷ lệ nam giới và phụ nữ tham gia lực lượng lao động không quá chênh lệch với tỷ lệ 78,2% của phụ nữ so với 86% của nam giới. Trong đó, tỷ trọng lao động nữ chiếm 46,6%, phụ nữ tham gia ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 53,7%, công nghiệp và xây dựng là 17,6% và dịch vụ 28,6%.
Về giáo dục, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, tỷ lệ số dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng liên tục (năm 1989 là 88%, năm 1999 là 90%, năm 2009 là 93,5%), trong đó nữ là 91,4% so với nam là 95,8%. Mặt khác, Phụ nữ ngày càng được tạo điều kiện tham gia học tập, bồi dưỡng kiến thức trong mọi lĩnh vực. Năm 2009, trong số hơn 130 thủ khoa tốt nghiệp tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, có 60% thủ khoa là nữ.
Thủ tướng cũng vừa giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2009.
Năm 2009 cũng là năm đầu tiên thực hiện quy định của Luật Bình đẳng giới về chế độ báo cáo hàng năm trước Quốc hội. |
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, lực lượng nữ chiếm tỷ lệ là 42,2%. Nhiều nữ trí thức đã được Đảng và Nhà nước trao những giải thưởng cao quý, nhiều nhà khoa học nữ được Nhà nước tôn vinh anh hùng lao động, cấp bằng lao động sáng tạo và nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.
Về chăm sóc y tế, tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận dịch vụ y tế tăng dần từ 83,5% năm 2005; 85,3% năm 2006; 86,5% năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 chỉ tiêu này đạt 85,3%. Trong năm 2009, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai trên 3 lần đạt tỷ lệ khá cao trên 85%, tỷ lệ phụ nữ được khám sau sinh đạt khoảng 90%, tỷ lệ phụ nữ sinh được cán bộ y tế chăm sóc đạt khoảng 95%.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bình đẳng giới cũng được đẩy mạnh và đã có những đóng góp tích cực trong thành tựu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Bên cạnh những nỗ lực triển khai hoạt động bình đẳng giới của các cấp, các ngành, Chính phủ cũng nhận định rằng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Trong đó, có cả nguyên nhân do định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, đặc biệt trong một bộ phận cán bộ, công chức; còn khoảng cách giữa các quy định của pháp luật và việc thực thi trên thực tế, làm hạn chế khả năng thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, đồng thời cán bộ làm công tác bình đẳng giới, đặc biệt ở địa phương, cơ sở vẫn còn thiếu...
Hà Phương-Chinhphu.vn