Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 25/2/2009 10:5'(GMT+7)

30 tỉnh, thành phố có người mắc bệnh sởi

Ảnh: Thái Hà

Ảnh: Thái Hà

Tại Hà Nội ngày 23-2 có thêm 29 ca sốt phát ban dạng sởi, tổng số từ đầu vụ dịch đến nay là 1.235 ca, trong đó 230 ca được xác định dương tính với sởi, hơn 77% số người mắc ở độ tuổi 18. Dịch sởi đã xuất hiện tại 329 xã, phường trên tất cả 29 quận, huyện của Hà Nội. Các cơ quan chức năng đang triển khai quyết liệt biện pháp khống chế dịch. Theo Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, từ đầu vụ dịch có 15 trường hợp biến chứng nặng do sởi, hiện vẫn còn năm ca nặng biến chứng viêm não, viêm màng não.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến ngày 23-2, thành phố có 28 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó 17 trường hợp chưa xác định được nguồn lây nhiễm, năm trường hợp dương tính với cả sởi và rubella (bệnh sởi Ðức), hai trường hợp không phải là người ở TP Hồ Chí Minh nhưng thời gian mắc bệnh có lưu trú tại thành phố cho nên vẫn được giám sát và theo dõi. Hiện, ba ổ dịch đang có nguy cơ lây lan là: Trường mầm non Phượng Hồng, quận Thủ Ðức (ba ca) ; tại địa chỉ 7/14 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 2 (hai ca) và trường tiểu học Quới Xuân, quận 12 (một ca). Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế thành phố cho biết: Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ nguồn vắc-xin sởi để mở rộng đối tượng tiêm ngừa, đồng thời chỉ đạo UBND các quận có số ca mắc sởi cao như: Thủ Ðức, Tân Phú, quận 2, quận 3 và quận 11 hỗ trợ ngành y tế điều tra dịch tễ, vệ sinh môi trường chống dịch.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau nửa tháng triển khai phòng, chống bệnh sởi ở bản Rào Tre, huyện Hương Khê và ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, dịch sởi cơ bản được khống chế, không có trường hợp nào mắc thêm. Dịch sởi xuất hiện đầu tiên vào ngày 5-2 ở bản Rào Tre. Người bệnh là Hồ Thị Lý (26 tuổi) có triệu chứng phát ban nổi mẩn ngứa, được các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng bản Rào Tre điều trị. Nhưng những ngày sau đó có thêm ba người bệnh khác lây bệnh. Và một tuần sau đã có 26 trường hợp mắc bệnh, trong đó người bệnh hơn 18 tuổi là 10 người. Trung tâm y tế dự phòng khẩn trương cử cán bộ lên bản Rào Tre phối hợp các chiến sĩ biên phòng triển khai các biện pháp dập dịch. Cũng trong thời gian này, tại huyện Nghi Xuân rải rác có ba người bệnh mắc bệnh sởi đã được Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân cho cách ly điều trị và nhanh chóng lành bệnh.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh đang đẩy mạnh tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về biện pháp phòng, chống bệnh sởi và các dịch bệnh mùa hè; khuyến cáo các bậc cha, mẹ đưa con nhỏ đi tiêm phòng sởi.

Từ ngày 3-2, trên địa bàn huyện Thanh Hà (Hải Dương) có hơn 20 trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi, chủ yếu tại xã Việt Hồng, Tiền Tiến, Thanh Hải. Ðộ tuổi của người bị nhiễm bệnh chủ yếu 18-40 tuổi, với biểu hiện sốt, chảy nước mũi, nổi ban toàn thân... Sau khi xuất hiện các trường hợp bị nhiễm bệnh, Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà hướng dẫn cán bộ y tế tại các trạm y tế xã giám sát dịch; hướng dẫn cách phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng, trị bệnh sốt phát ban dạng sởi.

Từ đầu tháng 2 đến nay, dịch sởi phát triển nhanh tại nhiều địa phương trong tỉnh Nam Ðịnh. Số liệu của Sở Y tế cho biết, đến ngày 24-2 đã phát hiện 27 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi, nhiều nhất là TP Nam Ðịnh với bảy trường hợp, tiếp đến là các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản. Hiện có 9/10 huyện, thành phố phát hiện người bệnh mắc dịch sởi, gần đây nhất vào ngày 21-2 Trung tâm Y tế dự phòng huyện Vụ Bản phát hiện thêm một trường hợp có triệu trứng sốt phát ban dạng sởi. Hiện nay, các trường hợp mắc dịch sởi đều được điều trị tích cực theo phác đồ quy định như tiêm kháng sinh, truyền dịch và uống Vi-ta-min nâng cao thể trạng. Ngành y tế đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi người dân nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch sởi đang lây lan nhanh trong cộng đồng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ, đến nay toàn tỉnh đã phát hiện 47 người bệnh thuộc 10/13 huyện, thành phố, thị xã mắc sốt phát ban dạng sởi đang được theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Huyện Yên Lập là địa phương có nhiều người bệnh nhất với hơn mười trường hợp mắc bệnh, trong đó có gia đình có hai, ba người cùng mắc bệnh. Hầu hết người bệnh có độ tuổi từ 14 đến 30 nhập viện với các triệu chứng sốt cao, mỏi cơ khớp, ho, phát ban toàn thân. Những trường hợp mắc bệnh thường là chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc đã tiêm nhưng không đầy đủ, chưa đủ mũi. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tiến hành lấy mẫu máu của 26 người bệnh gửi đi xét nghiệm tại Hà Nội. Sở Y tế chỉ đạo các bộ phận chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tiến hành phân loại và cách ly người bệnh theo đúng quy định; tăng cường cơ số thuốc và các trang thiết bị cần thiết không để dịch lây lan ra diện rộng.

* Ngày 24-2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cảnh báo: Với ba ca mắc cúm gia cầm (H5N1) mới ở người được báo cáo trong các tháng vừa qua và các vụ bùng phát dịch gia cầm được xác nhận tại mười tỉnh trong cả nước, mọi người cần nâng cao cảnh giác để chống lại bệnh dịch. WTO và FAO cũng đã đưa ra bảy lời khuyên để mỗi người có thể bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước mối đe dọa này bằng các hành động chủ yếu sau: không mua hoặc bán gia cầm ốm hoặc chết; không giết mổ hoặc ăn thịt gia cầm ốm (hoặc chết sau khi ốm); chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm đã được nấu chín kỹ (không ăn thịt hồng hoặc trứng vẫn còn lòng đào); tránh tiếp xúc với gia cầm ốm và chết; rửa tay với nước sạch và xà-phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm và trước khi ăn; thông báo ngay với cán bộ thú y và chính quyền địa phương khi có gia cầm ốm hoặc chết và những người sốt trên 38oC cần đến trạm y tế địa phương để khám, đặc biệt nếu có gia cầm ốm và chết chung quanh nơi ở. Tại Việt Nam, kể từ năm 2003 đến nay cả nước có 109 ca mắc cúm gia cầm ở người được xác nhận, trong đó có 53 người chết. Năm 2008, cúm gia cầm làm năm người chết. Năm 2009, có một ca chết đã được ghi nhận.


Theo Nhân Dân

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất