Thứ Năm, 26/12/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 13/11/2009 16:19'(GMT+7)

4,4% người dân Việt Nam gánh chịu bệnh tật do rượu, bia mang lại

Say rượu, bia là nguyên nhân nhiều vụ TNGT

Say rượu, bia là nguyên nhân nhiều vụ TNGT

 

Trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng chóng mặt của ngành công nghiệp rượu, bia thì xu hướng lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng một cách báo động. Đáng lo ngại hơn là giới trẻ sử dụng rượu, bia ngày càng nhiều…

Mức độ nguy hại hơn cả thuốc lá

Bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết:  Rượu, bia đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân gây tử vọng cao nhất trên toàn cầu. Chi phí dành cho rượu, bia đã tạo gánh nặng cho nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển. Ước tính, chi phí cho rượu, bia và giải quyết hậu quả tác hại của rượu, bia chiếm 2 - 8% GDP quốc gia. Trước vấn nạn này, một số nước triển khai về chính sách phòng ngừa lạm dụng rượu, bia.

Ở Việt Nam, khi đời sống ngày một nâng cao thì xu hướng sử dụng rượu, bia trở nên tràn lan, gây hậu quả nghiêm trọng. Bình quân cả nước mỗi ngày có 40 người chết thì trong đó không ít người có nguyên nhân là do rượu, bia và tình trạng bạo lực cũng bắt nguồn từ đây. Rượu, bia là chất gây nghiện và có thể trở thành quốc nạn với nhiều vấn đề xã hội như tai nạn giao thông, hỏa hoạn, chết đuối, bạo lực, giết người và tự tử, gây rối trật tự xã hội: tan vỡ gia đình, lơ là công việc... Những năm trước, ở Việt Nam cũng có các chính sách phòng ngừa lạm dụng rượu bia nhưng vì nhiều lý do nên thực thi của các chính sách tác động đến sản xuất và kinh doanh rượu, bia không cao.

Theo thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế, có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại. Xu hướng này đang ngày càng gia tăng đáng lo ngại trong giới trẻ. Qua điều tra về sức khoẻ vị thành niên và thanh niên (từ 14 - 15 tuổi) cho thấy: 69% nam và 28% nữ đã từng uống bia, rượu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã thống kê: Rượu, bia có liên quan đến 3,2% tổng số tử vong trên thế giới và 4% người mắc bệnh tật có liên quan đến bia, rượu (58,3 triệu người/năm). GS. Sally Caswell, đại diện của WHO cảnh báo: Nghiên cứu gánh nặng toàn cầu về thương tật năm 2002 cho thấy, có tới trên 58 triệu người/năm sống với thương tật do rượu, bia trên toàn thế giới, gần xấp xỉ bằng thuốc lá. Tuy nhiên, mức độ nguy hại của rượu, bia còn lớn hơn so với thuốc lá nhiều vì nó còn gây sự rối loạn trật tự xã hội, tác hại đối với người khác, tác động về kinh tế. Đặc biệt, 10 năm gần đây, ngành công nghiệp rượu, bia đã có sự tăng trưởng, mở rộng đáng kể. Sự gia tăng nhanh chóng về mức tiêu thụ rượu, bia và tác hại của nó cùng với sự thiếu hụt chính sách phù hợp.

Ở Việt Nam, sự xâm nhập của rượu, bia vào giới trẻ tăng đáng kể. Độ tuổi trung bình bắt đầu uống rượu, bia ở Việt Nam là 24 tuổi. Độ tuổi trung bình ở một số nước phương Tây là 15 tuổi. Đáng lo ngại là việc sử dụng nhiều của giới trẻ sẽ gây tổn thương phát triển của não, nguy cơ phụ thuộc sau này.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hiện nay, chúng ta vẫn lẫn lộn giữa lợi và hại của rượu, bia. Chúng ta cần có những bằng chứng cụ thể về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và cần có chính sách kiểm soát rượu bia, chứ không thể thả lỏng như hiện nay. Chính vì vậy, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã gửi thư cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Làm gì để giảm tác hại?

Trước vấn nạn trên, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của WHO thế giới và các nước trong việc phòng chống lạm dụng rượu, bia. Các nước đã chia sẻ kinh nghiệm về chính sách giảm cầu rượu bia, về giảm cung rượu bia (bởi rượu, bia không phải hàng hóa thông thường) và giảm tác hại của rượu bia.

TS. Martin Wall, thành viên WHO cho rằng: Chính sách quốc gia để giảm cầu rượu, bia đó là cần phải có những quy định về giá, thu thuế và các loại thuế thu riêng. Mặc dù rượu, bia là chất gây nghiện, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy, mức tiêu thụ rượu bia sẽ giảm khi tăng giá mặt hàng này và ngoài ra nó còn tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Giải pháp tiếp theo nữa là giảm nguồn cung cấp rượu, bia đó là: Tăng vai trò của Nhà nước trong sản xuất và kinh doanh rượu bia; Những quy định về những điểm cấm/hạn chế bán bia rượu; Giải quyết vấn đề về sử dụng rượu bia ngoài độ tuổi cho phép…

Đại diện của Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm được triển khai ở nước họ, đó là sử dụng thuế thu riêng chi cho mục đích y tế và sức khỏe. Việc triển khai giải pháp này đã làm giảm mức tiêu thụ rượu, bia và các tác hại có liên quan. Đến nay, đã có 9 chính sách quốc gia về kiểm soát rượu, bia như: cấm bán cho người dưới 18 tuổi; cấm bán trong trường học; tăng thuế hàng hóa; đạo luật về kiểm soát rượu bia…

Bà Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Năm 2009, sẽ trình Chính phủ Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại lạm dụng rượu, bia giai đoạn 2010 - 2020. Trong dự thảo đề cương chính sách này, một trong những nội dung cơ bản là cấm quảng cáo, khuyến mãi rượu, bia dưới mọi hình thức./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất