Bộ GD-ĐT vừa ban hành hông tư về Quy định Chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, áp dụng đối với hiệu trưởng trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 2/6/2011.
Để đạt chuẩn, hiệu trưởng trường mầm non phải đáp ứng được 4 tiêu chuẩn bao gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; Năng lực quản lý trường mầm non; Năng lực tổ chức phối hợp với gia đình trẻ, cộng đồng và xã hội. Bốn tiêu chuẩn này được cụ thể hóa bằng 19 tiêu chí với thang điểm tối đa là 190 điểm (mỗi tiêu chí có thang điểm là 10). Để được đạt chuẩn thì tổng số điểm của 4 tiêu chuẩn phải đạt từ 95 điểm trở lên.
Việc xếp loại hiệu trưởng được căn cứ vào tổng số điểm và mức độ đạt được của các tiêu chí. Cụ thể: Loại xuất sắc có tổng số điểm từ 171 đến 190 và các tiêu chí phải đạt từ 8 điểm trở lên; Loại khá: Tổng số điểm từ 133 trở lên và các tiêu chí phải đạt từ 6 điểm trở lên; Loại trung bình: Tổng số điểm từ 95 trở lên, các tiêu chí của tiêu chuẩn 1 và 3 phải đạt từ 5 điểm trở lên, không có tiêu chí 0 điểm; Loại kém: Tổng số điểm dưới 95 hoặc có tiêu chí 0 điểm hoặc có tiêu chí trong các tiêu chuẩn 1 và 3 dưới 5 điểm
Trong số 4 tiêu chuẩn trên, tiêu chuẩn về Năng lực quản lý trường mầm non được đề cao với hàng loạt tiêu chí: Hiểu biết nghiệp vụ quản lý, Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, Quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; Quản lý trẻ em của nhà trường; Quản lý hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; Quản lý tài chính, tài sản nhà trường; Tổ chức phối hợp với gia đình trẻ; Tổ chức kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục; Thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường.
Bộ 19 tiêu chí của Chuẩn cũng quy định, hiệu trưởng trường mầm non phải đạt trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với giáo dục mầm non; không lợi dụng chức quyền vì mục đích vụ lợi, có lối sống lành mạnh, văn minh; phải thương yêu, tôn trọng và đối xử công bằng với trẻ; biết phối hợp giữa gia đình, nhà trường để chăm sóc trẻ tốt nhất...
Bộ GD-ĐT cho biết, chuẩn hiệu trưởng là căn cứ để hiệu trưởng tự đánh giá và tự xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, học tập, rèn luyện nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm; năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường mầm non và năng lực tổ chức, phối hợp với gia đình trẻ và xã hội.
Bên cạnh đó, làm căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, xếp loại hiệu trưởng phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và đề xuất, thực hiện chế độ, chính sách đối với hiệu trưởng; Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của hiệu trưởng./.
Nguyễn Hùng - Báo Dân Trí