Trong xã hội đương đại, những hành vi mạo hiểm của giới trẻ có “nguy cơ” hiện diện khắp nơi và đã trở thành điều quen thuộc, nó lan toả hay biểu lộ dưới những hình thức gây ấn tượng mạnh. Thuật ngữ “nguy cơ” ngày nay được gắn với một hành vi tự ý, gắn với một ý muốn quyết tâm trước một tình huống mà người ta đánh giá là cần phòng trước và có thể xảy ra. Tình huống này còn chưa chắc song nó có thể được xác nhận là có thực về kết quả của nó. Nguy cơ gắn với việc can thiệp được cho là có thể của con người. Nguy cơ cũng xuất hiện như một sự đứt đoạn trong trật tự thời gian hoặc trật tự các sự việc. Nó là sự thiết lập một trật tự bấp bênh cần phải đánh giá khẩn cấp. Nguy cơ, đó vừa là “một mối nguy hiểm ít nhiều có thể dự kiến” song đó cũng là một phạm trù của hành động bởi vì nguy cơ là “việc đưa thân hứng chịu một nguy hiểm với hy vọng đạt một lợi ích”.
Giáo sư Alain J. Lemaître nhấn mạnh: Khái niệm về nguy cơ này cũng liên quan đến những hành vi ứng xử của các cá nhân buộc họ phải thay đổi mối quan hệ của mình với người khác. Nhất là đối với giới trẻ. Vì giới trẻ đang là giai đoạn khám phá và chưa hình thành bản sắc của riêng mình. Bản sắc của giới trẻ chưa thừa nhận để xác định, phân biệt trong nhóm bạn bè, gia đình, xã hội và không phân biệt đâu là hành vi rủi ro, đâu là hành vi mạo hiểm.
Xây dựng bản sắc, bản thể của giới trẻ luôn luôn vận động không ngừng. Bản sắc, bản thể đó chọn lọc văn hóa cũ, tiếp thu văn hóa mới; phối hợp một cách hài hòa với nhau và phản bác giá trị xã hội mà cộng đồng mang lại. Chuyển giao giá trị gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác, giới trẻ tự thu mình lại, sống khép kín. Và ngày càng xuất hiện nhiều thiên hướng như thiên hướng tình dục, thiên hướng chính trị, thiên hướng văn hóa,…
Giáo sư Alain J. Lemaître giải thích cặn kẽ: “Theo điều tra kết quả khảo sát ở Pháp, có khoảng 250 thanh niên bi quan, không có kỷ niệm thời thơ ấu nên dẫn đến thiếu niên trưởng thành đánh mất thiên đường và chuyển sang giai đoạn hình thành “mình là ai”, “mình làm được những gì”, “đâu là ý nghĩa của cuộc đời”.”
Ta có thể bắt gặp những hành vi ứng xử này ở các tầng lớp và môi trường xã hội rất khác nhau: thủ đô, các khu vực đông dân cư hay thành phố nhỏ, và cả nông thôn. Nếu phần lớn các bạn trẻ hoà nhập tốt và phát triển thực sự, thì nhiều người trong số họ lại gặp phải khó khăn khi hoà mình với môi trường xã hội xung quanh, họ cảm thấy bị loại trừ và thường tỏ ra phải chịu đựng để sống, để gánh chịu cuộc sống của mình, và để lựa chọn. Các hành vi ứng xử mới đầy bất trắc trước hết thể hiện một người không tốt, và bên cạnh đó thể hiện một cuộc tìm kiếm cá tính riêng. Như vậy, các hành vi ứng xử này có hai loại: Một mặt chúng thể hiện việc không được thừa nhận và không hoà nhập được; mặt khác chúng là một phương cách tạo dựng cá tính riêng. Trong cả hai trường hợp, các hành vi ứng xử này đều là bước đầu rèn tính tự chủ mà có thể gây đau xót và nguy hiểm; chúng thể hiện một ý muốn mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa nào đó.
Văn Quỳnh Anh, học sinh trường Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: “Giải quyết những hành vi mạo hiểm của giới trẻ cần thiết phải cải thiện hệ thống giáo dục; định hướng thanh niên đi theo con đường nào là hợp lý, đúng đắn. Những hành vi mạo hiểm của giới trẻ thách thức từ gia đình, trường học điển hình như trốn vé xe buýt, mạo danh chữ ký phụ huynh, vi phạm an toàn giao thông, nghiện rượu, sử dụng ma túy, bạo lực, tung clip nóng… Những hành vi mạo hiểm này khiến cho thanh niên sa vào con đường lầy, cô đơn và thất bại trong cuộc đời.”
Lý giải cho những hành vi mạo hiểm đó chính là tâm lý, cảm xúc chịu đựng đau khổ, không bị luật pháp sờ gáy và thể hiện sự bất cần. Tất cả giới hạn đó dường như không hề tồn tại nên ngày càng nhiều thiếu niên, thanh niên lao mình vào hành vi mạo hiểm. Một phần cũng là do giới trẻ được bảo vệ, bao bọc một cách thái quá.
Giáo sư Alain J. Lemaître nêu lên thông điệp cho giới trẻ: “Cuộc đời là một ván cờ mạo hiểm. Giới trẻ cần mạo hiểm chiếm lĩnh thượng phong, vượt qua được sự tự ti, làm chủ bản thân của mình, biết dừng đúng lúc đúng chỗ để làm việc có ích cho xã hội.”.
Giáo sư Alain J. Lemaître học ngành Lịch sử và Dân tộc học tại Đại học Paris I - Sorbonne và Đại học Paris VII - Denis Diderot. Với ba tấm bằng Tiến sĩ, ông hiện là giáo sư sử học hiện đại tại trường Đại học Haute Alsace, Mulhouse. Ông cũng là thành viên Trung tâm nghiên cứu kinh tế, xã hội, nghệ thuật và kỹ thuật nơi ông phụ trách nhóm nghiên cứu sự hình thành các bản sắc. Các công trình nghiên cứu của ông liên quan đến lịch sử các tập tính và lịch sử chính trị Châu Âu. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm, đặc biệt là: Vì một lịch sử văn hóa mạo hiểm (Strasbourg, 2004), Những cuộc cách mạng của thế giới hiện đại (Berlin, 2006) |
Thanh Hải