Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 30/4/2011 13:57'(GMT+7)

Để hiểu rõ "sử ta" hơn

Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay. (Ảnh minh hoạ).

Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay. (Ảnh minh hoạ).

Mà đâu chỉ riêng các sĩ tử, kể cả những người đang công tác tại các cơ quan nhà nước-ví như anh bạn cùng công tác ở cơ quan tôi trước đây-cũng có sự “nhầm lẫn” đáng tiếc khi đưa Mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị…trở lại năm 1968!!!

Vì quan tâm đến việc trau dồi kiến thức lịch sử cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết trên báo “Việt Nam độc lập”, ra ngày 1-2-1942, với tựa đề “Nên học sử ta”. Bài viết mở đầu bằng hai câu thơ: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Năm nay, với kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 dài từ 3 đến 4 ngày, Sở giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo gửi các trưởng phòng GD-ĐT và các trường trực thuộc, hướng dẫn tổ chức các hoạt động trong đợt nghỉ lễ này. Trong đó có yêu cầu các trường tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng 30-4 và ngày Quốc tế lao động 1-5.

Trước hết phải khẳng định rằng, chỉ đạo của Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội rất xác đáng và đáng để ngành giáo dục các tỉnh, thành phố trong cả nước nghiên cứu, tham khảo. Nếu chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo phân cấp, tác dụng mang lại sẽ rất lớn. Được giáo dục, tuyên truyền về ý nghĩa của chiến thắng 30-4 chói lọi trong sử vàng của dân tộc và ý nghĩa của ngày Quốc tế lao động 1-5 một cách có hệ thống và chủ định, học sinh sẽ không bị “cuốn” vào các trò chơi vô bổ, thậm chí gây mất an ninh trật tự. Cái “được” lớn hơn cả là thêm một lần nữa, học sinh có thêm những kiến thức bổ ích về lịch sử dân tộc, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, mà đỉnh cao là Chiến thắng 30-4-1975. Chắc chắn, khi đã hiểu hơn về truyền thống của dân tộc, học sinh sẽ thêm yêu hơn Tổ quốc mình, bởi lẽ truyền thống như dòng sữa mẹ, bồi bổ, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi công dân ngay từ khi họ cắp sách đến trường. Khi tâm hồn được bồi đắp kiến thức lịch sử, họ sẽ ra sức phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội, cống hiến nhiệt thành cho quá trình dựng xây đất nước.

Vậy làm thế nào để hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội không chỉ…nằm trên văn bản, mà phát huy tốt tác dụng trong dịp nghỉ lễ năm nay? Có lẽ trước hết đòi hỏi phải có sự thực hiện nghiêm túc từ các nhà trường. Các trường cần có kế hoạch tổ chức giáo dục truyền thống một cách khoa học, cụ thể, phân công giáo viên phụ trách, bám nắm học sinh, thay vì thầy, trò cùng “nghỉ hoàn toàn” trong dịp lễ. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục truyền thống cần được tổ chức theo hình thức tọa đàm, giao lưu, thi hiểu biết hoặc sân khấu hóa…để không “biến” kỳ nghỉ thành những ngày học tập khô cứng, thiếu sức hấp dẫn.

Tiếp đó, mỗi gia đình cần có sự ủng hộ và phối hợp tích cực với nhà trường trong việc quản lý, hướng con em tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục truyền thống, thay vì “tặc lưỡi” theo kiểu “đã nghỉ thì nghỉ cho đã”.

Ngoài ra, trong những ngày nghỉ lễ, các bảo tàng, các điểm du lịch truyền thống….cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc giáo dục truyền thống của thầy và trò các nhà trường.

Chúng ta hãy cùng hy vọng, với sự chủ động, tích cực của Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội, với sự tham gia nhiệt tình của học sinh Thủ đô, với sự quan tâm đúng mức của phụ huynh học sinh và sự tạo điều kiện của toàn xã hội, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay thực sự là những ngày chơi mà học, học mà chơi lý thú, mang lại những kiến thức vô giá về lịch sử cho thế hệ tương lai của nước nhà.

(Phạm Hoàng Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất