Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy và học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra, những năm qua, chính quyền huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã hết sức quan tâm chăm lo giáo dục, tạo phong trào thi đua dạy tốt học tốt cho con em các xã, thị trấn nơi đây.
Đến huyện đảo Trường Sa vào thời điểm gần kết thúc năm học 2010-2011, nhưng không khí học tập trong các lớp học của huyện đảo vẫn rất nghiêm túc. Các em học sinh vùng đảo xa đều chăm chỉ học tập nhằm đạt kết quả tốt nhất trong năm học này. Tiêu biểu trong phong trào học tập tốt của huyện đảo phải kể đến thị trấn Trường Sa nằm ở đảo Trường Sa Lớn. Thị trấn Trường Sa hiện có 4 lớp học là mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, lớp 4, không có lớp 3 vì không có học sinh trong độ tuổi này. Mặc dù số học sinh không nhiều, nhưng các em đều được đi học đúng độ tuổi, đúng chương trình. Các em được cô giáo phụ trách là Bùi Thị Nhung giảng dạy hết sức nhiệt tình. Phụ giúp kèm cặp các học sinh còn có “thầy” Biện Văn Quáng - Phó chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, “thầy” Lê Minh Cảnh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thị trấn Trường Sa và “thầy” Phạm Gia Huy - Bí thư Đoàn thị trấn Trường Sa. Là những cán bộ của thị trấn, nhưng với tinh thần chăm lo giáo dục cho con em, họ đã làm tốt vai trò là người “thầy” trong lòng các em học sinh. Ông Biện Văn Quáng cho biết: Chính quyền thị trấn Trường Sa luôn chú trọng chăm lo việc học tập của con em, ngoài giảng dạy theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em còn được học thêm môn tin học, nhạc, họa. Dù biết còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi quyết tâm không để các em bị lạc hậu.
Trong ngôi trường khang trang của thị trấn Trường Sa, với đầy đủ các phòng học, thư viện, phòng vi tính, nơi vui chơi cho trẻ em, cùng với sự tận tình dạy dỗ của các thầy cô, các em học sinh ở đây đã không phụ lòng các thầy cô. Gần 100% các em học sinh đều đạt loại khá, giỏi nhiều năm liền. Tiêu biểu như các em Nguyễn Thị Trà My, Võ Viết Hiền học lớp 4, em Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Thị My Sen học lớp 2... Các em đều cho biết, rất thích được học tập. Với Trà My, em thích nhất là môn tiếng Việt, em Hiền lại thích học môn toán và môn tin học. Môn tin học được đưa vào dạy cho các em từ năm 2010, các em hết sức yêu thích môn này. Sau gần một năm học tập, các em đã sử dụng khá tốt vi tính. Để chứng minh khả năng của mình, em Hiền được thầy Quáng đưa vào phòng vi tính, em nhanh nhẹn kích chuột vào phần soạn thảo văn bản và gõ phím hết sức thành thạo. Các em học hành tiến bộ, đó là món quà tinh thần lớn nhất mà các học trò tặng các thầy cô nơi đây.
Xã đảo Song Tử Tây có 5 lớp từ mẫu giáo đến lớp 4. Các thầy ở đây chia các trò thành hai buổi, mỗi buổi dạy hai lớp. Lớp học với bàn ghế tươm tất, có các họa tiết như một lớp mẫu giáo, đặc biệt nhất là 2 tấm bảng ở 2 đầu lớp học. Các em khác lớp thì quay lưng lại với nhau, còn thầy hết dạy toán đầu này lại dạy tiếng Việt đầu kia. Loay hoay, tất bật cùng lúc dạy nhiều môn, nhiều lớp là những khó khăn thực sự với các thầy. Thầy Nguyễn Đình Việt – Phó chủ tịch UBND xã Song Tử Tây tâm sự: “Các thầy ở đây đa số đều là cán bộ xã nên việc dạy học ban đầu còn rất gian nan. Nhất là ở lớp bốn, chúng tôi phải soạn giáo án cho gần 11 môn học đó quả là một thử thách lớn. Nhưng vì các em học sinh, chúng tôi phải cố gắng truyền thụ hết kiến thức, tìm tòi phương pháp giảng dạy sao cho tốt và phù hợp để các em có thể vững vàng vào đất liền tiếp tục học tập ở các cấp tiếp theo”. Khó khăn là thế nhưng thầy trò nơi đây đều quyết tâm học tập và giảng dạy tốt. Trò cưng của các thầy như các em: Tố Ngân, Phan Thị Thu Huyền, Hồ Xuân Huy, Huỳnh Nhật Quang đều đạt học sinh khá giỏi.
Vì ở đảo không có Hội đồng thi tốt nghiệp tiểu học, nên các em phải vào đất liền học lớp 5 và thi chuyển cấp. Mỗi năm có các em vào đất liền học là các thầy lại trăn trở làm sao cho các em hòa nhập với bạn bè ở đó. Thầy Trương Xứ Long cho biết: Ở đảo mặc dù các em có đầy đủ phương tiện học tập, sinh hoạt nhưng lại hạn chế về thông tin nghe nhìn, các em đã quen với việc có ít bạn bè. Tôi chỉ sợ khi vào học ở lớp có đông bạn bè việc giao tiếp của các em không quen.
Trong những năm tháng giảng dạy ở đây, thầy Long đã có nhiều kỷ niệm khó quên, như lần đầu mới ra dạy mẫu giáo các em bé tè dầm, thầy rất lúng túng không biết thay, đành phải chạy đi kêu mẹ của bé đến giải quyết. Nhìn các em háo hức, hớn hở khi nghe tin có đoàn ra thăm đảo là lòng thầy xúc động vô cùng. Thầy Long tâm sự: “Các em rất thích được động viên, khuyên khích học tập. Mỗi lần được khen ngợi các em càng chăm chỉ, càng hăng say học hành hơn. Những hình ảnh về các học trò ở đây sẽ mãi khắc sâu vào lòng chúng tôi, những người cán bộ xã- người “thầy giáo” của các em vùng đảo xa này. Hình ảnh đó sẽ mãi theo chúng tôi đến hết cuộc đời ! ”./.
Quang Đức