Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 18/4/2013 9:9'(GMT+7)

5 năm thực hiện NQ 23 về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam có 3 dấu mốc quan trọng: Đó là Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ngày 16/7/1998 và Nghị quyết 23 - NQ/ TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã tập trung đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật trong thời gian qua và đề ra mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương và giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Về mục tiêu, nghị quyết nhấn mạnh: Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam…; xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết, gắn bó cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta

Đối với các hoạt động văn học nghệ thuật, Nghị quyết đã chỉ rõ: Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người… Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của cả các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp..

Các chủ trương và giải pháp thực hiện mà Nghị quyết đề ra bao gồm nhiều lĩnh vực: sáng tác, lý luận, phê bình, sản xuất các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT); đào tạo bồi dưỡng đội ngũ hoạt động VHNT và công tác lãnh đạo, điều hành quản lý, đầu tư, tài trợ các hoạt động VHNT…

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ra đời được những người hoạt động trên lĩnh vực VHNT nói riêng, cả xã hội nói chung rất quan tâm. Vì trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bên cạch những thành tựu đã đạt được, hoạt động văn học nghệ thuật còn bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm: ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt chưa chưa xứng đáng với vai trò, vị trí của nó; một số tác phẩm văn học, nghệ thuật tầm thường, chất lượng kém được phát hành, truyền bá gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ còn nhiều bất cập, yếu kém, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, nội dung và phương pháp lãnh đạo chậm đổi mới…mà nguyên  nhân chính là: Sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước về quan điểm, chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa đúng tầm và đúng mức. Chủ trương tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, văn nghệ - nền tảng tinh thần của xã hội - chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Một số cấp ủy, chính quyền chưa coi trọng và thiếu hiểu biết đầy đủ về vai trò, tính đặc thù của văn học, nghệ thuật, chậm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng. Đầu tư cho văn hóa, văn nghệ chưa tương xứng với yêu cầu mới, chưa hợp lý và kém hiệu quả. Những vấn đề mà Nghị quyết nêu ra được các cấp, các ngành quan tâm, có ảnh hưởng trong đời sống xã hội.

Để nghị quyết 23 sớm đi vào cuộc sống, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai một số Đề án thực hiện Nghị quyết 23. Ban Chỉ đạo đã phân công các cơ quan, đơn vị thực hiện các đề án gồm 7 đề án trình Chính phủ, 2 đề án trình Ban Bí thư. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã chủ động triển khai với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao.

Sau 5 năm thực hiện, đến nay một số đề án đã hoàn thành và ra được những chính sách cụ thể. Đó là đề án do Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì: Xây dựng chương trình, nội dung đào tạo về văn học, nghệ thuật trong hệ thống các trường chính trị- hành chính; Đề án do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì được Ban Bí thư ban hành Quy định số 284-QĐ/TW, ngày 05/02/2010 về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; Đề án do Bộ Nội vụ chủ trì trình Chính phủ ra Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, trong đó có Chương VI: Một số quy định áp dụng đối với các hội có tính chất đặc thù( các hội văn học nghệ thuật thuộc nhóm này).

 Đề án của Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chính thức được triển khai từ năm 2010, đã tổ chức 24 lớp bồi dưỡng cho học viên các tỉnh, thành (trung bình mỗi lớp có 100 học viên); được đưa vào chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ của Viện Văn hóa và phát triển.Các đề án do  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 9 Quyết định, 5 Nghị định; Bộ đã ban hành 1 Quyết định, 5 Thông tư, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 1 Thông tư và hoàn thành gần 20 văn bản dự kiến trình Thủ tướng ban hành trong thời gian tới liên quan đến các lĩnh vực hoạt động mà Bộ quản lý về mặt Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4 đề án. Cụ thể là: Quyết định số 316/QĐ-TTg  01/3/2011 phê duyệt đề án “Xây dựng và rà soát các chế độ chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sỹ; chế độ tài trợ, đặt hàng đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật; chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động văn học nghệ thuật”; Quyết định số 369/QĐ-TTg 14/3/2011 phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương giai đoạn 2011- 2015; Quyết định số 645/QĐ-TTg 29/4/2011 phê duyệt Đề án “Xây dựng chính sách thẩm định, quảng bá, thuế ưu đãi… đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong nước; văn hóa phẩm của Việt Nam đưa ra nước ngoài và giới thiệu tinh hoa văn học, nghệ thuật của thế giới vào Việt Nam; chính sách sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản văn học, nghệ thuật dân tộc phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng”; Quyết định số 844/QĐ-TTg 01/06/2011 phê duyệt Đề án  “Khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 – 1975”.

Có thể nói, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng, hoàn thiện những văn bản nhằm thực hiện Nghị quyết 23- NQ/TW. Chính phủ đã kịp thời bổ sung 30 tỷ đồng cho hoạt động văn học, nghệ thuật và nâng mức giải thưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong năm 2010. Thông qua Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chính phủ đã hỗ trợ sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí giai đoạn 2011-2015 với kinh phí 430 tỷ đồng.

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc Chính phủ hỗ trợ cho văn học, nghệ thuật và báo chí là một điều đáng quý, giúp cho đội ngũ văn nghệ sĩ, các hội văn học nghệ thuật, nhất là những tỉnh còn nhiều khó khăn có điều kiện sáng tác, quảng bá tác phẩm.

Ngoài ra, một số dự án, một số cuộc vận động sáng tác khác do các hội chuyên ngành đề xuất cũng được Chính phủ phê duyệt và cấp kinh phí.

Một số địa phương đã chỉ đạo Hội văn học nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các ban ngành xây dựng đề án phát triển văn học nghệ thuật đến năm 2015-2020 (Hải Dương, Phú Thọ, Đồng Tháp, Bến Tre…). Bổ sung về kinh phí cho hội VHNT tổ chức các trại sáng tác, hỗ trợ in ấn, quảng bá tác phẩm. Đồng thời, nhiều hình thức tôn vinh, khích lệ, động viên văn nghệ sĩ đã được các tỉnh tổ chức như: Hàng năm xét, tặng giải cho những tác phẩm xuất sắc (Phú Thọ, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh…) tại các cuộc Liên hoan ảnh nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật ỏ các khu vực hàng năm, cùng với giải thưởng của  Hội Trung ương, nhiều tỉnh đã quan tâm, trích kinh phí của tỉnh khen thưởng cho những tác giả là người địa phương. Nhiều doanh nghiệp của các tỉnh đứng ra tài trợ cho hoạt động sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật. Có thể nói, Nghị quyết 23 đã và đang đi vào cuộc sống với ý thức, tâm huyết của văn nghệ sĩ và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Tuy vậy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục triển khai. Một là, Chính phủ và các ngành hữu quan quan tâm phối hợp giải quyết những vướng mắc về thể chế, cơ chế trong việc phát triển văn học, nghệ thuật như: chính sách về chế độ làm việc, chế độ tiền lương đối với cán bộ các Hội VHNT chuyên ngành ở Trung ương, với các loại hình nghệ thuật truyền thống (chèo, tuồng, cải lương, ca trù…). Thứ hai là vấn đề nguồn nhân lực cho ngành (đào tạo, tuyển chọn, tuyển dụng, chính sách đãi ngộ với những nghệ sĩ tài năng, nghệ nhân dân gian…). Thứ ba là, tăng cường cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa cơ sở, cho phép khôi phục lại Chương trình mục tiêu quốc gia về Điện ảnh (giai đoạn 2015-2020), đầu tư trang thiết bị cũng như khoa học, công nghệ trong lĩnh vực điện ảnh. Thứ tư là, các ngành chức năng quan tâm phối hợp với Bộ thực thi nghiêm minh pháp luật, khắc phục tình trạng vi phạm bản quyền, thực thi Luật sở hữu trí tuệ…tạo môi trường sáng tạo lành mạnh. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng trong việc giữ gìn, giới thiệu quảng bá và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Thời gian tới, cần kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 23- NQ/TW, đồng thời tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Nghị quyết trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương và đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức; Ngành văn hóa chủ động xây dựng một số đề án trình Chính phủ tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc nhất hiện nay như: nghệ thuật truyền thống, hoạt động điện ảnh và đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường phối hợp hoạt động với các bộ, ngành chức năng, với các địa phương trong cả nước để triển khai có hiệu quả những vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; Nên có sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa các đơn vị thuộc Bộ với các Hội chuyên ngành Trung ương cũng như với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam.

  Vũ Công Hội
Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn ngh

 

         

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất