Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 8/4/2013 22:5'(GMT+7)

Mấy suy nghĩ về vai trò của VH-NT trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong những ngày tháng này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tích cực đóng góp ý kiến vào“Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa xã hội rộng lớn và sâu sắc, vì điều này có liên quan đến vận mệnh của đất nước và dân tộc.

Thời gian qua, trên các diễn đàn và phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải hàng vạn ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước với tinh thần dân chủ, công khai, trách nhiệm. Có nhiều ý kiến sâu sắc, thấu tình đạt lý, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của công dân, phản ánh trình độ dân trí của nước ta hiện nay.

Đợt sinh hoạt chính trị này cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ, từ những người làm công tác lãnh đạo, quản lý đến người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, công trình... Bởi, trong Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nhiều vấn đề liên quan đến đời sống văn hóa của đất nước, trong đó có vai trò trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.

Kể từ năm 1945, sau khi đất nước ta giành được độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, vị thế của mỗi người dân Việt Nam đã được nâng lên với tư cách là người làm chủ đất nước.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng gian khổ, hy sinh, Đảng ta luôn coi trọng đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ. Xem đây là một lực lượng cách mạng quan trọng trong công tác tư tưởng - văn hóa.

Đối với những văn nghệ sĩ chân chính, thì sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng với những chiến công hiển hách của thời đại Hồ Chí Minh, luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của Đảng.

Để có được những thành quả cách mạng của ngày hôm nay, đúng với lòng mong mỏi của Bác Hồ “đưa đất nước ta sánh vai cùng với cường quốc năm châu”, Đảng và nhân dân ta đã phải trả giá bằng máu xương, mồ hôi, trí tuệ của nhiều thế hệ.

Trong những cuộc trao đổi, tranh luận thời gian vừa qua về những nội dung của Dự thảo, có thể đâu đó còn có những ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều, "lạc nhịp", nhưng cái nhìn chung nhất, tổng quát nhất của đại bộ phận anh chị em văn nghệ sĩ vẫn là sự tán thành với Bản Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992.

Loại trừ những ý kiến lợi dụng việc góp ý để chống phá và thực hiện mưu đồ đi ngược lại lợi ích chung của Đảng và dân tộc, thì những quan điểm về "điều này, điều kia" cần điều chỉnh hoặc thể hiện sự chưa đồng thuận với một số nội dung, chi tiết... cũng là việc rất bình thường trong đời sống, trong sinh hoạt tư tưởng, bởi đó chính là thể hiện sự dân chủ, đổi mới, và sáng tạo - một trong những yêu cầu của Đảng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà.

Một đất nước phải đi qua những năm tháng dằng dặc chiến tranh gian khó đã sản sinh ra cả một đạo anh hùng và nuôi dưỡng rèn luyện những người nghệ sĩ gắn bó với kháng chiến và cách mạng. Cho nên, ước nguyện lớn nhất của mỗi văn nghệ sĩ hôm nay và cũng là mong muốn của nhân dân, đó là trong bất kỳ tình huống nào, Đảng ta cũng phải thật sự vững mạnh, thật sự trong sạch, thật sự giữ được niềm tin yêu của mọi tầng lớp nhân dân.

Trong bối cảnh thế giới đầy những thử thách cam go, mọi giá trị nhiều khi không thể đánh giá bằng một sự nhận định giản đơn, với sứ mệnh thiêng liêng được nhân dân giao phó, Đảng cần phải vững mạnh hơn nữa đề tiếp tục sáng suốt, tiếp tục hướng đi đúng, tiếp tục đưa dân tộc vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Trong những chặng đường gian khó tiếp theo, cùng với mọi tầng lớp khác, đội ngũ văn nghệ sĩ chân chính, cách mạng sẽ vẫn nguyện một lòng đi theo lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Kỷ niệm 70 năm "Đề cương Văn hóa Việt Nam - 1943” năm nay, cũng là dấu mốc khẳng định một chặng đường 70 năm vẻ vang của Văn nghệ cách mạng Việt Nam. Chính ánh sáng chân lý của Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, 70 năm trước đã tạo nên sức thu hút mạnh mẽ, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, không phân biệt giai cấp, khuynh hướng sáng tác, không kể giàu nghèo cùng đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Đảng. Đã có hàng trăm văn nghệ sĩ ngã xuống chiến hào trong tư thế của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Và chính đội ngũ Văn nghệ sĩ ấy, lớp trước kế tiếp lớp sau, đã đóng góp cho nền văn nghệ cách mạng tiếp tục phát triển, làm nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa Việt Nam.

Vì thế, một trong những điều mong mỏi lớn nhất của mỗi văn nghệ sĩ nước nhà, được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, chính là Đảng, Nhà nước xác định rõ vai trò, vị trí của văn học - nghệ thuật trong Văn hóa. Đúng như Nghị quyết của Đảng đã từng xác định “văn học - nghệ thuật là lĩnh vực tinh tế và nhạy cảm” của Văn hóa.

Thực tế cho thấy, các tổ chức hội Văn học - Nghệ thuật hiện nay đã trở thành một trong những hệ thống mạnh mẽ, xứng đáng là “một tổ chức Chính trị - xã hội - nghề nghiệp” của đất nước. Chính trị - xã hội bởi đây là một đoàn thể do Đảng sáng lập và lãnh đạo với tiền thân là Hội Văn hóa cứu quốc năm 1943.“Nghề nghiệp”  là vì chỉ những nghệ sĩ chân chính, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân mới có mặt trong đội ngũ này. Bằng sức mạnh của sự sáng tạo, văn học - nghệ thuật  đã góp phần đắc lực vào công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, bảo vệ các giá trị truyền thống của dân tộc, bồi đắp đời sống tinh thần của con người, hướng tới các ghá trị nhân văn.

Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp của đất nước đã ghi nhận và khẳng định vai trò quan trọng của văn học - nghệ thuật nói riêng và văn hoá nói chung, trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhưng rất tiếc, ở nơi này, nơi khác, vẫn còn một số cơ quan quản lý Văn hóa, Văn học - Nghệ thuật nhiều khi chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn, do đó thiếu những cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời, để tạo điều kiện cho công tác văn hóa - văn nghệ phát triển, đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới./.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Phó Chủ tịch Thường trực
Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các hội VH-NT Việt Nam 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất