Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 7/4/2013 16:30'(GMT+7)

Phản ánh các nhân vật lịch sử trong tác phẩm điện ảnh Việt Nam


Những nhân vật và sự kiện lịch sử luôn là một đề tài hấp dẫn được các nhà điện ảnh quan tâm.

Người yêu điện ảnh đã từng được xem nhiều bộ phim của các nhà làm phim thế giới thực hiện. “Chiến tranh và Hòa bình” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga Lep Tônxtôi, trong đó trận chiến Bôrôninô với hai nhân vật lịch sử Napôleông và thống soái Cutuzôp đã được các nhà làm phim thể hiện sâu sắc, khiến người xem nhớ mãi. Có thể trong lịch sử cả Napôlêông và thống soái Cutuzôp có vị trí nhất định đối với cả nước Pháp và nước Nga ở thế kỷ thứ XIX. Nhưng công chúng điện ảnh sẽ yêu hai nhân vật này trong phim nhiều hơn. Dưới sự sáng tạo của người nghệ sĩ, đó là hai con người với tính cách khác nhau, nhưng họ hiện thân cho sức mạnh hai dân tộc nước Pháp và nước Nga trong cuộc đối đầu lịch sử giữa chiến tranh xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hơn một thế kỷ sau, cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô (trước đây) trong đại chiến thế giới lần thứ hai chống phát xít Đức cũng được điện ảnh Nga tái hiện sinh động, chân thực trong các tập phim. “Vòng cung Cuốc Cơ”, “Giải phóng”, “Công phá BécLin”… Nhiều nhà phê bình phim đã đánh giá cao các bộ phim trên.

Ở Việt Nam, những nhân vật lịch sử cũng đã được những nhà điện ảnh dựng phim: “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Nhìn ra biển cả”, “Vượt qua bến Thượng Hải”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”,… Hình tượng Bác Hồ là nhân vật trung tâm trong phim. Chỉ riêng chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhân vật Lý Công Uẩn đã được những nhà làm phim xây dựng thành hình tượng chính trong các bộ phim: “Những đứa con của Rồng” (hoạt hình), “Khát vọng Thăng Long”, “Huyền sử thiên đô”, và một hãng phim tư nhân thực hiện bộ phim “Lý Công Uẩn – đường tới Thăng Long”. Hãng phim Lý Huỳnh lấy nhân vật Nguyễn Huệ - Quang Trung để thực hiện bộ phim Tây Sơn hào kiệt. Hình ảnh vua tôi nhà Trần cũng đã được các nhà làm phim thực hiện thành bộ phim truyền hình dài tập “Thái sư Trần Thủ Độ”.

Những mặt ưu điểm và nhược điểm của các bộ phim truyện lịch sử kể trên đã được nhiều nhà điện ảnh, các nhà lýluận phê bình, các nhà báo viết bài phân tích. Tiếng khen cũng nhiều, mà lời chê không phải là ít. Cuộc tranh luận phân tích mối quan hệ giữa nhân vật, sự kiện lịch sử với tình tiết nhân vật lịch sử trong phim diễn ra cũng có lúc rất quyết liệt. Và ở từng góc độ lịch sử cũng như nghệ thuật điện ảnh không phải mọi người đã tìm được tiếng nói chung.

Qua các cuộc trao đổi, hội thảo vấn đề mà các tác giả đặt ra thông qua các bộ phim về đề tài lịch sử gợi mở cho chúng ta nhiều vấn đề. Một là: phản ánh nhân vật lịch sử trong các tác phẩm điện ảnh như thế nào để người xem phim chấp nhận được; hai là, vai trò sáng tạo của người nghệ sĩ trong quá trình phản ánh các nhân vật lịch sử trong các tác phẩm điện ảnh làm thế nào để vừa đảm bảo tính chân thực lịch sử, vừa mang tính nghệ thuật.

Từ thực tiễn qua các bộ phim điện ảnh Việt Nam về hình tượng Bác Hồ cho thấy: Mỗi bộ phim các tác giả đều tìm đến những thời điểm lịch sử nhất định để lựa chọn ý đồ sáng tạo, chủ đề, tư tưởng nhất định. Trên cơ sở đó xây dựng hình tượng nhân vật trong phim, dù nhân vật đó là nhân vật lịch sử. Những thời điểm lịch sử mà tác giả lựa chọn phải có ý nghĩa nhất, những sự kiện quan trọng để nhân vật bộc lộ tính cách, phim có đất diễn.

Trong Hà Nội mùa đông năm 46, đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh lựa chọn thời điểm gay cấn nhất của dân tộc ta sau khi giành được độc lập, dân tộc (1945), chống thù trong giặc ngoài, tình thế đất nước gay go phức tạp. Từ đó, tác giả xây dựng nên hình ảnh một vị lãnh tụ giản dị, quyết đoán, tài trí, đoàn kết được mọi lực lượng, thu hút được nhân tâm để mọi người dân sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, chuẩn bị mọi mặt cần thiết để dân tộc đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ở bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi và tác giả kịch bản lại lựa chọn vụ án Nguyễn Ái Quốc chống lại những âm mưu đen tối của những thế lực thực dân làm điểm tựa để thể hiện hình tượng Nguyễn Ái Quốc.

Đến bộ phim Nhìn ra biển cả, các nhà làm phim lại xây dựng nhân vật Nguyễn Tất Thành thời trẻ để làm rõ phẩm chất của một vị lãnh tụ tương lai và con đường ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là tất yếu.

Vượt qua bến Thượng Hải mặc dù không được thành công lớn như ở các bộ phim trên, cốt kịch bản, chi tiết điện ảnh đậm chất hình sự, nhưng các tác giả lại lái câu chuyện thoát hiểm của Nguyễn Ái Quốc sau khi ra khỏi nhà tù ở Hồng Kông để làm rõ ý nghĩa cảm hóa lòng dân (kể cả những kẻ làm nghề sát thủ) của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tình cảm của những người cộng sản và nhân dân Trung Quốc đối với Bác.

Mỗi bộ phim đều gắn với nhân vật và một sự kiện lịch sử nhất định, mức độ thành công của từng bộ phim có sự khác nhau. Điểím chung nhất là các tác giả của bốn bộ phim kể trên, cho người ta thấy cách xử lý nhân vật lịch sử với hình tượng nghệ thuật trong phim, làm nổi rõ nhân cách của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có sự đồng điệu và nhất quán.

Sự đồng điệu trong sáng tạo nghệ thuật còn được thể hiện giữa các tác giả và công chúng. Người xem các bộ phim về Bác Hồ không cảm thấy xa lạ, không có khoảng cách giữa những điều chúng ta đã từng biết về Bác qua các hành động cụ thể, qua sách báo, tài liệu với một hình tượng về Bác Hồ qua điện ảnh.

Trong khi đó bốn bộ phim về Lý Công Uẩn - vị vua đầu tiên sáng lập ra vương triều nhà Lý của nước ta được các nhà làm phim lựa chọn làm nhân vật chính trong phim đều có cách xử lý khác nhau. Có những điểm người xem phim chấp nhận được, nhưng cũng có những tình tiết, sự kiện, hình ảnh trong phim gây tranh cãi, thậm chí không chấp nhận. Dù sao chúng ta cũng phải cảm ơn các tác giả điện ảnh, đạo diễn NSND Phạm Minh Trí (phim Những đứa con của Rồng), đạo diễn NSƯT Lưu Trọng Ninh (phim Khát vọng Thăng Long), đạo diễn NSƯT Tất Bình - đạo diễn Đặng Thanh Phong (phim Huyền sử thiên đô và bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long), của một đạo diễn Việt Nam phối hợp với một đạo diễn Trung Quốc đã có những sáng tạo, tâm sức và cả tiền bạc để đầu tư cho việc làm một bộ phim lịch sử, với mong muốn mừng ngày Đại lễ. Chính vì vậy, họ đã lựa chọn đề tài lịch sử. Nhân vật chính là Lý Công Uẩn cũng như những sự kiện lịch sử chính trong phim đều được ghi nhận trong sử sách, nhưng mỗi tác giả của từng bộ phim đã khai thác hình tượng của Lý Công Uẩn ở những góc độ khác nhau. Mối quan hệ phức tạp trong triều chính giữa cha - con, vua - tôi…thời Đinh - Lê được coi là điểm nút quan trọng, các tác giả triệt để khai thác, tuy liều lượng và hình thức thể hiện khác nhau. Mức độ sử dụng võ thuật trong từng bộ phim cũng được các tác giả sử dụng, đáp ứng với thị hiếu của công chúng Việt Nam vốn nhiều năm nay đã quen xem phim chưởng Trung Quốc. Nghệ thuật dựng phim sử dụng các chi tiết phụ, để đề cao vai trò của Lý Công Uẩn trong quá trình lập nghiệp và rời đô cũng được các tác giả nghiên cứu kỹcàng. Tất cả chỉ để nhằm một mục đích trình bày quá trình hình thành con người Lý Công Uẩn, xây dựng hình tượng Lý Công Uẩn là một vị tướng dũng cảm mưu lược, nhân hậu, xứng đáng là vị vua sáng, tôi hiền. Và việc ông trở thành Đế vương là tất yếu của lịch sử.

Trong bốn bộ phim kể trên, trong đó có ba bộ phim Những đứa con của Rồng, Khát vọng Thăng Long, Huyền sử thiên đô được người xem chấp nhận, có bộ phim đoạt giải thưởng liên hoan phim (Khát vọng Thăng Long). Trong khi đo,á bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long đã được hội đồng duyệt phim xem tới ba lần, yêu cầu cắt bỏ nhiều đoạn, nhiều chi tiết và cho đến nay vẫn chưa ra mắt người xem vì nhiều lí do khác nhau. Về căn bản nội dung phim không có vấn đề gì sai phạm luật pháp và các yếu tố chính trị. Những người đã từng được xem phim đều có chung một nhận xét đạo diễn xử lý kỹ thuật, kĩ xảo trong quá trình làm phim nhiều trường đoạn đạt hiệu quả cao. Nhưng nhìn tổng thể, bộ phim thiếu tôn trọng một số chi tiết lịch sử và các yếu tố văn hóa (trang phục, cách ứng xử, nhân vật phụ, ngôn ngữ…). Cái yếu nhất của bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long là thiếu đi cái chất hồn cốt Việt, tâm hồn Việt, văn hóa Việt.

Từ những bộ phim lấy đề tài lịch sử trên đây thông qua các nhân vật lịch sử, cách xử lý nhân vật, người xem phim nhận ra rất rõ tình cảm, trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ với nhân dân và đất nước. Trần Thủ Độ là một nhân vật của thời Trần. Các sử gia phong kiến đánh giá về nhân vật Trần Thủ Độ còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng hầu như họ chịu sự chi phối của tư tưởng Nho gia, khiến Trần Thủ Độ chưa được hậu thế coi trọng. Nhưng dưới con mắt của các nhà điện ảnh, từ tác giả cho đến đạo diễn, những diễn viên đóng phim đã mang đến cho người xem phim một cách nhìn, cách nghĩ mới về Thái sư Trần Thủ Độ. Các khuyết tật của con người Trần Thủ Độ mà sử sách đã ghi (Dĩ nhiên! Dưới cảm quan của các sử gia phong kiến), các tác giả làm phim đều tôn trọng, nhưng chủ đề lớn nhất về bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ, các tác giả mang đến cho người xem: Đây là nhân vật lịch sử có vị trí quan trọng bậc nhất để tạo nên quá trình chuyển hóa cả một chế độ. Một triều Lý đã bước vào giai đoạn suy vi, mục nát để chuyển sang thời Trần với một sức sống mới tạo nên cái hào khí Đông A, làm rạng danh cho lịch sử Đại Việt ở thế kỷ XIII.

Nhiều năm trước đây, ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta chỉ biết được câu nói của Trần Thủ Độ lúc giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ nhất: “Nếu muốn hàng, xin bệ hạ hãy chém đầu thần đi đã!”. Bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ cho người xem hiểu biết toàn diện hơn về một con người lịch sử. Có thể, cách nhìn, cách nghĩ ấy của các nhà điện ảnh làm cho một vài nhà viết sử với những nguyên tắc nghiên cứu lịch sử nghiêm ngặt, họ không chấp nhận. Tác phẩm điện ảnh phản ánh các nhân vật lịch sử với sự sáng tạo của người nghệ sĩ còn hơn ở chỗ, biến các sự kiện, nhân vật lịch sử khô cứng thành con người sống động, cụ thể. Và trên hết, những nhân vật lịch sử trong các tác phẩm điện ảnh, với quan điểm thẩm mỹ của người nghệ sĩ đã mang lại một vẻ đẹp mới ở các nhân vật lịch sử, tạo cho công chúng niềm tin ở con người, khích lệ lòng yêu nước, cảnh báo cho họ trước những hiểm họa mà bài học lịch sử đã mang lại./.


Đỗ Kim Cuông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất