(TG) - Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013
do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã bước sang năm thứ 3 ngày
càng khẳng định một “thương hiệu”, tạo nên chỗ đứng bền chắc trong lòng
công chúng và vững vàng bước lên một nấc thang mới - Ngày hội tôn vinh sách và phát triển văn hóa đọc
Trong 2 ngày (19 - 20/4/2013), tại Trung tâm hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ diễn ra một sự kiện văn hóa hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới (World Book and Copyright Day - 23/4). Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã bước sang năm thứ 3 ngày càng khẳng định một “thương hiệu”, tạo nên chỗ đứng bền chắc trong lòng công chúng và vững vàng bước lên một nấc thang mới - Ngày hội tôn vinh sách và phát triển văn hóa đọc
Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2013 được tổ chức với quy mô lớn với nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực cùng với sự tham gia của hệ thống Thư viện công cộng, thư viện sách các trường đại học, các Nhà xuất bản… trên toàn quốc.
Tiếp theo thông điệp “Đọc sách cho ngày mai”, chủ đề của Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc năm nay là “Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời” hướng tới một lực lượng độc giả đông đảo là các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, thanh niên học sinh, sinh viên. Đây là sự kiện văn hóa nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyến khích đọc. Thông qua ngày hội Sách nhằm tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tác giả, tác phẩm; tôn vinh nghề thư viện, nghề xuất bản, phát hành…và góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực thi, bảo hộ quyền tác giả.
Rút kinh nghiệm 2 kỳ trước để ngày càng chuyên nghiệp hơn trong cách thức tổ chức Ngày hội Sách, ngay từ những ngày đầu tháng 4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chú trọng chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị chu đáo từ các khâu biên soạn, phát hành các tài liệu liên quan, treo băng rôn, khẩu hiệu trên một số tuyến phố, các trường Đại học… đến thực hiện công tác quảng bá, tuyên truyền, xây dựng kịch bản kịch bản tổng thể, xúc tiến thu hút tài trợ, kế hoạch phối hợp với địa phương đến việc chuẩn bị khen thưởng cho tập thể, cá nhân, mời các tổ chức quốc tế, các tham tán Văn hóa các nước tham dự Lễ khai mạc Ngày hội Đọc sách năm 2013…
Chung tay xây dựng cho Ngày Hội đọc Sách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Nhà văn Việt Nam trong công tác truyền thông quảng bá Ngày hội đọc sách, quảng bá cho phong trào đọc sách và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng, thẩm định sách triển lãm, thẩm định bản quyền tác giả, bảo vệ an ninh, an toàn trong thời gian diễn ra Ngày hội…
Hưởng ứng Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013, các địa phương trên toàn quốc đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực huy động sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các thành phố Hà Nội, TP Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… đã tìm tòi, đổi mới, sáng tạo nhiều hoạt động thiết thực, như: Tọa đàm, trình diễn sách, giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, hát theo sách…Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Đại học Y Hà Nội…tổ chức nói chuyện chuyên đề “Sách với việc giáo dục đạo đức và lối sống đẹp”. Thư viện trường Đại học Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh tham gia trưng bày tài liệu thuộc nhóm các chuyên ngành đào tạo nội văn và ngoại văn. Với chủ đề “Đọc sách – niềm vui và trí tuệ”, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động thiết thực, hướng tới đối tượng thiếu niên, nhi đồng giúp việc tiếp cận tri thức nhân loại. Công ty Cổ phần Sách Thái Hà - Thái Hà Books tổ chức chương trình đọc sách miễn phí, tạo một không gian đọc sách thân thiện với hơn 15.000 đầu sách phong phú hấp dẫn dành cho phụ huynh, trẻ em cùng các trò chơi giúp phát triển chỉ số IQ và EQ. Trong khuôn khổ Ngày hội đọc sách miễn phí, Thaihabooks phát động chương trình quyên góp sách vở và đồ dùng học tập để đóng góp vào dự án Sách hóa nông thôn...
Điểm nhấn của Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2013 diễn ra tại Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ngoài Chương trình văn nghệ, giao lưu và diễu hành của Đoàn viên thanh niên các trường văn hóa, nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (tối 19/4), còn lại 11 hoạt động chính được tổ chức trong cả ngày 20/4/2013, gồm: Lễ khai mạc, bế mạc; trình diễn thơ và văn xuôi do chính các tác giả thực hiện; tọa đàm, giao lưu giữa tác giả, tác phẩm với công chúng; thi xếp sách nghệ thuật do các nhà xuất bản và nhà sách thực hiện; triển lãm những sách đạt giải sách hay, sách đẹp; chân dung các nhà văn có những đóng góp cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam; vẽ tranh theo sách (học sinh tiểu học thực hiện); giao lưu với thiếu nhi, tìm hiểu kiến thức qua sách báo; Liên hoan Tuyên truyền giới thiệu sách do sinh viên các trường ĐH thực hiện; Góc thư viện dành cho thiếu nhi (phục vụ đọc sách, vẽ tranh theo sách, tô tượng, viết thư pháp); giới thiệu và bán sách giá ưu đãi (giờ Vàng bán sách của các nhà xuất bản, nhà sách); quyên góp sách đưa văn hóa đọc tới người dân ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, xây dựng nông thôn mới. Đặc biết chương trình có cuộc giao lưu với chủ đề “Vì sao tôi dịch Nick - tác phẩm Cuộc sống không giới hạn” giữa cây bút trẻ đầy nghị lực khát vọng vươn lên Nguyễn Bích Lan. Cùng với cuốn tự truyện “Không gục ngã”; Bích Lan còn là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, như: “Triệu phú ổ chuột” và gần đây nhất là bộ tự truyện “Best-seller” của Nick Vujicic “Cuộc sống không giới hạn” và “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”.
Điểm mới năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã huy động nhiều cục, vụ, đơn vị của Bộ tham gia, như: Vụ Thư viện, Văn phòng, Cục Mỹ thuật, Cục Văn hóa Cơ sở, Cục Hợp tác Quốc tế, Cục Bản quyền, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các trường văn hóa nghệ thuật…Thêm nữa, một lực lượng đông đảo tham gia các hoạt động chính trong Ngày hội Đọc sách năm 2013 chính là những cán bộ thư viện trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện đại học, thư viện trường phổ thông; là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu cùng các tác giả có tác phẩm được giới thiệu trong Ngày hội; là đông đảo học sinh sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, phổ thông trên địa bàn Hà Nội...Đây là đầu tiên có trưng bày hình ảnh, tượng chân dung các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã có nhiều đóng góp xây dựng nền văn học nước nhà.
Ngoài điểm nhấn của Ngày hội diễn ra tại Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều đơn vị tham gia hưởng ứng bằng nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực. Thư viện Quốc gia Việt Nam tham gia triển lãm sách báo, tư liệu tại địa điểm tổ chức Ngày hội và tổ chức Ngày hội Đọc sách tại Thư viện. Các Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, Nhà Xuất bản Thế giới, Nhà Xuất bản Văn học, Nhà Xuất bản Văn hoá dân tộc, Nhà Xuất bản Âm nhạc, Nhà Xuất bản Thể dục thể thao, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam sẽ tham gia các gian hàng giới thiệu và bán sách giá ưu đãi tại địa điểm tổ chức Ngày hội. Hội Xuất bản Việt Nam tham gia trưng bày, triển lãm các sách hay, sách đẹp đã đạt giải năm 2012; Hội Thư viện Việt Nam tham gia trưng bày, triển lãm các hoạt động của Hội thư viện trong việc phục vụ, tuyên truyền văn hóa Đọc…
Là đơn vị chủ nhà, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trong các tầng lớp nhân dân, các cơ quan tổ chức; chỉ đạo miễn thu vé vào cửa đối với đại biểu, khách mời và người dân đến tham dự; chỉ đạo Thư viện thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm nâng cao văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân, xe thư viện lưu động phục vụ sách, truyện tranh và máy tính có kết nối Internet...
Ngày hội đọc sách năm 2013 là một sự kiện văn hóa, là dịp thể hiện sự hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức tôn vinh sách và các tác giả. Thông qua hoạt động có ý nghĩa này nhằm chấn hưng văn hóa đọc, đưa bạn đọc đến với sách và làm cho việc đọc sách trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu ngoài việc bổ sung tri thức là góp phần làm phong phú, giàu đẹp tâm hồn con người hướng đến tính chân, thiện, mỹ. Hơn nữa, một điểm nhấn quan trọng là đưa sách nhà trường, giáo dục thế hệ trẻ quan tâm đến văn hóa đọc lành mạnh để chống lại những sản phẩm văn hóa độc hại, phản động từ internet.
Đây là một sự kiện rất cần được nhân rộng để hướng đến một xã hội học tập, nâng số bản sách của mỗi người lên trên mức “trần” hiện nay (mới đạt 0.37 bản sách/người/năm) và hơn nữa, qua sự kiện văn hóa này, góp phần tôn vinh các giá trị nhân văn, văn hiến của dân tộc Việt Nam. Đây là một việc làm thiết thực góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) tiếp tục đi vào cuộc sống.
Nguyễn Lê Xuân Thành