Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 10/10/2008 20:32'(GMT+7)

Ai đòi, đòi ai ?

Nó chẳng mang lợi cho ai, chỉ làm cho quan hệ giữa giáo xứ với chính quyền và người dân khu vực thêm căng thẳng, nhiều giáo dân nhẹ dạ cả tin bị lừa gạt, tình hình an ninh chính trị-trật tự xã hội trên địa bàn khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung trở nên rối ren, phức tạp…

Có thật đây chỉ là một vụ khiếu nại đất đai có nguồn gốc tôn giáo của giáo xứ Thái Hà và giáo phận Hà Nội không?

 

Để giải quyết các khiếu nại về đất đai, chắc chắn các vị chức sắc thuộc giáo xứ Thái Hà và giáo phận Hà Nội thừa hiểu rằng phải dựa trên pháp luật, trong đó có Luật đất đai để giải quyết và tuân thủ quy trình xem xét của luật pháp chứ không thể bằng cách tụ tập giáo dân về, đập phá tường rào, lấn chiếm đất, bày đồ thờ tự trái phép và tổ chức cầu nguyện dài ngày. Đặc biệt, không thể giải quyết bằng cách gây áp lực, thậm chí thách thức chính quyền, đòi chính quyền phải nhượng bộ trước những hành vi quá khích của một số giáo sĩ và giáo dân…

Nhìn lại toàn bộ sự việc, có thể thấy ở đây không phải chỉ có vấn đề đất đai mà vượt lên là một toan tính chính trị nguy hiểm hơn. Họ muốn lấy cớ một vụ khiếu nại đất đai để tạo ra một hiệu ứng đòi đất có nguồn gốc tôn giáo ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Bằng những cuộc tụ tập cầu nguyện dài ngày ngay giữa Thủ đô Hà Nội họ muốn tạo ra một không khí căng thẳng xung quanh vấn đề đất tôn giáo, từ đó tạo ra những câu chuyện xuyên tạc khác về “chính quyền vi phạm tự do tôn giáo”, chính quyền “đàn áp tôn giáo”, để thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, coi Việt Nam là một điểm nóng về tự do tôn giáo. Ngoài ra, họ còn muốn gây rối loạn, mất trật tự về an ninh xã hội, tạo ra bất ổn định về chính trị, đối lập chính quyền với tôn giáo, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc.

Trong toàn bộ cách đặt vấn đề của giáo xứ Thái Hà và Tổng giám mục giáo phận Hà Nội xung quanh khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung, đáng chú ý có một lập luận: Chỉ đòi chứ không xin. Với lập luận này họ đã cố tình làm cho vấn đề xem xét giải quyết khiếu nại đất đai đi vào bế tắc. Giáo xứ Thái Hà và giáo phận Hà Nội đã không thể tìm được tiếng nói chung với chính quyền, do cách đặt vấn đề của họ là vô lý và ngang ngược. Tất cả các văn bản luật pháp, các chính sách của Nhà nước ban hành về vấn đề quản lý và sử dụng đất đai đều bị họ bác bỏ một cách vô căn cứ. Vậy là trong khi chính quyền quận Đống Đa và thành phố Hà Nội thì yêu cầu phải ngồi lại bàn bạc, đối thoại để giải quyết thì họ tập hợp ngày càng đông giáo dân về cầu nguyện để đòi đất. Không giải thích được với giáo dân về vấn đề đất đai thì họ tung ra câu chuyện Đức Mẹ hiển linh để mọi người vì đức tin, vì cả tin đổ về Hà Nội. Bất chấp việc giáo dân tụ tập trái phép phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, ăn uống vạ vật, họ cứ tung tin, lôi kéo giáo dân về gây áp lực với chính quyền.

Xung quanh chuyện khiếu nại đất đai, rõ ràng giáo xứ Thái Hà và Tổng giám mục giáo phận Hà Nội bỏ qua những nguyên tắc mà Hiến pháp đã quy định: đất đai là sở hữu nhà nước, “công thổ quốc gia”, Nhà nước giao cho các tổ chức cá nhân quyền sử dụng đất, khi nhà nước cần thì có thể thu hồi. Mọi vấn đề tranh chấp đất đai nảy sinh trên thực tiễn phải dựa vào Luật đất đai để giải quyết. Họ cũng bỏ qua một sự thật lịch sử là dù cho chính quyền thực dân Pháp đã cấp đất cho Nhà thờ đi chăng nữa thì từ sau 1954 thuộc toàn bộ đất đai trên lãnh thổ Việt Nam thuộc về chủ quyền của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là CHXHCN Việt Nam và tuân thủ các quy định, Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam.



Người ta không thể không đặt vấn đề vì sao họ nói cần đất nhưng đến khi chính quyền gợi ý 3 khu đất ở 3 địa điểm có diện tích đủ lớn theo yêu cầu nhưng họ đều từ chối. Vậy bản chất việc đòi là gì nếu không phải là để tạo ra một áp lực chính trị với chính quyền? Sẽ ra sao nếu chính quyền nhượng bộ, đáp ứng những đòi hỏi vô căn cứ của một số giáo sĩ Giáo xứ Thái Hà và Tổng giám mục giáo phận Hà Nội? Quan điểm “đòi chứ không xin” có phải là một thách thức của Tổng giám mục Hà Nội đối với chính quyền? Hơn thế nữa, ông ta còn tuyên bố, nếu chính quyền không đáp ứng thì phía giáo hội sẽ sử dụng mọi khả năng có thể? Vậy đó là khả năng gì?

Về cá nhân ông Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục giáo phận Hà Nội, người được coi là chủ mưu trong vụ “đòi đất” 42 Nhà Chung đã không giấu nổi những suy nghĩ và hành vi của mình, để cuối cùng trong một thời khắc tất yếu, ông bộc lộ bản chất của mình với câu nói về một nỗi nhục của cá nhân ông mỗi khi cầm tấm hộ chiếu Việt Nam đi ra nước ngoài. Công luận đã phê phán nhiều trong mấy ngày qua, trong bài viết này xin không phân tích sâu nữa, những rõ ràng đó là một câu nói không thể chấp nhận đối với một người là con dân đất Việt vì nó xúc phạm đất nước, dân tộc, Tổ quốc và đặc biệt xúc phạm biết bao thế hệ người Việt Nam đã hy sinh, không tiếc máu xương, giành cho được đất nước hoà bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ hôm nay. Thử hỏi có mảnh đất nào trên đất nước này, kể cả khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng, 42 Nhà Chung và tất cả các khu đất dựng Nhà thờ, thánh thất, chùa chiền, nơi thờ tự của tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng… mà không thấm máu các thế hệ người Việt Nam? Người ta đòi ông Ngô Quang Kiệt phải xin lỗi giáo dân và nhân dân cả nước về câu nói này. Bằng không, ông tự đặt ông đối lập với nhân dân và chính các giáo dân. Chúa không dạy con chiên những lời xúc phạm đó. Giáo dân không mong đợi từ “bề trên” của mình những lời xúc phạm đó!.

Đã từng có một nỗi nhục dai dẳng đối với mỗi người Việt chúng ta đó là nhục mất nước, nhục là dân của một nước nô lệ… Toàn dân Việt nam đã đứng lên theo lời kêu gọi của Bác Hồ, đi theo Đảng để rửa nỗi nhục đó. Rất nhiều giáo dân cùng cả dân tộc đã đứng lên tranh đấu, hy sinh để rửa nỗi nhục đó. Và chúng ta đã thoát khỏi nỗi nhục mất nước cách nay 63 năm. Thật đau xót khi nghe những lời về nỗi nhục của ông Ngô Quang Kiệt! Còn ai nữa suy nghĩ như ông Ngô Quang Kiệt, mong có dịp suy nghĩ lại, đâu là phải, đâu là trái.

Có thể ông Ngô Quang Kiệt cũng như một số giáo sĩ thuộc giáo xứ Thái Hà sẽ bình tĩnh nghĩ lại sau một loạt sự việc xảy ra vừa qua để có một cách ứng xử đúng đắn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa giáo hội với chính quyền. Hà Nội cũng như các địa phương khác trong cả nước đều nhất quán thực hiện các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù có nhắm mắt lại cũng có thể thấy từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn như thế nào trong việc thực hiện các chính sách tôn giáo. Đất nước đổi mới, phát triển mạnh mẽ và hoà nhập quốc tế sâu rộng những năm qua càng có điều kiện để các tôn giáo cùng phát triển, việc đạo, việc đời gắn bó hài hoà, nhân dân tự do đi Nhà thờ, đi lễ chùa, cầu nguyện cho quốc thái, dân an, đất nước hoà bình, thịnh vượng. Không nên và không thể gieo mầm cái ác trên mảnh đất thanh bình của chúng ta.

Tôi cứ suy nghĩ mãi cách đặt vấn đề vô căn cứ của ông Tổng giám mục giáo phận Hà Nội với Chính quyền Thủ đô: Chỉ đòi chứ không xin! Hoá ra đất nước này mắc nợ với ông hay sao? Ai đi đòi đất từ tay các thế lực thực dân, đế quốc, xâm lược từ hàng nghìn đời nay cho đất nước này? Cái quyền đòi nợ ấy ai ban cho ông? Chính ông nợ đất nước này chứ. Ông sinh ra từ đâu, ai chăm sóc ông, nuôi dưỡng ông, cho ông học hành, cho ông được làm một công dân của một đất nước độc lập, có chủ quyền, ngẩng mặt tự hào với thế giới. Tất cả chúng ta đều mắc nợ đất nước, Tổ quốc, dân tộc, các bậc tiền bối. Món nợ tinh thần ấy nhắc nhở chúng tôi, cũng như ông sống sao cho xứng đáng, cố làm chút gì trong sức lực của mình để đất nước này phát triển, đi lên, sánh cùng thời đại. Còn đất nước thì còn tất cả!

Những giáo dân tham gia tụ tập cầu nguyện trái phép và có những hành vi vi phạm pháp luật vừa rồi là ai? Đáng chú ý là có rất ít người thuộc giáo xứ Thái Hà, phần đông từ các nơi khác đến. Trong số những người đến có những người bị lừa gạt, nhẹ dạ cả tin, nghe tin đồn lan truyền, cũng có người bị xúi giục, kích động, thậm chí mua chuộc. Rất nhiều người cuối cùng đã nhận ra đâu là sự thật. Họ sẽ nghĩ gì về bề trên của họ. Đức tin vào Chúa thật đáng trân trọng nhưng vì sao lại có những kẻ lợi dụng đức tin ấy để làm khổ giáo dân. Nóng nực, nhễ nhại, hỗn độn, huyên náo, nhếch nhác, căng thẳng, mệt mỏi…là tất cả những gì họ chứng kiến và chịu đựng, không phải một ngày mà nhiều ngày. Chính họ đã trở thành con tin của một số kẻ lợi dụng Chúa, lợi dụng tự do tôn giáo thực hiện một mưu đồ chính trị. Cần coi đây là một bài học cho lâu dài. Ai sẽ nói để cho các giáo dân cùng hiểu điều này ? Chính là các vị giáo sĩ, chức sắc, chức việc và bà con giáo dân. Chớ để lặp lại câu chuyện buồn!.

Tại hai khu đất nay đã trở lại yên bình sẽ mọc lên hai vườn hoa xinh xinh. Điều đó thật có ý nghĩa. Nó sẽ nhắc nhở mọi người nâng niu chăm chút cho vẻ đẹp của Thủ đô của đất nước Việt Nam yêu quý, một Thủ đô Hoà bình. Sẽ thật êm dịu cho những ai đến cầu nguyện tại Nhà thờ và êm dịu với dân cư sống trong khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung. Hãy cùng thư thái để lòng mình yên tĩnh, hướng về Chúa, hướng về một cuộc sống tốt đẹp. Hãy cùng ngắm hoa, điều đó sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều những gì đã xảy ra thời gian qua./.

 . Phúc Nguyên
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất