Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 5/10/2008 22:24'(GMT+7)

Nâng cao văn hóa nghề cho thanh niên - yếu tố quan trọng trong quá trình CNH, HĐH

Cơ sở thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá cũng không đơn thuần chỉ dựa trên các yếu tố đầu vào như nguồn vốn, cơ sở kỹ thuật, hạ tầng mà hơn thế, còn cả khả năng tiếp cận và khai thác một cách sáng tạo và hiệu quả các nguồn lực cơ bản của người lao động trong đó có những vấn đề về chuẩn mực, định hướng giá trị và hành vi nghề nghiệp, tức là những vấn đề về văn hoá nghề của nhóm những người trẻ tuổi. Vấn đề về văn hoá nghề như là một mặt quan trọng của văn hoá trong sự phát triển công nghiệp hoá và hiện đại hoá hiện nay.

1. Sự cần thiết phải nâng cao văn hoá nghề hiện nay

Ngày nay, việc đánh giá chất lượng nguồn nhân lực đã không chỉ dừng lại ở các thông số về kỹ năng, trình độ tay nghề đơn thuần mà còn ở một trình độ văn hoá nghề nghiệp, tức là ở nhận thức về nghề, ở những chuẩn mực, giá trị của người lao động, lòng yêu nghề và khả năng sáng tạo tích cực, góp phần tạo ra những nhân tố mới đem lại hiệu suất lao động cao.

Trong xã hội hiện đại, người lao động cần phải thực thi nghề nghiệp trong một môi trường nghề nghiệp rộng lớn. Do vậy, mỗi người lao động sẽ khó có được nhận thức và hành vi nghề nghiệp có văn hóa nếu bầu không khí xung quanh họ không có văn hóa. Chính vì vậy, vấn đề văn hóa nghề không phải chỉ tồn tại ở phạm vi các cá nhân riêng rẽ mà ở cả một thiết chế lao động, một phạm vi rộng lớn mà các nhà xã hội học gọi là “không gian văn hóa nghề”.

Như vậy, không phải chỉ có những người lao động nghề nghiệp mà cả những nhà đầu tư, những nhà quản lý, những nhà giáo dục, đào tạo nghề, cũng như tất cả chúng ta đều sống trong một “không gian văn hóa nghề” nhất định và đều phải biết cư xử với nó một cách có văn hóa. Chẳng hạn, nhà đầu tư có nhận thức về văn hóa nghề thì không thể chỉ toan tính tới lợi nhuận kinh tế mà còn phải biết đầu tư, lựa chọn những lĩnh vực đầu tư nào phát triển bền vững, không hủy hoại môi trường, không xâm hại tới con người.

Nhà quản lý lao động tốt thì phải biết chăm lo tới đời sống của những người lao động, chú ý tới những mặt phúc lợi xã hội, tới những vấn đề bảo hiểm lao động, an toàn lao động..., mặc dù điều này trong nhiều trường hợp có thể làm hạn chế doanh thu của họ. Họ cũng không thể vì lợi nhuận mà sử dụng lao động trẻ em, hoặc trốn thuế... Người đào tạo nghề không thể chỉ dựa vào nguồn thu học phí hoặc ý muốn chủ quan mà phải căn cứ vào nhu cầu đào tạo trong thực tiễn và định hướng nghề nghiệp của người học. Như vậy xây dựng không gian văn hoá nghề tiến bộ là trách nhiệm của toàn xã hội. Rất tiếc điều này cho đến nay vẫn chưa được chúng ta chú ý đúng mức.

Ngày nay, thiếu tinh thần trách nhiệm trong nghề nghiệp có thể gây nên những thảm hoạ lớn về môi trường và xã hội. Đổ nhà, gẫy cầu, sập hầm lò, rơi máy bay… là hệ quả của sự bất cẩn về nghề nghiệp mà ngày nào chúng ta cũng có thể đọc thấy ở các phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới. Nếu mỗi người lao động có ý thức về nghề nghiệp cao hơn, chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế bớt được các thảm hoạ này.

Nếu trong thực tiễn, mỗi người chúng ta lại có một trình độ văn hoá khác nhau, tương ứng với khả năng của mình thì trong văn hoá nghề cũng vậy. Một nước nông nghiệp lạc hậu sẽ có một trình độ văn hoá nghề khác với một nước công nghiệp phát triển. Như vậy, trên thực tế, trong điều kiện hiện nay, văn hoá nghề ở nước ta cũng chỉ có trình độ tương ứng với văn hoá nghề ở các nước nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hoá khác mà thôi. Phải nói rằng, ở các nước công nghiệp hoá phát triển, trình độ văn hoá nghề của họ cao hơn ở ta nhiều. Ở nước họ, kỷ luật công nghiệp là rất chặt chẽ và nghiêm khắc, ý thức tuân thủ các quy trình và thao tác kỹ thuật là rất cao, không bao giờ có chuyện chơi đùa trong giờ làm việc hoặc đang lao động lại có thể dừng máy để ra ngoài hút thuốc. Đây là điều mà chắc chắn chúng ta sẽ phải nghiên cứu và học tập rất nhiều từ các nước này

Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá sẽ là một người thầy kiên nhẫn và nghiêm khắc nhất đối với việc truyền dạy và giáo dục về văn hoá nghề cho mọi người lao động, trong đó có giới trẻ. Người nào không có đủ kiến thức và hành vi văn hoá nghề, đáp ứng được với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hoá, người đó sẽ bị đào thải. Công nghiệp hoá và hiện đại hoá, sớm muộn gì cũng sẽ tạo ra được môt thế hệ những người lao động có nhận thức và hành vi văn hoá nghề tương ứng với sự phát triển của nó.Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta không thể cứ ngồi dưới gốc cây mà đợi quả rụng xuống. Cần phải biết chăm bón cho cây mau lớn. Để có thể nâng cao văn hoá nghề cho người dân và giới trẻ chúng ta phải đề ra được các giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra một không gian văn hoá nghề mới.

2. Văn hoá nghề từ những phân tích định hướng giá trị nghề nghiệp của thanh thiếu niên

Văn hoá nghề biểu hiện trước hết ở sự nhận thức về nghề, sự lựa chọn nghề nghiệp và về việc học nghề.

Sự phát triển kinh tế-xã hội trong những năm qua đã cho thấy, ở nước ta vẫn còn tồn tại sự phân bổ chưa hợp lý về nguồn nhân lực mà nổi bật là tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Số lượng sinh viên được đào tạo qua các trường đại học tăng mạnh, trong khi đó thì lực lượng lao động kỹ thuật, thợ tay nghề bậc cao thì lại thiếu hụt nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bất hợp lý này là ở nhận thức và hành vi văn hoá nghề của thanh thiếu niên.

Nhiều bậc cha mẹ, ngày nay vẫn còn mong muốn con cái chỉ chuyên chú học tập, thi đỗ đại học và theo đuổi giấc mộng “làm quan”, “làm thầy” theo cách nghĩ chịu ảnh hưởng của tư duy Nho giáo truyền thống. Trong khi nhiều khu công nghiệp đang được xây dựng và đi vào hoạt động thì vẫn có không ít các bậc cha mẹ tại chính các khu vực công nghiệp đó vẫn ôm mộng khoa cử, cho con cái học những ngành nghề ít gắn bó với nhu cầu phát triển của công nghiệp. Trong nhận thức và suy nghĩ của mình, phần lớn thanh niên hiện nay vẫn còn cho rằng, để vào đời thuận lợi thì tấm giấy thông hành cần thiết vẫn phải là một trình độ đại học hay trên đại học. Tỷ lệ thanh niên cho rằng để có thể vào đời thuận lợi cần có trình độ đại học và trên đại học vẫn còn chiếm tới 35,7% số người được chúng tôi điều tra

Một bộ phận thanh niên khác lại cho rằng, cần phải học hết phổ thông trung học rồi mới có thể tính toán đến những bước đi tiếp theo. Tỷ lệ thanh niên có ý kiến này chiếm tới 48,8%. Như vậy, phần đông các ý kiến vẫn cho rằng việc học lên cao mới là cơ sở đích thực để phát triển. Tỷ lệ cho rằng để có thể vào đời thuận lợi chỉ cần có nghề giỏi chiếm tỷ lệ thấp, chỉ là 6,7%, tỷ lệ trả lời không biết chỉ là 1,3% và số có ý kiến khác là 2,9%.

Theo điều tra của chúng tôi, trong số các nghề được lựa chọn để theo học thì tỷ lệ thanh thiếu niên chọn học nghề hành chính văn phòng là rất cao. Tại các khu vực có cơ sở công nghiệp lớn, đang phát triển mạnh mẽ mà chúng tôi điều tra là Hà Nội, Quảng Ninh và Dung Quất thì số thanh thiếu niên chỉ thích học nghề hành chính văn phòng đã chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 36,6% số người được hỏi. Đây là điều thật đáng phải suy nghĩ về văn hoá nghề.

Ngoài việc chọn học các nghề hành chính văn phòng, các ngành nghề như lái xe, lái tàu thuỷ hay cơ khí, kỹ thuật điện ít được quan tâm và chú ý. Tại khu công nghiệp Dung Quất, nếu như tỷ lệ các em dự định theo học các ngành liên quan đến kỹ thuật lọc, hóa dầu lên tới 34,6%, tin học là 26,7% và văn phòng là 36,6% thì sự lựa chọn với các ngành khác như cơ khí chỉ là 18,2%, xây dựng là 19,1%, kỹ thuật điện là 17,6%, lái xe là 15% và lái tàu thuỷ là 6,7%.

Tại một số vùng nông thôn, nông nghiệp, kết quả điều tra đã cho thấy, hầu như không có các ý kiến mong muốn được tiếp tục làm nghề sản xuất nông nghiệp, chỉ có 0,9% các em có dự định tiếp tục nghề sản xuất nông nghiệp. Với thế hệ trẻ hôm nay, việc cần mẫn canh tác trên những thửa ruộng được phân chia đã không trở thành một ước mơ hấp dẫn. Việc duy trì làm nông nghiệp trong nhiều trường hợp thậm chí còn bị đánh giá như là sự thất bại về nghề nghiệp. Có thể thấy những số liệu về mong muốn có nghề nghiệp trong tương lai ở khu vực này: Lâm, nông nghiệp: 0,9%; Công chức nhà nước: 37,2%; Làm nhà kinh doanh: 5,7%; Công nhân có tay nghề: 36,6%; Khoa học, nghiên cứu: 4,2%; Nhà văn, nghệ sỹ: 4,2%; Làm giáo viên: 4,2%; Tham gia lực lượng vũ trang: 13,4%; Vận động viên thể thao: 4,6%; Nghề khác: 2,6

Khi so sánh với định hướng nghề nghiệp của thanh thiếu niên miền núi, chúng tôi nhận thấy cũng có nhiều sai lệch về chuẩn mực văn hoá nghề. Trong khi khu vực miền núi cần rất nhiều nghề lao động chân tay để phát triển thì các nghề được chọn cao lại là nghề dạy học, cán bộ hành chính văn phòng và nghề y. Đây là những nghề dường như có uy tín xã hội cao đối với khu vực miền núi

Qua khảo sát cho thấy, phần đông các em ở lứa tuổi từ 11-17 tuổi đều thích làm nghề giáo viên. Nghề y cũng được nhiều em mong muốn và chiếm tỷ lệ thứ hai. Điều đáng chú ý là, tại các khu vực miền núi, cũng giống như ở các khu vực công nghiệp và nông thôn, có khá đông thanh thiếu niên cũng mong muốn được làm công tác hành chính văn phòng.

Kết quả khảo sát trên đây đã phản ánh những điều kiện chung thuận lợi và những khó khăn bất cập của các địa phương, khu vực trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hoá. Nó cũng cho thấy, để có thể làm tốt hơn công tác chuẩn bị, tạo các cơ sở phát triển nguồn nhân lực, chúng ta không chỉ cần nâng cao nhận thức chuyên môn về nghề nghiệp mà còn cả sự định hướng giá trị nghề nghiệp, nâng cao trình độ nhận thức về văn hoá nghề, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mới. Thực hiện các giải pháp gắn kết giữa việc tuyển chọn nguồn lao động với các yêu cầu, tiêu chuẩn lao động trong các khu công nghiệp, có các chính sách, biện pháp giáo dục riêng giúp các em học sinh có trình độ, tâm thế gắn bó với tác phong văn hoá công nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường.

3. Một số vấn đề nâng cao văn hoá nghề cho thanh niên hiện nay

Nếu công nghiệp hoá được bắt đầu từ chính con người, từ sự nhận thức đúng đắn của họ về quá trình xây dựng, triển khai và phát triển công nghệ và công nghiệp, thì vấn đề nâng cao văn hoá nghề cần phải được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển công nghiệp hoá.

Để một khu vực công nghiệp có thể hoạt động có hiệu quả, cần phải thống nhất được một chiến lược phát triển chung không chỉ ở những mặt kinh tế, công nghệ, hạch toán kinh doanh... mà còn phải xác định rõ một kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chung, nâng cao nhận thức về văn hoá nghề, khắc phục những hạn chế, nhất là những hạn chế gắn liền với các chuẩn mực và giá trị lao động nghề nghiệp cũ, phát huy được sức mạnh của toàn khu vực nhằm đáp ứng những yêu cầu và đỏi hỏi cần thiết của khu công nghiệp.

Trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chúng ta phải quan tâm hơn nữa tới khía cạnh văn hoá nghề. Cần phải có các chính sách và giải pháp phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn khu vực, khơi dậy được những tiềm năng sẵn có về kinh tế, con người và văn hoá, sự ham học hỏi, lòng say mê và yêu thích lao động sáng tạo của các thế hệ, xã hội hoá công tác đào tạo và học tập, xây dựng những chuẩn mực và giá trị lao động nghề nghiệp mới. Chính sự phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp công nghiệp hoá sẽ là cơ sở khách quan cho việc hình thành và phát triển văn hoá nghề, các chuẩn mực và giá trị mới về lao động và việc làm trong thanh niên. Nó tạo ra một bộ lọc tự nhiên, thu nhận những người lao động mới, có khả năng thích ứng với những điều kiện của công nghiệp hiện đại và loại bỏ những người lao động không đáp ứng được nhu cầu, định hướng việc hình thành những giá trị và chuẩn mực mới về nghề nghiệp

Về phương diện này, chúng ta cũng cần có được những văn bản pháp quy, vừa khuyến khích, động viên, vừa ràng buộc và khẳng định trách nhiệm đối với các nhà quản lý, các nhà đầu tư và sử dụng lao động trong việc phải tham gia tích cực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng những chuẩn mực và giá trị lao động mới trong thanh thiếu niên. Chúng ta cũng phải sớm xây dựng và hoàn thiện một cơ chế hợp lý, tạo điều kiện để các cơ quan chính quyền, đoàn thể, cộng đồng, gia đình và đặc biệt là ngành giáo dục đào tạo và ngành lao động xã hội tham gia tích cực và trực tiếp vào công tác đào tạo cả về chuyên môn và về văn hoá nghề.

Cần có sự phân công trách nhiệm cụ thể và rõ ràng đối với các cơ quan và tổ chức tham gia công tác đào tạo, từ hệ thống điều hành quản lý chung đến hệ thống các trường đào tạo chính quy và phi chính quy, từ hệ thống đào tạo của Trung ương tới hệ thống đào tạo của địa phương, cơ sở, của nhà nước và của tập thể, của các đơn vị sử dụng lao động và của tư nhân. Tạo những điều kiện thuận lợi và cơ bản để mở rộng công tác xã hội hoá việc đào tạo nguồn nhân lực cả về chuyên môn và về nhận thức nghề nghiệp. Thông qua những hoạt động có hiệu quả của chiến lược đào tạo, chúng ta có thể xây dựng được những điều kiện khách quan, thực tế cho việc hình thành những chuẩn mực và giá trị lao động mới ở thanh thiếu niên.

Mặc dù trong thời gian gần đây, hàng loạt cơ sở dạy nghề đã được mở ra ở nhiều nơi, nhiều tỉnh, nhưng rõ ràng là, nếu không có những sự đầu tư đúng mức thì hệ thống các trường trên dù có nỗ lực đến mấy cũng khó có thể đáp ứng được những nhu cầu cần thiết cho việc đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý và kỹ thuật, công nhân vừa lành nghề vừa có tác phong văn hoá nghề. Tiềm năng con người, những người trẻ trung, mạnh khoẻ, đầy nhiệt huyết, chăm chỉ học hành, yêu lao động và cần cù tiết kiệm nếu không được chăm sóc giáo dục và đào tạo vẫn sẽ chỉ là những tiềm năng tiềm ẩn, không thể đáp ứng được với những chuẩn mực lao động mới.

Cần phải tập hợp mạnh mẽ các nguồn lực, tranh thủ mọi nguồn kinh phí, từ kinh phí của Nhà nước và của tỉnh, các nguồn kinh phí từ những người sử dụng lao động, những nhà đầu tư, những tổ chức đoàn thể, các gia đình và cá nhân có nhu cầu đào tạo vào công tác đào tạo. Những điều tra của chúng tôi ở phần trên đã cho thấy, rất nhiều gia đình đã bày tỏ ý định sẵn sàng đóng góp kinh phí đào tạo, đầu tư cho con cái đi học, nếu đó là những ngành học phù hợp và có tương lai. Điều đó cho thấy sự thay đổi trong nhận thức cũng như quyết tâm chung của nhân dân trong khu vực về lĩnh vực cần thiết và quan trọng này.

Một trong những nội dung quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là những định hướng về chuẩn mực và giá trị lao động trong những điều kiện của công nghiệp hoá. Về phương diện này, chúng ta không thể chỉ giáo dục về kỹ thuật, công nghệ và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn đơn thuần, mà phải giáo dục về các chuẩn mực và giá trị lao động, giáo dục về ý thức nghề nghiệp, sự lựa chọn nghề nghiệp, nâng cao khả năng sáng tạo trong lao động. Nói một cách khác là phải đào tạo ra những con người lao động mới không chỉ có chuyên môn vững vàng mà còn có những định hướng giá trị lao động đúng đắn, phù hợp với quá trình công nghiệp hoá.

Chúng ta cũng chỉ có thể có được một nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tương lai khi chúng ta có được một nền giáo dục phổ thông tốt. Phải bắt đầu việc giáo dục các chuẩn mực và định hướng giá trị lao động mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá không phải từ các trường đào tạo nghề nghiệp mà ngay từ những giai đoạn học tập đầu tiên, từ trường phổ thông. Trong các trường học đầu tiên này, chúng ta phải chuẩn bị không chỉ các kiến thức văn hoá mà còn cả tâm thế cho những người lao động tương lai tại khu công nghiệp. Trong các chương trình học phổ thông, chúng ta cần lồng ghép những chương trình học tập hướng nghiệp, đưa môn học hướng nghiệp vào ngang hàng với những môn học quan trọng khác. Phải xây dựng những chuẩn mực và định hướng giá trị, nếp sống văn hoá mới trong xã hội theo các quy chuẩn của xã hội công nghiệp, tạo dựng cho lớp trẻ quen dần với một môi trường sống công nghiệp, nhận thức, tư duy và hành động theo phong cách của người lao động công nghiệp.

Sau cùng, chúng ta chỉ có thể đào tạo và phát triển văn hoá nghề trong điều kiện là chính quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá sẽ được đẩy mạnh và phát triển không ngừng. Trong trường hợp này, sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hoá sẽ vừa tạo ra những nhu cầu về nguồn nhân lực vừa tạo cơ sở thực tiễn cho việc hình thành những chuẩn mực và giá trị lao động mới. Ngược lại, chính nguồn nhân lực lao động có tri thức, có ý thức kỷ luật, yêu lao động sáng tạo, có văn hoá nghề nghiệp cao, được tổ chức chặt chẽ lại là linh hồn của sự phát triển công nghệ và kỹ thuật, là yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển không ngừng và bền vững của sự nghiệp công nghiệp hoá. Đây chính là phép biện chứng của sự phát triển nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá./.


GS, TS. Đặng Cảnh Khanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất