Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 26/9/2008 11:27'(GMT+7)

Báo động ô nhiễm môi trường văn hoá

Chương trình thời trang "Đêm phong cách" bị phạt tiền vì trang phục hở hang.

Chương trình thời trang "Đêm phong cách" bị phạt tiền vì trang phục hở hang.

 Nhà văn Nguyên Ngọc đã ví văn hóa là cái phanh của xã hội, của lịch sử. Một khi cái phanh ấy bị hỏng, thảm hoạ xảy ra khôn lường. Những bộc lộ gần đây ở lĩnh vực văn hoá cho thấy cái phanh ấy đang bị hỏng hóc, hoặc giả đó là hệ lụy từ một quá trình du nhập nhiều loại rác văn hoá, mà không qua một màng lọc của hệ thống quản lý hiệu quả.

Những cú "sốc" văn hoá

Cú "sốc" văn hoá bắt đầu từ sự kiện "
không áo không quần" do một Cty lớn như FPT tổ chức. Hình ảnh kinh dị của hai sinh viên được tung lên mạng, đáng kinh dị hơn là sự "thưởng thức" của một tập thể có thể gọi là trí thức, cộng thêm những bài hát "chế tác" phản cảm..., tất cả góp phần làm đổ sụp văn hoá của một DN được gây dựng bao năm chỉ trong phút chốc. Cú "sốc" đó cho thấy một bộ phận thanh niên, công chức đã bị miễn dịch trước sự xấu hổ và hé lộ phần nào sự buông tuồng đạo đức, nhân phẩm.


Trên thị trường sách, báo, tạp chí lá cải tràn ngập, từ truyện tranh gợi dục đến những cuốn sách ỡm ờ về giới tính, những cuốn sách bạo lực đến những tác phẩm dịch tầm phào, vô bổ, nhưng đủ sức tàn phá tinh thần một thế hệ mới lớn. Điều gì đang xảy ra? Vì sao lại có sự quản lý buông lỏng như vậy? Hệ lụy của nó là có một xu hướng bạo lực trong giới thanh thiếu nhi, không phải ngẫu nhiên mà trò đánh thầy, trẻ vị thành niên hiếp dâm, rút dao trong trường học. Sự băng hoại về đạo đức luôn theo sau những nơi cái phanh văn hoá bị nhờn.


"Rác" văn hoá ngoại nhập tràn lan

Cho dù vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông yêu cầu Cục Xuất bản tạm ngừng xác nhận, đăng ký kế hoạch xuất bản truyện tranh dịch, để rà soát lại những vi phạm của các nhà xuất bản (NXB), thì một vấn đề cần làm rõ là trách nhiệm của Cục Xuất bản và các NXB ở đâu? Vì sao bao nhiêu năm qua, hệ thống kiểm duyệt khó chỗ này, dễ chỗ kia, lại có thể dung túng cho những ấn phẩm rẻ tiền và nguy hại như vậy?

Văn hoá trách nhiệm dường như là một khái niệm ngày càng không thực, khi ở ta, ít cá nhân, đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm khi sai phạm xảy ra. Hiếm thấy một quan chức Cục Xuất bản nào đứng ra từ chức khi có vụ việc nổi cộm; ngược lại, họ đổ lỗi cho NXB, NXB lại đổ lỗi cho đối tác. Người ta thường quan tâm đến tác phẩm đúng - sai mà bỏ qua những sản phẩm dở, những thứ rác ngoại nhập nguy hiểm, những mầm mống độc hại giúp hình thành nên một thứ thẩm mỹ thấp kém.

Cùng với những thực phẩm độc hại dễ dàng lọt lưới kiểm định, những chất thải làm ô nhiễm môi trường, những rác thải văn hoá cũng nên được đặt trong nguy cơ làm ô nhiễm môi trường sống lành mạnh. Không khó hiểu khi báo chí nêu nguy cơ tràn ngập kênh truyền hình khiêu dâm nước ngoài, sân khấu ê hề cảnh gợi dục, phim ảnh và văn học cũng không ra khỏi quỹ đạo này...

Mới đây nhất, Sở VH-TT&DL TPHCM phạt tiền một show diễn thời trang chỉ vì ban tổ chức dám đưa những trang phục sexy đã bị cắt duyệt và người mẫu hở ngực vài phút... Văn hoá xem, nghe, nhìn đang đứng trước thử thách lớn là nuôi dưỡng hay đầu độc thế hệ trẻ.

Chính vì thế, nhà văn Nguyên Ngọc lên tiếng cảnh báo: "Chúng ta chưa thực sự làm văn hoá. Có phải thật thế không? Những gì gọi là văn hoá chúng ta đang làm thường rất ồn ào, mà văn hoá thật thì không ồn ào. Nó thâm trầm. Cái phanh có ồn ào bao giờ đâu, trừ khi phải phanh khẩn cấp vì sắp chết đến nơi". Sửa cái phanh hỏng để tránh được sự xâm nhập của loại văn hoá độc hại là điều phải làm ngay bây giờ...

(Laođong.net)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất