Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 2/10/2008 22:19'(GMT+7)

Chất lượng dân số cao tuổi ở Việt Nam hiện nay

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1 - Việt Nam đang đứng trước thách thức già hóa dân số

a - Quy mô dân số cao tuổi

Già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, quy mô ngày càng lớn. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, người cao tuổi (NCT) ở nước ta khi đó có hơn 6 triệu người, trong đó số NCT từ 65 tuổi trở lên là gần 4,5 triệu người, chiếm 71,51% tổng số người cao tuổi. Tỷ lệ NCT (trên 65 tuổi) của Việt Nam cao hơn tỷ lệ chung của thế giới (5%) và các nước trong khu vực như Thái Lan (5%), Mi-an-ma (4%), Lào (3%). Tỷ lệ NCT so với dân số chung đã tăng từ 6,9% năm 1979 lên 7,2% năm 1989 và 8,12% năm 1999. Nhịp độ tăng dân số cao tuổi ở nước ta trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX đã nhanh hơn nhiều so với thập kỷ 80. Nếu ở thập kỷ 80, NCT chỉ tăng hơn 900 nghìn người thì trong 10 năm sau (từ năm 1989 đến năm 1999), số NCT tăng thêm 1,5 triệu người. Tốc độ tăng dân số trong thời gian từ năm 1989 đến năm 1993 là trên 2%/năm, trong khi tốc độ tăng dân số cao tuổi khoảng 5,87%/năm, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng dân số. Những giai đoạn sau, chỉ từ 5 năm đến 6 năm, số NCT đã tăng nhanh hơn trong thời gian 10 năm trước, tăng từ 2 lần đến 3 lần. Theo số liệu nghiên cứu chọn mẫu của ủy ban Các vấn đề xã hội, trong 2 năm 1997 và 1998, ở nhiều địa phương tỷ lệ NCT còn cao hơn tỷ lệ chung của cả nước, thậm chí có nơi làm tốt công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ NCT lên đến 15% so với dân số của nơi đó. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mô hình biến động dân số của Việt Nam khá giống Trung Quốc và Hàn Quốc, là những nước có dân số chuyển từ loại trẻ sang loại già, và dự báo đến giữa thế kỷ XXI, dân số Việt Nam còn ở mức độ già hơn cơ cấu dân số chung của thế giới. Việt Nam sẽ đứng trước những thách thức về già hóa dân số như Nhật Bản, Đài Loan và nhiều nước công nghiệp phát triển khác trong tương lai gần.

Bảng 1: Người cao tuổi ở Việt Nam

Năm

Số dân cả nước (triệu)

NCT (triệu)

Tỷ lệ NCT/số dân cả nước (%)

1979

53,74

3,71

6,90

1989

64,41

4,64

7,20

1999

76,32

6,19

8,12

2002

79,73

6,47

8,65

2004

82,03

7,34

8,95

2006

84,15

7,74

9,20

Tỷ lệ phụ thuộc của NCT (từ 60 tuổi trở lên) so với số người từ 15 tuổi đến 59 tuổi năm 1979 là 13,99%; năm 1989 là 13,38% và 13,91% vào năm 1999. Dự báo, tỷ lệ phụ thuộc của NCT sẽ là 11,35% vào năm 2009 và 12,22% vào năm 2014. Tỷ lệ giữa NCT so với số trẻ em (từ 14 tuổi trở xuống) là 16,61% vào năm 1979; 18,44% vào năm 1989 và 24,25% vào năm 1999. Dự báo, tỷ lệ này sẽ là 27,29% vào năm 2009 và 12,22% vào năm 2014. Gần đây, kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam cho thấy, số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên tại Bắc Ninh và Đồng Nai đều chiếm 11% tổng dân số(1); tại Ninh Bình và thành phố Cần Thơ: 12%(2); tại Quảng Ninh: 13%(3).

Như vậy, già hóa dân số của Việt Nam chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Dưới góc độ nhân khẩu học, khi số NCT tăng lên sẽ làm tăng tỷ lệ phụ thuộc tuổi già. Điều này cho thấy, số người hưởng thụ tiềm năng về sức khỏe và quỹ hưu trí tăng lên và được hỗ trợ bởi một số tương đối nhỏ hơn những người đóng góp tiềm năng trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 59 tuổi). Xu hướng này dẫn đến những đòi hỏi cao hơn đối với dân số trong độ tuổi lao động để duy trì trợ cấp ổn định đối với nhóm NCT. Điều này còn cho thấy, ngay cả khi tỷ lệ phụ thuộc trẻ giảm đi do số trẻ em sinh ra giảm cũng không thể bù đắp những chi phí xã hội tăng lên do chi phí cho NCT lớn hơn chi phí cho trẻ em.

Người cao tuổi nước ta được Pháp lệnh Người cao tuổi quy định là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 60 tuổi trở lên. Theo Pháp lệnh này, tính đến cuối năm 2007, cả nước có trên 8 triệu NCT, chiếm khoảng 9,6% dân số, gần đến ngưỡng của già hóa dân số. Đây là thời kỳ "dân số vàng", có rất nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt do "già hóa dân số" mang lại.

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong số NCT cả nước, có 10.000 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; trên 10.000 người là cán bộ tiền khởi nghĩa; 14.600 người là lão thành cách mạng; 78.000 người là cán bộ cách mạng bị địch bắt tù đầy; trên 500.000 người là thương, bệnh binh; trên 100.000 người là cựu thanh niên xung phong; 120.684 người có công với cách mạng; trên 1,7 triệu người là cựu chiến binh Việt Nam; trên 1,4 triệu người là cán bộ hưu trí.

Hiện nay, số người từ 80 tuổi trở lên có khoảng 1,2 triệu người; số người từ 100 tuổi trở lên, năm 1999 có 3.965 người và tính đến cuối năm 2007, có 9.360 người, trong đó có 3.043 người tròn 100 tuổi(4).

Vài chục năm gần đây, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên rõ rệt. Trước năm 1945, tuổi thọ trung bình vào khoảng 32 tuổi, năm 1979 là 66 tuổi, năm 1989 là 68 tuổi, năm 1999 là 69 tuổi và hiện nay là 72 tuổi.

b - Cơ cấu giới tính

Cơ cấu giới tính của NCT nước ta có sự chênh lệch lớn, nghiêng về nữ cao tuổi. Năm 1999, cứ 100 cụ ông ở các nhóm tuổi tương ứng với cụ bà, thì số cụ bà ở nhóm tuổi từ 60 đến 64 có 122 người, từ 65 đến 69 có 125 người, từ 70 đến 74 có 141 người, từ 75 đến 79 có 167 người, từ 80 đến 84 có 192 người và từ 85 trở lên có 232 người. Sở dĩ có sự chênh lệch cao về tỷ lệ giới tính trong nhóm dân số cao tuổi là do tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới. Hơn nữa, Việt Nam phải trải qua những năm tháng chiến tranh kéo dài, nhiều nam giới hy sinh ngoài mặt trận. Trong số những người trở về, một số bị thương, tật nguyền, di chứng... đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhóm nam cao tuổi trong tháp dân số Việt Nam.

Bảng 2: Cơ cấu dân số cao tuổi theo độ tuổi, tính đến ngày 1-1-2006

Nhóm tuổi

Số lượng (người)

So với tổng dân số (%)

So với tổng số NCT (%)

Tổng số NCT

7.759.162

9,22

 

60-69

3.795.425

4,51

49

70-79

2.743.972

3,32

36

80+

1.169.765

1,39

15

Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 1999, cả nước có 3.965 cụ từ 100 tuổi trở lên. Tính đến cuối năm 2007, cả nước có 9.360 cụ từ 100 tuổi trở lên, trong đó có 3.043 cụ trên 100 tuổi. Các nhóm tuổi chia theo giới tính giữa thành thị và nông thôn cũng có nhiều khác biệt.

c - Phân bố dân số

Người cao tuổi ở nước ta phân bố không đều, tập trung tại 3 vùng có đông dân cư nhất trong cả nước là: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung Bộ. Riêng đồng bằng sông Hồng, số NCT đông nhất nước, chiếm 27,16%.

Do đặc điểm cư dân sống tập trung tại khu vực nông thôn, nên số NCT sống ở khu vực này chiếm tỷ lệ cao (77,81%) trong tổng số NCT cả nước và phần lớn là nông dân, làm nông nghiệp. Trong số NCT ở nông thôn, chỉ có khoảng từ 16% đến 17% số người được hưởng lương hưu hoặc hưởng chế độ mất sức; hơn 10% số người được hưởng trợ cấp người có công với nước. Như vậy, còn trên 70% NCT hiện sống bằng lao động của mình, sự hỗ trợ của con cháu và gia đình. Trong khi, ruộng đất của NCT ở nông thôn ngày càng ít do đất nông nghiệp chuyển sang mục đích phát triển công nghiệp và đô thị, năng suất lao động trong nông nghiệp không cao, thu nhập của NCT thấp, NCT nông thôn hầu như không có tiền tiết kiệm cho tuổi già. Do vậy, cuộc sống của NCT hầu như phụ thuộc vào con cháu. Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy, ở Sơn La và Lào Cai, tỷ lệ NCT nghèo chiếm trên 60%(5) dân số; ở Kon Tum và Gia Lai, tỷ lệ này chiếm trên 70%(6) dân số.

Số lượng NCT ở thành thị ngày càng tăng lên cùng với quá trình đô thị hóa, đang trở thành áp lực đối với việc quản lý đô thị, chăm sóc và phát huy NCT.

d - Tình trạng hôn nhân

Chiến tranh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều NCT chưa có điều kiện kết hôn, trong đó phụ nữ cao tuổi chưa lập gia đình nhiều hơn nam cao tuổi đến 3,36 lần, chiếm 77% trong tổng số NCT chưa có vợ/chồng.

Bảng 3: Hôn nhân trong nhóm dân số cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên)
chia theo khu vực và giới tính(7)

Tổng số

Chưa vợ/chồng

Có vợ/chồng

Goá

Ly hôn

Ly thân

Không xác định

 Toàn quốc

6.136.399

62.030

3.744.070

2.262.410

21.581

42.295

4.013

    Nam

2.523.221

14.216

2.133.130

354.619

5.827

14.152

917

    Nữ

3.631.178

47.814

1.610.940

1.907791

15.754

27.783

3.096

 Thành thị

1.361.614

26.365

814.434

502.321

8.693

8.659

1.142

   Nam

567.958

5.881

482.312

74.083

2.628

2.774

280

   Nữ

793.656

20.484

332.122

428.238

6.065

5.885

862

 Nông thôn

4.774.785

35.665

2.929.636

1.760.089

1.888

33.636

2.871

   Nam

1.955.263

8.335

1.650.818

280.536

3.199

11.738

637

   Nữ

2.819.522

27.330

1.278.818

1.479.553

9.689

21.898

2.234

Một đặc điểm về tình trạng hôn nhân ở NCT là sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao (61,01%), trong đó số phụ nữ cao tuổi cô đơn cao hơn nhiều so với nam cao tuổi. Năm 1989, cả nước có 300.000 cụ ông góa vợ, 1.400.000 cụ bà không còn bạn đời. Năm 1999, số cụ bà góa chồng nhiều gấp 5,4 lần so với số cụ ông. Đó còn chưa kể số phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân, khoảng 45.000 người, cao gấp 2 lần so với các cụ nam giới.

Xét theo khu vực, ở thành thị, số nữ cao tuổi chưa có chồng nhiều gấp 3,48 lần và ở nông thôn, nhiều gấp 3,27 lần so với nam cao tuổi. Trong tổng số NCT góa vợ/chồng, phụ nữ cao tuổi góa chồng nhiều hơn nam cao tuổi góa vợ là 5,37 lần; tỷ lệ này ở đô thị là 5,78 lần.

Theo số liệu thống kê, năm 2005, trong khi cả nước có 560.627 cụ ông góa vợ thì số cụ bà góa chồng có tới 3.302.269 người, nhiều gấp 5,9 lần so với số cụ ông. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa, là cứu cánh cơ bản và cuối cùng cho mỗi thành viên khi về già. Vấn đề tái giá của NCT đang được nhìn nhận theo chiều từ phía con cháu, họ hàng và cộng đồng. Nếu sự nhìn nhận này là cởi mở, sẽ góp phần giúp NCT tìm được "nửa kia" của đời mình khi tuổi già, sức yếu, có chỗ nương tựa để "sống khỏe - sống vui - sống có ích".

2 - Chất lượng dân số cao tuổi

Cho đến nay, chưa có một cuộc điều tra tổng thể trên phạm vi cả nước về trình độ học vấn và chuyên môn của NCT. Bởi vậy, khi nghiên cứu về vấn đề này, chúng tôi vẫn tham khảo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999.

Sự chênh lệch về trình độ học vấn của NCT ở hai khu vực thành thị và nông thôn là rất lớn. Số NCT ở nông thôn chưa đi học chiếm 24,65%, trong khi ở thành thị chỉ chiếm 14,29%. ở cả hai khu vực, tỷ lệ nam cao tuổi chưa đi học thấp nhiều so với nữ cao tuổi. Trình độ học vấn của NCT ở hai khu vực thay đổi theo cấp học. Càng lên cấp học cao hơn, tỷ lệ NCT có trình độ càng giảm. NCT có trình độ từ lớp 1 đến lớp 12, chiếm 74,95%, trong đó nam chiếm 85,06% và nữ chiếm 67,46%. Trình độ của NCT từ cao đẳng trở lên, chiếm 6,32%, trong đó nam chiếm 5,20%.

Bảng 4: Trình độ học vấn của NCT theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999

                                                                                                                   Đơn vị: %

Tổng số

Chưa đi học

Phổ thông(1-12)

Cao đẳng

Đại học

Trên đại học

Không xác định

Chung

100,00

22,17

74,95

0,59

2,14

0,12

0,02

Nam

100,00

9,73

85,06

0,83

4,12

0,25

0,01

Nữ

100,00

31,41

67,46

0,42

0,67

0,03

0,02

Thành thị

100,00

14,29

77,69

1,01

6,54

0,45

0,02

Nông thôn

100,00

24,65

74,10

0,46

0,76

0,02

0,02

 
Bảng 5: Dân số từ 60 tuổi trở lên chia theo nam/nữ, thành thị, nông thôn
và loại hoạt động, năm 1999(8)

                                                                                                             Đơn vị: Người

 
 
Từ 60 tuổi trở lên

Chia theo loại hoạt động

 
Làm việc
 
Nội trợ
 
Đi học

Mất khả năng lao động

Không làm việc

Không xác định

Có nhu cầu làm việc

Không có nhu cầu làm việc

Thành thị

Chung

1.344.371

208.404

182.276

158

183.994

13.637

755.558

344

Nam

566.270

125.310

13.031

31

82.870

8.797

336.196

35

Nữ

778.101

83.094

169.245

127

101.124

4.840

419.362

309

Nông thôn

Chung

4.855.208

1.357.981

573.230

765

729.025

22.921

2.170.570

716

Nam

2.008.943

753.760

75.565

108

308.322

13.077

857.929

182

Nữ

2.846.265

604.221

479.665

657

420.703

9.844

1.312.641

534

Số NCT còn làm việc chiếm tỷ lệ thấp, trong đó nam cao tuổi còn làm việc cao hơn nữ cao tuổi. ở khu vực nông thôn, số nam cao tuổi còn làm việc nhiều hơn số nữ cao tuổi và nhiều gấp hơn 5 lần số nam cao tuổi còn làm việc ở thành phố. Số NCT sống ở nông thôn chiếm khoảng 74% tổng số NCT và chủ yếu là nông dân, làm nông nghiệp. Số NCT mất khả năng lao động chủ yếu sống ở nông thôn, trong đó số nữ cao tuổi mất khả năng lao động nhiều hơn số nam cao tuổi.

Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, cả nước có 2.554 giáo sư, phó giáo sư; 3.267 tiến sĩ; 1.427 thạc sĩ; 79.153 cử nhân, kỹ sư; 89.140 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp; 66.618 công nhân kỹ thuật là NCT. Trong hơn 100 Anh hùng lao động được Nhà nước phong tặng đợt đầu thời kỳ đổi mới, có 29 NCT. Đến nay, đã có 232 NCT được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội và Anh hùng lao động(9). Những NCT còn sức khỏe, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật vẫn tiếp tục đóng góp cho gia đình, cộng đồng và đất nước. Tháng 9-2008, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn quốc biểu dương NCT làm kinh tế giỏi. Hơn 200 đại biểu, đại diện cho hàng trăm nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở khắp các vùng, miền trong cả nước, đã đem đến Hội nghị những mô hình làm kinh tế giỏi, từng đóng góp cho Nhà nước nhiều tỉ đồng.

3 - Một số kiến nghị

- Đảng và Nhà nước cần tập trung nghiên cứu, sớm thông qua Luật Người cao tuổi, đồng thời tập trung hoạch định chính sách xã hội cho NCT, trong đó đặc biệt chú ý đến đối tượng NCT cô đơn, không nơi nương tựa, phụ nữ đơn côi, NCT góa, ly thân, ly hôn... nhằm chăm sóc và phát huy vai trò NCT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Nhà nước cần có chính sách để NCT tiếp tục nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là đối với NCT ở độ tuổi từ 60 đến 70, vì ở độ tuổi này, họ vẫn có sức khỏe tốt, lại tích lũy nhiều kinh nghiệm, từng trải nên còn có nhiều đóng góp cho Đảng, Nhà nước, xã hội và gia đình.

- Chất lượng chính trị của NCT rất cao, chẳng hạn như NCT là đảng viên chiếm khoảng 60% trong tổng số đảng viên của Đảng, thậm chí có nhiều chi bộ, tỷ lệ đảng viên là NCT chiếm từ 80% đến 95%. Tuyệt đại đa số NCT là những người có uy tín, từng trải, giàu kinh nghiêm, vì thế, Đảng và Nhà nước cần có chính sách thu hút lực lượng này tham gia giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, tham gia hòa giải, giải quyết mâu thuẫn ở cộng đồng dân cư, xây dựng đời sống văn hóa mới ở thôn xóm, bản làng, phum, sóc./.

TS.Nguyễn Thế Huệ
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam 

(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)

(1) Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam: Điều tra thực trạng đời sống NCT từ 60 tuổi trở lên tại Bắc Ninh và Đồng Nai, tháng 4 và tháng 5-2008
(2) Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam: Điều tra thực trạng sức khỏe NCT, tháng 5-2008
(3) Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam: Nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Người cao tuổi trong thời kỳ mới, tháng 10-2007 và tháng 4-2008
(4) Ban Tổ chức Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: Tổng hợp báo cáo của các Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, thành phố đến cuối năm 2007
(5) Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam: Điều tra, nghiên cứu bạo lực trong gia đình NCT tại Sơn La và Lào Cai, tháng 6 và tháng 8 -2006
(6) Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam: Khảo sát, đánh giá thực trạng đời sống của NCT dân tộc, nông dân, nông thôn Tây Nguyên, năm 2006
(7) Tổng cục Thống kê: Sđd
(8) Tổng cục Thống kê: Sđd
(9) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Báo cáo tổng hợp người có công năm 2007
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất