Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 9/10/2008 12:35'(GMT+7)

Nghĩ về đạo đức doanh nhân

 Nếu để nói về “lịch sử sản xuất kinh doanh” của người Việt, có thể nói người có công đầu là Mai An Tiêm. Bởi trong một hoàn cảnh ngặt nghèo nơi hoang đảo, chẳng những biết kiếm kế sinh nhai để tồn tại bằng việc trồng dưa hấu, người con của vua Hùng còn biết quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình bằng việc khắc dấu lên vỏ quả dưa rồi thả xuống biển nhờ gió đẩy, sóng đưa đến với các thương lái trăm vùng; đồng thời ngầm báo với vua cha về sự thành công của mình trên “trang trại” nơi đảo vắng giữa trùng khơi. Thuở trước, nếu có khái niệm về thương hiệu như ngày nay, thì hẳn đó cũng là cách hoàng tử họ Hùng quảng bá sản phẩm nông nghiệp.



Trải qua mấy nghìn năm của quá trình dựng nước và giữ nước, người Việt luôn bộn bề bởi những lo toan thường nhật, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, chẳng những chưa có thành tựu gì đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh mà ngay cả tầng lớp doanh nhân cũng chưa thể được gọi là hình thành trong một nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc. Ngay cả trong thời kỳ chịu ảnh hưởng ít nhiều của chủ nghĩa tư bản phương Tây những năm đầu thế kỷ XX, cụ Cử Lương Văn Can, vị thục trưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục- đồng thời cũng là người nung nâu tư tưởng gây dựng “đạo làm giàu”, là người đầu tiên viết sách cổ vũ và hướng dẫn cách buôn bán, tổ chức doanh nghiệp làm giàu để giải cứu đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang, đã nhận xét rằng nền kinh doanh của nước ta vẫn còn là thảm cảnh bởi 10 lẽ: Người mình không có thương phẩm; không có thương hội; không có tín thực; không có kiên tâm; không có nghị lực; không biết trọng nghề; không có thương học, kém đường giao thiệp; không biết tiết kiệm; khinh nội hóa.

Ngay từ bấy giờ, trong sách “Thương học phương châm”, chính Lương Văn Can đã cổ xúy: “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng thử tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường, xem khinh được sao”. Ý tứ sâu sắc trong khuyến cáo của học giả họ Lương diễn đạt theo ngôn ngữ hiện đại, thì giới doanh nhân chính là những người đi tiên phong góp phần làm cho dân giàu nước mạnh. Đó là nền tảng cốt lõi của đạo đức doanh nhân - là tinh thần yêu nước của doanh nhân. Doanh nhân chân chính, dù bất cứ ở thời đại nào, luôn là những người luôn biết đặt chữ tâm, chữ tín lên hang đầu trong chiến lược kinh doanh của mình. Vô lương tâm và bội tín là được coi là độc dược bóp chết doanh nhân. Lại nói về những năm đầu thế kỷ XX, những nhà kinh doanh nổi tiếng như “vua vận tải Bắc Việt” Bạch Thái Bưởi, doanh nhân Trịnh Văn Bô với thương hiệu Phúc Lợi, doanh nhân Nguyễn Hữu Nhâm chủ nhà máy da Thụy Khuê, doanh nhân Nguyễn Đình Khánh- người đi đầu kinh doanh nghề ảnh Việt Nam... đều là những người trọng tín, trọng tâm và ít nhiều nổi tiếng, thành đạt.



Ngày nay, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, yếu tố đạo đức trong hoạt động kinh doanh càng được đề cao. Việc nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới ngoài việc bạn bè chấp nhận sự tồn tại trong hoạt động của doanh nhân Việt Nam trên thị trường quốc tế, còn là minh chứng về sự tự nguyện chấp nhận những ràng buộc của sự cạnh tranh bình đẳng. Ở một khía cạnh nào đó, việc thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết đó và những đòi hỏi tự lương tâm chính là đạo đức kinh doanh thời nay. Cùng với những sản phẩm hàng hóa chất lượng, hàm chứa cả bản sắc văn hóa và tâm hồn người Việt Nam được người tiêu dùng trên thế giới chấp nhận và ưa chuộng; đã có lúc có nơi một số người kinh doanh ở nước ta vì mục đích lợi nhuận thuần túy đã có những biểu hiện gian dối, không minh bạch, gây nên những hậu quả đáng tiếc. Đã có những sản phẩm thủy sản, hàng dệt may, thực phẩm... xuất khẩu phải “quay đầu”. Lại có những vụ việc gây phiền lòng và để lại hậu quả xấu đối với người tiêu dùng như vụ sản xuất nước tương có chứa chất gây ung thư, sử dụng chất độc hại để bảo quản thực phẩm, sản xuất bánh kẹo trung thu có tỷ lệ bột đá trên mức cho phép, gian lận trong kinh doanh xăng dầu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm sữa có chứa chất melamine... Thực ra, “mảnh đất” để tồn tại những hành vi phi đạo đức trong kinh doanh là hạn chế trong nhận thức của người tiêu dùng và thái độ ứng xử của doanh nghiệp. Ở nhiều nước trên thế giới, đã không ít nhà sản xuất làm ăn gian dối đã dám dũng cảm nhận lỗi trước người tiêu dùng để gây dựng và khôi phục lại thương hiệu.

Trước những “người tiêu dùng thông thái”, doanh nhân cần phải có cả “tín” lẫn “tâm” để bảo đảm cho sự thành đạt lâu bền của doanh nghiệp. Đây rõ ràng là một trong những điều cốt lõi của đạo đức doanh nhân trong thời kỳ hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế.

Theo Phutho.online

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất