Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 8/10/2008 22:23'(GMT+7)

Ca trù đang tìm lại chỗ đứng trong đời sống xã hội

Mối quan hệ giữa văn nhân và ả đào là mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thưởng thức, thể nghiệm các tác phẩm của mình. Tiếng hát, nhịp phách và tiếng đàn đáy ca trù là những thứ làm mê hoặc tâm hồn con người.

Nghiên cứu về ca trù, người ta nhận thấy ca trù nay khác với ca trù xưa rất nhiều. Khác nhau trước hết là ở chỗ ca trù xưa thì phong phú, đầy đủ, mà nay thì mất mát đi nhiều quá. Thư tịch cổ cho biết ca trù có đến 99 thể cách. Trong đó loại thể cách hát lên được, tức là làn điệu đã có tới 66 thể cách. Ngày nay, các đào nương lão thành cũng biết chỉ khoảng 15 điệu. Trong kho băng đĩa lưu trữ tại Viện Âm nhạc và Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng chỉ có tư liệu của 26 điệu ca trù. Tức là chỉ từng ấy điệu mới có thể phục hồi được. Các giáo phường ca trù đã không còn được tiếp nối như nền nếp xưa. Việc thờ tổ ca trù cũng đã mai một, và nếu có thì cũng chỉ được duy trì một cách tự phát.

Nhưng cái khác lớn nhất giữa xưa và nay là không gian, không khí ca trù, hay còn gọi là văn hóa ca trù thì đã không còn giữ được. Từ lâu rồi đã không còn những đêm hội làng, mà ở đó các đào kép về hát thờ Thành hoàng theo lệ hằng năm. Và cũng không còn bóng dáng của
những ca quán nhộn nhịp khách văn nhân; những cuộc khao vọng, khai trương cửa hiệu có vời đến đào kép ca trù, để tùy việc tùy duyên mà thưởng ngoạn câu thơ khổ phách cung đàn ca trù... những "lệ tục" xưa đó, ngày nay đã mất hẳn.

Người nghe nay đã khác xưa nhiều. Đào kép cũng khác xưa nhiều. Không gian văn hóa của việc thưởng ngoạn ca trù càng khác xưa. Đó là một điều khác nhau lớn nhất của sinh hoạt ca trù xưa và nay.

Cho đến thời điểm này, chương trình hành động quốc gia về ca trù đã có những thành tựu đáng ghi nhận, ca trù đang được chính quyền và ngành văn hóa các địa phương quan tâm, nhiều giáo phường ngày xưa tìm đến nhau tiếp tục đàn hát, các nghệ sĩ trẻ vẫn tiếp tục tìm tòi, học hỏi và mở ra nhiều câu lạc bộ... Những CLB này đến nay hoạt động khá rôm rả, đều đặn thu hút được nhiều người tham gia, đặc biệt là lớp trẻ. Tuy nhiên những nghệ sĩ lão luyện có thể truyền được nghề bài bản, giúp học sinh nắm được ca trù một cách bài bản không còn nhiều.

Có một thực tế, việc dạy và học đàn và trống không quá khó khăn, không đòi hỏi sự đặc biệt về năng khiếu, trong khi hát thì đòi hỏi rất cao, vì tiếng hát ca trù vô cùng độc đáo. Những người có một giọng hát trời phú đủ để học ca trù rất hiếm hoi, bởi vậy người hát thành công bây giờ hầu như không có mấy. Người ta vẫn có thể hát đúng làn điệu nhưng hát hay như ngày xưa thì rất hiếm.

Tất nhiên chúng ta cũng không nên bi quan, bởi thực ra ngày xưa ở ngoại vi Hà Nội (năm 1938) có tới 216 quán ca trù, hơn 2.000 nghệ sĩ hoạt động nhưng đọng lại trong lòng người nghe thì số đó cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vì thế việc truyền dạy ca trù để đạt được hiệu quả thì phải là truyền dạy theo lối “bắt tay chỉ ngón” theo lối của các giáo phường ngày xưa, tâm truyền tâm, nghề truyền nghề, chứ không phải là dạy và học ào ào như ở một số câu lạc bộ hiện nay. Giáo phường ca trù xưa còn có những yêu cầu nghiêm nhặt về việc giữ gìn đạo đức của đào và kép nữa.

Từ phía công chúng, chúng ta thấy ngay cả đối với người Việt Nam nếu chưa được tiếp xúc một cách sâu sắc cũng khó có thể nghe và hiểu được ca trù. Chủ yếu mới chỉ là giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua những buổi nói chuyện, giảng giải của các chuyên gia.

Phải có nhiều người nói, mỗi người nói một nét của ca trù để người nghe thấy được cái hay cái đẹp của ca trù. Từ chỗ chưa hiểu đến chỗ hiểu, từ chỗ hiểu ít đến chỗ hiểu nhiều, hiểu rồi thích, thích rồi yêu, yêu rồi đắm say, mà khi đã đắm say thì cứ muốn gìn giữ mãi nó, quảng bá rộng cho ca trù.

Hy vọng rằng các nhà quản lý văn hóa sẽ tổ chức nhiều liên hoan ca trù, nhiều cuộc thuyết trình, nói chuyện về ca trù; còn các đài truyền thanh, truyền hình sẽ có thêm các buổi giới thiệu ca trù để giới trẻ có thêm điều kiện đến với ca trù.

Được như thế, giới trẻ sẽ hiểu rồi sẽ yêu và sẽ gắng công gìn giữ di sản này. Ca trù nhất định sẽ tìm lại được cho mình chỗ đứng trong đời sống văn hóa văn nghệ phong phú và đa dạng hôm nay./.
 
  
(Theo Báo Sức khỏe&Đời sống)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất