Hôm thứ tư (23-9) vừa rồi tại quốc hội Hoa Kỳ, để kiếm cớ kéo dài thêm một năm hoạt động của Đài Á châu Tự do (RFA), nữ Dân biểu Liên bang Loretta Sanchetz lại vu khống “Việt Nam là một trong những quốc gia không có tự do tôn giáo, một nước thiếu tự do báo chí trầm trọng”(!)
Cũng trên đài RFA mới đây, bằng hình thức trả lời phỏng vấn về cái gọi là “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam” bà Sanchetz còn “kêu gọi” Việt Nam “phải thả ngay những tù nhân lương tâm”! Bà nói: “Tôi tin là… chính phủ Việt Nam đã tiếp tục đàn áp những người tranh đấu cho tự do, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do phát biểu và tự do báo chí. Tôi tin là chính quyền Việt Nam đã nỗ lực loại trừ những người này, mà chúng tôi gọi là những tù nhân lương tâm, những người mong muốn có nhiều tự do hơn và nhân quyền cho Việt Nam…”. Bà Sanchetz viết thư “kiến nghị” gửi Chủ tịch nước ta nêu rằng: “Hơn 100 nhà đối kháng chính trị và tôn giáo đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ… Những cuộc bắt bớ này liên tục nêu lên sự không thiện chí của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền…”
Ai chứ bà Dân biểu Liên bang Loretta Sanchetz lên tiếng “đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam” thì không có gì lấy làm lạ. Lạ là, có lẽ đã ngót chục năm nay, kể từ khi được bầu là dân biểu Quận Cam, bà Sanchetz vẫn không thay đổi cái lối nói trịch thượng, sai sự thật để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Thưa bà Dân biểu Loretta Sanchetz, bà thiếu thông tin, hay vì muốn thu thêm lá phiếu mà bà bị những kẻ chống đối nhà nước Việt Nam cố tình vẽ lên một đời sống chính trị mà theo bà là “mất dân chủ” ở Việt Nam?
Phải nói ngay với bà Dân biểu rằng, hiện nay Việt Nam không có tù nhân chính trị, mà chỉ có những phạm nhân phạm tội do vi phạm pháp luật. Điển hình như vừa qua các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố, bắt giam một số đối tượng như Trần Anh Kim, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung… phạm tội tuyên truyền chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Còn một số giáo dân thuộc giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) thì phạm tội gây rối trật tự công cộng, chứ họ không phải là “những tù nhân lương tâm” tranh đấu cho tự do như bà lầm lẫn.
Với văn hóa và chính sách nhân đạo của Việt Nam “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”, những người này khi có những việc làm vi phạm pháp luật, họ đã được chính quyền địa phương, bà con thôn xóm, gia đình, họ hàng thân thích và các đoàn thể tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, phân tích rất nhiều lần, bằng nhiều hình thức để họ nhận ra việc làm sai, tự giác sửa chữa, trở lại làm người lương thiện, nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy, thậm chí còn dấn sâu hơn vào con đường phạm tội nên mới bị khởi tố, bắt giam. Thiết nghĩ đây là việc làm hết sức bình thường của cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam, giống như ở bất cứ quốc gia nào khác. Vậy không hiểu tại sao bà Sanchetz lại tỏ ra băn khoăn, lo lắng đến mức thái quá như thế?
Bà hãy nghe những người mà theo bà là “tù nhân lương tâm” thú nhận bằng “giấy trắng, mực đen”: Trần Anh Kim, khai: “Tôi đã tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam… hiện chưa được Nhà nước CHXHCN Việt Nam cho phép. Mục đích tôi tham gia đảng này muốn xóa bỏ chế độ, trong đó có cả chính quyền nước CHXHCN Việt Nam… Tôi bị một số phần tử cơ hội chính trị kích động, lôi kéo nên đã có việc làm sai… Đối chiếu với những việc tôi đã làm, tôi thấy tôi đã vi phạm pháp luật…”.
Lê Công Định khai: “Đầu tháng 3-2009, tại Pattaya, Thái Lan, tôi đã bị tổ chức Việt Tân lôi kéo tham gia lớp huấn luyện “Đấu tranh bất bạo động”. Tôi hiểu ý định của tổ chức Việt Tân là muốn những người tham gia lớp này có thể tổ chức các cuộc biểu tình bất bạo động như vậy ở Việt Nam trong tương lai. Tôi nhận thấy những việc làm của tôi có mục đích tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam và hành vi của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam…”.
Nguyễn Tiến Trung, sinh năm 1983, thì nói: “… Tôi thấy các chính khách nước ngoài luôn vì quyền lợi người dân nước họ… Đó là sai lầm của tôi vì đã quá tin vào họ. Tôi rất ân hận… Tôi chấm dứt các hoạt động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam…”.
Chắc là bà Sanchetz không còn lạ, vì vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa khá đầy đủ lời khai và những việc làm vi phạm pháp luật của các đối tượng “tù nhân lương tâm” của bà. Thế mà bà Dân biểu nước Mỹ vẫn cứ cố tình kiếm cớ tổ chức họp báo, viết thư kiến nghị, rồi trả lời phỏng vấn báo chí, để bênh vực cho những việc làm sai trái của những người vi phạm pháp luật của Việt Nam. Thậm chí bà ta còn cho rằng họ là “những người muốn có nhiều tự do hơn và nhân quyền hơn ở Việt Nam…”.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn RFA, khi phóng viên bản đài đặt câu hỏi, đại ý: Bộ Ngoại giao Mỹ không thấy có căn cứ để nói Việt Nam là một trong những nước cần đặc biệt lưu ý về tự do tôn giáo, thì bà Dân biểu Loretta Sanchetz, nổi nóng lên nói: “Chúng tôi đang cố gắng để làm cho chính phủ của tổng thống Ô-ba-ma hiểu được tình hình của Việt Nam… Hãy kêu gọi để đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần đặc biệt lưu ý về tự do tôn giáo… Họ sẽ phải xấu hổ (Việt Nam - NV) khi bị đưa trở lại danh sách này…”.
Trong đối thoại, dù hoàn cảnh nào, nóng nảy cũng không có lợi. Bà Sanchetz chẳng những “nóng nảy” lại còn dùng lối nói trịch thượng, nếu như không muốn nói là thiếu lễ độ đối với một quốc gia khác như thế thì thật hớ hênh quá.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Sểnh đò lại được bến, sểnh lời thì không lấy lại được”. Mong rằng lần sau bà Dân biểu Loretta Sanchetz thận trọng hơn trong phát ngôn...
Những việc làm của bà Sanchetz đã bị nhiều người phản đối, kể cả người Việt định cư ở Mỹ, như bà Phùng Tuệ Châu, cư dân ở quận Cam, đảng viên đảng Dân chủ, trả lời phỏng vấn TTXVN tại Oasinhtơn, bà nói: “Những hành động chống phá Việt Nam của Hạ nghị sĩ Mỹ Loretta Sanchetz hoàn toàn trái với Hiến pháp Mỹ, đi ngược lại lợi ích của Chính phủ và nhân dân Mỹ”.
Bà Phùng Tuệ Châu cho rằng: “Mỗi quốc gia phải hiểu tự do, dân chủ và nhân quyền theo trình độ văn hóa của người dân nước đó, bà Sanchetz không có quyền đem tự do và dân chủ của Mỹ áp đặt cho Việt Nam".
Và cũng xin lấy ý kiến của bà Châu thay cho lời kết bài viết này./.
(Theo: Huy Thiêm/QĐND)