Thứ Sáu, 29/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 25/9/2009 16:15'(GMT+7)

Những khuyến nghị không được Việt Nam ủng hộ

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số khuyến nghị không được Việt Nam ủng hộ và Việt Nam có câu trả lời rõ ràng về những khuyến nghị này.
 

Tự do ngôn luận, báo chí là chính sách nhất quán của Việt Nam

Về khuyến nghị đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp, tự do Internet...

Việt Nam khẳng định đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do bày tỏ chính kiến và quyền được thông tin cho mọi người dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Khiếu nại - tố cáo v.v.. (và sắp tới là Luật Tiếp cận thông tin) đều quy định rõ về đảm bảo sinh hoạt báo chí, ngôn luận tự do và cởi mở tại Việt Nam, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Hệ thống các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng, các tổ chức nghề nghiệp tại Việt Nam tạo thành cơ chế đầy đủ để người dân bày tỏ ý chí - nguyện vọng, cùng Nhà nước tham gia quản lý xã hội.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Nhà nước pháp quyền, trong đó, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật. Trong quá trình tố tụng, người dân được tiếp cận đầy đủ với các hình thức hỗ trợ tư pháp và khi xét xử, tòa án chỉ tuân theo pháp luật. Do vậy, những người tham gia hoạt động báo chí cũng phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nhà báo có quyền được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp, không bị đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, không bị thu giữ tài liệu và phương tiện hành nghề, không bị cản trở khi hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Đồng thời, cũng như các nước khác, nhà báo cũng phải có các nghĩa vụ: Thông tin trung thực, phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thực hiện quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí.

Báo chí Việt Nam là diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ bảo vệ lợi ích của xã hội và các quyền tự do của nhân dân; là lực lượng quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước. Mọi người dân có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, trên thực tế, báo chí đóng vai trò là kênh phản biện xã hội, phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt là trong phòng chống tham nhũng, trở thành lĩnh vực hoạt động tương đối độc lập với Nhà nước.

Luật báo chí hiện hành quy định các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp được phép ra báo và sở hữu báo chí. Trên thực tế, Nhà nước đã cho phép nhiều doanh nghiệp sở hữu các phương tiện truyền thông, báo chí và truyền hình hoặc tham gia vào nhiều công đoạn trong quy trình hoạt động báo chí.

Nhà nước Việt Nam khuyến khích sử dụng Internet để phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; hỗ trợ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Chính nhờ đó, qua 10 năm hình thành và phát triển dịch vụ Internet ở Việt Nam (1997-2007), trình độ phát triển và tốc độ đăng ký sử dụng Internet tại Việt Nam đã tăng nhanh, đạt mức tương đương nhiều nước ở khu vực. Hiện nay Internet đã hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ ở tất cả các tỉnh, thành phố. Tổng số thuê bao Internet phát triển mới trong năm 2007 đạt 1,18 triệu thuê bao, tăng 2,4% so với năm trước, nâng tổng số thuê bao trên toàn mạng đến hết năm 2007 đạt hơn 5,2 triệu máy, đạt mật độ 6 thuê bao/100 dân. Số người sử dụng dịch vụ Internet là 18,22 triệu người, chiếm 21,4% dân số. Việt Nam đang thực hiện kế hoạch phát triển các điểm nối mạng Internet tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo đánh giá của tổ chức Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam là nước có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới.

Nhà nước Việt Nam chủ trương khuyến khích phát triển và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân. Thông tư 07 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 18-12-2008, hướng dẫn thi hành Nghị định 97, nêu rõ mục đích của việc khuyến khích nhằm giúp mở rộng khả năng tương tác trên môi trường Internet để trao đổi, chia sẻ các thông tin; làm phong phú thêm đời sống xã hội và tinh thần gắn kết cộng đồng. Số người tham gia các diễn đàn trên mạng ngày càng nhiều, hiện ở Việt Nam đã có khoảng 1,1 triệu người viết nhật ký cá nhân trên mạng (blog).

Song song với chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh - sử dụng Internet, Nhà nước có các quy định để bảo vệ an ninh quốc gia, các giá trị đạo đức - thuần phong mỹ tục, bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của Internet, ngăn chặn các hành vi phạm pháp, thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự của công dân, Đây là một yêu cầu tất yếu và là thực tế áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam hiện có hệ thống thể chế bảo đảm quyền con người

Về khuyến nghị thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập theo quy định của Nguyên tắc Pa-ri:

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã xây dựng những cơ chế khác nhau về đảm bảo quyền con người tuỳ theo hoàn cảnh riêng của mỗi nước. Luật pháp quốc tế về quyền con người coi trọng các cơ chế, biện pháp đảm bảo quyền con người nhưng không áp đặt một mô hình duy nhất trong lĩnh vực này. Trên thế giới, hiện có trên 60 quốc gia đã thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia, song cơ quan nhân quyền quốc gia ở mỗi nước khác nhau có đặc điểm riêng về tính chất, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Trên thực tế, cũng như đối với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau, hiện nay chưa thể nói đến một mô hình đảm bảo duy nhất nào.

Ở Việt Nam, hiện có nhiều cơ chế tham gia vào việc giám sát việc thực hiện các quyền trong từng lĩnh vực như: Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Thanh tra về trẻ em, bình đẳng giới… Hệ thống các thể chế đảm bảo quyền con người cũng rất đa dạng, gồm các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng và quần chúng nhân dân. Pháp luật có những quy định cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế đảm bảo quyền con người trên các lĩnh vực, như đảm bảo quyền giám sát, phản biện chính sách của Nhà nước, tham gia vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, quyền khiếu nại, tố cáo…Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng đẩy mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan trong hệ thống Nhà nước, nhất là vai trò lập pháp và giám sát của Quốc hội, nhằm tăng cường hiệu quả, tính minh bạch và dân chủ của các thiết chế Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức liên minh các dân tộc, tầng lớp nhân dân, cũng có vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước và đại biểu dân cử, đồng thời tham gia phản biện xã hội đối với các chính sách của Nhà nước trước khi được thông qua. Và quan trọng hơn cả, sự tham gia trực tiếp của người dân thông qua các cơ chế pháp lý như bầu cử, ứng cử, chất vấn, khiếu nại, tố cáo và quy chế phát huy dân chủ ở cơ sở thực sự là cơ chế giám sát hiệu quả nhất đối với hoạt động của Nhà nước. Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương tham khảo các kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thiện các thiết chế đảm bảo quyền con người.

Việt Nam coi trọng và có cơ chế hợp tác với các báo cáo viên đặc biệt

Về đề nghị Việt Nam gửi lời mời ngỏ đến các báo cáo viên đặc biệt và trước mắt mời một số báo cáo viên đặc biệt cụ thể vào thăm Việt Nam:

Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và có cơ chế hợp tác tốt với cơ chế Báo cáo viên đặc biệt, các chuyên gia độc lập của LHQ, thể hiện qua việc trả lời thường xuyên, cung cấp thông tin đầy đủ đối với các kháng thư của các cơ chế này. Chính phủ Việt Nam đã mời và đón Nhóm làm việc về vấn đề giam giữ độc đoán vào thăm năm 1994, Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo năm 1998. Trong tinh thần thiện chí và hợp tác với Liên hợp quốc nói chung và các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc nói riêng, và trên cơ sở đề nghị của các Báo cáo viên đặc biệt, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã chuyển lời mời đến Báo cáo viên đặc biệt về Quyền lương thực, Báo cáo viên về Giáo dục, Chuyên gia độc lập về Nhân quyền và đói nghèo, Chuyên gia độc lập về tác động của nợ nước ngoài đối với việc hưởng thụ quyền và Báo cáo viên về sức khoẻ vào thăm Việt Nam trong một vài năm tới. Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng có sự hợp tác thường xuyên với các Báo cáo viên đặc biệt. Tuy nhiên, như nhiều Chính phủ khác, Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra lời mời ngỏ vào lúc này (cho đến nay, cũng mới chỉ có 60 nước đưa ra lời mời ngỏ đến các Báo cáo viên đặc biệt). Việc thu xếp, bố trí thời điểm và khả năng đón tiếp để đảm bảo chuyến thăm của các Báo cáo viên thành công phải có sự thảo luận và thỏa thuận của các bên liên quan, phải trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, không can thiệp. Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Nghị quyết 5/1 ngày 18-6-2007 của Hội đồng Nhân quyền quy định các Báo cáo viên đặc biệt cần đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm, tính độc lập, không thiên vị, trung thực và khách quan. Cũng như các nước, Việt Nam luôn mong muốn có sự hợp tác với các Báo cáo viên đáp ứng những yêu cầu đó.

Án tử hình vẫn là biện pháp tích cực răn đe tội phạm

Về việc xóa bỏ, không thực hiện, công khai số liệu án tử hình và tham gia Nghị định thư thứ 2 của Công ước ICCPR:

Luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị không có quy định yêu cầu các quốc gia phải xóa bỏ án tử hình. Việc áp dụng hay xóa bỏ án tử hình là phụ thuộc vào tình hình thực tế tại từng quốc gia. Hiện nay, để đấu tranh với tình hình tội pháp ngày càng phức tạp và nguy hiểm, án tử hình vẫn đang được coi là một biện pháp tích cực để răn đe các tội phạm nguy hiểm. Vì vậy, trước mắt Việt Nam chưa có kế hoạch xoá bỏ hoặc đình chỉ áp dụng án tử hình. Khi hoàn cảnh và điều kiện cụ thể cho phép việc xóa bỏ án tử hình, Việt Nam sẽ xem xét nghiên cứu, tham gia Nghị định thư thứ 2 của Công ước Các quyền dân sự chính trị về xóa bỏ án tử hình.

Tuy nhiên, trên tinh thần nhân đạo và phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam chủ trương chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật Hình sự 1999 của Việt Nam đã giảm số tội danh áp dụng án tử hình từ 44 xuống còn 29 và không áp dụng án này đối với một số đối tượng như người vị thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi... Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 1999 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 7-2009 đã giảm thêm 8 tội danh áp dụng án tử hình. Nhà nước Việt Nam cũng hết sức coi trọng việc đảm bảo để quá trình tố tụng xử lý đúng người, đúng tội. Các phán quyết về mức án tử hình và thi hành án được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về việc tham gia các điều ước quốc tế:

Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chủ trương tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người và đến nay đã phê chuẩn hầu hết các công ước nhân quyền chủ chốt của Liên hợp quốc. Trên tinh thần đó, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, xem xét tích cực để tiến tới tham gia một số công ước nhân quyền quốc tế như Công ước Chống tra tấn (CAT) và phê chuẩn Công ước về Quyền của người tàn tật (CPD).

Do chưa tham gia CAT, Việt Nam chưa xem xét việc tham gia Nghị định thư của CAT. Đối với Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là vấn đề Nhà nước Việt Nam rất quan tâm, do quan điểm của các nước tư vấn có sự khác biệt và ICC vẫn còn là vấn đề khá mới, Việt Nam hiện đang nỗ lực nghiên cứu kỹ khía cạnh pháp luật của ICC cũng như chuẩn bị kỹ càng về vật chất và pháp lý trong nội bộ để tiếp cận ICC trước khi xem xét khả năng tham gia Quy chế Rome./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất