Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 22/11/2023 10:7'(GMT+7)

Ẩn hoạ từ những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội

Dòng thông tin tiêu cực và a dua trên Hội những người muốn tự tử.

Dòng thông tin tiêu cực và a dua trên Hội những người muốn tự tử.

Bùng nở hội nhóm và những lời comments "đi vào lòng đất"

Chỉ cần gõ ở mục tìm kiếm trên Facebook, người dùng mạng xã hội sẽ rất dễ dàng tìm được những hội nhóm mà mình đang cần. Trong đó, có những hội nghe tên đã thấy tiêu cực như: “Hội những người từng đi tù”, “Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc”, “Hội những người muốn tự tử”, “Hội những người ghét cha mẹ”, “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử”, “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, "Hội các bà nội trợ bóc phốt"...

Trên nhóm “Hội những người muốn tự tử”, một status mới đăng, thể hiện mong muốn tự tử như: Vì mẹ không cho mượn điện thoại chơi game, có nên tự tử không? Dưới comment, không ít lời bình luận cổ vũ cho hành động này, trong khi lời khuyên hữu ích thì khá ít.

Để vào nhóm riêng tư “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử”, phóng viên báo Tin tức phải có sự phê duyệt của admin. Nhưng chỉ sau 20 phút đăng ký đã được phê duyệt. Con số hiển thị thành viên lên tới 37.000 người.

Lướt qua, hầu hết các status đăng thể hiện tâm lý tiêu cực. Đơn cử như: "Bế tắc. Mọi người chỉ mình đi nhẹ nhàng được không?". Một số bình luận tiêu cực như chỉ cho cách mà người đăng muốn, nhưng cũng có lời khuyên “nhẹ nhàng”. Ngay sau đó status cũng nhận được một số lời khuyên như: Trước khi bạn làm điều gì thì hãy cho mình 2 ngày thực sự cho chính bạn bạn nhé, bao nhiêu năm không yêu thương mình đúng cách, thì 2 ngày cuối tuần này cho bạn được quay về yêu thương mình, Bạn tham dự khóa học miễn phí một ngày, sau đó bạn hãy đi đâu thì đi nhé. Gắng gượng qua đêm nay cũng được, nhậu hay kiếm gì ngon ăn đi bạn...

Cũng tại một số diễn đàn tâm sự học sinh THPT về áp lực thi cử mà muốn tìm cách tự tử, chủ một tài khoản tên LD viết: “Học cấp 3 tại Hà Nội quá áp lực. Nhìn kỳ thì năm vừa rồi quá nản. Gia đình ép học ngày đêm, làm sao đây để thoát đây, chả nhẽ lên tiên giới…”.

Đáng chú ý, những tâm tư này xuất hiện rất nhiều khi sắp vào đợt thi giữa kỳ và cuối kỳ. Khi các em nhận điểm số là một trào lưu ca thán kiểu như: “Điểm thế này thì làm sao vào được cấp 3”, "Điểm thế này thì ra ngoại thành học”… Quá áp lực là tậm trạng của các em chia sẻ trên một số diễn đàn.

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, cũng xuất hiện các hội, nhóm dạy nhau cách “bùng nợ” vay qua app. Chỉ cần gõ từ khoá “bùng nợ” hoặc “bùng vay tiền qua App” sẽ cho ra một loạt hội nhóm với số lượng thành viên đăng ký tham gia từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên.

Tại các nhóm này, mỗi ngày có hàng chục bài đăng với nhiều nội dung như hỏi cách "bùng nợ", hướng dẫn chiêu quỵt nợ các app cho vay... Thậm chí, có người công khai các dịch vụ "bùng nợ" công ty tài chính hoặc các app cho vay với nhiều mức giá khác nhau nhưng mức độ tin cậy thì khó ai kiểm chứng được. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo rất lớn.

Đơn cử như nick có tên HD hỏi trên diễn đàn nội dung đang vay tiền của một đơn vị, nhưng đang làm tại doanh nghiệp, bùng nợ có sao không? Trong chưa đầy 2 tiếng đã có hơn chục bình luận như "Inbox để tư vấn cách bùng", "Bùng thoải mái, đừng nghe máy là được"…

Một tài khoản khác cho biết mua trả góp điện thoại qua công ty tài chính hơn 20 triệu đồng nhưng đã 2 tháng không trả nợ và thắc mắc “nếu không trả thì sẽ như thế nào?”. Hàng chục dòng bình luận cổ vũ “không sao đâu”, “bùng thoải mái”, “càng trả càng nợ, bùng là hết nợ”,…

Tác hại khôn lường

Tác hại thật từ việc liên kết các thành viên đã được cơ quan công công an điểm danh là nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” với vụ việc một vài thành viên nhóm rủ nhau đi cướp ngân hàng.

Từ một nhóm tưởng chừng chỉ để giải trí, nhóm này đã thành nơi liên kết hẹn hò một số thành viên liều lĩnh. Xuất phát từ những lời khuyên, rủ rê qua nhóm, một số thành viên móc nối với nhau để thực hiện những hành vi phạm pháp ngoài đời thật. Công an Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng dùng dao và súng giả xông vào một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận bắc Từ Liêm để cướp 500 triệu đồng. Hai đối tượng gây ra vụ cướp táo tợn này là Trần Văn Hiếu (SN 1991, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chủ mưu và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Tại Cơ quan công an, hai đối tượng khai nhận, khoảng giữa tháng 2, thông qua nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội Facebook, Hiếu và Tùng quen biết nhau. Cả hai đều không có nghề nghiệp ổn định và đang nợ tiền của nhiều người nhưng không có khả năng trả nên nảy sinh ý định cướp tài sản để trả nợ. Mục tiêu chúng nhắm đến là ngân hàng. Do trước đó Hiếu từng đến phòng giao dịch Ngân hàng Vietinbank nằm trên địa bàn phường Xuân Tảo để hỏi thủ tục vay tiền, thấy có ít nhân viên và người đến giao dịch, Hiếu quyết định chọn địa điểm này và rủ Tùng đi cướp.

Trên diễn đàn này cũng đủ các trạng thái rủ nhau làm những việc phạm pháp như rủ nhau đi trộm chó, đi “nhảy” xe phòng trọ.... Theo một thành viên trên diễn đàn này chia sẻ, khi đăng dòng trạng thái bất cẩn, chán nản, sẽ có những thành viên khách vào bình luận, rủ rê đi ăn trộm, cướp giật…

Trên diễn đàn hướng dẫn bùng nợ, một số thành viên cũng khoe các “chiến tích” bùng nợ và và lấy đó như một cái cớ để quảng cáo, mời chào các thành viên nhẹ dạ sử dụng dịch vụ “hỗ trợ trốn nợ, xóa nợ”. Theo Hiệp hội Ngân Hàng Việt Nam (VNBA), các công ty tài chính tiêu dùng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nhất là trong hoạt động thu nợ trước thực trạng "bùng nợ" ngày càng gia tăng.

Việc bùng nợ, đặc biệt là hành vi lôi kéo, bày cách quỵt nợ đều tiềm ẩn những động cơ rất nguy hiểm. Nếu người vay không tỉnh táo thì sẽ vướng vào những hệ lụy sau này khó kiểm soát được.

Luật sư Nguyễn Minh Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Trí cho biết: “Có người vay tiền mà đã có thoả thuận, sau đó, nghe theo lời kích động, hướng dẫn bùng nợ, quỵt nợ để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Hành vi này có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản. Còn với các thành viên hướng dẫn, chia sẻ cách bùng nợ, quỵt nợ trong các hội nhóm, khi cơ quan chức năng điều xác định có đủ căn cứ để khởi tối thì sẽ là quy kết vào đồng phạm và khởi tố hình sự.

“Đối với những thành viên quản lý (admin) biết rõ nội dung nhưng vẫn để các đối tượng bàn luận, chia sẻ những nội dung vi phạm pháp luật, khi cơ quan quản lý xác định vi phạm xử bị xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ xoá những hội nhóm này do vi phạm pháp luật Việt Nam”, luật sư Nguyễn Minh Anh chia sẻ.

Theo báo Tin tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất