Là một trong những nhạc sỹ quân đội nổi tiếng sau giải phóng, nhạc sỹ An Thuyên đã trở nên thân quen đối với khán thính giả cả nước qua hàng loạt những tác phẩm âm nhạc, những ca khúc mang âm hưởng dân gian ngọt ngào và giàu hơi thở đương đại.
Những ca khúc của ông được viết lên bởi tình yêu quê hương đất nước. Âm nhạc của An Thuyên thật sự gần gũi, bình dị nhưng vô cùng tinh tế. Những sáng tác của ông luôn đi thẳng vào trái tim, thấm đậm vào tâm hồn người nghe nhạc bởi giai điệu ngọt ngào và ca từ trong sáng, giàu chất thơ và đặc biệt, đó là những rung động từ sâu thẳm trái tim của người nghệ sỹ.
Ông từng giữ cương vị Hiệu trưởng trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Quân đội nay là trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội trong nhiều năm liền. Ông là nhạc sỹ Quân đội đầu tiên được phong quân hàm Thiếu tướng.
Trong không khí của những ngày giao mùa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông trong căn nhà tập thể giản dị mà ấm cúng về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện sáng tác.
PV: Từng là Hiệu trưởng trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Quân đội sau này là trường Đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội. Điểm gì khiến trường tìm được chỗ đứng trong ngành Quốc phòng nói riêng và xã hội nói chung?
Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên (TT.NS.AT): Sau giải phóng Thủ đô, năm 1955 Nhà nước cho thành lập trường Trung cấp nghệ thuật quân đội. Đây là trường văn hóa nghệ thuật đầu tiên. Lúc mới thành lập, trường chỉ là một cơ sở nhỏ bé nhưng là chỗ dừng chân của rất nhiều nhạc sỹ nổi tiếng như Nguyễn Văn Tý, Xuân Hồng… đến thời kỳ chống Mỹ, trường là nơi cung cấp lực lượng lớn cho các đoàn nghệ thuật. Thời đấy chỉ với năng khiếu, lòng nhiệt tình, trách nhiệm là có thể vào học. Các khóa học cũng ngắn để còn vào phục vụ chiến trường, góp một phần công sức vào công cuộc giải phóng dân tộc.
Sau năm 1975, trường bước vào một giai đoạn mới. Một số trường nghệ thuật ở ngoài đã phát triển, trường bị bó hẹp công tác tuyển sinh. Vì vậy, có thể nói những năm đó trường gần như đi xuống. Đến đầu những năm 80, đứng trước nguy cơ xóa sổ, Bộ Quốc phòng đã quyết tâm giữ lại và có những định hướng mới. Đầu tiên, xác định xây dựng dân trí, xây dựng đời sống tinh thần cho bộ đội, và xác định xã hội cần cái gì thì mình đào tạo cái đó, sau đó mới đào tạo nâng cao và chuyên sâu. Nhà trường đã đưa ra tiêu chí: “Dạy những cái mà xã hội và Quân đội cần chứ không phải dạy những cái mình có”. Đó là một cuộc cách mạng làm đổi mới hướng đi của trường, tìm được con đường đi riêng. Và cũng chính từ đó đến nay trường đã tìm được một chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Từ những ngày đầu chỉ đào tạo một vài chuyên ngành đến nay trường đã đào tạo gần 30 chuyên ngành khác nhau và mở thêm nhiều ngành mới như quản lý văn hóa, sư phạm âm nhạc, sư phạm nhạc họa và lớp viết văn, sân khấu điện ảnh…
Với định hướng học phải gắn liền với hành, đào tạo con người là quan trọng. Ngay từ khi còn trong trường, ngoài việc học lý thuyết, các em còn được thực hành thông qua các hoạt động đi biên giới, hải đảo, nhằm giúp cho các em đứng vững trong xã hội sau khi ra trường. Vì thế, đã có nhiều ngôi sao nổi tiếng như Hồ Quỳnh Hương, KaSim Hoàng Vũ, Phương Anh, Phương Thảo, Ngọc Dung, Vương Dung, Hoàng Nghiệp, Mai Trang… Nhiều nhạc sỹ nổi tiếng trong làng nhạc đương đại như: Đỗ Bảo, Đức Nghĩa, Hồ Trọng Tuấn, An Hiếu, Nguyễn Đức, Dương Cầm, Đức Tân…Các biên đạo múa xuất sắc như: Hữu Từ, Hiền Trang, Quỳnh Như, Ánh Tuyết, Thu Hà… Còn rất nhiều các em hiên đang là nòng cốt ở các đoàn nghệ thuật trung ương và địa phương. Sự hiện diện của trường ở tất cảc các ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước đã khẳng định sự thành công của nhà trường nói chung và của các em nói riêng.
Để tìm và phát hiện những nhân tài cho ngành nghệ thuật này, nhà trường đi lên tận miền núi, vào các vùng sâu, vùng xa để tuyển sinh với quyết tâm đào tạo cho miền núi và các dân tộc thiểu số nguồn nhân lực quan trọng, hạt giống đỏ của cách mạng. Mỗi vùng của đất nước đều có những bản sắc văn hóa riêng và Nhà trường là nơi nuôi dưỡng đào tạo và phát triển những nét văn hóa, nghệ thuật đó, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Với phương châm: “Dạy người – dạy nghề - dạy trách nhiệm”, Nhà trường dạy các em biết mục đích học xong để làm gì, để phục vụ ai và quan trọng là hun đúc cho họ tình yêu quê hương, đất nước con người…
Từ năm 1993, trường đã được Bộ Giáo dục cấp bằng Nhà nước, đầu năm 2006 được Thủ tướng công nhận là trường Đại học. Trong vòng 15 năm trường đã xây dựng được chỗ đứng và danh tiếng của mình trong xã hội và trường đang tiếp tục hoàn thiện trên tầm cao mới.
PV: Được biết Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn là những sân chơi âm nhạc nổi tiếng và có rất nhiều thí sinh thành công do trường đào tạo. Ông có suy nghĩ và quyết định gì sau mỗi cuộc thi đó?
TT.NS.AT: Từ định hướng đào tạo “những cái xã hội cần” nên Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn là sự gặp gỡ của hai nhu cầu: Nhu cầu người đào tạo và nhu cầu người thưởng thức. Những năm trước phần thính phòng Nhạc viện luôn chiếm ưu thế, nhưng năm vừa rồi thí sinh đạt giải nhất về thính phòng lại thuộc về trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Kỹ năng là một phần, một phần do ý chí vươn lên của các em. Khi các em có tâm hồn, tình cảm tốt thì phần thể hiện sẽ tốt hơn mà theo tôi kỹ năng không bù lại được. Chính sự thành công của các em cũng góp phần tạo nên danh tiếng của trường. Và cũng là kết quả đào tạo theo phương trâm đúng đắn: “Dạy người - dạy nghề - dạy trách nhiệm”.
Sau mỗi cuộc thi, các thí sinh đạt giải đều được Nhà trường tuyển thẳng vào học. Như vậy sẽ giúp các em hoàn thiện được tài năng của mình, nuôi dưỡng, đào tạo thành tài những nhân lực đóng góp cho xã hội, là sự kết dính mà tất cả đều có lợi và quan trọng hơn là xã hội cũng được hưởng lợi từ việc này. Có lẽ đó cũng là một nét độc đáo của Nhà trường mà các trường khác chưa làm được, mặc dù việc tuyển thẳng này đúng với quy chế của Nhà nước.
PV: Với tư cách là một nhạc sỹ và là Phó chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, ông có nhận xét gì về âm nhạc hiện nay, đặc biệt là nhạc dành cho giới trẻ?
TT.NS.AT: Trong bối cảnh xã hội của thế kỷ 21, nhu cầu về âm nhạc có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải có một nền âm nhạc phù hợp với tình hình mới hiện nay. Thời đại bùng nổ thông tin và tác động của cơ chế thị trường cùng các dòng nhạc nước ngoài du nhập vào Việt Nam đã ảnh hưởng không ít đến giới trẻ. Vì vậy, phải có những đào tạo và định hướng cho giới trẻ.
Âm nhạc trước đây hay nhưng đã cũ, nền âm nhạc hiện tại thì lại chưa hay, đang trên con đường tìm tòi đường đi, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của của giới trẻ nói riêng và của công chúng nói chung. Chúng ta phải có định hướng và quản lý thật tốt, làm thế nào cho đời sống âm nhạc được nâng cao và nhất thiết phải có định hướng cho công chúng phát triển gì, hưởng thụ như thế nào? Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà kinh doanh âm nhạc phải gắn liền với phát triển xã hội. Điều quan trọng nhất là người sáng tác phải biết kế thừa cái hay của nền âm nhạc truyền thống và tìm những nét đẹp hiện đại. Ngoài ra, tôi mong muốn giới truyền thông cùng góp phần vào tuyên truyền, quảng bá những tác phẩm hay, chính thống để nghệ thuật không phụ thuộc vào cơ chế thị trường.
PV: Thời gian làm quản lý, nhạc sĩ còn kiêm nhiệm rất nhiều chức vụ như Bí thư Đảng ủy nhà trường, Ủy viên chấp hành hội nhạc sĩ Việt Nam rồi đến Phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập website www.vnmusic.com.vn... Vậy cảm hứng sáng tác của nhạc sỹ có bị ảnh hưởng?
TT.NS.AT: Vừa quản lý, vừa hoạt động xã hội, đặc biệt còn tham gia ban giám khảo trong nhiều cuộc thi, nhưng hình như càng chấp nhận sức ép của công việc bao nhiêu thì tôi lại càng thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh dẻo dai làm bật tung cái "lò xo sáng tạo". Dường như con người tôi chia làm hai, công việc quản lý đòi hỏi sự tỉnh táo, sáng suốt, nhưng lúc sáng tác thì lại thăng hoa, bay bổng. Một bên cho sự hiểu biết con người, một bên thể hiện bằng tình yêu con người. Hai điểm đó hòa quyện vào nhau, gắn với nhau và bổ sung cho nhau bằng sợi dây vô hình nào đó mà chính bản thân tôi cũng không biết.
Có lẽ khi tôi về làm Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Quân đội, nay là Đại học Nghệ thuật Quân đội, đã cho tôi cơ hội được lao động sáng tạo trong một môi trường đào tạo và hoạt động nghệ thuật sôi động để mình viết được nhiều tác phẩm, cất cánh đến được với công chúng. Hàng loạt tác phẩm như: “Ca dao em và tôi”, "Thơ tình của núi", "Chín bậc tình yêu", "Huế thương", "Neo đậu bến quê", “Hà Tĩnh Mình thương”, "Mẹ Việt Nam anh hùng" “Dương cầm thu không em”, “Chú cuội chơi trăng”... đã đi vào đời sống từ địa chỉ này và đã nhận được những giải thưởng của nhà nước, bộ Quốc phòng, Hội Nhạc sĩ VN. Nhưng với tôi quan trọng nhất là những tác phẩm ấy đã được công chúng đón nhận, sự trường tồn của nó như một món quà, một phần thưởng cao quý trong cuộc đời sáng tác của tôi.
Vừa qua tôi cũng đã cho ra mắt hai vở ca cảnh "Đất nước đứng lên" dựa trên tiểu thuyết về anh hùng Núp nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc và “Hai người mẹ” dựa theo tiểu thuyết “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức.
PV: Quan niệm của ông về cuộc sống và người nghệ sĩ? Ông nhìn nhận thế nào thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay?
TT.NS.AT: Tôi thường tâm nguyện với các con mình: hãy biết yêu con người, biết chịu đựng gian khổ và những nỗi bất hạnh. Tôi luôn quan niệm người sáng tác muốn trở thành tài năng lớn thì phải hội đủ bốn chữ Trí, Tâm, Cảm, Linh. Điều kiện bây giờ tốt hơn ngày xưa nhiều. Nhưng quan trọng nhất của người làm nghệ thuật là phải có tâm. Sáng tác âm nhạc phải bắt nguồn từ cuộc sống, nếu không, những bản nhạc sáng tác ra cũng chỉ như một thứ thời trang.
Lớp trẻ bây giờ có điều kiện được học hành, được tiếp xúc nhiều về học thuật, được cập nhật những thông tin đương đại. Nhưng có lẽ lớp trẻ phải tiếp thu văn hóa Việt Nam một cách sâu sắc hơn, chỉ có văn hóa nhân loại mà không có văn hóa Việt Nam thấm đượm trong tâm hồn người nhạc sĩ thì khó có một tác phẩm thành công. Đặc biệt phải có vốn sống, phải lăn lộn thực tế, phải cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước, con người, gắn bó với đời sống xã hội thì mới có những tác phẩm thành công được đông đảo công chúng chấp nhận.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ.
Tố Phương (thực hiện)