Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 14/5/2011 9:47'(GMT+7)

Trở lại tinh thần “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

 

Bàn về sứ mệnh của văn hóa, Hồ Chí Minh viết: "Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau".

Quan điểm trên nêu bật mối quan hệ hữu cơ giữa văn hóa nghệ thuật với hiện thực cuộc sống, văn hóa nghệ thuật phải bám lấy hiện thực cuộc sống. Văn học nghệ thuật nói riêng phải lấy cuộc sống là đối tượng miêu tả, phản ánh, "tác phẩm xứng đáng" phải là tác phẩm vượt ra ngoài giới hạn không gian (cho thế giới biết…), sống mãi với thời gian (để lưu truyền cho con cháu đời sau)… Chưa cần tới sự tập hợp một cách hệ thống các câu nói, bài viết của Hồ Chí Minh về vấn đề này mà chỉ cần qua hai câu văn ngắn trên cũng đủ thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có một quan niệm hiện đại về văn hóa nói chung, về tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị nói riêng. Theo quan điểm của Người: "Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa". Về quan hệ giữa các phương diện này, Người dứt khoát khẳng định: "Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị".

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng ta đã có một chiến lược hết sức đúng đắn về văn hóa, chỉ cần nhắc lại một khẩu hiệu bất hủ: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi cũng đủ thấy tầm mức quan trọng của văn hóa với đời sống, với vận mệnh dân tộc.

Tiếc rằng, những năm gần đây, đúng như nhận xét của Văn kiện Đại hội XI của Đảng: “Văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế”[1]. Nhận thức được thực trạng đó, từ những Nghị quyết trước Đại hội XI, Đảng ta đã có những phương sách phát triển văn hóa đúng đắn, văn hóa được đặt về đúng vị trí của nó. Hội nghị Trung ương lần thứ 11 họp từ ngày 5 đến 10-10-2009 đã xác định: Xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần xã hội. Với văn hóa, chúng ta kiên định một phương châm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII. Đó là một phương châm kế thừa nhận thức về văn hóa của Đảng từ Đề cương văn hóa 1943 đến thực tế vận động của văn hóa trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Trên cơ sở kế thừa thành tựu khoa học, thực tiễn những năm qua, Văn kiện Đại hội XI đã đưa ra những định hướng toàn diện, khoa học về chiến lược phát triển văn hóa. Về mục đích: “Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế,... xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội”[2]. Về chủ thể sáng tạo: “Khuyến khích tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc”[3]. Về tiếp nhận văn hóa: “... bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ”[4] ... Về biện pháp: “Tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa...”[5].

Khẳng định vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng với tất cả các hình thái ý thức xã hội nhưng chủ nghĩa Mác cũng chỉ ra tính độc lập tương đối của văn hóa nghệ thuật. Mác đã chứng minh, trong xã hội loài người có các thời kỳ phồn thịnh của văn hóa văn nghệ không trùng thời đại phồn vinh về kinh tế, ví dụ nghệ thuật Hy Lạp cổ đại phát triển rực rỡ nhưng kinh tế thời đó thì còn kém cỏi, lạc hậu[6]. Ở nước ta ngày hôm nay thì có chuyện ngược lại, kinh tế phát triển nhưng văn hóa lại chưa tương xứng, có phần xuống cấp. Vì sao vậy? Đơn giản, vì chúng ta chưa chú ý, chưa quan tâm đúng mức đến văn hóa. Biểu hiện sa sút về văn hóa trên nhiều góc cạnh, có nhiều nguyên nhân, cần nhiều giải pháp kiên trì, đồng bộ. Theo tôi, để dần khắc phục những điểm yếu, để văn hóa phát triển đúng hướng theo Nghị quyết Đại hội XI, có mấy vấn đề lý luận và thực tiễn đáng chú ý trước tiên:

1. “Các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng". Đây chính là lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà những năm kháng chiến chúng ta đã làm tốt điều này bằng cách tổ chức cho văn nghệ sĩ những chuyến đi thực tế dài ngày, nhờ đó họ có những tác phẩm có giá trị. Hôm nay chúng ta lại coi nhẹ cách thâm nhập thực tế hữu ích này. Chủ nghĩa Mác quan niệm hiện thực là nguồn gốc của nhận thức, của ý thức. Văn nghệ là một hình thái ý thức nên càng phải cắm sâu vào mảnh đất hiện thực để hút chất dinh dưỡng cuộc đời. Thoát ly hiện thực, nghệ thuật nhất định khô héo. Một căn bệnh của văn nghệ ta hôm nay mà rất nhiều người chỉ ra là bệnh nhạt. Và họ đã chỉ ra rất đúng nguyên nhân của căn bệnh nhạt ấy là do thiếu chất muối mặn mòi của đời sống, do nhà văn ít vốn sống, thiếu thực tế. Cụ Phan Huy Chú từng có ý kiến: Văn tức là lẽ phải của sự vật… Kẻ học giả ngoài việc đọc kinh sử, còn phải xét hỏi sâu rộng, tìm kiếm xa gần. Xem thế thì một trong những cách để thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật hôm nay là tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, càng nhiều càng tốt, càng sâu càng hay. Và nhất là việc phát hiện tài năng, năng khiếu ở cơ sở rồi bồi dưỡng họ. Những câu chuyện cảm động về lớp đàn anh ân cần, tận lực bồi dưỡng mầm non văn nghệ thời chống Mỹ còn lưu truyền đến ngày nay.

2. Ngôi nhà văn hóa Việt Nam hiện đại dứt khoát phải được xây trên nền móng truyền thống vững chãi. Thế nhưng nhiều giá trị văn hóa truyền thống ở ngày hôm nay thì lại bị thờ ơ, xem nhẹ. Một biện pháp mà chúng ta đã và đang làm nhưng cần tích cực hơn, hiệu quả hơn, là đưa vào chương trình phổ thông môn học về nghệ thuật truyền thống. Độc giả không yêu tuồng vì họ không hiểu tuồng. Muốn yêu thì phải hiểu đã! Muốn giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống cần có chính sách văn hóa đồng bộ từ việc cân nhắc bảo tồn di sản, chế độ chính sách với người làm văn hóa... đến việc giáo dục văn hóa cho toàn xã hội. Ý thức văn hóa chưa trở thành bản sắc, chưa trở thành những giá trị bền vững của một dân tộc thì dễ bị chao đảo ngả nghiêng, lẫn lộn, mất ổn định. Một nền văn hóa độc lập, phong phú, thống nhất và đa dạng sẽ đảm bảo cho quốc gia dân tộc phát triển bền vững trong thế giới hội nhập.

3. Ngày hôm nay đang có một nghịch lý là đầu sách in ra với số lượng không nhỏ nhưng người đọc sách thì ít. Trung bình mỗi người Việt Nam hiện nay một năm mua 3,3 cuốn sách, đọc 2,8 cuốn. Mà phát triển văn hóa thì phải luôn gắn liền với sự đọc. Lượng người đọc sách ít và giảm do mấy nguyên nhân chính: Sự cạnh tranh của văn hóa nghe nhìn (tivi, internet...); sách hay sách dở khó phân biệt với bạn đọc phổ thông; giá sách quá cao nên ngay giới sinh viên là những người cần phải đọc nhiều nhất cũng ít người đủ tiền để mua sách; hệ thống thư viện tỉnh, huyện thực tế chỉ là hình thức. Nếu giá sách giảm đi, hệ thống thư viện được bao cấp sách... chắc chắn sẽ khích lệ văn hóa đọc. Đọc nhiều giúp con người luôn bình tâm, hài hòa, sâu sắc, nhường nhịn. Xây dựng văn hóa đọc là một việc quan trọng cần làm ngay từ trung ương đến cơ sở để xây dựng phẩm cách con người, phẩm cách dân tộc.

4. Một hiện tượng đáng báo động hiện nay là lượng hồ sơ thí sinh đăng ký vào các ngành khoa học xã hội đang ngày càng giảm đi rõ rệt. Có nhiều nguyên nhân về kinh tế, xã hội, tâm lý... trong đó có nguyên nhân về cách dạy đọc-chép cũ mòn ở các nhà trường từ phổ thông cho đến đại học. Cách dạy này về thực chất là cách dạy hiểu thay, làm thay cho học trò, thiếu tôn trọng người học, coi người học như tờ giấy trắng để giảng viên vẽ; coi người học như cái chum, đổ gì vào là tùy. Như vậy là triệt tiêu cá tính, triệt tiêu sáng tạo. Ngay về một môn văn, hàng chục loại đầu sách tham khảo hướng dẫn một cách quá tỉ mỉ, chi tiết về cách hiểu văn chương cho học trò, về thực chất là học hộ học trò đã góp phần làm thui chột sự sáng tạo, triệt tiêu con đường cảm nhận, khám phá bằng trí tưởng tượng riêng, bằng tâm hồn riêng của người học. Hẳn nhiên, muốn cho học trò yêu văn thì phải dạy cho họ hiểu văn, nhưng dứt khoát không thể là cách hiểu hộ, học hộ. Chúng ta không thiếu chuyên gia giỏi trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, nhưng nhiều năm rồi chuyện dạy và học không chuyển biến từ gốc cơ chế, chỉ chắp vá sự vụ và hiển hiện những bất cập, thụt lùi. Đường lối giáo dục là đúng đắn, chính phủ quyết tâm, nhưng khâu thiếu, yếu là triển khai trong thực tiễn chậm, kém hiệu quả. Giáo viên không sống được bằng lương, học trò không hứng thú khi học mà chịu nhiều thứ áp lực quá lớn sinh tâm lý chống đối qua các kỳ thi, thì như vậy chúng ta chưa hy vọng có những thế hệ vàng sánh ngang thời đại.

PGS, TS Nguyễn Thanh Tú/QĐND

 

 



[1] Bàn về văn hóa và văn nghệ - Nhà xuất bản Văn hóa - nghệ thuật, 1963, tr.169

[2] Bàn về văn hóa và văn nghệ - Nhà xuất bản Văn hóa - nghệ thuật, 1963, tr.140

[3] Bàn về văn hóa và văn nghệ - Nhà xuất bản Văn hóa - nghệ thuật, 1963, tr.127

[4] Bàn về văn hóa và văn nghệ - Nhà xuất bản Văn hóa - nghệ thuật, 1963, tr.224

[5] Bàn về văn hóa và văn nghệ - Nhà xuất bản Văn hóa - nghệ thuật, 1963, tr.40

[6] C.Mác - Góp phần phê phán chính trị kinh tế học - Nhà xuất bản Sự Thật, 1971, tr.311

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất