Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 8/5/2011 19:11'(GMT+7)

"Đau" đâu "chữa" đó!

Nghệ thuật tuồng truyền thống nếu không có chính sách cấp bách kịp thời, thì các thế hệ tương lai sẽ không còn biết đến loại hình nghệ thuật này.

Nghệ thuật tuồng truyền thống nếu không có chính sách cấp bách kịp thời, thì các thế hệ tương lai sẽ không còn biết đến loại hình nghệ thuật này.

"Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra"

Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam (VNSO)-Ngô Hoàng Quân từng trăn trở: “Để trở thành một nhạc công mất 16 năm miệt mài học tập, nuôi dưỡng tài năng, tốt nghiệp ra trường, xin được vào dàn nhạc, nhận lương cộng với các khoản tiền tập, biểu diễn… được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, không ít ca sĩ trên thị trường hiện nay (thậm chí có người không qua một lớp thanh nhạc nào) mỗi buổi diễn có cát-xê 20-30 triệu đồng. Thỉnh thoảng họ xuất hiện trên báo chí với việc sắm xe tiền tỷ, nhà triệu đô…”.

VNSO hiện nay được đánh giá là dàn nhạc giao hưởng đứng thứ hai của Đông Nam Á (sau Xin-ga-po), như thế cũng có nghĩa những nghệ sĩ trong VNSO là tài sản quý, hiếm của quốc gia. Nhưng khi rời tay khỏi những phím đàn, nốt nhạc sau mỗi buổi diễn, có nhạc công của VNSO lại đen nhọ trong cửa hàng sửa xe máy, sửa máy bơm hay chạy những cuốc xe ôm… tạo nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. Tôi đặt câu hỏi với 6 nghệ sĩ, rằng có muốn hướng con cái theo nghệ thuật của mình, thì cả 6 đều lắc đầu: Tốn kém, thua thiệt, mình trót thì phải theo!

Giám đốc Ngô Hoàng Quân cho rằng, các phương tiện truyền thông hiện nay đang cổ súy cho âm nhạc thị trường. Các cuộc thi cũng chăm lo tới các dòng nhạc nhẹ, rock… việc quảng bá không cân xứng với bộ mặt văn hóa của quốc gia trong lĩnh vực âm nhạc. Đây cũng chính là tầm nhìn, đánh giá, nhận thức của lãnh đạo văn hóa.

Nghệ sĩ múa phải có năng khiếu, học tập và khổ luyện ít nhất 10 năm mới có thể lên sân khấu biểu diễn, nếu không kịp “chói sáng” thì 30 tuổi đã hết tuổi nghề.

Ở lĩnh vực biểu diễn sân khấu, NSƯT Lê Chức - Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng không khỏi bức xúc khi cho rằng, các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ sĩ theo đuổi loại hình nghệ thuật này nói riêng đang quá thua thiệt so với các ngành khác. “Tính lương và cả thù lao cho một nghệ sĩ của sân khấu chỉ 80.000đồng/ngày, không bằng thợ nề-người ta nhận công một ngày cũng được ít nhất 100.000 đồng. Nếu không có những chính sách cấp bách cho sân khấu, đặc biệt là những loại hình truyền thống, thì không lâu nữa con cháu chúng ta sẽ không còn biết tuồng, chèo… là gì” - NSƯT Lê Chức nói.

Trong các đơn vị nghệ thuật của Nhà nước, mức phụ cấp nghề nghiệp tùy theo loại hình nghệ thuật đối với nghệ sĩ là từ 15 đến 20% lương cơ bản. Mỗi buổi tập, nghệ sĩ được bồi dưỡng từ 10.000 đến 20.000 đồng, mỗi đêm diễn, số tiền nhận được từ 20.000 đến 50.000 đồng.

Từ nhiều năm nay, những người làm nghệ thuật kêu nhiều, nhưng cái khó là thực trạng chế độ chính sách bất cập tồn tại qua nhiều năm chưa kịp sửa đổi bổ sung khiến cho các nghệ sĩ vốn đã nghèo lại càng khó khăn hơn.

Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đưa ra các chính sách cấp bách cho văn hóa cần tập trung vào các lĩnh vực: Điều tra, nghiên cứu và tư vấn cho Chính phủ soạn thảo và ban hành các chính sách văn hóa sát với thực tế cuộc sống, tránh tình trạng vừa tủn mủn, nhỏ lẻ, lỗi thời, vừa thiếu đồng bộ như hiện nay; tập trung phát triển nguồn nhân lực cho văn hóa (gồm cả tìm kiếm, đào tạo và nuôi dưỡng), đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, tìm kiếm nguồn lực xã hội đầu tư vào văn hóa bằng cách tạo cơ chế khuyến khích mọi thành phần xã hội tham gia chuỗi đầu tư - sáng tạo - hưởng thụ văn hóa.

Đề cập tới chính sách trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng đã ví von: “Các chính sách của chúng ta vẫn còn... "đau" đâu "chữa" đó, "ngứa" đâu "gãi" đó. Giờ tổng kiểm tra lại, hóa ra chúng ta đang "đau toàn thân”.

Cần cái nhìn rộng hơn cho văn hóa

Ông Đào Đăng Hoàn - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nhiều năm qua, việc tổ chức thi nâng ngạch cho ngành nghệ thuật biểu diễn không được thực hiện. Hầu hết đạo diễn, biên kịch, diễn viên có thời gian cống hiến dài, đạt nhiều thành tích trong các kỳ hội diễn quốc gia, quốc tế, từng được phong các danh hiệu cao quý nhất của nghề nghiệp vẫn ở ngạch diễn viên hạng III. Ví dụ như: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi trẻ); NSND Hà Mạnh Chung, NSND Kiều Ngân (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); NSƯT Nguyễn Công Đại, NSƯT Trần Thị Mơ (Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam) đã vượt khung diễn viên hạng III từ 15 đến 19 năm vẫn không được nâng ngạch.

Một trong những đề xuất được đưa ra nhằm bù đắp thiệt thòi cho những người hoạt động trong ngành nghệ thuật là sửa đổi một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo lộ trình, việc sửa đổi này phải đến năm 2012 mới thực hiện được. Hiện tuổi lao động theo luật là từ 18 tuổi, với nghệ sĩ được tính từ 15, nhiều người khi hết tuổi lao động mới ngoài 40, vậy phải làm thế nào để họ tiếp tục phục vụ xã hội và quan trọng hơn cả là có nguồn thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống gia đình. Và một trong những giải pháp quan trọng hơn cả, được ông Đào Đăng Hoàn đưa ra đó là đối với các nghệ sĩ biểu diễn có kinh nghiệm, cần được đào tạo thêm về sư phạm, đây sẽ là nguồn lực giáo viên có chất lượng chuyên môn, cùng kinh nghiệm biểu diễn, rất cần thiết trong các trường nghệ thuật…

Bao giờ chúng ta mới có một chế độ chính sách hợp lý, đủ sức níu chân những tài năng nghệ thuật, để họ toàn tâm toàn ý mà cống hiến…? Câu hỏi vẫn để ngỏ, và nhiều người cho rằng nó vẫn ở thì tương lai.

Còn bà Ca-thơ-rin Mu-lơ (Katherine Muller) -Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, với tư cách đại biểu tham dự, cho rằng: “Một cách nhìn rộng hơn về văn hóa sẽ giúp cán bộ nhà nước, khu vực tư nhân và người dân nói chung hiểu được cách thức văn hóa mang lại lợi ích cho nước nhà. Sự phát triển văn hóa không thể chỉ được đo bằng các danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Làng văn hóa”, văn hóa còn phải được coi như động lực phát triển kinh tế và là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các cộng đồng và quốc gia”./.

(Theo: Vương Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất