Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho các tỉnh, thành phố có thư viện, Tủ sách biên phòng phục vụ cán bộ, chiên sĩ, đồng bào biên giới, hải đảo. Thiếu tướng Nguyễn Phước Lợi, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và đồng chí Nguyễn Thảo – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh – nơi đăng cai cùng tham gia chủ trì Hội nghị.
Với nhận thức xây dựng tủ sách biên phòng trở thành điểm sáng văn hóa để thực hiện tốt các nhiệm vụ: Xây dựng môi trường văn hóa với các mục tiêu lý tưởng của “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần nâng cao giáo dục chính trị-tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, tạo nên thói quen đọc sách báo cho đồng bào các dân tộc, xây dựng địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh, Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng việc đưa sách báo đến với đồng bào, chiên sĩ nơi biên giới, hải đảo.
Ở nước ta, khu vực biên giới nước ta trải dài khắp 44 tỉnh, thành phố với trên 8.000 km (gồm cả đất liền và biển), gồm 184 huyện/thị; 1.012 xã/phường/thị trấn với khoảng 5 triệu dân, trong đó có 42 dân tộc anh em sinh sống. Do vị trí địa lý, khu vực biên giới chủ yếu là rừng núi hiểm trở, sông suối và hải đảo, nên cơ sở hạ tầng phát triển chậm, việc đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, cộng thêm phong tục tập quán còn lạc hậu, đời sống văn hóa tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn
Xác định đây là công việc cần thiết và cấp bách, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP thực hiện ký kết liên ngành, ra nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, hướng dẫn kịp thời các tỉnh, thành phố có đường biên giới triển khai thực hiện. Với vai trò hạt nhân của phong trào hệ thống thư viện công cộng (TVCC), BĐBP các tỉnh thành phố có đường biên giới như: Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tính, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Tây Ninh, Kiên Giang…đã cụ thể hóa kế hoạch xây dựng tủ sách đồn biên phòng trên địa bàn cho 38 thư viện tỉnh có nhiều khó khăn.
Với vai trò tham mưu Vụ Thư viện đã tích cực tham mưu cho Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực văn hóa, trong đó có thư viện. Đây được xem như là một mục tiêu quan trọng, có giá trị to lớn và thiết thực tạo điều kiện thuận lợi cho 63 tỉnh, thành. Mỗi năm cấp hàng chục ngàn bản sách, hỗ trợ cho hơn 400 thư viện cấp huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; xây dựng “kho sách lưu động” luân chuyển về cơ sở và nhiều thư viện tủ sách đồn biên phòng được cấp thêm vốn sách báo, tài liệu, hỗ trợ trang thiết bị thư viện…
Bên cạnh đó, 10 năm qua, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng, Thư viện Quân đội (Bộ Quốc phòng) đã kịp thời triển khai có hiệu quả đến từng tủ sách biên phòng cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi biên giới và hải đảo. Thư viện Quốc gia Việt Nam đã hỗ trợ gần 15.000 bản sách cho các tỉnh miền núi phía Bắc có tủ sách biên phòng. Thư viện Quân đội hỗ trợ, tặng, tăng cường cho thư viện biên phòng các địa phương giá sách, tổ chức 20 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện toàn quân và hàng chục ngàn bản sách. Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thong) mỗi năm hỗ trợ, giúp đỡ các thư viện, tủ sách khu vực biên giới hàng ngàn bản sách, trong đó trong 4 năm (2007-2010) đã tặng 44.310 cuốn. Thời gian qua, tổng số các cơ quan, đoàn thể biếu tặng cho tủ sách biên phòng cả nước đã lên tới con số hàng chục vạn cuốn.
Đến nay, hầu hết các đơn vị BĐBP đã có tủ sách, thư viện. Nhiều tủ sách đồn biên phòng được đặt trong Phòng Hồ Chí Minh. Bình quân mỗi thư viện của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh có từ 6.000-8.000 bản sách và từ 25-35 loại báo, tạp chí; Tủ sách đồn biên phòng ở các đơn vị cơ sở có từ 600-1000 bản sách và 8-15 loại báo, tạp chí. Đặc biệt nhiều nhiều thư viện Bộ chỉ huy biên phòng có từ 7000 bản sách, hàng chục loại báo trở lên, như: Hà Giang, Lai Châu, Cao bằng, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Những tủ sách biên phòng có từ 1200 cuốn trở lên, như: Cầu Treo (Hà Tĩnh), Sóc Hà (Cao Bằng), Bình Hải (Quảng Ngãi), Pò Mã (Lạng Sơn), Đồn 602 (Bến Tre), Lao Bảo (Quảng Trị),
Kết quả thực hiện kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực thư viện từ năm 2006 đến 2010 tổng cộng là 111.9 tỷ đồng, trong đó gồm: cấp 5.5 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị bảo quản kho, giá thư viện cho 38 thư viện tỉnh gặp khó khăn; cấp 120-150 triệu đồng/năm cho hoạt động tập huấn nghiệp vụ thư viện (3-4 lớp mỗi năm); cấp 15 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng trụ sở cho 30 thư viện cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; cấp 44.2 tỷ đồng cho thư viện tỉnh xây dựng kho sách luân chuyển, đã mua được tổng số 1.182.442 bản sách; cấp hạt nhân cho thư viện cấp huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo (khoảng 400 huyện) là 38 tỷ đồng, tổng số mua được 1.152.606 bản sách. Kinh phí đầu tư trên từ Chương trình mục tiêu quốc gia tuy không phải tất cả dành cho thư viện và văn hóa đọc ở đồn biên phòng, song cũng được coi là “nguồn đầu tư gián tiếp”, rất có ý nghĩa của Trung ương, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hệ thống thư viện công cộng ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn. Đó là cơ sở, là tiền đề để các TVCC hỗ trợ cho tủ sách biên phòng.
Để Tủ sách đồn biên phòng hoạt động có hiệu quả, mỗi năm đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng được hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ thư viện. Bên cạnh nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia nơi biên giới và hải đảo, những chiến sĩ mang “quân hàm xanh” đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong công tác vận động quần chúng. Trên các nẻo đường biên cương và hải đảo, bộ đội biên phòng, không chỉ có “thầy giáo mang quân hàm xanh”, “bác sĩ mang quân hàm xanh”, mà nay còn có “cán bộ thư viện mang quân hàm xanh” mang ánh sáng văn hóa của Đảng đến với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc.
Việc luân chuyển sách báo đến các đồn biên phòng cũng được các thư viện tỉnh, huyện thực hiện khá thường xuyên. Mười năm qua, mang lưới TVCC trên toàn quốc đã luân chuyển hàng vạn cuốn sách đến các thư viện, tủ sách đồn biên phòng. Cán bộ thư viện đã quyên góp từng cuốn sách, tờ báo, rồi tổ chức phân phát về các đồn biên phòng bằng mọi phương tiện, thậm chí là gùi trên lưng, đi bộ xuyên rừng, trèo đèo cao, lội suối sâu đến các chốt tiền tiêu của Tổ quốc, tạo ra ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc nơi biên cương. Thông qua việc đọc và làm theo sách báo, nhiều đồn biên phòng đã vận dụng vào thực tiễn nhiệm vụ, đem lại hiệu quả thiết thực, vừa góp phần giáo dục cán bộ chiến sĩ, nhân dân vững vàng trong công tác giữ gìn an ninh biên cương Tổ quốc, xây dựng khối đoàn két toàn dân, xóa mù chữ và tái mù chữ cho đồng bào, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.
Nhiều nơi vùng cao biên giới, hải đảo, sách báo còn thiếu thốn, nên việc duy trì văn hóa đọc cho đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các thư viện, tủ sách biên phòng, dù vốn sách báo còn ít ỏi, song cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể trên địa bàn, khu dân cư để từng bước phục vụ bà con các dân tộc với những sách về pháp luật, chính trị, xã hội, an ninh-quốc phòng, sách nông-lâm-ngư nghiệp, trồng rừng, làm kinh tế VAC, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp nông thôn, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo và bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được của mô hình liên kết thư viện, tủ sách đồn biên phòng trong 10 năm qua, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần được khắc phục để làm tốt hơn trong thời gian tới:
Mặc dù đã có sự chỉ đạo từ Trung ương thông qua chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ đội biên phòng, song nhìn chung sự phối hợp giữa Sở VHTTDL và Bộ chỉ huy biên phòng ở một số địa phương có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ và thiếu sự năng động sáng tạo.
Một số đơn vị biên phòng mới chú ý đến bề nổi, mà chưa chú ý đến bề sâu của công tác này, trong khi nhu cầu đọc sách báo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cấc dân tộc thiểu số vùng biên giới, hải đảo là rất lớn, nhưng các đồn biên phòng hầu như không có kinh phí để bổ sung sách báo mới. Nhiều đơn vị còn trông chờ vào cấp trên (theo tiêu chuẩn cấp phát từ Bộ Quốc phòng, mỗi năm, mỗi đồn biên phòng chỉ nhận được từ 25-30 cuốn sách).
Việc vận động, quyên góp, hỗ trợ các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn khu dân cư mới chỉ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu ban đầu, mà chưa thường xuyên lâu dài và ổn định. Mặt khác, cán bộ thư viện cấp tỉnh, nhất là cán bộ thư viện huyện làm công tác phong trào còn thiếu và yếu nên chưa thường xuyên làm tốt nhiệm vụ luân chuyển sách báo đến các đồn biên phòng. Thêm nữa, ở nhiều đồn biên phòng, cán bộ phụ trách tủ sách, thư viện là người kiêm nhiệm, thường thay đổi, nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả và tác dụng của sách báo.
Để đưa sách đến cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở biên giới, hải đảo, trong những năm qua Đảng và Nhà nước không chỉ tập trung kinh phí lớn, đào tạo các cấp, các ngành phối hợp để tổ chức thực hiện, mà còn làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, sự đóng góp của cấc tổ chức cá nhân, các đoàn thể cho việc xây dựng và phát triển rộng khắp mạng lưới tủ sách đồn biên phòng.
Tại Hội nghị đánh giá 10 năm công tác năm xây dựng, phát triển thư viện, tủ sách, nâng cao văn hóa đọc cho đồng bào, chiến sĩ khu vực biên giới, hải đảo, đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái, đại diện cho hai cơ quan phối hợp là Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát biểu chỉ đạo:
Trước hết đồng chí đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực trong công tác triển khai đưa sách đến với cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo trong suốt 10 năm qua. Với 22 tập thể nhận Bằng khen của Bộ VHTTDL và 23 tập thể nhận Bằng khen của Bộ Tư kệnh BĐBP đã thể hiện rất rõ sự cố gắng vượt qua khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao trong việc đưa sách đến với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào bơi biên giới, hải đảo. Ngoài các ban, ngành, cơ quan phối hợp, đồng chí biểu dượng các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đã nhiệt tình hỗ trợ góp phần làm Tủ sách biên phòng thêm số lượng và phong phú, đa dạng về chất lượng sách.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, những kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: 10 năm qua chỉ là một giai đoạn trong cả chiến lược dài lâu, bởi vậy chúng ta cần phải Tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn ở những giai đoạn sau; phải mở rộng quy mô hơn; phong phú hơn và cũng phải làm bài bản hơn. Đồng chí gợi ý có thể mở rộng tủ sách đến khu dân cư gần đồn biên phòng để giúp đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức, góp phần giữ gìn bản sắc của dân tộc, góp phần đấu tranh. Có thể thí điểm thư viện số. Có phương thức chuyển và lưu chuyển sách báo ngày càng tốt hơn, cung cấp cho bà con nhiều loại sách báo thiết thực. Đồng chí đã chỉ đạo đơn vị chức năng của Bộ sau Hội nghị này, một mặt giút kinh nghiệm giai đoạn 10 năm qua, mặt khác có báo cáo và đề xuất kịp thời trình Chính phủ để có lộ trình tiếp theo hiệu quả và thiết thực. Về phía địa phương cũng cần chủ động nguồn ngân sách đầu tư thích đáng cho thư viện, tủ sách nơi biên giới, hải đảo và mặt khác vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm có đóng góp thiết thực cho việc xây dựng và phát triển tủ sách phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi biên giới, hải đảo.
Nhìn chung, trên bình diện cả nước, có thể chúng ta làm được cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc nơi tiền tiêu của Tổ quốc còn khiêm tốn chưa xứng đáng với sự cống hiến hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ nơi biên cương, song có thể khẳng định rằng: sự phối hợp của Bộ VHTTDL, Bộ Tư lệnh BĐBP có thể nói là hạt nhân cơ bản góp phần quan trọng, làm cầu nối để xây dựng, duy trì và phát triển mô hình thư viện, tủ sách đồn biên phòng trong cả nước, góp phần to lớn vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đến vùng cao biên giới, hải đảo, xóa dần khoảng cách chênh lệch hưởng thụ văn hóa giữa miền xuôi và miền núi, củng cố tìn đoàn kết quân-dân, tăng cường giữ vững an ninh, chính trị, xã hội nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc.
Bích Hồng