Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 17/5/2011 11:2'(GMT+7)

Đỉnh cao và chuyên nghiệp

“Một con người mới” - tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Hoàng Quốc Tuấn (TPHCM).

“Một con người mới” - tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Hoàng Quốc Tuấn (TPHCM).

 Nên thay chữ “đỉnh cao”

Khái niệm “tác phẩm đỉnh cao” nghe thật sướng tai, nhưng nội hàm của nó thì chưa ổn. Thế nào là tác phẩm đỉnh cao, thước đo nào để xác định giá trị đỉnh cao, và quan trọng không kém là hội đồng nào sẽ thẩm định nó?

Tác phẩm đỉnh cao nếu định nghĩa như một tác phẩm hoàn thiện, hoàn mỹ, có hiệu quả xã hội sâu sắc cũng chỉ là tương đối và mang tính lý thuyết. Thực tế  cần những cân đong, đo đếm cụ thể trên một thang giá trị trong đó yếu tố sáng tạo - độc đáo - duy nhất cũng chỉ là một yếu tố quan trọng để đánh giá tác phẩm. Cùng với nó là hàng loạt yếu tố khác từ tầm cỡ vấn đề đặt ra trong tác phẩm (tính tư tưởng) cho đến cảm xúc tổng thể đưa đến người xem. Trong đó, tính tư tưởng luôn là rào cản để các nghệ sĩ VN tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh lớn.

Đánh giá một tác phẩm ở ta lại vẫn chưa có thói quen chấm điểm, trong khi một thang điểm hợp lý đưa ra sẽ làm giảm thiểu cảm xúc chủ quan của người chấm và giúp việc thẩm định chính xác hơn. Ngày nay, khi các loại hình nghệ thuật thị giác có xu hướng xích lại gần nhau, thì việc thẩm định ảnh trên thế giới  không chỉ là việc của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng, biên tập ảnh cao cấp mà phần đông còn có sự tham gia quan trọng của các curator (giám tuyển), giám đốc sáng tạo (creative director), giám đốc nghệ thuật (art director) của các bảo tàng, các gallery... tiếng tăm. Trong khi ở ta, hội đồng thẩm định mới chỉ có nhà quản lý, nghệ sĩ và nếu có là thêm nhà lý luận phê bình. Với quốc tế, khi đánh giá  tác phẩm, họ thường dùng từ:  Oustanding, remarkable  hay  stuning (nổi bật, làm sững sờ người xem); hạng dưới một chút nữa là excellent (xuất sắc), rồi honor distiction (ghi nhận độc đáo có tính danh dự)...

Không có khái niệm tác phẩm đỉnh cao.  Và nếu có đỉnh cao thì cũng ở lĩnh vực cụ thể, chứ không thể  có đỉnh cao chung  chung. Và nếu tác phẩm này là đỉnh cao năm nay thì năm sau đã không còn, làm gì có đỉnh cao mãi mãi. 

Chưa hết, có nhà nhiếp ảnh lại nhầm lẫn rằng để có tác phẩm đỉnh cao phải có một nền lý luận nhiếp ảnh đỉnh cao. Ở đâu ra  lý luận đỉnh cao, không lẽ còn tồn tại một nền lý luận cấp thấp? 

Xếp hạng trong nghệ thuật

Trong nghệ thuật chuyên nghiệp khó xếp hạng cụ thể bởi tính chuyên biệt hóa rất cao. Danh tiếng của những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp phụ thuộc vào tên tuổi khách hàng (client), vào số tác phẩm lọt vào các bảo tàng, các bộ sưu tập cá nhân nổi tiếng, số sách xuất bản, số triển lãm cá nhân và cả tầm cỡ những giải thưởng đã giành được. Không có hiệp hội nào tập hợp những tên tuổi ưu tú đại diện (phần nào) cho nền nhiếp ảnh của cả một quốc gia kiểu như Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN. 

Nghệ thuật là công việc của cá nhân và đã nói đến nghệ thuật thực sự là nói đến tính chuyên nghiệp.  Chuyên nghiệp là có quan niệm riêng biệt về nghề, phương tiện hành nghề chuyên nghiệp, kiến thức chuyên sâu, đầu tư dài hạn và ngắn hạn cho những dự án nhiếp ảnh có hiệu quả thiết thực xã hội... - chứ không đơn thuần chỉ là sống bằng nghề. Nhiếp ảnh chuyên nghiệp phân ra các dạng ảnh: Thương mại, báo chí - tài liệu (photojurnalism - documentary), Fine Art (ảnh có tính mỹ thuật, nằm ở lằn ranh giữa ảnh báo chí và thương mại)...

Nếu ai đó coi “nghiệp dư” là “thanh cao” hơn chuyên nghiệp, với lý lẽ rằng: Anh chuyên nghiệp anh sống bằng nghề và theo đơn đặt hàng, tôi nghiệp dư tôi sáng tạo nghệ thuật vô tư, không vụ lợi, xuất phát từ tâm hồn, trái tim nghệ sĩ cá nhân... thì đó là một cái nhìn bề ngoài. Có những tác phẩm nghiệp dư mang tính chuyên nghiệp rất cao và ngược lại có những tác phẩm của những tay chuyên nghiệp mang tính nghiệp dư rõ rệt. Nhưng đó là thiểu số, về mặt bằng chung, các yếu tố để đánh giá một tay máy chuyên nghiệp khắt khe và nghiệt ngã hơn nghiệp dư nhiều . 

Trong một nền nghệ thuật, không ai lấy “nghiệp dư” để thay cho “chuyên nghiệp”. Bởi thế những cuộc tranh luận về FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế) hay PSA (Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ) sẽ chẳng đi đâu, nếu không nhìn từ những khái niệm cơ bản nhất. FIAP tự nhận là tổ chức nghiệp dư và sự tham gia của nhiều “quốc gia thành viên” vào FIAP chỉ là sự góp mặt của những hiệp hội câu lạc bộ nghiệp dư, không hề đại diện cho nền nhiếp ảnh chuyên nghiệp của quốc gia đó. Cũng như thế, PSA (Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ) chủ yếu là cuộc chơi của những người mê nhiếp ảnh hơn là của những tay máy chuyên nghiệp.

Theo Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất