Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 28/2/2011 15:5'(GMT+7)

Ấn tượng Việt Nam

Qua con mắt các chính khách

Trong buổi tiếp nhận quốc thư do Đại sứ nước ta tại U-ru-goay Nguyễn Văn Đào trình, Tổng thống Hô-xê Mu-hi-ca (José Mujica) khẳng định: Với những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong công cuộc đổi mới, Việt Nam ngày nay là một điểm sáng tại khu vực và trên thế giới.

Nhà lãnh đạo từng có thời gian là chiến sĩ du kích U-ru-goay bày tỏ sự xúc động và khâm phục trước lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX, đồng thời nhấn mạnh những đại biểu ưu tú nhất của cách mạng Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,... không chỉ là biểu tượng đấu tranh của riêng đất nước Việt Nam, mà còn là của cả nhân dân thế giới.

Nhờ Việt Nam, Bê-nanh đã sớm tự túc được lương thực. Lời nhận xét chân thành này là của Tổng thống Cộng hòa Bê-nanh T.Y-a-y (Thomas Boni Yayi) trong buổi tiếp Đại sứ nước ta tại Bê-nanh Cao Xuân Thấn trong buổi trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước.

Tổng thống T.Y-a-y đặc biệt ca ngợi những thành tựu về nông nghiệp của Việt Nam. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Ông Y-a-y nhấn mạnh, nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp Việt Nam, sản lượng lúa tại Bê-nanh đã tăng từ 50.000 tấn/năm lên 150.000 tấn/năm. Vì vậy Bê-nanh sớm tự túc được lương thực, giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn, góp phần ổn định xã hội và phát triển đất nước.

Tổng thống Ba Lan B. Kô-mô-rốp-xki (Bronislaw Komorowski) bày tỏ khâm phục ý chí và nghị lực phi thường của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như những thành tựu đầy ấn tượng về kinh tế - xã hội đạt được trong công cuộc đổi mới.

Tiếp đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hoằng sau lễ trình thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày 27-8-2010, Tổng thống Ba Lan B.Kô-mô-rốp-xki đánh giá cao vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các sự kiện Việt Nam là thành viên WTO, đã hoàn thành tốt trách nhiệm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và thể hiện rất tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hồ Chí Minh - Lãnh tụ cách mạng có ảnh hưởng to lớn nhất trong thế kỷ XX là khẳng định của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ác-hen-ti-na P.Ê-chê-ga-ray (Patricio Echegaray) tại Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra ở thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rét. Tổng Bí thư P.Ê-chê-ga-ray nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lý luận và thực tiễn đầu tiên của luận điểm: Một cuộc đấu tranh chống thực dân có thể trở thành cuộc đấu tranh xã hội chủ nghĩa, đồng thời là người phát triển vai trò của quần chúng trong chủ nghĩa Mác, khi coi đây là chủ thể xã hội của cuộc cách mạng hiện đại. Tổng Bí thư P.Ê-chê-ga-ray cũng ca ngợi sự nhạy cảm và khả năng nắm bắt nhanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhu cầu của nhân dân và đặc biệt đề cao khả năng của Người tạo dựng sự đoàn kết giữa các lực lượng, tầng lớp xã hội để đấu tranh chống lại kẻ thù chính, coi đây là nhân tố then chốt dẫn tới thành công của cách mạng Việt Nam.

Nhân dịp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun sang thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc tại Hà Nội từ ngày 28 đến ngày 30-10-2010, phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc đã phỏng vấn Tổng Thư ký Ban Ki-mun về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Việt Nam và ASEAN trong Liên hợp quốc.

Đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong thời gian qua, Tổng Thư ký Ban Ki-mun nêu rõ, trong 33 năm qua kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam luôn là nước thành viên có trách nhiệm và nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc. Trong năm 2009, trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng rất tích cực tham gia thực hiện Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc và đang đáp ứng hầu hết các mục tiêu do Liên hợp quốc đề ra. Một trong những đóng góp nổi bật là Việt Nam đã tham gia tích cực các diễn đàn do Liên hợp quốc tổ chức và đưa ra nhiều sáng kiến mới.

Qua con mắt các chuyên gia

Không có gì để nghi ngờ về thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam là nhận xét của bà Mắc-đa-lê-na Xê-pun-vê-đa (Magdalena Sepulveda), chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc về nhân quyền và đói nghèo, nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 23 đến 31-8-2010. Theo bà M. Xê-pun-vê-đa, với một xuất phát điểm thấp và điều kiện tự nhiên, khí hậu khó khăn, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về xóa đói, giảm nghèo. Về lĩnh vực này, Việt Nam có những kinh nghiệm tốt để chia sẻ với các nước.

Việt Nam là “ngôi sao sáng” trong số các nước đạt tiến bộ lớn trên lộ trình thực hiện MDGs nhằm giảm tỷ lệ nghèo đói và đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đó là đánh giá của nhóm chuyên gia cố vấn Anh thuộc Viện Phát triển hải ngoại (ODI) đưa ra trong báo cáo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về thúc đẩy nỗ lực đạt được MDGs.

Theo báo cáo của ODI, trong vòng 14 năm (1990 - 2004), Việt Nam đã đạt được tiến bộ chưa từng có trong việc cải thiện đời sống của người nghèo. Với nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và giảm tỷ lệ người có mức thu nhập dưới 1USD/ngày từ gần 2/3 dân số xuống còn 1/5.

Theo ODI, đạt được thành tựu về tăng trưởng kinh tế là nhờ sự lãnh đạo thực tiễn và sáng kiến có hiệu quả về chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra. Báo cáo nhấn mạnh, chính sách đổi mới đã đạt được hiệu quả tốt, tạo đà phát triển cho Việt Nam. ODI nhận định Việt Nam có nhiều khả năng gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình vào năm 2011.

Bí quyết thành công mang "nhãn hiệu" Việt Nam là lời khẳng định của ông G.Hen-đra (John Hendra), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đưa ra trong cuộc họp báo công bố Báo cáo Phát triển Thiên niên kỷ 2010, ngày 20-9-2010, tại Hà Nội.

Đánh giá về chặng đường 10 năm thực hiện các cam kết MDGs của Việt Nam, ông G.Hen-đra cho rằng, Việt Nam đã thu được những thành tựu ấn tượng. Tính đến năm 2002, Việt Nam đã đạt mục tiêu “giảm một nửa tỷ lệ nghèo”, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,5% vào năm 2008. Tỷ lệ người đói cũng giảm từ 24,9% năm 1993 xuống còn 6,9% năm 2008. Một thành tựu khác là tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ thu hẹp khoảng cách về giới nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Phụ nữ đã tích cực tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), Việt Nam đã hoàn thành khoảng 90% các chỉ tiêu MDGs, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân hằng năm của Việt Nam trong thời kỳ 2000 - 2010 đạt 7,2%; GDP bình quân đầu người năm 2010 ước khoảng 1.200 USD, gấp ba lần so với năm 2000.

Điều thần kỳ Việt Nam. Ngày 16-11-2010, tại Bu-ê-nốt Ai-rét (Ác-hen-ti-na) đã diễn ra buổi tọa đàm “Việt Nam và những thách thức của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI” bàn về con đường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Nhà xã hội học A-ti-li-ô Bô-rông (Atilio Borón) đã nêu bật những thành tựu của “điều thần kỳ” Việt Nam trong cả hai mặt tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Giáo sư kinh tế Ri-các-đô A-rôn-xkin (Ricardo Aronskind), thuộc Trường Đại học Quốc gia Sarmiento, bày tỏ tin tưởng với truyền thống thích ứng để vượt qua khó khăn trong quá khứ và với những thành công quan trọng trong những thập niên qua, nhân dân Việt Nam sẽ biết lựa chọn con đường đi đúng đắn nhất cho chính mình để vừa kiên trì lý tưởng cách mạng, vừa xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh.

Đất nước của những cơ hội hợp tác và đầu tư là khẳng định của ông Vít-ta-da Xụ-pa-ta-na-kun (Wittaya Supatanakul), Cố vấn Trung tâm nghiên cứu và phát triển về Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam, thuộc Trường Đại học Tham-ma-xát ở Thái Lan. Ông Vít-ta-da nhấn mạnh, Việt Nam là một thị trường lớn với hơn 87 triệu người tiêu dùng, vị trí gần với Thái Lan, có văn hóa tương đồng, sức mua cao và chi phí (lao động và sản xuất) thấp. Ngoài ra, Việt Nam còn có nền chính trị ổn định, chính sách khuyến khích đầu tư và hoan nghênh các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến làm ăn.

Môi trường lý tưởng để doanh nghiệp Anh đầu tư. Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp Anh và Việt Nam tại thủ đô Luân Đôn (Anh), Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Luân Đôn (LCCI) P.Bi-sóp (P.Bishop) khẳng định Việt Nam có một vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, là nơi đầu tư lý tưởng với sự ổn định về chính trị cũng như môi trường đầu tư an toàn. Ông P.Bi-sóp nêu rõ Việt Nam là một trong những nước đạt mức tăng tổng sản phẩm quốc nội cao ở khu vực trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Với dân số khoảng 87 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng nhanh, lực lượng lao động trẻ, được đào tạo và năng động, Việt Nam là nơi lý tưởng để LCCI giới thiệu các nhà đầu tư Anh vào tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Ông Đ.Ô-rat-man-gun (Djauhari Oratmangun), Vụ trưởng Vụ Hợp tác ASEAN - Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a cho rằng, Việt Nam có vai trò và sự đóng góp quan trọng đối với ASEAN kể từ khi gia nhập Hiệp hội, nhất là trong năm 2010 khi Việt Nam đảm nhận chức vụ Chủ tịch ASEAN. Ông Đ.Ô-rat-man-gun nêu rõ trong 15 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp quan trọng vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của Hiệp hội. Ông cho rằng, qua những chặng đường phát triển, ASEAN ngày nay, Bản Hiến chương và Lộ trình xây dựng Cộng đồng đến năm 2015 là thành quả chung của tất cả các nước thành viên, trong đó sự đóng góp của Chính phủ và người dân Việt Nam là rất lớn.

Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Hen-ry Stim-son - một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) cũng khẳng định Việt Nam đang trở thành một quốc gia ngày càng năng động và quan trọng trong khu vực. Từng có mặt ở Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh và chứng kiến những đổi thay ở đất nước này, Tiến sĩ Crô-nin cho rằng việc Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2010 và có quan hệ tốt với tất cả các nước láng giềng trong khu vực cho thấy vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng.

Và trong con mắt giới truyền thông

Rồng nhỏ, bước đi lớn là tiêu đề bài viết của nhà báo G.P. Giăng-Pi-e Lơ-man (Jean-Pierre Lehmann) mới đăng trên Tạp chí “Real Clear World” (Mỹ). Ông cho rằng, Việt Nam, được gọi là “con rồng nhỏ”, đã nổi lên trở thành một nước chiến thắng trong quá trình toàn cầu hóa - một thành công được thừa nhận với việc được chọn là nước đăng cai Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á trong năm 2010. Theo ông, trong một thập niên qua, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế mở cửa và năng động. Kể từ năm 2000 đến nay, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc, ấn Độ và là nước thành công nhất trong công tác giảm đói, nghèo. Hiện Việt Nam đã trở thành một nhà xuất khẩu lớn, đứng thứ 40 trên thế giới. Trong việc theo đuổi các chính sách cải cách, tự do hóa và hội nhập hơn nữa với nền kinh tế thế giới, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Người Việt Nam có một cảm nhận mới về thành công ở hiện tại, niềm tự hào trong quá khứ và vững tin ở tương lai.

Tuần báo Châu Phi Trẻ cho rằng: “Cần học tập chính sách mở cửa và đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam”. Trong bài viết của mình tác giả A.Phan-giat (Alain Faujas) đã ca ngợi chính sách mở cửa và đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam. Bài báo viết: “An-giê-ri và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về chủ nghĩa yêu nước. Việt Nam đã giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, biết phát huy chủ nghĩa yêu nước trong phát triển nền kinh tế. Đất nước của Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong 20 năm, tỷ lệ người nghèo nhất (thu nhập dưới 1,08 USD/ngày) đã giảm mạnh, từ chiếm 70% dân số xuống còn 11%).

Phóng viên Gi.Rốt (Jenni Roth) của tạp chí Tấm gương (Đức) khẳng định: Việt Nam là khu vực bùng nổ kinh tế mới của châu Á. Với chính sách đổi mới từ năm 1986, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển và tới nay đã phát triển nhanh hơn hầu hết các nước khác ở Đông Nam Á. Tác giả dẫn lời ông Ô.Ma-xman (Oliver Massmann), một luật sư kinh tế của Đại sứ quán Đức ở Việt Nam, nhận xét: “Việt Nam là một thị trường khổng lồ có tiềm năng và là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á”. Tác giả bài báo đánh giá Việt Nam có ưu thế nhân công trẻ, trong đó hơn 70% nhân công Việt Nam chưa tới 30 tuổi, trong khi mỗi năm có thêm một triệu nhân công tham gia thị trường lao động. Một lợi thế khác của Việt Nam là nhiều chính sách đã được cải thiện tạo ra một môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo kết quả nghiên cứu của chi nhánh Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tạp chí chuyên ngành kinh tế nổi tiếng The Economist và hãng Cisco, giai đoạn 2006 - 2010 là thời kỳ hoàng kim của kinh tế Việt Nam. Thời điểm cách đây 4 năm (2006), EIU đã nhận định, GDP của Việt Nam có tốc độ tăng hằng năm khoảng 7%, cao thứ hai châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc. Và thực tế đã diễn ra không khác bao nhiêu, nếu không muốn nói Việt Nam đã làm tốt hơn thế trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. EIU cho rằng, với cơ hội rộng mở trước mắt, đặc biệt là khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam hoàn toàn có khả năng bứt phá để phát triển mạnh mẽ trong xu thế hợp tác ngày càng tích cực với bạn bè quốc tế và sự chủ động hợp tác của các quốc gia trên thế giới với ASEAN.

Các phương tiện truyền thông của Nhật Bản mới đây đăng nhiều bài viết đánh giá cao vị thế của Việt Nam cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - Việt Nam. "Thời báo Nhật Bản" đăng bài viết nhấn mạnh, Việt Nam có vị trí chiến lược bởi sự liên kết giữa quốc gia Đông Nam Á này và các nước khác trong khu vực Tiểu vùng Mê Công đã trở thành chìa khóa cho sự phát triển của khu vực. Trước đó, Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản đã đưa tin đậm nét về các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2-9 của Việt Nam.

Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN là nhận định trong bài viết đăng trên Báo Dân tộc của Thái Lan. Bài báo nhận xét năm 2010 là một năm đặc biệt của ASEAN với nhiều hội nghị cấp cao quan trọng được tổ chức. Việt Nam đã nỗ lực điều hành thành công Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đầu tiên, một diễn đàn an ninh mới bổ trợ cho Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) trong việc giải quyết các thách thức an ninh chủ yếu ở khu vực. Việc thông qua kế hoạch tổng thể liên kết ASEAN đánh dấu một bước ngoặt mới trong hợp tác ASEAN thông qua việc cải thiện và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, gắn kết các thể chế khu vực và thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa các nước thành viên.

Trang web Royal Pingdom cho biết, với 24,3 triệu người sử dụng in-tơ-nét trong số 89,6 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 20 trong danh sách các nước trên thế giới có số người sử dụng in-tơ-nét cao nhất. Theo mạng trên, có 1,8 tỉ người trên thế giới sử dụng in-tơ-nét và 82% số người này thuộc nhóm 20 nước hàng đầu thế giới. Trung Quốc đứng đầu danh sách với 420 triệu người sử dụng in-tơ-nét và đứng thứ hai là Mỹ với 234,4 triệu người. Đứng ngay trước Việt Nam trong danh sách này là Ca-na-đa với 25,1 triệu người.

Hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới "Research and Markets" đánh giá, những thay đổi lớn trong ba thập niên qua khiến Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn không chỉ đối với khách du lịch mà còn đối với cả các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Trong báo cáo tháng 7-2010 về môi trường đầu tư của Việt Nam trên trang web researchandmarkets.com, "Research and Markets" cho rằng, nên đầu tư vào Việt Nam hoặc làm ăn tại Việt Nam, đất nước bắt đầu áp dụng kinh tế thị trường từ những năm 2000, đã tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 và gia nhập WTO vào năm 2007 để từ đó hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Nhà báo Nga Xéc-gây A-phô-nin (Sergey Afonin) trong bài viết đăng trên báo Tassovec của hãng thông tấn ITAR - TASS đã dành những lời ca ngợi chân thành về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhà báo X.A-phô-nin đánh giá lễ bế mạc Đại lễ còn là một bài ca về một nước Việt Nam mới với tương lai tươi sáng. Lễ diễu binh phản ánh truyền thống đấu tranh bất khuất của bao thế hệ người Việt vì một đất nước Đại Việt như vậy. Sức mạnh của đất nước "Con Rồng, cháu Tiên" thể hiện qua khối đoàn kết toàn Đảng và toàn dân, của các thế hệ người cao tuổi và lớp trẻ, qua chính sách đổi mới sáng suốt mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo với sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè năm châu./.

Theo TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất