Bất kỳ ai, làm bất cứ nghề chân chính nào cũng đều cần có kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp. Nghề y gắn liền với cuộc sống của con người, định đoạt sinh mệnh con người thì đạo đức nghề nghiệp (y đức) phải được xem trọng hàng đầu, cao hơn cả kỹ năng hành nghề (y thuật).
Hipocrates, người được mệnh danh là “ông tổ của nghề y”, từ trước Công nguyên đã soạn thảo ra quy phạm về đạo đức mà người thầy thuốc phải tuân thủ, mà sau đó trở thành văn bản mang tên “Lời thề Hipocrates” nổi tiếng mà bất kỳ sinh viên y khoa nào, theo truyền thống, cũng phải đọc một cách trịnh trọng trong buổi lễ tốt nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến đạo đức cao cả của nghề thầy thuốc. Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác, người thầy thuốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam cũng căn dặn học trò của mình là “Làm nghề y không phải để kiếm trác phú quý giàu sang mà để thực hành y đạo". Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu” có nghĩa là “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, nhiều thế hệ cán bộ và viên chức y tế nước nhà đã cố gắng vượt bậc, dâng hiến, hy sinh cả cuộc đời cho nhiệm vụ vinh quang được giao phó. Thế nhưng, gần đây, bên cạnh những mặt tích cực, một số tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không ít đến một số người làm công tác y tế. Một số ít thầy thuốc, cán bộ y tế cửa quyền, tắc trách, thậm chí chạy theo đồng tiền, coi thường sức khỏe, mạng sống của người bệnh, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với thiên chức cao cả “trị bệnh cứu người” của người thầy thuốc. Để góp phần nâng cao y đức, năm 1996, Bộ Y tế đã có quyết định ban hành bản tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế gồm 12 điều, có tên gọi là "12 điều y đức". Từ ngày được ban hành đến nay, 12 điều y đức đã được phổ biến rộng rãi, thường xuyên đến toàn thể cán bộ y tế, từ người làm việc gián tiếp đến người làm việc trực tiếp tại các cơ sở y tế. Tại các trường đào tạo cán bộ y tế, y đức được nâng thành một học phần bắt buộc.
Hơn một năm trước, khi thảo luận dự án Luật Khám, chữa bệnh, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần luật hóa vấn đề y đức bởi y đức không đơn thuần là một khía cạnh của đạo đức xã hội mà còn là quy chuẩn nghề nghiệp của ngành y tế. Hơn thế nữa, phải luật hóa y đức thì mới có chế tài xử lý vi phạm và người dân mới có thể tham gia giám sát. Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ Y tế lúc đó, các kỹ năng trong hành nghề y rất khó kiểm soát, đánh giá, vì thế trong dự án Luật chỉ đưa những vấn đề cơ bản, còn cụ thể các quy định sẽ đưa vào các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư… và dự thảo Luật Khám, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Tuy nhiên, những vấn đề mà người dân mong đợi nhất là luật hóa các quy định về y đức vẫn chưa được ban hành đầy đủ bởi lẽ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn còn thiếu.
Nhân ngày “Thầy thuốc Việt Nam”, với sự tri ân đội ngũ các thầy thuốc, người dân mong muốn cần có sự rạch ròi khi đánh giá các thầy thuốc. Muốn có sự rạch ròi này, cần luật hóa các vấn đề về y đức./.
(Đỗ Phú Thọ/QĐND)