Thiếu tính chuyên nghiệp
Hiện tượng Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) đoạt giải nhất ảnh báo chí thế giới danh giá (World Press Photo) 2013 ở hạng mục Vấn đề đương đại đã mang đến nhiều niềm hứng khởi cho giới nhiếp ảnh Việt Nam. Song theo Nhà báo Việt Văn (Báo Lao động), đó chỉ là sự tỏa sáng của một cá nhân, còn mặt bằng chung của ảnh báo chí Việt Nam là yếu, thiếu những bức ảnh báo chí ấn tượng, giàu tính thông tin, sự kiện.
Theo Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến, từ khi báo chí có tổ chức chính thức xuất hiện đến nay, thành tích của ảnh báo chí không nhiều. Trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, có một số bức ảnh đoạt giải khiêm tốn tại các cuộc thi, liên hoan, chủ yếu trong hệ thống các nước XHCN. Còn từ sau 1975 đến nay, chưa một lần báo chí Việt Nam đoạt giải, thậm chí là được in vào các sách ảnh trong các cuộc thi quốc tế lớn do World Press Photo tổ chức hàng năm. Mặc dù sự ra đời và phát triển của các loại hình báo chí Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ, Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới sử dụng các phương tiện nhiếp ảnh, song ảnh báo chí, với tư cách một loại hình báo chí truyền thống lại có một đời sống bị cho là tương đối nghèo nàn, sức lay động, thuyết phục, gây ấn tượng của ảnh báo chí còn thấp.
Câu hỏi đặt ra là, báo chí Việt Nam hiện đã chuyên nghiệp chưa, và làm thế nào để ảnh báo chí thật sự chuyên nghiệp. Theo ông Vũ Huyến, tính chuyên nghiệp trong nghề ảnh báo chí trước hết ở nhận thức ảnh báo chí như một loại hình báo chí độc lập, từ đó chuyên nghiệp ngay trong công tác đào tạo, chuyên nghiệp trong sử dụng lao động và chuyên nghiệp trong phổ biến sản phẩm ảnh.
Đối với phóng viên chụp ảnh báo chí, tính chuyên nghiệp thể hiện ở việc trung thực, tôn trọng sự kiện, có mặt tại sự kiện, bắt được sự kiện một cái khái quát và có chi tiết điểm nhấn, không dàn dựng, can thiệp vào sự kiện và không chỉnh sửa, photoshop ảnh báo chí. Trên thực tế, đối với phóng viên chụp ảnh báo chí ở Việt Nam, việc trung thực với sự kiện dường như chưa được tôn trọng đúng mức như một nguyên tắc bất di bất dịch. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy trong bức ảnh sự can thiệp, dàn dựng của người chụp, sự lười biếng trong lao động, sự cẩu thả hoặc thiếu hiểu biết. Nhiều khi, phóng viên ảnh mải mê chạy theo cái vẻ “đèm đẹp” của bức ảnh nhiều hơn là tạo cho nó giá trị thông tin, sự kiện thật “đắt” và “trúng” đậm tính chất báo chí.
Nhiều người đổ lỗi cho tư duy quản lý báo chí ở Việt Nam, nặng về ảnh “cúng cụ”, trang 1 thường dành nhiều đất cho các vị lãnh đạo với những bức ảnh cứng nhắc và đơn điệu. Tranh luận về vấn đề này, Nhà báo Nguyễn Huy Khâm, 10 năm làm phóng viên ảnh cho hãng Thông tấn Reuters cho rằng, báo ta hay báo Tây cũng đều có những “ông chủ” của mình. Báo chí phương Tây cũng phải chụp ảnh lãnh đạo, có điều bức ảnh đó phải được dụng công, để người đọc (người trả tiền mua tờ báo) cảm thấy hài lòng khi xem ảnh.
Có người lại cho rằng, ở Việt Nam hạn chế về đề tài nên ảnh thường đơn điệu, nghèo nàn, thiếu thông tin. Có ảnh đủ thông tin nhưng không phải là thông tin nóng mà là thông tin nguội. Trong khi thực và mới là hai yếu tố tạo nên sự chuyên nghiệp. Nhiều diễn giả phản bác rằng, ảnh báo chí phản ánh hơi thở của cuộc sống, ở Việt Nam có rất nhiều vấn đề mà người dân quan tâm, nhưng ảnh chưa lột tả được hơi thở đó, chưa “thúc đẩy được lòng trắc ẩn và sự cảm thông, chia sẻ của người xem"…
Tác giả và người sử dụng – yếu tố dẫn đến vi phạm tác quyền ảnh báo chí
Gần đây, báo chí Việt Nam đang “nóng” lên với vấn đề vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Tại Hội thảo bàn về Ảnh báo chí Việt Nam, thực trạng và giải pháp, vấn đề tác quyền ảnh báo chí cũng được đặt ra như một thách thức không nhỏ cho những người làm báo.
Theo nhà báo Quang Hiếu, biên tập viên báo Tuổi trẻ, đối với vấn đề vi phạm bản quyền tác phẩm ảnh báo chí, nguyên nhân xảy ra từ tác giả ảnh và người sử dụng ảnh báo chí.
Người sử dụng ảnh báo chí ở Việt Nam chưa coi trọng tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Rất nhiều tác giả ảnh coi những cách làm sau là thường tình trong khi đó lại là điều tối kỵ. Đó là: gửi ảnh cho nhiều báo, mượn ảnh của nhau; ảnh do PR gửi lại ký tên mình; lấy ảnh cũ xào lại; gửi ảnh cho báo khác ký tên khác dù không được phép; chỉnh sửa ảnh; chụp đi chụp lại một chỗ hay chỉ chụp vài tấm cho lấy lệ; gửi ảnh không có chú thích, hay chú thích qua loa, nhân vật trong ảnh không tên không tuổi, địa danh không rõ ràng…
Trong khi đó, người sử dụng ảnh (các cơ quan báo chí, các biên tập viên, thư ký tòa soạn) thì xuề xòa, dễ dãi, chỉ cần ảnh để lấp chỗ trống trên trang báo, lúc bí ảnh, sẵn sàng search Google lấy ảnh minh họa trên mạng mà không ghi rõ nguồn hay ghi nguồn: Từ internet, google… Đối với vấn đề nhuận ảnh, nhiều báo tỏ ra lơ là, không trả nhuận bút ảnh nghiêm túc. Lấy ảnh của các hãng thông tấn thì không mua bản quyền…
“Đó là những biểu hiện lỗi của những người đang làm báo diễn ra hàng ngày, ngày càng nhiều hơn, làm cho các chuẩn mực đạo đức về ảnh báo chí mãi chưa thể hình thành” – nhà báo Quang Hiếu nhận định.
Làm thế nào để ảnh báo chí Việt Nam chuyên nghiệp hơn?
Vậy chất lượng ảnh báo chí kém là do đâu, phải chăng lỗi thuộc về người chụp ảnh, lười tư duy, lười suy nghĩ, không tôn trọng các quy tắc nghề nghiệp hay do người sử dụng cần lấp đầy chỗ trống trên trang báo, thiếu tư duy về ảnh báo chí? Chắc chắn rằng, việc nâng cao chất lượng ảnh báo chí Việt Nam, không chỉ là việc của nhà nhiếp ảnh mà còn là của các tòa soạn báo, các cơ quan quản lý khác nhau. Sự thay đổi và tiến bộ của người chụp ảnh thôi chưa đủ mà còn phải có sự thay đổi nhận thức và cách dùng ảnh của người chịu trách nhiệm sử dụng hình ảnh báo chí cho các ấn phẩm.
Các ý kiến thảo luận đều thống nhất: khâu đào tạo, nâng cao năng lực và tư duy của người chụp ảnh và người sử dụng ảnh là những yếu tố then chốt.
Nhà báo Việt Văn cho rằng “Mọi chuyện vẫn phải bắt đầu từ đào tạo”. Đào tạo phóng viên ảnh phải chuyên nghiệp hóa và đồng bộ ở các khâu. Phóng viên ảnh phải là nhà báo với đầy đủ kỹ năng báo chí và con mắt ảnh, chứ không đơn thuần là một thợ ảnh. Về phía các tòa soạn báo chí, ngoại trừ một số tờ báo lớn đã chú trọng ảnh báo chí, nhiều tòa soạn cần thay đổi quan niệm, coi tấc phẩm ảnh báo chí tương đương giá trị như một bài viết, không coi nhẹ như ảnh minh họa, trang trí nữa…Do đó, mỗi tòa soạn cần có một biên tập ảnh để tuyển chọn, biên tập ảnh phóng viên gửi về.
Nhà NCLLPB nhiếp ảnh Vũ Huyến phân tích, các Trung tâm đào tạo báo chí lớn trên thế giới thường phân ra các ngành chuyên sâu: Báo viết, báo nói, báo hình và báo ảnh. Nhưng ở ta, tư duy báo ảnh lẫn vào báo in còn rất lớn. Muốn có trò giỏi, phải có thầy giỏi. Để đào tạo ra những phóng viên ảnh chuyên nghiệp, cần có những người thầy giỏi nghề, biết cách truyền lửa cho sinh viên.
Phóng viên ảnh Nguyễn Khánh đến từ Báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề “ứng xử với ảnh báo chí” cụ thể là vấn đề nhuận bút và cách sử dụng, xử lý một bức ảnh trên một tờ báo. Phóng viên Nguyễn Khánh cho rằng, bản thân là người may mắn khi được làm việc tại một cơ quan báo chí mà ảnh báo chí nhận được sự tôn trọng nhất định về cơ chế nhuận bút và cách xử lý ảnh báo chí trên tờ báo. Tuy nhiên, không ít đồng nghiệp của anh ở những cơ quan báo chí khác luôn than thở về nhuận ảnh và sự coi trọng đối với vị trí phóng viên ảnh còn quá thấp.
Nhà báo Nguyễn Huy Khâm đưa ra những lời khuyên với những người chụp ảnh báo chí, đó là: Người chụp ảnh chứ không phải máy chụp ảnh. Do vậy, phải suy nghĩ tính toán và lên kế hoạch trước khi bắt đầu công việc, đi đến tận cùng câu chuyện và phải luôn động não và sáng tạo. Khách quan, trung thực và công bằng luôn là nguyên tắc trong tác nghiệp. Ông Khâm cho rằng: “Điều mà chúng ta cần làm là người phóng viên ảnh, người biên tập ảnh phải biết tự giải phóng mình để đem đến cho người xem sự khác biệt sáng tạo”. Giữa những chủ thể này phải có sự tương tác, trao đổi để đi đến thống nhất cao trong tác nghiệp.
Mặc dù khẳng định phóng viên ảnh là một nghề khắc nghiệt, ít cơ hội việc làm, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, vất vả, thu nhập thấp nhưng phóng viên trẻ Nguyễn Khánh vẫn bày tỏ nhiệt huyết: “Đi đến tận cùng đam mê thì sẽ sống tử tế được với nghề”.
Thanh Thu