Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 25/3/2013 22:58'(GMT+7)

Hà Tĩnh: Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Can Lộc vượt khó, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy

Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh minh hoạ)

Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh minh hoạ)

Được thành lập ngày 15/3/1996, trải qua 17 năm hoạt động và phát triển, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị (Trung tâm) huyện Can Lộc - Hà Tĩnh đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào công tác phát triển đảng viên và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Những ngày đầu thành lập, Trung tâm gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất: Trung tâm có 3 cán bộ, đồng chí Giám đốc là Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm nhiệm; cơ sở vật chất, phòng học chủ yếu phải thuê, mượn để tổ chức mở lớp; trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học thiếu thốn, bất cập....

Với sự quan tâm của lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; sự "vào cuộc" tích cực của cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của huyện; cùng với những nỗ lực phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên, Trung tâm đã từng bước khắc phục được khó khăn, vươn lên đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Những kết quả đạt được của Trung tâm được ghi nhận qua những con số cụ thể. Tính từ năm 2003 đến nay, Trung tâm đã trực tiếp đảm nhận và liên kết, phối hợp mở 119 lớp, thuộc 10 loại hình đào tạo, bồi dưỡng, với 13.919 học viên tham gia. Trong đó có 4 lớp Sơ cấp LLCT; 19 lớp Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới; 30 lớp nhận thức cho đối tượng kết nạp đảng; 31 lớp tập huấn công tác tuyên giáo và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho chi ủy viên, đảng ủy viên thuộc đảng bộ các xã, thị trấn, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở; 4 lớp Bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các học viên thuộc đối tượng 4.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tích cực phối hợp với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy duy trì chế độ sinh hoạt, định hướng, cung cấp thông tin cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo và báo cáo viên; tổ chức triển khai quán triệt học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngoài các loại hình đào tạo, bồi dưỡng nêu trên, trước yêu cầu “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện chủ trương của cấp ủy, trong những năm qua, Trung tâm cùng với Ban Tổ chức Huyện ủy đã phối hợp, liên kết với Trường Chính trị Trần Phú - Hà Tĩnh và các trường Đại học, chiêu sinh hàng chục lớp đào tạo dài hạn hệ Đại học, Trung cấp LLCT, với sự tham gia của trên 700 học viên là cán bộ chủ chốt của các ban, ngành cấp huyện và cơ sở.

Đổi mới nội dung, phương thức để nâng cao chất lượng giảng dạy là một trong những tiêu chí hàng đầu được Trung tâm đề ra trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng với phương châm “lý luận gắn với thực tiễn”, “học đi đôi với hành”; đa dạng hóa loại hình và đối tượng đào tạo bồi dưỡng. Đồng thời Trung tâm cũng đã chú trọng từng bước đổi mới, cải tiến phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên; chăm lo củng cố, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và giảng viên kiêm nhiệm đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và có ý thức trách nhiệm đối với công tác giảng dạy.

Công tác đào tạo bồi dưỡng LLCT tại Trung tâm đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương của tỉnh, huyện và các địa phương. Nhiều thế hệ cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và đã vận dụng những kiến thức, kỹ năng, phương pháp được học vào thực tiễn công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, thì công tác đào tạo bồi dưỡng của Trung tâm vẫn còn những mặt hạn chế, bất cập. Đó là, phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành, phương pháp giảng dạy vẫn chậm được đổi mới; một số cán bộ, giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn, một số giảng viên kiêm chức chưa dành thời gian và đầu tư đúng mức cho công tác giảng dạy; các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, chuyên đề chưa được mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập chưa đáp ứng yêu cầu; chế độ học viên không đáp ứng theo quy định; kinh phí phục vụ cho giảng viên, học viên đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm từ thực tế không đảm bảo để tổ chức thực hiện; sự phối hợp với các ban, ngành, địa phương có những mặt còn hạn chế, bất cập; chưa thực sự năng động mở rộng liên kết đào tạo bồi, dưỡng đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân.

Để xây dựng Trung tâm BDCT huyện Can Lộc đạt chuẩn, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 34 và Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cấp uỷ, chính quyền huyện và Ban lãnh đạo Trung tâm xác định những giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất,
tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong xu thế phát triển, mở cửa hội nhập hiện nay; thực sự coi công tác đào tạo bồi dưỡng là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thứ hai, cần có chủ trương, chính sách và sự quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ giảng viên và giảng viên kiêm chức đảm bảo chất lượng, có phẩm chất, trình độ, năng lực, kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Muốn vậy cần làm tốt công tác quy hoạch, tuyển chọn giảng viên; chú trọng việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nhất là kiến thức từ thực tiễn cho đội ngũ giảng viên; tổ chức cho đội ngũ giảng viên đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm trong thực tiễn đời sống xã hôi; có chính sách thỏa đáng để thu hút, động viên khuyến khích giảng viên tham gia công tác giảng dạy đảm bảo có chất lượng.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, kết hợp phương pháp truyền thống tích cực với hiện đại; tăng cường đối thoại, phát huy kỹ năng thực hành, khả năng giải quyết tình huống trong công tác. Thông qua quá trình kiểm nghiệm thực tế, từng bước giảm bớt và tiến tới xóa bỏ phương pháp "cổ điển" như độc thoại - thầy thuyết trình, học viên ghi chép. Lấy người học làm trung tâm, tăng cường tính chủ động của học viên trong quá trình tham gia học tập; phát huy tư duy sáng tạo của người học thông qua trao đổi, thảo luận.

Thứ tư, thường xuyên đổi mới phương pháp thi, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập thống qua các hình thức tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm… phù hợp với nội dung, chương trình, đối tượng. Khắc phục tình trạng chạy đua thành tích trong việc đánh giá chất lượng, kết quả học tập của học viên. Tăng cường công tác quản lý học viên cả về ý thức, tinh thần, thái độ và việc chấp hành nội quy, quy chế, đảm bảo thời gian lên lớp theo quy định. Cần tổ chức cho học viên đi khảo sát, học tập kinh nghiệm từ các mô hình, điển hình về phát triển KT-XH, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong và ngoài tỉnh.

Thứ năm, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo về diện tích, cảnh quan, môi trường, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập. Ngân sách hàng năm phải đảm bảo cho công tác đào tạo bồi dưỡng và các hoạt động  phục vụ nhiệm vụ của Trung tâm. Đề nghị cấp trên sớm có những văn bản hướng dẫn sát hợp về những chủ trương liên quan chế độ, chính sách như phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể, phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nhà giáo.../..

CTV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất