Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 18/1/2011 18:5'(GMT+7)

Áo ấm đến xứ rét vùng biên

Trao quần áo ấm cho bà Vàng Thị Sâu. Bà đang một mình nuôi bé Chảo Văn Minh và hai em nhỏ khác - Ảnh: Tuấn Phùng

Trao quần áo ấm cho bà Vàng Thị Sâu. Bà đang một mình nuôi bé Chảo Văn Minh và hai em nhỏ khác - Ảnh: Tuấn Phùng

Sau gần ba giờ ngoằn ngoèo trên những ngọn đèo cao vắt vẻo luôn ngập trong mây mù lạnh tê tái, nhóm công tác xã hội của báo Tuổi Trẻ cùng đoàn công tác của Ban dân vận, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang, Huyện đoàn Mèo Vạc mới đến xã giáp biên Xín Cái. Trong cái rét căm căm ở độ cao gần 1.400m được xem là nơi lạnh nhất huyện này, gió luôn rít u u, rét thấu xương với nhiệt độ trưa qua chỉ 2OC.

Run rẩy như chim non bị lạnh

Chủ tịch UBND xã Xín Cái Lù A Trai hớn hở khi quần áo ấm được chở đến cho học sinh, người dân nghèo. Ông Trai cho biết tuần trước cả ba xã vùng biên Xín Cái, Sơn Vỹ, Thượng Phùng đóng băng gần một tuần khi nhiệt độ xuống gần -3OC. Học sinh cấp II cũng phải nghỉ học.

Ngay tại trung tâm xã, chúng tôi gặp hai đứa trẻ run lẩy bẩy dựa vào nhau bên đường hun hút gió, trên người chỉ mặc chiếc áo cũ và mỏng, hỏng cả khóa. Tay chân run rẩy, mặt ửng hồng nứt nẻ, da tái xanh tái mét, mũi dãi thò lò, lắc đầu “chi pâu, chi pâu” (không biết) khi được hỏi tên. Ngay lập tức hai chiếc áo ấm nhất trên xe được lấy xuống mặc cho hai đứa trẻ. Một thành viên nữ trong đoàn xúc động: “Em không hình dung được lại có những đứa trẻ run rẩy như con chim non bị lạnh thế này. Ước gì mình mang được lên đây nhiều quần áo hơn nữa cho bọn trẻ...”.

Vào một ngôi nhà bên đường, ông Lò Phù Min và con gái Lò Thị Hoa (13 tuổi) ngồi co ro bên bếp than đang lụi. Ông Min nói không sõi tiếng Việt nên qua bí thư đoàn xã Chảo Chỉnh Chắn, chúng tôi được biết gia đình ông là một trong 15 hộ nghèo của thôn Lùng Vần Chải, nằm ngay sát đường biên và cửa khẩu Săm Pun. Ông Min bảo hơn một năm nay một mình ông phải nuôi hai con, đứa lớn 13 tuổi và đứa bé 10 tuổi, vì vợ ông không chịu được cái nghèo, hơn một năm trước bỏ chồng con. Tài sản trong nhà ông Min chỉ có chiếc cối xay ngô và chiếc chảo gang trên bếp lò là đáng giá nhất để chế biến món mèn mén (ngô xay đồ lên) ăn thay cơm quanh năm.

Anh Chảo Chỉnh Chắn cho biết cả xã Xín Cái, nhất là xóm Lùng Vần Chải, diện tích đất trồng ngô rất ít, lúa gần như không có. Thành ra người dân xã giáp biên này chỉ sống bằng chăn nuôi gia súc và trồng ngô trên hốc những vạt núi đá tai mèo cao ngất. Từ ngày vợ bỏ đi, ba bố con ông Min gần như chưa được bữa cơm trắng nào, chỉ ăn ngày hai bữa mèn mén làm no cái bụng. Tết đã cận kề, nhà ông vẫn chẳng có tiền để sắm sửa. Cái rét hoành hành cả tháng nay nhưng ba bố con ông vẫn chỉ phong phanh áo mỏng trên người. Rét quá, mấy bố con chỉ suốt ngày ngồi bên bếp lửa không dám ra ngoài.

Nhường áo cho em

Dù nghỉ học tránh rét nhưng nghe tin đoàn cứu trợ mang quần áo đến, tại điểm trường thôn Lùng Vần Chải rất đông thầy cô, học sinh đứng chờ trong gió rét căm căm. Không cần đợi lãnh đạo xã giới thiệu, cả đoàn nhanh chóng dỡ từng bao quần áo khoác ngay cho những em ăn mặc phong phanh nhất.

Ấn tượng nhất tại điểm trường này là cháu Chảo Văn Minh (4 tuổi) với khuôn mặt bị cái rét làm nứt nẻ lấm tấm như bánh đa vừng. Mặc một chiếc áo len mỏng, nhiều lúc Minh phải bặm môi lại trước từng cơn gió. Đói rét nhưng Minh vẫn hồn nhiên cười khi được chụp ảnh. Trong khi Minh hớn hở mang quần áo vừa được phát bỏ vào túi để bà nội mang về cho em, cô giáo chủ nhiệm cho biết: “Mẹ cháu bỏ đi, bố lấy vợ hai nên Minh ở với bà nội. Nhưng bà cũng phải nuôi thêm hai đứa cháu nội khác có mẹ bỏ đi. Bà nội là lao động chính nên gia cảnh rất khó khăn”.

Rời Xín Cái để đưa 200 bộ quần áo ấm đến tặng học sinh xã Cán Chu Pìu, chúng tôi thấy Chảo Láo Lử (13 tuổi) co ro, tay xách chậu than nhỏ đứng bên sườn núi trông bò. Hỏi áo mới được tặng đâu, Lử rụt rè: “Nhà cháu có chín anh em cơ, quà của cháu đưa cho hai đứa em mặc rồi”. Thấy Lử run lên vì lạnh dù trên tay vẫn xách bếp than hồng, chúng tôi tặng thêm Lử chiếc áo khoác nhưng Lử nói: “Cháu không lấy nữa đâu, rét lắm nhưng trong bản còn nhiều đứa rét hơn. Cháu đi đuổi bò không lạnh, đứa ở nhà mới lạnh thầy giáo ạ”.

Ông chủ tịch Lù A Trai cho biết cả xã có 19 xóm, gần 760 hộ với 4.300 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Xuồng. Tỉ lệ hộ nghèo của xã năm 2010 là 68% (501 hộ). Xã rất nghèo nên không có “nội lực” để chống chọi với rét. Thiệt hại do rét gây ra không đong đếm được, chỉ biết giờ cả xã vùng biên này đang và sẽ còn tê tái vì rét.

(Theo Tuổi trẻ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất