Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 24/2/2012 9:12'(GMT+7)

Nghe câu hát chèo trên cao nguyên!

Ở nơi ấy cao nguyên miền Trung nước Việt, trong những ngày lễ hội mùa xuân với rộn rã cồng chiêng và những điệu xoang đậm chất xứ sở, chúng tôi tìm về một địa danh dưới chân núi Chưmoray huyền thoại - xã Ya Ly, huyện biên giới Sa Thầy, tỉnh Kon Tum - để được thưởng thức những làn điệu Chèo ngọt ngào, say đắm. “Câu lạc bộ chèo Thái Bình” ra đời trên miền cao nguyên đầy nắng gió như một sự gửi gắm niềm thương nhớ về nơi “cố hương” của những người con quê lúa một thời đi “kinh tế mới”.

Hát chèo để đỡ nhớ quê!

Năm 1986 từ quê lúa Thái Bình, nơi “đất chật người đông”, 17 hộ dân thuộc huyện Đông Hưng và 42 hộ ở huyện Kiến Xương đã rời quê hương đi xây dựng vùng kinh tế mới Tây Nguyên. Ông Phạm Văn Hoóng nhớ lại “Vào đến Tây Nguyên dù ở gần nhau, nhưng lại phải chia ra hai làng. Người dân thuộc huyện Đông Hưng thì gọi là thôn Đông Hưng, người Kiến Xương thì thôn Kiến Xương,  nay gọi chung là "làng Thái Bình”.

Ở nơi quê mới, nỗi nhớ về “cố hương” của những người như ông Phạm Văn Hoóng cũng dần nguôi ngoai theo thời gian, bởi sự hoà đồng và niềm yêu thương, chia sẻ, gắn bó với người dân bản địa. Nhưng trong những buổi xã Ya Ly tổ chức lễ hội, biểu diễn văn nghệ, những người con đất Thái Bình bấy giờ vẫn cảm thấy “lạc lõng”! Bởi múa xoang, hay biểu diễn cồng chiêng như người Ja Rai, Ba Na bên cạnh thì không thể làm được. Sau những lần như thế, mấy cụ ông, cụ bà kéo đến nhà ông Phạm Văn Hoóng bàn bạc và ra một “nghị quyết” xúc tiến thành lập đội hát chèo, giao cho ông Hoóng làm người “đứng mũi chịu sào”. Vợ ông Hoóng, bà Đỗ Thị Nhuận rất phấn khởi và ủng hộ nhiệt tình, bà đã tích cực cùng ông đi vận động những người cùng quê hương tham gia vào Chiếu chèo.

Tuy nhiên, những khó khăn, bận rộn nơi miền quê mới khiến ước mơ thành lập được một đội chèo “cây nhà lá vườn” chưa thể thực hiện ngay được. Cho đến năm 2003 “Câu lạc bộ chèo thái Bình” của những người con quê lúa mới chính thức ra đời.

“Tham gia đội chèo là một sự tự nguyện hoàn toàn, bởi ai cũng nghĩ cần phải làm một điều gì đó ở nơi vùng đất mới Tây Nguyên, để lưu giữ lại những điệu chèo quê hương bản quán cho chính bản thân mình và cho con cháu, cũng là để vợi bớt nỗi nhớ quê" - bà Dương Thị Hợi, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ.

Chiếu chèo của những người con "Quê hương năm tấn" trên Tây nguyên.


Ngày đó, sau khi Câu lạc bộ chính thức được thành lập, vào những buổi chiều tà, khi ông mặt trời khuất sau dãy núi Chưhoantong, đoàn người khắp nơi trên rẫy đổ về làng, lại tụ tập về trước sân nhà ông Hoóng để tập múa và hát chèo. Tiếng trống chèo do bà Nhuận cầm cái nổi lên, hoà cùng tiếng đàn nhị réo rắt và giọng hát “làm mẫu” của ông Hoóng, kết hợp với tiếng sáo véo von của ông Lê Xuân Hoàn và tiếng đàn bầu, đàn tam ngọt ngào của ông Trần Văn Vinh, như xua tan đi những khó khăn vất vả trong cuộc sống thường nhật.

Cho đến bây giờ, người dân tộc Ja Rai ở làng Răk, làng O - bên kia lòng hồ Ya Ly, hay ở xa như làng Trấp, làng Chứ - xã Ya Tăng... vẫn nhiều đêm đi qua làng Thái Bình để nghe hát chèo. Vào những đêm trăng thanh gió mát, tiếng trống chèo từ làng Thái Bình còn bay xa hơn, đến tận dưới thác Ya Ly, vượt qua cả đỉnh Chưmoray. Hàng trăm nam nữ thanh niên các dân tộc Tây Nguyên ở các xã lân cận vẫn kéo đến để nghe hát chèo, trong đó có cả những thanh niên người dân tộc Thái (Thanh Hóa), dân tộc Mường (Hòa Bình). Người dân bản địa sống dưới dưới chân núi Chưmoray giờ đã quen với những làn điệu chèo như quen với tiếng cồng chiêng và điệu múa câu hát của dân tộc mình.

Vợ ông chủ nhiệm Hoóng giúp chồng chuẩn bị trang phục biểu diễn.

Chiếu chèo ngày càng lớn mạnh và trở thành món ăn tinh thần có ý nghĩa không chỉ với những người con quê lúa Thái Bình mà còn được đông đảo người dân bản địa và con em đến từ nhiều vùng quê khác yêu thích, đón nhận. Sau khi được UBND xã Ya Ly ra quyết định chính thức thành lập, các thành viên “CLB chèo Thái Bình” càng thêm phấn khởi, tâm huyết, quyết tâm đưa hoạt động của Chiếu chèo ngày càng “chuyên nghiệp” hơn, nâng cao chất lượng và tạo sự lan toả trong sinh hoạt văn hoá - văn nghệ của cộng đồng.

Với phương châm “luôn mở rộng cho những ai tự nguyện và yêu thích chèo”, Câu Lạc bộ hiện nay đang “biên chế” 17 thành viên chính thức. Bên cạnh các thành viên là người Thái Bình, còn có “diễn viên” Hà Văn Dinh, dân tộc Mường - Hòa Bình, hay cô thôn nữ xinh đẹp Nguyễn Thị Hà, quê gốc ở huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An...

Từ tâm nguyện ban đầu: “Hát chèo để luôn thương nhớ về quê” và “mỗi khi nhớ quê thì... hát chèo” - như tâm sự của bà Đỗ Thị Nhuận, “CLB chèo Thái Bình” đã phát triển ngày càng “chuyên nghiệp” hơn, luôn có mặt trong các hoạt động văn hoá - văn nghệ, lễ hội của địa phương và trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người dân xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum .

Ăn no mới lo... được hát chèo!

Có khách đến chơi. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phạm Văn Hoóng sử dụng cái “a lô” cầm tay để tập hợp “dàn diễn viên”. Và chỉ trong vòng 15 phút các thành viên đã tề tựu đông đủ. Đa số các thành viên Câu lạc bộ đều đã ngấp nghé ở cái tuổi lục tuần, thất tuần, có cháu nội-ngoại đề huề. Tận mắt chứng kiến sự háo hức, rộn ràng khi trang điểm, chuẩn bị trang phục trước giờ biểu diễn, mới thấy hết được niềm đam mê, tâm huyết của những nhạc công, diễn viên nghiệp dư này.

Tiếng sáo trong trẻo vút cao của ông Lê Xuân Hoàn (58 tuổi) làm xao xuyến lòng người nghe.

Tiếng sáo trong trẻo vút cao mở đầu chương trình của nhạc công Lê Xuân Hoàn (58 tuổi) làm xao xuyến lòng du khách. Rồi hoà cùng tiếng đàn sáo là lời ca rất “mượt” của “ca sĩ” Phạm Thị Lương (57 tuổi) với bài hát “Tiếng hát từ quê hương năm tấn” - một sáng tác tự biên của Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phạm Văn Hoóng...

Mỗi tiết mục hát đều có màn múa phụ hoạ với những động tác múa nón, múa quạt thành thục, đẹp mắt. “Từ khâu đạo diễn, chỉ đạo diễn xuất cho đến viết lời bài hát mới, hướng dẫn những động tác múa nón, múa quạt, đều do một tay ông Chủ nhiệm Hoóng đảm trách” - thành viên Phạm Văn Minh cho biết.

Đã ngót mười năm nay kể từ khi ra đời, cũng chẳng ai ở đây đếm xuể và nhớ nổi số lần biểu diễn của Câu lạc bộ nữa, từ diễn ở các làng, ra huyện, lên tỉnh... chỉ biết rằng, dù đã hát và múa rất nhiều lần, nhưng mỗi lần vẫn đều như mới mẻ, bởi từ “đạo diễn, diễn viên, nhạc công” đến người xem, ai cũng vui, cũng háo hức, say mê.

Bao đời rồi người Ja Rai, Ba Na ở vùng này cái tai chỉ quen nghe âm vang của cồng chiêng, cái tay chỉ biết điệu múa xoang trong những ngày hội dưới mái nhà rông. Nhưng rồi họ được nghe, được thấy những điệu múa lời ca “lạ và đẹp mắt”, để rồi từ tò mò, thú vị, người dân tộc thiểu số ở đây đã biết đến hát chèo, thích nghe hát chèo và... tập hát chèo! “Lúc đầu chưa hiểu gì hết, nhưng cái bụng lại rất thích nghe. Bây giờ thì quen rồi, thấm rồi, già cũng mê chèo lắm!” - một già làng  tâm sự như vậy.

Đời sống kinh tế của bà con xã Ya Ly nói riêng, người dân Tây Nguyên nói chung đang ngày càng khấm khá hơn, hoạt động của “CLB chèo Thái Bình” trong các dịp biểu diễn phục vụ du khách hoặc đi diễn theo lời mời của các địa phương, đơn vị... đều có thù lao xứng đáng với công sức và tâm huyết của họ. Đó không chỉ là sự động viên khích lệ đối với mỗi thành viên trong đội, mà còn tạo điều kiện để những người yêu chèo nơi đây chăm lo giữ gìn, phát triển nghệ thuật hát chèo, phục vụ được nhiều hơn nữa nhân dân trong vùng và du khách đến với Tây Nguyên.

Đa số các thành viên Câu lạc bộ đều đã ngấp nghé ở cái tuổi lục tuần, thất tuần.


“Tháng ba Tây Nguyên” “mùa con ong đi lấy mật” - mùa lễ hội đang tới, những ngày này, các thành viên trong Câu lạc bộ đang ráo riết tập luyện nhiều tiết mục mới để chuẩn bị cho những chuyến đi biểu diễn sắp tới. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phạm Văn Hoóng hóm hỉnh: “Đời sống của người dân khá lên thì anh em cũng yên tâm để hát chèo, bởi khi không còn phải bấn bách, lo nghĩ nhiều về cái ăn cái mặc thì nhu cầu thưởng thức văn hoá - văn nghệ cũng tăng lên. Nhờ cần cù lao động, nên gia đình các "diễn viên” ai cũng khấm khá, đó cũng là điều kiện để mỗi thành viên yên tâm hát và múa. Ăn no mới lo... hát chèo được!”.

Chất "keo" để đoàn kết các dân tộc

Gặp chúng tôi, chị Y H'lưh ở làng Răk (xã Ya Xiar) nói: “Ngày trước mình muốn nghe hát chèo chỉ biết tìm đến cái máy thu thanh. Bây giờ không chỉ được nghe hát mà còn thấy họ múa nữa... đẹp thiệt!”.

Bà Dương Thị Hợi vui mừng chia sẻ: “Không chỉ người già ưng cái bụng, mà tụi nam nữ thanh niên xa gần nghe tiếng trống chèo, cũng tập trung đầy sân, đầy vườn nhà”.

Ông Chủ nhiệm Hoóng thì phấn khởi “khoe”: “Tụi thanh niên người Ja Rai ở  trong xã kéo đến đông lắm, đề nghị được Câu lạc bộ hướng dẫn tập hát chèo. Nhưng mình trả lời để thư thả một tý, xong đợt diễn này đã và đến khi lúa khoai trên rẫy chất đầy kho, cà phê, bời lời thu hoạch hết thì sẽ chỉ và tập luyện cho”...

Luyện tập một tiết mục múa nón.


Tiếng về Chiếu chèo Thái Bình ở xã Ya Ly ngày càng bay xa và “nổi như cồn”. Nhiều người ở tận xã Sa Nhơn, rồi Sa Sơn đã sang Ya Ly tìm đến Câu lạc bộ để nhờ cậy, mong được “truyền nghề”. Có nơi thì mời đích danh ông Chủ nhiệm Hoóng và bà Phó chủ nhiệm Hợi về hướng dẫn, luyện tập với mong muốn thành lập môt “CLB hát chèo” cho địa phương. Rõ ràng, ở nơi cao nguyên đầy nắng gió, trong nhịp sống hối hả của cơ chế thị trường, nghệ thuật hát chèo vẫn đang được trân trọng giữ gìn và ngày càng phát triển. “Chắc chắn sẽ không chỉ có một CLB hát chèo ở xã Ya Ly, rồi sẽ có những CLB chèo ở các địa phương khác ra đời” - ông Hoóng khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sa Thầy cho biết, lãnh đạo huyện rất quan tâm đến phong trào văn hóa-văn nghệ và luôn tạo điều kiện tốt nhất để các hoạt động như “CLB chèo Thái Bình” ở xã Ya Ly phát triển. Cùng với “CLB chèo Thái Bình”, các hoạt động văn hoá-văn nghệ của nhân dân hằng năm đều được chính quyền huyện và xã hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động. Dù chưa nhiều, nhưng có ý nghĩa thiết thực động viên các phong trào văn hoá-văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Giúp bạn diễn làm đẹp.

Chiếu chèo nơi đất Bắc xa xôi đang có sức lan tỏa rộng khắp ở Tây Nguyên, nhất là vùng biên giới huyện Sa Thầy. Tây nguyên đang vào mùa lễ hội, những bản nhạc Tây nguyên như thác nguồn tuôn chảy, tiếng cồng chiêng vang vọng khắp đại ngàn bao la hùng vĩ, cùng điệu múa xoang dập dìu, nay xen vào đó là những điệu chèo nhẹ nhàng truyền cảm, cả hai đang có sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, tạo nên nét đẹp văn hóa giữa các dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần. Điều đặc biệt hơn đây như là chất “keo” để kết dính cho sự đoàn kết, cảm thông chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống giữa các dân tộc. Thông qua lời ca tiếng hát, điệu múa để hiểu về nhau hơn, dù đó là người Kinh, Ja Rai, Ba Na, Thái, Mường... cũng đều cùng nhau một lòng đoàn kết xây dựng quê hương mới./.

Phóng sự của KIM SƠN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất