Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 24/2/2012 15:33'(GMT+7)

Một nửa ngôn ngữ trên thế giới nguy cơ biến mất

 Bà Bokova khẳng định Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ hàng năm được xác lập từ năm 2000 nhằm tăng cường sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ. Ngôn ngữ là đồng minh chủ chốt của con người trong cuộc chiến chống phân biệt đối xử. Sự đa dạng ngôn ngữ vốn là di sản của toàn nhân loại, nhưng là di sản mong manh nhất và có nguy cơ biến mất.

Duy trì ngôn ngữ có tầm quan trọng sống còn bảo vệ di sản văn hóa và thúc đẩy sự đa dạng sáng tạo. Ngôn ngữ bị tổn thất làm nghèo đi tính nhân văn, làm thụt lùi cuộc chiến bảo vệ quyền được nghe, được học và được thông tin của con người. Ngôn ngữ chính là con người và bảo vệ ngôn ngữ cũng chính là bảo vệ con người.

Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh đa dạng ngôn ngữ về bản chất cũng quan trọng như đa dạng sinh học. Đảm bảo cho các nhóm dân cư thiểu số được học tiếng mẹ đẻ của họ ngay từ tuổi thơ sẽ tăng cường sự bình đẳng và phổ quát xã hội.

UNESCO đã xây dựng phiên bản điện tử tương tác của Tập bản đồ ngôn ngữ toàn cầu, trong đó tập hợp hơn 2500 ngôn ngữ có nguy cơ biến mất theo 5 cấp độ: không còn an toàn, có nguy cơ rõ ràng, nguy cơ nghiêm trọng, nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng và tuyệt chủng. Phiên bản này luôn được cập nhật, bổ sung và sửa chữa dựa trên những góp ý của người sử dụng ngôn ngữ tương ứng.

Theo phiên bản điện tử này, 200 ngôn ngữ đã hoàn toàn biến mất trong 3 thế hệ qua, 538 ngôn ngữ có nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, 502 ngôn ngữ có nguy cơ nghiêm trọng và 632 ngôn ngữ có nguy cơ biến mất rõ ràng.

Hơn 33% trong tổng số ngôn ngữ trên thế giới được nói ở Khu vực miền Nam sa mạc Sahara, trong đó 10% sẽ biến mất trong thế kỷ tới. Ấn Độ, Brazil, Mỹ, Indonesia và Mexico là các nước có sự đa dạng ngôn ngữ lớn nhất, nhưng cũng có số ngôn ngữ có nguy cơ biến mất cao nhất./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất