Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 20/2/2012 13:55'(GMT+7)

Những xúc cảm thiêng liêng về Tổ quốc

Nhạc sỹ Vũ Thiết và tác giả thơ Trịnh Công Lộc chung niềm vui nhận giải thưởng

Nhạc sỹ Vũ Thiết và tác giả thơ Trịnh Công Lộc chung niềm vui nhận giải thưởng

Những điều đặc biệt

Tại lễ trao giải cho 23 tác phẩm xuất sắc nhất hưởng hứng Cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc về chủ đề "Đây biển Việt Nam" diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội tối 19/2, nhạc sĩ Vũ Thiết được trao giải Nhì- giải cao nhất ở hạng mục Nhạc- với bài hát Khúc tráng ca biển. Bài hát này được phổ từ lời bài thơ Mộ gió của nhà thơ Trịnh Công Lộc. Tác giả thơ cũng được trao giải Nhì ở hạng mục thơ.

Khúc tráng ca biển được đánh giá là một trong những ca khúc ấn tượng nhất do ca khúc này đã kết hợp được rất nhiều yếu tố thành công: Lời thơ bi tráng, súc tích và giàu ý nghĩa của tác giả Trịnh Công Lộc được phổ nhạc theo dòng thính phòng với phần phối khí tài tình của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và giọng ca ấn tượng của ca sĩ Xuân Hảo- người từng được dòng giải Nhất dòng thính phòng giải Sao Mai năm 2009- thể hiện.

Trong rất nhiều tác giả gửi bài dự thi tới cuộc thi “Đây biển Việt Nam” có một tác giả nắm giữ cho mình một kỉ lục mà khó ai có thể sánh được: sáng tác 7 bài hát trong 8 ngày, mỗi bài hát chỉ mất 30 phút. Đó là nhạc sĩ Lê Mây. Kỷ lục sáng tác ấy được ông thực hiện trong chuyến đi Trường Sa năm 2010. Nhạc sĩ kể rằng ông sáng tác nhanh như vậy để có cơ hội hát tặng ngay cho các chiến sĩ gác trên nghe… Ông viết bằng những rung động thật sự giữa sóng, gió biển khơi và những người lính kiên cường. Bài hát “Đảo chìm” của ông đã được trao tặng Giải Nhì của hạng mục Nhạc và đó là phần thưởng quý giá đối với người nhạc sĩ năm nay đã 71 tuổi này.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Cuộc thi "Đây biển Việt Nam" do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Báo VietNamNet tổ chức từ 15/8 đến ngày 15/12/2011. Chỉ trong 4 tháng, cuộc thi đã thu hút được hơn 1.000 tác phẩm thơ và hơn 400 tác phẩm âm nhạc tham dự. Trong số những người tham gia cuộc thi có nhiều tên tuổi lớn trong làng thơ, làng nhạc Việt tham gia, như các nhà thơ Lê Thị Mây, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Ngọc Phú, Ngô Minh, Phan Hoàng, Hoàng Trần Cương, Trịnh Công Lộc, Nguyễn Thánh Ngã, Đỗ Trọng Khơi…; các nhạc sĩ: Đinh Trung Cẩn, Lê Mây, Vũ Thiết, Trần Tựa, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Tôn Nghiêm…

Theo nhận xét của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhiều ca khúc tham gia cuộc thi đã cho thấy cách thể hiện mới đầy sáng tạo. Đề tài rộng, góc nhìn mở. Nhiều sáng tác chuyên môn sâu, đồng thời cũng xuất hiện những tác giả mới với tâm thế mới. Về nghệ thuật, nhiều ca khúc đã được dàn dựng công phu theo lối thính phòng, đạt tới trình độ của các ca khúc nghệ thuật.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thì có nhận xét ấn tượng hơn khi cho rằng cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc "Đây biển Việt Nam" thực sự tạo ra một cơn lốc về sáng tác, cắm cột mốc chủ quyền bằng tinh thần, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu biển đảo cực kỳ sâu sắc trong lòng văn nghệ sĩ, người sáng tác trong cả nước. Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, các tác giả đã tạo dựng nên một văn hóa biển, trong đó có con người, số phận, đời sống và tình yêu sâu sắc...

Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, với cuộc thi này, tình yêu Tổ quốc lại được dịp thổi bùng lên qua những nhiệt huyết và trách nhiệm, qua những cảm xúc thơ vừa nguồn cội, vừa thiết tha, mới mẻ, hướng con người đến những giá trị cao quý. Cuộc thi đã tìm ra những gương mặt mới, rất xuất sắc, như Trịnh Công Lộc là một phát hiện bất ngờ, với bài thơ Mộ gió ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm xúc thơ mạnh, cấu trúc chặt. Đây thực sự là một bài thơ có tầm, hướng về giá trị lớn. Đó chính là sức mạnh toàn dân tộc.

Trong lễ trao giải cuộc thi "Đây biển Việt Nam", nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã trình bày bài thơ "Tổ quốc bên bờ biển cả". Nơi đất mẹ tựa lưng vào biển cả/ Những người con như sóng cuộn dưới trời/ Lồng ngực trẻ căng đầy hơi thở sớm/ Như ngọn buồm khát vọng cuốn ra khơi. Những vần thơ hào sảng về Tổ quốc được cất lên bầu nhiệt huyết của một con dân đất Việt dành trọn tình yêu cho đất mẹ gợi nhớ tới những tráng ca "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng, "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm"... Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, qua bài thơ, tác giả muốn khắc họa đời sống biển cả ở phạm vi rộng lớn, ở đó có những người chiến sĩ, ngư dân, người mẹ, người cha. Họ có sứ mệnh lớn lao là giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước và tuỳ từng vị trí công việc của mình mà họ góp phần xây dựng sứ mệnh của đất nước.

Qua những bài thơ, ca khúc tham dự cuộc thi có thể thấy tâm thế của người sáng tạo hôm nay không chỉ khắc hoạ cái tôi cá nhân nhỏ bé mà hướng tới những đề tài lớn lao hơn về Tổ quốc, đất nước, về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cuộc thi cho thấy sức lan toả mạnh mẽ của đề tài biển, đảo trong cuộc sống và những xúc cảm thiêng liêng về Tổ quốc luôn luôn đằm sâu trong tâm hồn mỗi người Việt Nam ./.

- Về thơ, có 11 giải thưởng, trong đó, giải Nhất thuộc về tác giả Lê Thị Mây với tác phẩm Người sau chân sóng, 3 giải Nhì trao cho Nguyễn Việt Chiến với tác phẩm Tổ Quốc bên bờ biển cả, Nguyễn Ngọc Phú" với tác phẩm Tổ quốc ba nghìn cây số biển; Trịnh Công Lộc với tác phẩm Mộ gió; cùng 2 giải Ba và 5 giải Tư.

- Về nhạc, có 12 giải thưởng, không có giải Nhất. 2 giải Nhì trao cho tác giả Lê Mây với tác phẩm Đảo chìm và Vũ Thiết với Khúc tráng ca biển (Thơ: Trịnh Công Lộc). Tác phẩm Trường Sa- nơi bình minh Tổ quốc của tác giả Nguyễn Khánh Trình được trao Tặng thưởng xuất sắc về hiệu quả nghệ thuật. Tác phẩm Giấc mơ mùa xuân của tác giả Nguyễn Minh Tân được trao giải Tác giả triển vọng; cùng 2 giải Ba, 4 giải Tư và hai tặng thưởng đặc biệt của Ban tổ chức.

- Mai Hồng -



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất