Thứ Sáu, 27/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 11/11/2012 14:25'(GMT+7)

Australia : “Can dự thực tế” vào Đông Nam Á

Đẩy mạnh quan hệ song phương

Australia và Indonesia có mối quan hệ láng giềng thân cận, tương đối chặt chẽ với nhau trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, thương mại, môi trường, văn hóa và giao lưu giữa nhân dân hai nước. Quan hệ song phương đang được hai nước tăng cường thúc đẩy. Hợp tác giữa hai nước còn được mở rộng phạm vi quốc tế, bao gồm hợp tác chống khủng bố, chống đánh bắt cá bất hợp pháp và buôn người, hợp tác đối phó với dịch cúm gia cầm, hợp tác về biến đổi khí hậu và một số vấn đề liên quan đến tôn giáo.

Với cam kết phát triển quan hệ đối tác lâu dài với Indonesia, trong 2011-2012, Australia đã viện trợ cho Indonesia 558 triệu AUD và là nước nhận viện trợ lớn nhất từ Australia. Hai nước có quan hệ kinh tế, thương mại tương đối lớn với kim ngạch hai chiều đạt khoảng 13 tỷ AUD năm 2011. Hiện nay, có khoảng 400 công ty Australia đang hoạt động tại Indonesia trong các lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, thương mại, ngân hàng, chế biến thức ăn, du lịch và nhiều lĩnh vực khác…

Về an ninh, quan hệ giữa Australia và Indonesia thường xuyên được củng cố thông qua việc thực thi Hiệp ước Lombok được ký kết giữa hai nước từ năm 2006. Hiệp ước này đã tạo khung pháp lý cho việc hợp tác đối phó với những thách thức truyền thống và phi truyền thống. Về giáo dục, trong năm 2010, Australia đã tiếp nhận 15.500 sinh viên ở các cấp học của Indonesia và số người Australia du lịch sang Indonesia là 548.500 lượt trong năm 2009.

Về đối ngoại, từ tháng 9-2007 đến nay đã có 90 chuyến thăm cấp bộ trưởng của cả hai nước. Cựu Ngoại trưởng Australia, K. Rudd và người đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa đã đạt được thỏa thuận về nhiều vấn đề tại Hội nghị Đông Á ở Bali tháng 7-2011. Trước đó, Tổng thống Indonesia Yudhoyono và 12 bộ trưởng của nước này đã thăm Australia hồi tháng 3-2010. Qua đó, ông Yudhoyono đã khẳng định quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và tầm quan trọng của hợp tác song phương trong việc đối phó với những thách thức khu vực. Kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm này là việc hai bên đạt được thỏa thuận tổ chức đối thoại 2+2 ở cấp bộ trưởng.

Về Hiệp ước Lombok: Đây là Hiệp ước được ký kết giữa hai Ngoại trưởng tại Lombok, Indonesia ngày 13-10-2006 và có hiệu lực từ ngày 7-2-2008. Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã tổ chức cuộc thảo luận song phương lần thứ 9 vào tháng 11-2008 để đưa ra kế hoạch hành động và thực hiện Hiệp ước này. Kể từ đó, kế hoạch hành động được xem như là ưu tiên cho những hợp tác an ninh song phương giữa hai chính phủ. Hiệp ước này đang được xem xét mở rộng các lĩnh vực hợp tác gồm cả hợp tác quân sự, chống khủng bố, hợp tác về tình báo, an ninh biển và hàng không, cấm phổ biến vũ khí hủy diệt và những thách thức đang nổi khác.

Về hợp tác chống biến đổi khí hậu: Ngày 9-12-2010, ông K. Rudd và Bộ trưởng phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu Greg Combet đã công bố một gói viện trợ 45 triệu USD cho Indonesia trong việc phòng chống biến đổi khí hậu, ngoài ra Úc cũng hỗ trợ Indonesia một số công nghệ trong lĩnh vực này.

Về hợp tác về chống khủng bố: Hai nước đã có những cam kết hợp tác mạnh mẽ trong phòng chống khủng bố, bao gồm việc điều tra các vụ đánh bom tại Bali ngày 12-10-2002, vụ đánh bom đại sứ quán Australia tại Jakarta ngày 9-9-2004, vụ đánh bom Bali ngày 1-10-2005. Hai nước đã thiết lập cơ quan điều tra chung, tăng cường năng lực cho các cơ quan của Indonesia trong việc thực thi luật, quản lý tài chính, kiểm soát biên giới, an ninh vận tải…

Hợp tác về chống buôn người: Tháng 3-2011, Australia và Indonesia cũng đã đạt được một hiệp định về hợp tác chống buôn người, đồng thời nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện các nội dung trong Tiến trình Bali liên quan đến lĩnh vực này.

Tăng cường đối ngoại - quốc phòng

Đối thoại song phương ngoại giao - quốc phòng cấp bộ trưởng giữa Australia và Indonesia đã diễn ra ngày 15-3-2012 tại Canberra. Nội dung đối thoại lần này tập trung vào những vấn đề về lợi ích chung giữa hai nước, đánh giá lại những cơ hội và thách thức đối với khu vực và toàn cầu cũng như quan hệ của hai nước trong thời gian qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith cho biết: “Australia và Indonesia đều thống nhất về quan điểm thông qua đối thoại lần này nhằm mở rộng hợp tác giữa hai nước về quốc phòng và ngoại giao góp phần đảm bảo an ninh khu vực, trong đó có lợi ích chung của cả hai bên, chú trọng việc mở rộng hợp tác về cứu trợ nhân đạo, đối phó với thiên tai, gìn giữ hòa bình, chống cướp biển và duy trì an ninh biển”.

Việc tổ chức Đối thoại 2+2 là kết quả của chuyến thăm Australia tháng 3-2010 của TTh Indonesia Yudhoyono và cuộc đối thoại vừa qua là hoạt động ngoại giao chính thức đầu tiên của ông Bob Carr trên cương vị Ngoại trưởng Australia.

Đánh giá của dư luận

Đối thoại 2+2 được đánh giá là kênh đối thoại quan trọng của Australia với một số đối tác ở Đông Nam Á. Ngay sau đối thoại, Bộ trưởng Quốc phong Australia Stephen Smith đã cho rằng: “Đối thoại 2+2 với người bạn, người hàng xóm Indonesia của chúng ta là một diễn đàn quan trọng trong việc xem xét, đánh giá tình hình khu vực và định hình quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước”.

Giới phân tích đánh giá đối thoại lần này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác lâu nay giữa Australia và Indonesia về lĩnh vực an ninh, quốc phòng, xã hội, kinh tế, chính trị. Quan hệ giữa hai nước được coi là một trong những trụ cột để tăng cường gắn kết các lợi ích chung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đối thoại Australia - Indonesia lần này đã mở ra triển vọng cải thiện quan hệ quốc phòng. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá quan hệ hai nước vẫn còn những trở ngại, trong đó có việc Australia mở rộng phạm vi hoạt động quân sự ở vùng biển Tây Australia. Và việc Australia đề xuất xây dựng một căn cứ quân sự chung với Mỹ ở đảo Cocos.

Vấn đề người nhập cư bất hợp pháp từ Indonesia vào Australia cũng là trở ngại mà hai bên chưa tìm được giải pháp giải quyết. Việc các nhóm khủng bố ở Indonesia tiếp tục nhắm vào một số mục tiêu là cơ quan và công dân Australia ở Indonesia cũng khiến Australia lo ngại và “đổ lỗi” cho các cơ quan an ninh Indonesia không thực hiện đúng trách nhiệm với Australia.

Như vậy, trong tiến trình triển khai chính sách “can dự thực tế” vào Đông Nam Á, quan hệ Australia - Indonesia đang tiến triển theo chiều hướng tích cực, hai nước chủ trương tăng cường hoạt động đối ngoại, quốc phòng nhằm tạo lòng tin. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết... những yếu tố này tiếp tục tiềm ẩn đòi hỏi cả hai nước cần phải nỗ lực vượt qua./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất