Để công tác luân chuyển thực chất, thực người và thực việc rất cần có một bộ phận theo dõi, bao quát, điều phối công tác này; kịp thời chấn chỉnh cán bộ, công chức làm việc cầm chừng với lối nghĩ “nín thở” chờ hết kỳ luân chuyển.
Trước hết cần khẳng định, chính sách luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, phù hợp, rất cần thiết. Cách đây 3 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2007/NĐ/CP, quy định danh mục 21 vị trí công tác “nhạy cảm” phải luân chuyển cán bộ, công chức với thời hạn là 3 năm/lần. Việc này tạo ra một đội ngũ cán bộ “giỏi một lĩnh vực, biết nhiều lĩnh vực”, được rèn luyện thử thách qua nhiều môi trường công tác. Hoạt động này cũng tránh hiện tượng tiêu cực trong một số ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hay trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, tại một số cơ quan, ban, ngành, địa phương hiện nay, hoạt động luân chuyển cán bộ đã và đang nảy sinh những vấn đề cần chấn chỉnh. Có người vừa nhận quyết định luân chuyển đã nghĩ ngay đến ngày… hồi hương. Với tư duy đó, ở vị trí công tác mới, họ luôn luôn giữ mình, ngại va chạm đấu tranh, không thực sự gắn mình với cơ sở, không dám làm, dám chịu trách nhiệm. Việc luân chuyển cán bộ cũng đã nảy sinh những biến thái tiêu cực. Có trường hợp người bị "luân chuyển" do không hợp phe cánh với “sếp”, thậm chí bị trù dập, thành kiến, đố kỵ...
Thiết nghĩ, công tác luân chuyển cán bộ cần làm tốt, làm đúng, làm đủ ba chữ “thực”: Đó là thực chất, thực người và thực việc.
Thực chất nghĩa là không làm theo kiểu hình thức, làm để báo cáo thành tích, đặc biệt chú trọng đến việc cán bộ, công chức sau khi đi luân chuyển phải thu được kết quả gì. Muốn thực chất, các cấp ủy đảng, chính quyền phải làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch luân chuyển theo định hướng đã được quy hoạch, phải thực sự để cán bộ được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn công tác.
Thực người tức là phải đúng đối tượng. Đó là những người có khả năng, phẩm chất tốt, còn đủ tuổi công tác, trong đó tập trung vào những đối tượng thuộc diện nguồn kế cận. Tránh tình trạng luân chuyển những cán bộ đã nhiều tuổi, những cán bộ, công chức năng lực kém, vi phạm khuyết điểm, gây khó khăn cho đơn vị, cơ sở.
Thực việc là phải lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo phẩm chất và năng lực. Cần hết sức tránh việc luân chuyển cán bộ, công chức theo kiểu “đánh đố” họ. Chẳng hạn, cán bộ thuế vụ chuyển sang làm công tác quản lý giáo dục; công chức chuyên về chứng khoán điều chuyển đi làm cán bộ phụ trách văn hóa thể thao...
Để công tác luân chuyển thực chất, thực người và thực việc rất cần có một bộ phận theo dõi, bao quát, điều phối công tác này; kịp thời chấn chỉnh cán bộ, công chức làm việc cầm chừng với lối nghĩ “nín thở” chờ hết kỳ luân chuyển./.
Theo QĐND