Thứ Năm, 26/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 17/8/2010 15:22'(GMT+7)

Báo điện tử, trang tin điện tử và game online - định hướng phát triển và quản lý

TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: hoạt động của game online còn bộc lộ không ít mặt hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Ảnh minh họa

TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: hoạt động của game online còn bộc lộ không ít mặt hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Ảnh minh họa

Bức tranh khái lược

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến cuối năm 2009, cả nước có 22,5 triệu người sử dụng internet, tương ứng với 26% dân số. Chỉ tính 6 năm, từ năm 2003 đến năm 2009, số lượng người sử dụng internet tăng trung bình 3,1 triệu người/năm. Và theo thống kê mới nhất, hiện cả nước có trên 23 triệu người sử dụng dịch vụ internet, đạt tỉ lệ 27.18%, đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (trên 70%), Malaysia (trên 62%), Brunei (trên 55%). Cả nước có 38 báo điện tử, 180 trang tin của cơ quan báo chí và gần 200 trang thông tin điện tử tổng hợp. 63/63 tỉnh, thành phố, 20/22 bộ, ngành đã có cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử. Có 16 nhà đăng ký tên miền Việt Nam, 98 nhà đăng ký tên miền quốc tế và vài chục doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ hosting tại Việt Nam. Cả nước có 17 doanh nghiệp Game Online với gần 100 game khác nhau đang hoạt động tại Việt Nam. Bức tranh trên cho thấy, tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở nước ta được thưc hiên khá tốt, kết quả rất đáng khích lệ, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, nâng cao dân trí, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Báo chí điện tử đã cùng các loại hình báo chí, truyền thông khác tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; chống thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu "Diễn biến hoà bình" của các thế lực phản động, thù địch; góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới; mở rộng giao lưu, hội nhập với bên ngoài. Bên cạnh thế mạnh và ưu điểm cơ bản vừa nêu, một số báo điện tử của ta còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước.

Bên cạnh những báo điện tử đã được cấp phép đúng luật, xuất hiện nhiều trang tin điện tử đăng tải các thông tin và hoạt động có quy mô như một cơ quan báo chí, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí. Công tác quản trị mạng, hệ thống kỹ thuật của các báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp cũng như một số cổng thông tin điện tử cơ quan Đảng, Nhà nước ở trung ương và địa phương còn bộc lộ sơ hở, dễ bị hacker lợi dụng tấn công xâm nhập.

Trong thời gian qua, lợi dụng sự tiện ích của các loại hình dịch vụ trên internet, các thế lực thù địch đã và đang tiếp tục gia tăng các hoạt động chống đối, xâm phạm an ninh quốc gia với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng trở nên tinh vi và xảo quyệt hơn. Chúng lợi dụng internet, xây dựng các trang web, đặt máy chủ ở nước ngoài và đăng tải nhiều nội dung chống phá ta. Ngoai những trang web, blog, diễn đàn có nội dung phản động được hosting ở nước ngoài, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều trang web sử dụng tên miền Việt Nam (tên miền .vn) hoặc tên miền quốc tế nhưng được hosting tại Việt Nam đăng tải tài liệu, truyện, tranh, ảnh, video clip có nội dung không lành mạnh, thậm chí trái quan điểm, đường lối của Đảng, nhà nước hoặc có nội dung đồi trụy, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Riêng về trò chơi trực tuyến (game online), trong vòng 05 năm trở lại đây, ngành công nghiệp, dịch vụ điện tử này có sự bùng nổ về số lượng các công ty, số lượng trò chơi và số lượng người chơi. Sự phát triển này, trên một chừng mực nhất định, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam phát triển, mang lại nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của một bộ phận lao động trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, những việc đã làm được, hoạt động của game online còn bộc lộ không ít mặt hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là việc du nhập và cho hoạt động các game có nội dung xấu, bạo lực, tình dục, nhảm nhí. Việc các đại lý kinh doanh game online vi phạm quy định về nội dung, đối tượng chơi, thời gian chơi.

Hiện nay, chúng ta chưa kiểm soát hiệu quả đối với các sản phẩm, website của doanh nghiệp nội dung số nước ngoài tại Việt Nam. Điều này đã tạo ra những khoảng trống để các thế lực tiêu cực, phản động lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu ta, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh thông tin, công tác đối ngoại của Việt Nam, tác động xấu đến tư tưởng, tình cảm, lối sống, đời sống của người dân, nhất là giới trẻ.

Sự tràn ngập, áp đảo các sản phẩm internet nước ngoài tại Việt Nam, ở góc độ doanh nghiệp, sẽ dẫn đến việc hạn chế phát triển và gây thất thu cho doanh nghiệp Việt Nam; ở góc độ quản lý nhà nước, sẽ gây thất thu thuế, nhiều nguy cơ tiềm ẩn góp phần bóp chết ngành công nghiệp nội dung số còn đang rất non trẻ ở nước ta; đặc biệt là ảnh hưởng tới an ninh thông tin trong nước.

Doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong điều kiện vốn đầu tư hạn hẹp, trình độ công nghệ còn hạn chế, nhân lực còn mỏng. Nguy cơ ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam trong thời gian tới sẽ phụ thuộc hoàn toàn các công ty nước ngoài và dễ phát sinh những vấn đề nhạy cảm về an ninh thông tin và các nguy cơ khác về kinh tế, chính trị…là có thật, cần có giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới.

Định hướng phát triển, quản lý

Chỉ thị 52-CT/TW ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “Về phát triển và quản lý báo chí điện tử ở nước ta hiện nay” nhấn mạnh: “Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tác động của mạng thông tin toàn cầu và các báo điện tử đến sản xuất và đời sống xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, quản lý của các cơ quan nhà nước đối với báo điện tử; xây dựng các tờ báo điện tử ở nước ta có kỹ thuật và công nghệ hiện đại; đúng đắn, chân thực, phong phú về nội dung, sắc bén về tính định hướng, tính chiến đấu; có tính văn hóa, tính nghiệp vụ cao; thực sự là vũ khí chính trị tư tưởng quan trọng, sắc bén của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể; phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo điện tử ở nước ta phải được phát triển nhanh, vững chắc, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể về kinh tế, kỹ thuật, con người, năng lực quản lý; bảo đảm an ninh, an toàn, kết hợp hài hoà với việc phát triển các loại hình báo chí và các phương tiện thông tin khác”.

Chỉ thị 52-CT/TW của Ban Bí thư cũng xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thanh niên, thiếu niên về vị trí, tầm quan trọng và tính hai mặt của internet và báo điện tử để khai thác, sử dụng có hiệu quả mặt tích cực, đồng thời phòng ngừa, hạn chế mặt tiêu cực. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với báo điện tử và các mạng thông tin điện tử. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách phát triển, quản lý báo điện tử và mạng internet. Nâng cao năng lực quản lý báo điện tử của các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Phân định rõ báo điện tử và trang tin điện tử, chấn chỉnh tình trạng các trang thông tin điện tử hoạt động như một tờ báo điện tử. Kiên quyết khắc phục hoạt động dịch vụ internet trái phép, ngăn chặn các trang điện tử phản động, đồi trụy, xâm phạm đời tư, làm tha hóa đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục; phòng chống các hoạt động lừa đảo, phá hoại kinh tế trên mạng thông tin điện tử”.

Về công tác quản lý nhà nước đối với báo điện tử, trang thông tin điện tử và trò chơi trực tuyến (game online), mấy năm gần đây, Chính phủ cũng xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng: Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Nghị định số 28/2009/NĐ-CP ngày 20/03/2009 quy định xử phạt hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT ngày 18/12/2008 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet.

Một số giải pháp cần thiết

Với các báo điện tử, tốc độ thông tin và việc kiểm soát thông tin của loại hình báo chí này cần phải được đi kèm với công nghệ quản trị nội dung (Content Management System - CMS). Coi trọng quy trình xuất bản báo điện tử, đặc biệt là nâng cao chất lượng nội dung thông tin. Điều kiện để phát triển tốt các báo điện tử là mỗi cá nhân trong tòa soạn báo điện tử phải là một mắt xích ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả. Từ công cụ CNTT, tòa soạn báo tổ chức hệ thống điều hành điện tử, tạo môi trường làm việc chung trên mạng với một số tính năng cần thiết hàng ngày như: giao ban trực tuyến giữa các vùng miền (có video, voice, text), điều hành giao việc, kiểm tra trực tuyến có hệ thống quản lý công việc. Về quản lý nội dung, phải đáp ứng được mọi yêu cầu về kiểm soát chặt chẽ thông tin, trong đó có nguyên tắc: nội dung nào cần ưu tiên, nội dung nào cần hạn chế, nội dung nào cần loại bỏ. Phải chú ý cả lịch người trực, hệ thống theo dõi lịch trình bài viết (ngày giờ chỉnh sửa của từng phiên bản, ai đăng bài; ai gỡ tin, bài; khi nào?..). Ngoài ra, cần phân công việc quản lý giao diện từng trang nội dung, trang ảnh, trang video… Nói chung hệ thống quản lý CMS phải là một hệ thống được tổ chức khoa học để đảm bảo hoạt động nhanh và chính xác tới từng chi tiết, luôn giám sát, bổ sung, điều chỉnh nội dung thông tin.

Cần nhanh chóng hoàn thiện và ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý các trang thông tin điện tử tổng hợp theo hướng yêu cầu các trang thông tin này phải có nhân sự đủ năng lực nghiệp vụ báo chí để tổ chức, quản lý thông tin đăng tải trên đó. Không được biến trang thông tin thành tờ báo điện tử trá hình. Cơ quan chưc năng quản lý nhà nước cần tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các ban, bộ, ngành trong việc xây dựng hệ thống cổng thông tin điện tử bảo đảm các yêu cầu về an toàn, an ninh. Về lâu dài, cần từng bước áp dụng tiêu chuẩn ISO trong quản lý an toàn, an ninh mạng cho các cổng thông tin điện tử cua cơ quan Đảng, Nhà nước trung ương và địa phương, cho các cơ quan báo chí trọng yếu.

Về trò chơi trực tuyến (game online), hiện dư luận xã hội đang có thái độ hết sức gay gắt với loại trò chơi này. Những hậu quả do mặt trái của trò chơi trực tuyến gây ra là đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở nhiều nước, trò chơi này vẫn phát triển, những yếu tố tích cực của nó vẫn được phát huy. Trong việc quản lý người chơi, nhất là giới trẻ, thì gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Gia đình phải quản lý được con em mình, và nên chăng, pháp luật cũng cần có chế tài với họ. Nếu cha mẹ để cho con sa đà, nghiện ngập trò chơi trực tuyến, sao nhãng học tập, lao động, tu dưỡng…, họ phải chịu trách nhiệm trước hết. Theo TS. Rasmus Wendt, chuyên gia cao cấp những vấn đề công nghệ thông tin của Đan Mạch, thì ở các nước châu Âu, chính phủ giao trách nhiệm quản lý trò chơi trực tuyến cho gia đình. Đó là vấn đề của gia đình. Nếu gia đình quản lý tốt thì con cái họ được bảo vệ, khai thác được các yếu tố tích cực của trò chơi này. Chính phủ Đan Mạch không có điều luật hay văn bản nào nào cấm chơi game online.

Ở nước ta, các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp như: trước hết và trên hết là giáo dục cho người chơi, nhất là học sinh, thanh thiếu niên, biết tham gia trò chơi một cách đúng mức, hợp lý, lành mạnh. Hai là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để quản lý, giáo dục con em. Thứ ba là, tăng cường các biện pháp hành chính-pháp luật, quy định rõ về người chơi, trò chơi, giờ chơi. Thứ tư, là các giải pháp công nghệ - kỹ thuật, quản lý những nhà cung cấp dịch vụ trò chơi, những nhà sản xuất trò chơi ở Việt Nam để họ phải có trách nhiệm cao hơn về nội dung các kịch bản mà mình cung cấp. Chủ doanh nghiệp vi phạm phải chịu trách nhiệm và bị quan quản lý xử lý nghiêm…

Cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo và trình Thủ tướng ra Quyết định quản lý trò chơi trực tuyến (game online) thay thế Thông tư liên tịch số 60-TT vốn đã tồn tại nhiều bất cập trong thực tiễn áp dụng. Tiếp tục cụ thể hóa các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, sản phẩm nội dung số Việt Nam phát triển, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ internet, game online của doanh nghiệp nước ngoài. Khuyến khích phát triển dịch vụ internet với nội dung lành mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng đa dạng, phong phú của người dân. Thúc đẩy ứng dụng internet và nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng viễn thông băng rộng tại Việt Nam. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý internet phù hợp với quy định của pháp luật.

Với bản chất “không biên giới”, internet ngày càng đặt ra các vấn đề về pháp lý cho các quốc gia, và xu hướng rõ nét nhất trong 2-3 năm gần đây là việc các chính phủ lần lượt dựng các “biên giới ảo” trên nền internet để kiểm soát “lãnh thổ của mình”. Chính sách quản lý internet của Trung Quốc có thể là một sự tham khảo: phát triển internet nhằm nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh của người dân, khuyến khích các công ty nội địa phát triển, chiếm lĩnh thị trường trong nước, vừa tiến ra nước ngoài, cạnh tranh với bên ngoài. Hạn chế các công ty nước ngoài phát triển tại Trung Quốc thông quan nhiều biện pháp hành chính (với Google gần đây là một ví dụ).

Nhà nước cần bổ sung, hoàn chỉnh hành lang pháp lý, có chính sách ưu đãi về thuế, trợ cấp nghiên cứu khoa học, trợ giúp tuyên truyền và quảng bá sản phẩm, tổ chức hội thảo, đào tạo nhân lực… hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ CNTT, tạo ra những “đơn vị tiên phong” đủ mạnh để cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường. Mặt khác, có biện pháp và hành động kiên quyết nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của internet đối với đời sống xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng internet, các trang thông tin điện tử có tên miền Việt Nam hoặc tên miền quốc tế nhưng thuê máy chủ (hosting) trong nước để đăng tải tài liệu, truyện, tranh, ảnh, video clip có nội xấu, chống đối chế độ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc./.

TS. Nguyễn Thế Kỷ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất