Thứ Năm, 26/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 12/8/2010 9:57'(GMT+7)

Phát triển giáo dục - đào tạo trong quá trình hội nhập quốc tế

Trong quá trình hội nhập quốc tế, giáo dục Việt Nam được tiếp cận với những xu thế phát triển hiện đại, những kinh nghiệm tốt của giáo dục thế giới, đẩy mạnh hợp tác trong quá trình phát triển giáo dục. Đồng thời có điều kiện thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục từ nước ngoài, đặc biệt là đầu tư lớn hơn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hiện đại hoá điều kiện học tập và lực lượng chuyên gia giáo dục, sinh viên Việt Nam có thể “du học tại chỗ”.

Tuy nhiên, hội nhập về giáo dục-đào tạo cũng gặp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ. Thách thức lớn nhất là làm sao chúng ta vừa thực hiện những cam kết về giáo dục trong khuôn khổ của Hiệp định chung về thương mại, dịch vụ (GATS), đồng thời vẫn bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia, thực hiện được các mục tiêu cơ bản về giáo dục. Hiện nay, chất lượng giáo dục Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); năng lực cạnh tranh của các cơ sở giáo dục Việt Nam, nhất là các trường đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất yếu, chưa đủ sức tham gia vào cuộc cạnh tranh giáo dục quốc tế, chưa đủ sức thu hút nhiều du học sinh nước ngoài vào Việt Nam.

Xu hướng xuất khẩu giáo dục không lành mạnh từ các nước có nền giáo dục phát triển xuất hiện trong những năm gần đây, đó là thách thức và rủi ro rất lớn đối với giáo dục nước ta khi công tác quản lí hoạt động giáo dục còn nhiều hạn chế, vấn đề liên kết đào tạo với nước ngoài chưa được quan tâm quản lí chặt chẽ.

Các văn bản pháp luật trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo chưa được rà soát cho phù hợp với bối cảnh nước ta đã là thành viên của WTO. Việc tổ chức quản lí lại phân tán, chồng chéo, đội ngũ cán bộ quản lí từ trung ương đến địa phương, cơ sở vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đủ khả năng quản lý chất lượng giáo dục trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Vấn đề đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục là rất quan trọng, nhưng đây lại là điểm yếu và còn mới mẻ đối với giáo dục nước ta .

Mục tiêu của hội nhập quốc tế về giáo dục là. phải làm cho giáo dục Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, vững chắc hơn về chất lượng, đảm bảo phục vụ yêu cầu phát triển đất nước, phục vụ mục tiêu chính trị cơ bản của Đảng và nhân dân ta là: giữ vững chủ quyền quốc gia, định hướng XHCN “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; phát triển con người toàn diện, có năng lực thích ứng với tình hình mới.

Khi hội nhập phải coi giáo dục là quyền và lợi ích cơ bản của nhân dân; Nhà nước phải đảm bảo để mọi người dân có điều kiện học tập, có cơ hội để phát triển, quan tâm đến nhân dân lao động, những người nghèo, phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, tạo ra sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Cần phát huy tối đa nội lực, độc lập và chủ động trong quá trình hội nhập giáo dục. Mở rộng hợp tác đi đôi với quản lí chặt chẽ. Tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro.

Cạnh tranh trong hội nhập quốc tế, xét đến cùng là cạnh tranh về giáo dục - đào tạo, đây là cuộc đấu tranh gay go và phức tạp. Nắm vững các cam kết của GATS, tham khảo kinh nghiệm của các nước, đồng thời căn cứ vào chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước, làm rõ cái gì phải tích cực khai thác, cái gì phải bảo vệ, cái gì cần ngăn chặn và phải có chiến lược và các biện pháp rõ ràng, trong đó quan tâm đến các công cụ pháp lý và công tác quản lý.

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng phát huy vai trò quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân trong tiến trình hội nhập giáo dục quốc tế.

Có một số vấn đề lớn, cụ thể và khá cấp bách cần được quan tâm xem xét. Đó là về “thị trường giáo dục”. Đây là vấn đề nhạy cảm không chỉ đối với nước ta; nhiều nước khác cũng rất quan tâm, đã và đang có ý kiến khác nhau. Có hay không có “thị trường giáo dục”, có nên “thị trường hóa giáo dục” hay không, giải quyết vấn đề này ra sao sẽ có ảnh hưởng lớn đến phát triển giáo dục nước ta hiện nay.

Về vấn đề này chúng tôi cho rằng: Cần khẳng định, giáo dục là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt nhằm bảo tồn và phát triển những giá trị của xã hội, của dân tộc, đồng thời đưa lại những lợi ích cá nhân. Do đó giáo dục trước hết là lợi ích công, mà mọi xã hội văn minh đều phải có trách nhiệm đảm bảo; không thể xem giáo dục là dịch vụ thương mại như các lĩnh vực dịch vụ hàng hoá thông thường, không thể có “thị trường giáo dục”; không thể "thị trường hóa", "thương mại hóa" giáo dục một cách thuần tuý. Cần thực hiện công bằng xã hội trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho mọi người, chú trọng đến người nghèo, đến vùng sâu, vùng xa và các dân tộc thiểu số.

Nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng phát triển giáo dục, đảm bảo điều kiện hoạt động cho giáo dục, vừa tạo ra những động lực tiềm tàng cho giáo dục phát triển đồng thời làm cho sự phát triển ấy bảo đảm mục tiêu vì con người, vì xã hội.

Các hoạt động của những người làm công tác giáo dục là vì lợi ích của người học và lợi ích của xã hội. Giá trị sử dụng của sản phẩm giáo dục là vì người học, vì cộng đồng.

Tuy nhiên cũng cần phải tính đến các yếu tố “cung cầu”, “cạnh tranh”, “hiệu quả kinh tế” trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần phải tổ chức hoạt động giáo dục cho phù hợp với cơ chế thị trường, chúng ta có thể áp dụng các hình thức dịch vụ giáo dục với tư cách là dịch vụ có điều kiện: Đối với giáo dục phổ thông đặc biệt là bộ phận giáo dục cơ bản, tính chủ đạo của Nhà nước càng cần phải được đề cao; ở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học, lợi ích cá nhân đan xen với lợi ích xã hội, có thể mở rộng thực hiện dịch vụ công và các hình thức dịch vụ khác.

Để phát triển giáo dục –đào tạo trong quá trình hội nhập quốc tế và nhằm đạt mục tiêu nước ta có một nền giáo dục tiên tiến, lành mạnh, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về “ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020” đã chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục, Trong bài này chúng tôi xin khái quát lại và cụ thể hóa thêm một số điểm sau đây:

1. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Cần coi trọng cả ba mặt giáo dục: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hoá của dân tộc, của Đảng. Ngăn chặn kịp thời xu hướng mờ nhạt tư tưởng chính trị, xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa, các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động giáo dục. Quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục nhân cách đạo đức, kỹ năng và phương pháp làm việc; làm cho thế hệ trẻ có đủ khả năng và bản lĩnh thích ứng với những biến đổi nhanh chóng.

2. Đẩy mạnh đổi mới tư duy giáo dục, có nhận thức sâu sắc về vai trò của Nhà nước và các chủ thể giáo dục đào tạo trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Phát triển qui mô đào tạo hợp lý cả đại trà và mũi nhọn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bậc học mầm non, bảo đảm hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đi học mẫu giáo. Rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ cấp học phổ thông, đặc biệt ở cấp đại học.

4. Tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. Rà soát lại toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông, khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Chuẩn bị xây dựng và triển khai thực hiện bộ chương trình giáo dục phổ thông mới, theo hướng hiện đại, phù hợp và có hiệu quả; tăng thời gian tự học, tự tìm hiểu cho học sinh, gắn bó chặt chẽ giữa học lý thuyết và thực hành. Đổi mới, hiện đại hoá chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình các môn khoa học xã hội, nhân văn, nhất là các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

5. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhất là những nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề, phát triển trung tâm dạy nghề quận/ huyện. Triển khai tích cực các chương trình đào tạo nghề cho học sinh các dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Kết hợp chặt chẽ việc đào tạo nghề với việc bồi dưỡng, phổ biến kiến thức kỹ thuật cho nông dân. Sớm điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý về trình độ đào tạo, ngành nghề, dân tộc, vùng miền.

6. Đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục. Đổi mới căn bản chính sách sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng năng lực thực tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, chú trọng quản lý chất lượng giáo dục. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục. Chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng; không để tồn tại các trường đào tạo có chất lượng kém, giải thể những trường không đảm bảo về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Thực hiện phân cấp, tạo động lực và sự chủ động cho các cơ sở giáo dục. Thực sự coi trọng vai trò của khoa học giáo dục. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, gắn với nghiên cứu khoa học với đào tạo, sản xuất và đời sống, giải quyết tốt những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình đổi mới giáo dục.

7. Tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Chuẩn hoá trong đào tạo, tuyển chọn và sử dụng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nhà nước cần thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về vật chất và tinh thần để thu hút những người giỏi làm công tác giáo dục.

8. Tăng cường nguồn lực cho giáo dục: ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia, khắc phục tình trạng bình quân, dàn trải. Không ngừng đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Thực hiện tốt chủ trương xây dựng ký túc xá sinh viên và nhà công vụ cho giáo viên ở vùng khó khăn. Hoàn thiện và bổ sung cơ chế chính sách đối với trường ngoài công lập. Thực hiện tốt xã hội hóa giáo dục; Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục-đào tạo, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tích cực tham gia các hoạt động phát triển giáo dục. Xây dựng cơ chế quản lý, giám sát mọi nguồn đầu tư của xã hội cho giáo dục.

Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục-đào tạo nhằm góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, mở rộng qui mô và đảm bảo công bằng trong giáo dục; thực hiện chế độ học bổng, học phí ở mầm non và giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư. Miễn học phí cho con gia đình chính sách, các hộ nghèo, giảm học phí cho con em hộ cận nghèo và hỗ trợ cho con em các hộ có thu nhập rất thấp. Học phí đào tạo nghề nghiệp từ bậc sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa nhà nước và người học. Thực hiện cho học sinh học nghề, sinh viên gia đình có cảnh khó khăn được vay để học.

9. Đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục: Nhà nước tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ với việc bổ túc nâng cao trình độ cho đối tượng cử tuyển. Quan tâm đào tạo cán bộ vùng dân tộc (cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở). Tiếp tục phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú, thực hiện tốt các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số. Đặc biệt chú ý đến con thương binh, liệt sĩ, con gia đình có công với nước, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh khuyết tật thông qua phát triển các loại quĩ khuyến học, khuyến tài trong các tổ chức xã hội, trong các cộng đồng dân cư.

10. Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục-đào tạo: Giáo dục trong thời kì hội nhập quốc tế phải bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ và định huớng xã hội chủ nghĩa, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Mở rộng hợp tác đa phương gắn với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân về giáo dục và đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư nước ngoài cho giáo dục, ưu tiên lĩnh vực đào tạo đại học, sau đại học và giáo dục nghề nghiệp; có cơ chế, chính sách thu hút các nhà giáo, nhà khoa học người nước ngoài tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện tốt việc đưa cán bộ, học sinh, sinh viên có đạo đức và triển vọng đi đào tạo ở nước ngoài, chú trọng các ngành mà đất nước có nhu cầu bức thiết; đồng thời tăng cường quản lý việc học tập, sinh hoạt của lưu học sinh./.

PGS,TS. Nghiêm Đình Vỳ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất