Thứ Năm, 26/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 15/8/2010 21:39'(GMT+7)

Thời cơ hay trái chín rụng ?

Hơn sáu thập kỷ qua, biết bao chính trị gia và nhà sử học, cả trong nước và ở nước ngoài, đã dày công nghiên cứu và đưa ra nhiều kết luận về thời cơ vàng của Cách mạng Tháng Tám, về những nguyên nhân dẫn đến thời cơ ấy và đặc biệt là về nghệ thuật nắm bắt thời cơ để giành thắng lợi.

Có ý kiến của một số kẻ cố tình xuyên tạc lịch sử cho rằng: Năm 1945, Việt Minh gặp cái may hiếm có là Pháp  thì bị Nhật lật đổ, rồi Nhật lại bị Ðồng minh đánh bại, tình hình chính trị giống như một trái chín cây đang rụng. Việt Minh đã nhanh tay nhanh chân chìa ra hứng trái rụng đó chứ chẳng có tài ba, công trạng gì (!).

Thật ra, thời cơ đâu phải tự trên trời rơi xuống. Càng không phải do một vài yếu tố ngẫu nhiên nào đó tạo ra.

Thời cơ của Cách mạng Tháng Tám, trên thực tế, đã được chuẩn bị từ 15 năm trước, kể từ ngày Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời và nhận lãnh sứ mạng lãnh đạo cách mạng.

Bước chuẩn bị đầu tiên là ba cuộc diễn tập lớn: Xô-viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 và Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940.

Bước chuẩn bị tiếp theo và có ý nghĩa quyết định nhất là cao trào cứu nước 1940 - 1945, trong đó những dấu mốc quan trọng là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Ðảng và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh (1941). Ðây là thời kỳ thời cơ nối tiếp thời cơ.

Ngay từ giữa năm 1940, vào lúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai lan rộng khắp Âu, Á, Phi, Pháp đầu hàng phát-xít Ðức, quân phiệt Nhật hầm hè tiến vào chiếm đóng Ðông Dương, Ðảng ta đã nhìn thấy trong mối hiểm họa khôn lường đó đang hé mở một thời   cơ.  Trung   ương   Ðảng ra Tuyên ngôn nêu rõ: "Cơ hội tốt có một không hai đã tới. Cơ hội đánh đổ đế quốc thuộc địa đã tới. Cơ hội đánh đổ phát-xít Nhật đã tới". Và: "Không còn do dự, phải quyết liệt nổi lên giương cao ngọn cờ cách mạng", "Ðảng Cộng sản chúng tôi tha thiết kêu gọi đồng bào" và "tình nguyện đi tiên phong cảm tử".(1)

Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ tám của Trung ương ra Nghị quyết: "Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".(2) Trong bức thư Kính cáo đồng bào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: "Nay cơ hội giải phóng đã đến rồi... muốn đánh Pháp Nhật ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết. Trong lúc quyền lợi giải phóng dân tộc cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi, lửa bỏng".

Mùa đông năm 1942, Quân đội Xô-viết tiêu diệt một khối quân lớn của Ðức ở Xta-lin-grát làm xoay chuyển tình thế cuộc chiến tranh thế giới. Quân đội Nhật Bản bị sa lầy ở châu Á, quân đội I-ta-li-a tan rã ở châu Phi. Cục diện chiến tranh có lợi cho phe Ðồng minh chống phát-xít.

Ðể kịp ứng phó với tình hình, tháng 2-1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định thi hành một loạt biện pháp nhằm mở rộng nhanh chóng phong trào cứu quốc, phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của quần chúng, củng cố các căn cứ địa, tiến lên thành lập các chiến khu, chuẩn bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc để giành chính quyền. Hội nghị dự báo mâu thuẫn Nhật - Pháp ở Ðông Dương như cái nhọt bọc sắp đến lúc vỡ mủ.

Ngày 9-3-1945, cái nhọt bọc ấy đã vỡ mủ thật. Nhật đảo chính Pháp và độc chiếm quyền thống trị ở Ðông Dương. Thật oái oăm cho chúng. Giữa lúc người cầm đầu các lực lượng Thiên hoàng ở Ðông Dương mở một cuộc dạ yến lớn mời các nhân vật chóp bu của Pháp đến dự rồi chĩa súng lùa tất cả vào nơi giam giữ thì  tại một địa điểm cách Hà Nội không xa (Ðình Bảng, Bắc Ninh), Ban Thường vụ Trung ương Ðảng ta cũng chớp nhoáng họp và ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Nhận định "Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi". Chỉ thị đã nêu lên một loạt công việc cần kíp phải làm để tiến tới một cuộc tổng khởi nghĩa dù quân Ðồng minh có đổ bộ hay không đổ bộ vào Ðông Dương.

Tháng 5-1945, quân Ðồng minh tổng công kích Béc-lin. Hít-le tự sát. Ðức phát-xít đầu hàng. 5 triệu quân Nhật bị rải ra gần khắp châu Á, lực còn mạnh nhưng thế khác nào cá nằm trên thớt.

Ðầu tháng 8-1945, quân đội Xô-viết tiến công như vũ bão đánh sập đội quân Quan Ðông của Nhật ở Mãn Châu. Mỹ thả bom nguyên tử trên đất Phù Tang. Ngày 13-8 năm ấy, Nhật Bản đầu hàng không điều kiện.

Thời cơ trăm năm có một đã đến. Dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, Quốc dân Ðại hội Việt Nam họp tại Tân Trào. Ngay sau khi nhận được tin Nhật Bản đầu hàng, 11 giờ đêm 13-8, từ Tân Trào đã phát ra Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Rạng sáng 14, Tổng bộ Việt Minh ra hiệu triệu: "Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh... Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân!".

Mấy chục triệu đồng bào ta nhất tề đứng lên. Cách mạng Tháng Tám là cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu nhất, cũng là thắng lợi vĩ đại nhất của dân tộc ta trong cuộc chiến đấu chống ách đô hộ của thực dân Pháp suốt 80 năm.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới rằng "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập".

Các nhà viết sử không gặp khó khăn gì để khám phá sự huyền diệu mà không huyền bí của thời cơ Cách mạng Tháng Tám. Cuộc cách mạng đã nổ ra và thành công ngay sau khi Nhật đầu hàng Ðồng minh chưa đầy một tuần lễ. Và cũng với một thời gian không nhiều hơn thế, nền độc lập thật sự của Việt Nam đã được tuyên bố ngay trước khi quân Ðồng minh tiến vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật. Ðiều gì sẽ xảy ra nếu cuộc Tổng khởi nghĩa bùng nổ chậm vài tuần? Cả hai thế lực "nhập Việt", quân Tưởng ở miền bắc và quân Anh ở miền nam đều có dã tâm ngăn chặn cách mạng Việt Nam thắng lợi, kẻ thì "diệt Cộng cầm Hồ", kẻ thì che ô cho thực dân Pháp khôi phục lại nền thống trị.

Ta đã thắng trong cuộc chạy đua về thời gian, "đem sức ta giải phóng cho ta". Ta đã tiếp quân Ðồng minh với tư cách người chủ của đất nước chứ không phải với thân phận kẻ nằm chờ họ ban ơn.

Tài ba và công trạng của Bác Hồ, của Ðảng ta, của Việt Minh là thế đấy: đã chuẩn bị chu đáo cho thời cơ, sáng tạo ra thời cơ và kịp thời nắm bắt thời cơ! Ðâu có chuyện há miệng chờ sung, nhanh chân nhanh tay hứng lấy cái trái chín đang rụng?

Hà Đăng
(Nguồn: TCCS điện tử)
_____________________________________

(1) Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, t 7, tr 13.

(2) Sđd, t 7, tr 113.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất