Thứ Năm, 21/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 27/6/2022 8:32'(GMT+7)

Bắc Giang: Nâng cao ý thức chính trị XHCN vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Phụ nữ bản Khe Nghè, xã Lục Sơn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: baobacgiang.com.vn

Phụ nữ bản Khe Nghè, xã Lục Sơn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: baobacgiang.com.vn

Là tỉnh có 14,26 % dân số là người DTTS, sinh sống phổ biến ở các vùng miền núi, Bắc Giang luôn phải đối mặt với những khó khăn trong phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch, củng cố khối đại đoàn kết cộng đồng.

Xác định tầm quan trọng của chính sách dân tộc; củng cố và nâng cao ý thức chính trị XHCN cho đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn, trong những năm qua, ngoài việc duy trì thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, Bắc Giang còn ban hành những chính sách đặc thù của địa phương, như: chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho 36 thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2021; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình 135, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; chính sách định canh định cư theo Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng giai đoạn 2011-2015; nhiều nhóm chính sách về y tế, phát triển giáo dục và đào tạo...

Sau 10 năm thực hiện công tác dân tộc (2011-2021), diện mạo vùng DTTS và miền núi trên địa bàn Bắc Giang về cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng DTTS và miền núi; cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính sách của Đảng và Chính Phủ đối với miền núi là rất đúng đắn, trong chính sách có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết và nâng cao đời sống của đồng bào”(1); chứng minh sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền Bắc Giang trong tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới, góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, giữa vùng dân tộc với các vùng khác trong tỉnh, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, có tác dụng to lớn đến củng cố, phát triển ý thức chính trị XHCN cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, phần lớn nhân dân vùng DTTS và miền núi luôn giữ vững lập trường, quan điểm chính trị đúng đắn. Trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và sự xuyên tạc, chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, hầu hết đồng bào, nhân dân vùng DTTS và miền núi vẫn thể hiện rõ niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo, sáng suốt của Đảng, sự tốt đẹp của chế độ XHCN, sự thành công của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Tuy nhiên, do môi trường, hoàn cảnh sống ở địa bàn rừng núi, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội cho nên trình độ nhận thức, sự hiểu biết về các vấn đề chính trị - xã hội còn có những cách biệt đáng kể so với thành phố, thị xã. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch tìm mọi cách tuyên truyền, chống phá... Sự chống phá đó đã tác động không nhỏ đến sự phát triển ý thức chính trị XHCN vùng DTTS và miền núi.

Những hạn chế về ý thức chính trị XHCN xuất phát từ tập quán, nếp nghĩ, lối sống, thói quen lạc hậu - không phù hợp với sự vận động và phát triển trong điều kiện mới cộng với sự phát triển kinh tế vùng DTTS và miền núi trong tỉnh nhìn chung còn chậm; công tác triển khai thực hiện các chương trình, dự án, công trình về kết cấu hạ tầng, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật chưa tạo bước đột phá; chính sách giảm nghèo chưa thật sự bền vững; công tác đào tạo nghề chưa gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng lao động; tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định... Những hạn chế, khó khăn này là lực cản trong quá trình hình thành, phát triển và nâng cao ý thức chính trị XHCN vùng DTTS và miền núi ở tỉnh Bắc Giang hiện nay. Trong thời gian tới, một số nội dung và giải pháp cơ bản được xác định là:

Một là, đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục.

Thực tiễn đã khẳng định việc nâng cao ý thức chính trị XHCN của vùng DTTS và miền núi là một nhân tố cơ bản của xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh. Vì vậy, đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục là giải pháp cơ bản, góp phần trực tiếp nâng cao hiểu biết về chính trị, ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương; đồng thời củng cố tri thức, niềm tin, tình cảm, nâng cao trình độ và lập trường chính trị của đồng bào. Tiến hành có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục, động viên ý thức chính trị XHCN đối với nhân dân vùng DTTS và miền núi còn góp phần tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, làm cho quan hệ đó được củng cố và phát huy.

Theo đó, cần thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt chú ý đến các xã, thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào tôn giáo. Củng cố lòng tin, tình cảm, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ quê hương; xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ, phát huy tính tích cực tự giác của mỗi công dân trong giữ vững ổn định chính trị xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và miền núi. Bằng nhiều biện pháp làm cho mọi tầng lớp nhân dân vùng DTTS và miền núi nhận thức đầy đủ tình hình, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ đó đề cao cảnh giác, xác định trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 25/10/2021, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tổ chức biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021. Nhân dịp này, 62 cá nhân là những tấm gương điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021 được UBND tỉnh Bắc Giang và Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang khen thưởng. Trong ảnh: Các cá nhân xuất sắc nhận bằng khen của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Ngày 25/10/2021, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tổ chức biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021. Nhân dịp này, 62 cá nhân là những tấm gương điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021 được UBND tỉnh Bắc Giang và Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang khen thưởng. Trong ảnh: Các cá nhân xuất sắc nhận bằng khen của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Căn cứ vào điều kiện của từng địa bàn xã, thôn, bản để vận dụng hình thức, phương pháp thiết thực phù hợp trên cơ sở quán triệt phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; phải chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc, sử dụng nhiều phương thức phù hợp với đặc điểm nhân dân ở từng xã, thôn, bản. Tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả các hình thức tổ chức hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các cơ quan với địa phương; làm tốt công tác dân vận, tăng cường cán bộ cho cơ sở các vùng miền núi; lồng ghép những nội dung tuyên truyền, giáo dục, động viên chính trị thông qua các hoạt động phong trào, các ngày lễ lớn và sự kiện chính trị trọng đại, các lễ hội (Lễ hội Thổ Hà, Lễ hội Yên Thế, Lễ hội Y Sơn, Lễ hội Đền Suối Mỡ, Lễ hội Tiên Lục, Lễ hội vật cầu nước làng Vân,…) và các loại hình văn hóa dân tộc trên địa bàn để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng DTTS và miền núi vững mạnh.

Xây dựng đảng bộ, chi bộ xã, thôn, bản trong sạch vững mạnh, có sức chiến đấu cao, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt là nhân tố quyết định sự ổn định và phát triển ý thức chính trị XHCN vùng DTTS và miền núi. Theo đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng lãnh đạo và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt; củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng quản lý đảng viên, sinh hoạt đảng và phát triển đảng viên, chăm lo đến lợi ích của đảng viên người dân tộc để họ ổn định cuộc sống, tận tâm với công việc của địa phương, quan tâm tới lực lượng thanh niên người dân tộc địa phương. Chú trọng đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo và lề lối công tác. Xây dựng quy chế làm việc, chương trình hoạt động, kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng, hàng tuần, xác định trọng tâm, công tác cấp bách cho từng giai đoạn.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ công tác dân tộc cấp xã, bản và đội ngũ người có uy tín để thường xuyên nắm tình hình đời sống, sản xuất, dư luận xã hội vùng DTTS và miền núi, đặc biệt là các điểm mâu thuẫn, phức tạp. Qua đó phát huy vai trò lãnh đạo và tăng cường mối quan hệ với nhân dân, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tranh thủ các chức sắc tôn giáo chính thống, tránh kỳ thị tôn giáo và hướng dẫn tôn giáo vào chấp hành và thực hiện các nghị quyết của địa phương, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo mê hoặc quần chúng nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Xây dựng chính quyền xã, thôn, bản vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thực sự là của dân, do dân, vì dân; củng cố và nâng cao năng lực quản lý của chính quyền về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; củng cố, hoàn thiện bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Theo đó, với vai trò của mình, cấp ủy, cơ quan chính trị tỉnh và huyện cần giúp chính quyền địa phương tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân; cải cách hành chính theo phương châm phục vụ nhân dân, giải quyết nhanh chóng và đúng đắn các công việc quan hệ trực tiếp với nhân dân. Giáo dục nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản thực sự là công bộc của dân, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức, phong cách và kỹ năng công tác, nhất là về công tác dân tộc và tôn giáo cho cán bộ chính quyền cơ sở, giúp họ nâng cao hiểu biết, kịp thời phát hiện và xử lý đúng đắn những kẻ lợi dụng tôn giáo mê hoặc đồng bào. Phát huy vai trò của đội ngũ trưởng thôn, bản và vai trò của cán bộ dân tộc tại địa phương đã nghỉ hưu vào xây dựng chính quyền vùng đồng bào DTTS.

Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng. Quá trình nâng cao ý thức chính trị xã hội vùng DTTS và miền núi cần căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, với thái độ chân thành, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong tham gia xây dựng, củng cố chính quyền, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân. Phối hợp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và xây dựng cuộc sống mới ở địa bàn dân cư. Vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết của HĐND và quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh, huyện, các chương trình của MTTQ. Phát huy các hình thức kết nghĩa, giao lưu, cử cán bộ trực tiếp tham gia sinh hoạt, xây dựng các phong trào hành động cách mạng… Thường xuyên bám sát các hoạt động để qua đó phát hiện những nhân tố tích cực, hạt nhân của các tổ chức giúp đỡ tạo nguồn cho tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể; gắn các hoạt động của tổ chức quần chúng với kế hoạch phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng. Tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền ở cơ sở, đấu tranh chống tham nhũng và tệ nạn xã hội ở địa phương.

Ba là, thường xuyên giúp đỡ vùng DTTS và miền núi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ổn định cuộc sống.

Giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; thay đổi tập quán làm ăn cũ, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Tạo điều kiện để nhân dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn thâm canh với các cây có thế mạnh. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích cho năng xuất và giá trị thấp. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng cao. Phát huy thế mạnh về rừng, có chính sách để đồng bào, nhất là đồng bào DTTS và miền núi tại chỗ có thể sống tốt, ổn định và làm giàu bằng nghề rừng. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định bảo đảm sự phát triển lâu dài, bền vững về kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức về nội dung, tầm quan trọng, sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong tổ chức thực hiện. Thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước về công tác dân tộc năm 2022; kế hoạch đầu tư công vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022. Chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là tại 66 thôn đặc biệt khó khăn, tập trung tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang theo Quyết định số 433/QĐ-UBDT, ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc.

Dự án cải tạo nâng cấp đường trục xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Dự án cải tạo nâng cấp đường trục xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của vùng DTTS và miền núi… Đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng tiêu chí và số lượng trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia; làm tốt công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và miền núi; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện để đồng bào, nhất là trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Phát huy giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt của các dân tộc, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang.

Bốn là, củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi.

Xây dựng củng cố trận địa tư tưởng và nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là nhân dân ở các thôn, bản, làng vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Làm cho nhân dân vùng DTTS và miền núi có lòng tin sắt đá vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định với mục tiêu con đường XHCN. Phát huy vai trò, khả năng của những người có uy tín, đồng thời phối hợp và động viên trưởng bản, trưởng thôn… tuyên truyền vận động nhân dân giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội ở từng xã, thôn, bản.

Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên nắm vững địa bàn, tình hình, cơ cấu, dân số thành phần dân tộc, tôn giáo, chất lượng chính trị dân cư, trình độ dân trí và đội ngũ cán bộ thôn, bản, làng, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và những vấn đề đặt ra ở địa phương. Phát huy vai trò của các tổ chức, đặc biệt là nâng cao năng lực lãnh đạo chính trị, tăng cường sức chiến đấu trên mặt trận chính trị của tổ chức đảng ở địa bàn nâng cao công tác quản lý chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh, nhạy bén trước thủ đoạn, luận điệu phá hoại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá nhất là thủ đoạn “nuôi dưỡng các thế lực dân chủ”; các hoạt động chống phá thông qua danh nghĩa “viện trợ nhân đạo”, “trợ giúp khó khăn”… vạch rõ âm mưu thủ đoạn của kẻ địch, không lơ là mất cảnh giác. Quản lý chặt chẽ tổ chức và đội ngũ cán bộ. Xây dựng ý thức phòng chống “diễn biến hòa bình” thành phong trào tự giác cho mọi người, mọi tổ chức ở vùng DTTS và miền núi. Tăng cường công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng thế trận quốc phòng an ninh, thế trận an ninh nhân dân ở cơ sở vững mạnh. Xây dựng bản, làng, xã vững mạnh về quốc phòng an ninh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Xây dựng vành đai, địa bàn an toàn. Chủ động phát hiện, ngăn ngừa, giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương./.

TS. Bùi Văn Huấn - ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà
Trường chính trị Bắc Giang

_____________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.10, tr.608.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất