Với sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang từng ngày ấm no, hạnh phúc. Dù Bác chưa một lần đến Tây Nguyên, nhiều người Tây Nguyên vẫn chưa một lần gặp Bác, nhưng tình cảm của Người đối với đồng bào Tây Nguyên và tấm lòng của người Tây Nguyên một lòng hướng về Bác đã trở thành nguồn động viên to lớn không chỉ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà còn có ý nghĩa lớn lao trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương, đất nước hôm nay.
Bà Y Xuôi, dân tộc Xê Ðăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kể: Trong đời hoạt động cách mạng của mình, vinh dự có ba lần được gặp Bác Hồ. Vinh dự nhất là ngày 1-5-1962, Trường Dân tộc Nội trú Trung ương được đón Bác đến thăm. Y Xuôi là một trong bốn học sinh xuất sắc được nhà trường chọn biểu dương và được đem hoa kính dâng Bác. Bác Hồ đã nắm tay Y Xuôi thật chặt. Bà kể, năm 1960, lúc đó bà mới hơn 10 tuổi, được cơ sở cách mạng đưa ra miền bắc học tập. Lúc này để ra được miền bắc phải vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, lội suối, trèo đèo, đi bộ hàng tháng trời. Có những lúc mệt tưởng như không thể đi được nữa, nhưng nghĩ đến việc được ra miền bắc XHCN, được gặp Bác Hồ là tinh thần lại phấn chấn hẳn lên. Và chính những lần được gặp Bác Hồ, được Bác hỏi thăm, động viên là động lực lớn lao để Y Xuôi quyết tâm học tập tốt, công tác tốt.
Ở tỉnh Kon Tum, hầu như gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nào cũng đều treo ảnh Bác Hồ. Ảnh Bác được treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, và được tặng ảnh Bác Hồ là một món quà quý giá nhất đối với họ. Có lần tại làng Kon Ling, xã Ðác Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, bà con Xê Ðăng đã tổ chức Lễ rước ảnh Bác Hồ về nhà mình thật linh thiêng và cảm động. Món quà ảnh Bác Hồ là phần thưởng của cuộc thi chung kết của làng Kon Ling kể chuyện tấm gương đạo đức của Bác. Cuộc thi ban đầu do Trường THCS của xã tổ chức, sau đó đã lan tỏa ra cả sáu làng trong xã, phần thưởng nhà trường dành cho những người đoạt giải là tấm ảnh Bác Hồ. Cả làng vui mừng đón ảnh Bác, tổ chức các đoàn rước ảnh Bác về từng nhà. Già làng A Sinh kể: Ngày xưa dân mình đã đi theo Bác Hồ, theo Ðảng đánh giặc Pháp, giặc Mỹ, những năm chiến tranh, bà con vẫn hằng mong ngày đất nước thống nhất, được đón Bác vào thăm. Bây giờ, Bác Hồ đã về với buôn làng, với từng nhà bà con mình rồi. Bà con dân làng mình lo làm ăn, để không còn cái đói, cái nghèo, để Bác Hồ vui, Bác ở lại với dân làng.
Nhà văn Kim Nhất có lẽ là một trong số ít những người có vinh dự được gặp Bác Hồ, theo lời chị kể: "Khi còn là một cô bé con ở buôn làng, tôi vẫn thường tưởng tượng Bác là một ông thần. Không chỉ riêng tôi, nhiều người dân Ba Na vẫn nghĩ Bác là Giàng trên trời xuống trần gian cứu cho đồng bào khỏi giặc ngoại xâm. Khi ra học ở Hà Nội, được gặp Bác bằng xương bằng thịt, tôi mới thấy Bác thật gần gũi, giản dị, hiền từ, là một ông tiên giữa trần gian chứ đâu phải vị thần nào đó cao xa trên trời". Trong ký ức của nhà văn Kim Nhất, ấn tượng nhất là những lần Bác đến Trường Dân tộc Nội trú Trung ương thăm học sinh. Mỗi lần đến trường, Bác thường hỏi thăm sức khỏe học sinh, kiểm tra nhà bếp có sạch không, các thầy giáo, cô giáo dạy học có tốt không, quần áo, chăn màn có đủ ấm không. Khi Kim Nhất trở thành diễn viên ca múa trong Ðoàn văn công Tây Nguyên, năm 1959, chị mới có cơ hội tiếp xúc với Bác thật gần. Chị xúc động nhớ lại: "Hôm ấy, tim tôi như muốn bật ra khỏi lồng ngực khi nhìn thấy Bác Hồ trong bộ quần áo ka-ki bạc mầu cùng mái tóc bạc phơ với nụ cười rất hiền. Bác ôm hôn tôi và hỏi tôi đi xe có bị say không, rồi Bác hỏi thăm cha mẹ tôi và bà con Tây Nguyên. Lần đó, nhìn thấy tôi mặc trang phục dân tộc Tây Nguyên, Bác đã khóc, có lẽ Bác nhớ thương đồng bào Tây Nguyên và cả miền nam...". Ðược gặp Bác Hồ nhiều mà lần nào trái tim nhà văn Kim Nhất cũng bồi hồi, xúc động, muốn ở lại thật lâu, trò chuyện với Bác thật nhiều. Chị tâm sự: "Bất cứ ai cũng muốn mãi ở bên một nhân cách lớn như Bác Hồ kính yêu. Dù Bác chưa có dịp đến Tây Nguyên nhưng Bác vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân Tây Nguyên. Bây giờ, mỗi lần được đi thăm Lăng Bác, tôi đều thầm thì gọi: Bác ơi, như ước nguyện của Bác, đất nước đã hòa bình, đang trong công cuộc xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để sánh vai với các cường quốc năm châu".
Cô Nay HWin, dân tộc Gia Rai, Nhà giáo Ưu tú, nguyên là diễn viên Ðoàn văn công Tây Nguyên, nay đã về hưu nhớ lại: "Tôi được gặp Bác ba lần. Tôi nhớ nhất lần sau cùng, khi biểu diễn cho Bác và đoàn khách nước ngoài xem, Bác đến và hỏi tôi: "Sao độ này cháu Win gày thế, cháu Kim Nhất đi đâu, sao hôm nay không có mặt?". Rồi bằng giọng trầm ấm Bác bảo: "Các cháu cần ăn nhiều vào và mặc cho ấm. Mùa đông ở miền bắc lạnh lắm dễ bị sưng phổi. Các cháu cần phải học thật tốt để sau này về giúp đồng bào Tây Nguyên". Ông Ðinh Chăm, dân tộc Ba Na ở làng KTu, xã Kon Gang, huyện Ðác Ðoa (Gia Lai) kể về giữ gìn tấm ảnh Bác Hồ đã khiến cho nhiều người xúc động. Vào một ngày của năm 1960, xã Kon Gang mở Ðại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, có nhiều đại biểu cấp trên về dự. Buổi họp chuẩn bị khai mạc, nhưng không có ảnh Bác Hồ trên bàn lễ, mọi người ai cũng cảm thấy như kém phần trang trọng nhưng chẳng biết phải làm sao. Giữa lúc ấy, ông Ðinh Chăm xuất hiện và nói: "Có ảnh Bác Hồ đây rồi, mình đã giữ ảnh Bác hàng chục năm nay...". Vừa nói bác vừa lấy tấm ảnh Bác Hồ giấu trong ống nứa ra "Ðây là cách bảo vệ Bác bí mật nhất!" - ông Ðinh Chăm bảo vậy và rồi ai nấy cũng đều cười vui...
Không phải ngẫu nhiên mà ở TP Plây Cu (Gia Lai) lại có một Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum. Ðược xây dựng từ năm 1984, trên cơ sở thực hiện ý nguyện chung của các tầng lớp nhân dân các dân tộc Gia Lai - Kon Tum (khi ấy chưa chia tách) rằng: "Không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác vào ở ", Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ra Nghị quyết số 58, ngày 8-5-1981, về xây dựng "Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh" để nhân dân các dân tộc trong tỉnh đến tham quan, thăm viếng và là nơi giáo dục tư tưởng, đạo đức của Người cho các thế hệ mai sau. Khởi công từ ngày 2-9-1982, sau hai năm khẩn trương thi công với sự đóng góp tích cực bằng cả tấm lòng, công sức, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 94 Ngày sinh của Người, ngày 19-5-1984, công trình được khánh thành và đi vào hoạt động. Về sau này, được Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ra Nghị quyết công nhận Nhà trưng bày trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum và là công trình duy nhất tưởng niệm Bác ở khu vực Tây Nguyên. Từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng không chỉ đón tiếp hàng triệu lượt đồng bào Tây Nguyên và cả nước đến thăm, dâng hương tưởng niệm mà còn vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước đến thăm động viên và nhiều đoàn du khách.
Ông Y Kuâr, dân tộc M’Nông ở buôn Ta Mung, xã Trường Xuân, huyện Ðác Song, tỉnh Ðác Nông năm nay đã ngoài 90 tuổi. Mặc dù chưa được gặp Bác lần nào, nhưng khi được chúng tôi hỏi về Bác Hồ, mắt ông như sáng ra, khuôn mặt ông rạng ngời, lòng ông dâng trào niềm cảm xúc và tự hào như nhớ về người cha, người bác gần gũi với buôn làng Tây Nguyên. Uống ly nước trà xanh thơm lừng hương vị của núi rừng, ông chậm rãi kể: Ông sinh ra, lớn lên ở Tây Nguyên và chưa một lần được gặp Bác, nhưng từ lúc còn trẻ, theo cha mẹ đi kháng chiến ăn, ở trong rừng, ông đã nghe kể nhiều về Bác. Những tình cảm của Bác dành cho đồng bào Tây Nguyên thật lớn lao, đã trở thành nguồn động viên lớn cho bản thân ông cũng như những người thân trong gia đình và buôn làng trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Lúc đó, cuộc sống của đồng bào vùng nam Tây Nguyên rất gian khổ, vừa chịu sự đàn áp, áp bức tàn bạo của kẻ thù, vừa bị bom đạn chiến tranh tàn phá, cuộc sống chỉ biết dựa vào núi rừng để sống. Nương rẫy bị bom đạn chiến tranh tàn phá, tình trạng đói cơm, lạt muối luôn xảy ra, bà con phải kéo nhau vào rừng đào củ mài ăn thay gạo. Rừng thiêng, nước độc, cuộc sống bà con luôn đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm rình rập. Dẫu vậy, đồng bào vẫn một lòng, một dạ theo Ðảng và Bác Hồ đứng lên kháng chiến cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn cũng như vượt qua khó khăn chung sức, chung lòng xây dựng buôn làng giàu đẹp hôm nay. Dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình trong buôn, phần lớn đều xây dựng được nhà kiên cố, trong buôn không còn nhà tranh tre, nứa lá tạm bợ. Con đường giao thông chính giữa buôn đã được nhựa hóa. Hầu hết các gia đình đều được sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất; trẻ em trong buôn đều được đến trường học tập trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp... Chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ của buôn làng, ông Y Kuâr khẳng định: "Nhờ ơn Ðảng và Bác Hồ, đồng bào mình mới có được cuộc sống như ngày hôm nay".
Dù chưa một lần đến Tây Nguyên nhưng trong lòng mỗi người dân nơi đây đều có Bác. Bác Hồ trong lòng các dân tộc Tây Nguyên là vậy đó. Với tình cảm sâu nặng và niềm tin sắt đá dành cho Bác, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đoàn kết xây dựng cuộc sống mới đàng hoàng hơn năm xưa.
Theo Nhân Dân