Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 14/4/2012 10:16'(GMT+7)

Người cựu chiến binh vượt khó làm giàu

“Vốn là lính thuộc Trung đoàn 2, Quân đoàn 4, đóng tại Tây Ninh, bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia, trong những năm tháng đó, dù bị nhiều vết thương nhưng anh Oanh vẫn xin ở lại để tiếp tục chiến đấu. Sau khi vết thương tái phát, năm 1982, anh giải ngũ về quê tham gia công tác đoàn tại xã và phát triển kinh tế gia đình.
Hai vợ chồng anh bắt đầu lập nghiệp bằng việc tự đóng gạch để xây nhà. Có được chỗ trú chân, vợ chồng anh bắt đầu tập trung vào sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Năm 1986, anh chị thuê đầm thả cá trắm đen cho giá trị kinh tế cao. Bao công sức của vợ chồng anh dồn hết cho khu đầm cá với hy vọng sẽ làm thay đổi cuộc sống và dành dụm chút vốn cho con ăn học. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, công sức đầu tư cho đầm cá chưa được thu hoạch thì cơn lũ lịch sử năm 1990 đã nhấn chìm toàn bộ ... Gia đình rơi vào cảnh trắng tay.

Với bản lĩnh người lính cụ Hồ, cựu chiến binh Đỗ Quốc Oanh tiếp tục lao vào sản xuất, quyết tâm làm lại từ đầu. Vợ chồng anh chạy lo vay mượn tiền từ anh em bạn bè để đầu tư lại vào khu đầm. Trời không phụ lòng người, sau nhiều năm vất vả, gia đình anh bắt đầu thu được những kết quả đầu tiên. Kinh tế ngày một khấm khá giúp anh quyết tâm hơn trong công việc và cuộc sống.

Hiện nay, gia đình anh nhận 150ha đầm trồng một vụ lúa và nuôi một vụ cá. Anh chủ yếu tập trung nuôi cá trắm đen, chép, cá quả, tôm và cua đồng. Bên cạnh đó, anh còn chăn nuôi gà, vịt, trâu và trồng rừng. Trừ chi phí, anh còn thu được từ 550 - 600 triệu đồng/năm. Anh cho biết: mô hình một vụ lúa, một vụ cá thực sự mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài việc nuôi các loại cá truyền thống, mô hình nuôi cua đồng thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể áp dụng rộng rãi tại nhiều vùng quê của Việt Nam.

Theo anh Oanh, người nuôi cua đồng có thể chủ động về con giống chỉ sau một vụ nuôi. Khi chọn được cua bố mẹ của vụ trước sẽ cho vào bể nuôi phục vụ cho vụ sau. Đến tháng 3 hàng năm, cua bố mẹ được thả ra đồng lúa, số cua này sẽ tự tìm thức ăn và sinh sản. Sau hơn hai tháng là thu hoạch được cua thương phẩm. Mùa thu hoạch, mỗi ngày anh thu trung bình trên một tạ cua với giá bán cho thương lái tại chỗ từ 60- 70.000đ/kg, bình quân một ngày thu gần 7 triệu đồng. Kết thúc vụ thu hoạch, anh để lại số cua bố mẹ cho những năm sau.


Ngoài diện tích nuôi thủy sản, đến nay gia đình anh đã tích tụ được 9ha ruộng, nhận thầu 150ha đất nông nghiệp trồng lúa theo hướng cơ giới hóa, áp dụng máy móc từ khi làm đất đến khi thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa cung ứng cho thị trường. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 15 lao động với mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng và tăng lương theo mùa vụ.


“Tài sản lớn nhất của vợ chồng chúng tôi là đã nuôi được 3 đứa con ăn học thành người. Hiện nay, cả 3 cháu đã có công ăn việc làm ổn định, được kết nạp là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và niềm vui lớn hơn với anh bây giờ là giúp được nhiều hộ gia đình trong xã làm ăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Gia đình anh luôn để một khoản tiền lưu động từ 500 đến 700 triệu đồng để cho các hộ nghèo trong xã vay không tính lãi phục vụ cho sản xuất kinh doanh và nuôi con cái ăn học” – anh Oanh tâm sự.


Theo ông Nguyễn Như Tỉnh, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Đồng Ích, anh Đỗ Quốc Oanh là một Cựu chiến binh gương mẫu, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “thương bình tàn nhưng không phế” . Trong những năm qua, từ việc thầu đầm trồng lúa và nuôi thủy sản, anh đã đóng góp cho ngân sách xã khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia công tác đoàn thể và các hoạt động từ thiện xã hội. Anh đã nhiều lần được các cấp khen thưởng như: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNN và nhiều Bằng khen cấp tỉnh./.

Việt Dũng, Vũ Bắc (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất